Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

CÂU ĐỐI NĂM DẦN (Keng CV)



NĂM CANH DẦN
NHỚ LẠI MỘT CÂU ĐỐI


                                  
Năm  Canh Dần 2010, tôi có đọc được bài viết của Thế Sáng đăng trên THỜI BÁO VIỆT ĐỨC (02.2010):
    
Trong số 12 con vật tượng trưng cho một Giáp, Hổ được “phong “ là chúa sơn lâm.Hổ còn Có tên gọi khác:“Cọp“, „Hùm“,“Khái“,“Ông Ba Mươi“,thân dài, thuộc loài thú quý hiếm ,sống độc thân ở miền núi, rừng già, có loài nặng hơn 100 cân, lông thường vàng nhạt, với nhiều sọc vần nâu, đen…Câu chuyện cổ tích Việt Nam „trí khôn của ta đây“,Hổ bị người nông dân trói vào cột, thiêu cháy vần loang lổ, để dấu tích tận bây giờ, dùng để dạy học sinh tiểu học, nhờ trí thông minh, con người thống trị muôn loài, kể cả chúa sơn lâm. Đâu đó ở cổng làng, ta bắt gặp Hổ được tạc vào tường , nhe răng dọa tà ma và làm dựng tóc gáy những người yếu bóng vía trong đêm. Nhiều thành ngữ , tục ngữ lấy hổ ví von, như „hổ phụ sinh hổ tử“. Hoặc „hổ dữ chẳng cắn con“.“Hổ chết để da người ta chết để tiếng“.“Hổ tướng“,“Hổ không biết hổ“.

Nhờ uy nghi, bộ da hổ được giới nghệ nhân chế tác thành thảm trải nơi trướng gấm. Cao hổ cốt, quý hiếm như thần dược. Răng hổ được dùng làm thuốc chữa đau bụng. Vuốt hổ là biểu tượng sức mạnh, đồ trang sức đeo trước ngực trai tráng. Xác hổ nhồi bông bày nơi khảo cổ , làm trầm trồ bao du khách chiêm ngưỡng. Hổ quyền được miêu tả dưới triều Thành Thái : „Voi cái bước vào có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vuaThành Thái khen:“con này can đảm lắm“. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất
mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến, dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết…Trận Hổ quyền đẫm máu nhất vào năm 1750, ở cồn Dã Viên trên sông Hương, lần lượt 40 con voi đã giết chết 18 con hổ một cách khủng khiếp tương tự như thế…”.

Năm tôi học lớp 10, cũng là năm Dần, bắt đầu thích thích mấy bạn gái cùng lớp. Cả đám bạn rủ nhau đến nhà bạn Dần làng bên chơi dịp đầu năm. Khắp làng Dần chuyên nghề đan thúng, mủng, nong, nia, rủi, lờ,đơm, đó, rổ, rế, dần, sàng…Dần là con liệt sỹ, dòng dõi nho gia, học giỏi, hay giúp mẹ đan lát; xinh thì khỏi nói, được tôn là hoa khôi của lớp, vô khối chàng trai si tình”bị thương”…Dần lúc đó đang giúp mẹ đan rọ mèo, vui mừng vồn vã đón chúng bạn, giới thiệu với mẹ cùng đang đan lát, giữa cơ man đồ mây tre. Mẹ Dần vui chuyện bảo:Các cháu này, năm nay là năm Dần, tức là hổ. Miền xuôi không có hổ, người ta cứ gọi mèo là hổ đồng bằng , cô đan cái rọ này để nhốt mèo. Cô đố các cháu tìm vế câu đối này nhé: “Dần đan dần rọ hổ”. “Dần” đứng đầu câu là tên bạn Dần. Từ “dần “ thứ 2 là trạng từ chỉ mức độ hành động đan. Cả hai đều có nghĩa là hổ. Vậy là một câu có 5 chữ, có tới 3 chữ liên quan đến hổ.
Dần đan dần rọ hổ”, tròn 36 năm sau, tới năm Hổ này, tôi cùng chúng bạn vẫn “gãi tai” chưa tìm nổi vế đối, mà cô bạn Dần thì đã có cháu goị bằng bà…!“


Tôi sinh năm Canh Dần, thấm thoát 12 con giáp đã quay được 5 vòng,  nên tôi rất cảm phục mẹ cô Dần với câu đối: "Dần đan dần rọ hổ", khó thật đấy nên Anh Thế Sáng cùng chúng bạn "gãi tai" là phải.
 

Suy nghĩ mãi mạn phép tôi đưa ra vế đối:


             Câu đối:    Dần đan dần rọ hổ
   
              Vế đối :    Vương vấn vương lời vua

Vế đối của tôi chưa được chỉnh cho lắm, nhưng có thể sẽ giúp các anh bớt "gãi tai" một tý, bởi vì: Vương(vương) là tiếng Hán-tiêng Việt là vua, mà vua-chúa(sơn lâm) cũng là một, vấn cũng là động từ, vương cũng là trạng từ...

          Chu Văn Keng


 

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

GẶP TRẦN ANH DŨNG Ở HÀ NỘI




Anh cựu chiến binh Trần Anh Dũng, một địa chủ từ Vinh ra Hà Nội đo đất. Anh Cảnh Toàn thông báo cho tôi "Hắn định mua vài mẫu trồng cỏ, mày xem ai có giới thiệu cho hắn", làm tôi tá hỏa.
Sáng chủ nhật 24-6, anh Nguyễn Hữu Sở liên lạc được với Dũng và hẹn nhau gặp gỡ vào buổi chiều. Đúng 14h15, Hữu Sở đón tôi rồi cùng đi đến khu chung cư Bắc Linh Đàm. Chúng tôi chờ anh Dũng ở tiền sảnh Khách sạn Mường Thanh, vài phút thì Dũng xuất hiện. Mấy năm không gặp, thấy hắn dạo này mập lên.

Chúng tôi ra quán bia hơi ngồi chờ Cảnh Toàn, 15 phút sau hắn phóng tới sau khi kết thúc 1 cuộc họp quan trọng về lĩnh vực xã hội học. Bốn thằng cựu binh gặp nhau, chuyện cũ rôm rả bên vại bia và đĩa lạc luộc. Nhờ cháu gái quán bia chụp cho kiểu ảnh kỷ niệm thì lại bị rung, thôi thì méo mó có hơn không, mà mặt già cũng nhàu rồi, đẹp với ai (xin lỗi, trừ Cảnh Toàn, lúc nào hắn cũng tươi như Phan An Tống Ngọc!):



Một lát nữa lại có cha Hoàng Kính, học vật lý K15, cùng đơn vị với Toàn và Dũng đến góp mặt. Bốn thằng cựu binh trận chiến thành cổ Quảng Trị chuyện trò ồn ào tếu táo về đời lính 40 năm trước, tôi ngồi lặng nghe các hắn mà thấy rờn rợn "nếu mà quả bom hôm đó rơi trúng mâm pháo, thì bây giờ có còn được nghe các hắn tán láo hay không?".


(Bốn lính cựu Quảng Trị: Dũng - Kính -Toàn - Sở )

Toàn là chuyện dánh nhau, giải phóng miền Nam, vô Sài Gòn đóng quân, rồi về trường học lại, sau mỗi đứa mỗi ngả đi làm kiếm sống... Bia cứ uống, thuốc cứ hút, chuyện vẫn râm ran. Nhờ cuộc gặp này mà tôi liên lạc được với anh Nguyễn Dần. Trần Dũng cho tôi số di động của Dần (0912.941.479), tôi gọi và nghe giọng hắn vẫn trẻ trung như nét mặt hắn mấy năm trước về Hà Nội hội lớp đầu xuân. Nếu liên lạc sớm với Dần thì tuần trước đi Ba Vì, đoàn chúng ta rẽ qua nhà hắn ở Sơn Tây thì vui biết mấy.

Tôi gọi điện cho chị Trần Lan nhà gần chỗ chúng tôi ngồi thì nghe chị Lan nói "tiếc quá, tớ đang ở quê Nga Sơn, tối mới ra Hà Nội, các bạn vui vẻ nhé". Không gặp được Trần Lan, Cảnh Toàn ta buôn chuyện đường dài với Lương Thắng - cựu binh Quảng Trị vậy.

Tối đến, chúng tôi chia tay, hẹn tháng 7 gặp nhau ở Vinh để đi Cửa Lò hội với các bạn bên Cơ do anh Phùng Quang Nhượng khổ chủ đăng cai.

Thế đấy, gặp Dũng ở Vinh 7 năm trước, khi đó có Trần Vũ Chung, Hoàng Minh Tâm và tôi đi họp, cùng Dũng và Quốc Khánh gặp nhau, lại có Hữu Sở và Khánh_kinh tế dạy ở Vinh, mà bây giờ về hưu cả rồi. Bây giờ đều là tỷ phú thời gian, đều hẹn với nhau là năng đi thăm gặp gỡ để bù lại những ngày bươn bả ngược xuôi Nam Bắc nước ngoài, để ôn lại thời sinh viên vô tư trong sáng đầy tương lai trước mặt. May mà bom đạn nó chừa mấy thằng ôn này ra để đến bây giờ vẫn còn được gặp nhau trêu đùa tếu táo.


(Vĩnh Thuận - 26/6/2012 - Mỹ Đình - Hà Nội)

TÔI VẼ CUỘC ĐỜI NÀY (thơ CVK)




TÔI “VẼ“ CUỘC ĐỜI NÀY 




BỨC HỌA ĐỜI


Trở trời nhìn gió níu mưa

Bàn tay nào chặt... chắc chưa ở đời !



Mưa như đã trả hộ lời

Rối bời cơn gió nửa vời tình si

Hồng hoang một cõi vân vi

Tỉnh say ta cạn một ly nơi này



Dòng đời con nước vơi đầy

Mộng lành quấn quít tháng ngày vững tin



Berlin, 06.2012


Chu Văn Keng

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

THĂM NHÀ THƠ CHU VĂN KENG






Vài ba năm trước, đã có lần tôi đọc được Chu Văn Keng trên trannhuong.com. Hoài nghi và tìm kiếm mãi xem có phải là Keng lớp mình không! Mãi tới tháng 3 vừa rồi lại gặp Chu Văn Keng trong lucbat.com và với "Đêm thu hồ Gươm" thì đích thị là Keng đấy! Và lần đầu sau bao năm xa cách, chúng tôi đàm thoại với nhau hàng tiếng đồng hồ, rồi sau đó chúng tôi gặp nhau nhiều trên blog của lớp! Chúng tôi hẹn sớm gặp mặt nhau.
Mãi tới hôm qua (21/6), bác Keng rối rít rằng vợ chồng Lê Hoàng Anh và con gái đang chơi ở Berlin, ông phải sang chơi ngay dịp này không thì tôi "phạt" đấy! Thế là vợ chồng tôi vội nhảy tầu, và sau mấy tiếng đồng hồ chúng tôi đã hội ngộ tại Berlin, tại nơi ở của vợ chồng nhà thơ Keng-Ứng (Xin thưa với các bác rằng Ứng-Hòa là tên vợ và con gái bác Keng đấy).

Gặp nhau tay bắt mặt mừng và "gặp bạn mừng uống chơi, cũng nâng lên đặt xuống, cũng chén đầy chén vơi". Chúng tôi huyên thuyên đủ chuyện thời sinh viên, cũng chẳng còn giữ mồm giữ miệng (hay vì đã coi trời bằng chai!) làm ba nội tướng cứ "mắt chữ o mồm chữ a" rồi lẳng lặng đưa cho mỗi đức lang quân bát cơm nóng, với cái liếc nhìn khiêu khích, rằng cứ ăn hết đi, rồi muốn ăn thêm phở cũng chiều luôn!

Chuyện kể rằng cái Tổ (học tập) 4 ở Ba Trang sao sinh nhiều thi sĩ! Blog lớp mình mới đấy mà có những hai nhà thơ nhớn Chu Văn Keng - Kim Ngọc Cương (nghe đâu cả nhà thơ Hồng Quảng và một vài bác nữa) từ Tổ này đấy! 

Tôi còn nghĩ cái đất Ứng Hòa này cũng thật anh kiệt, có hai anh Đình Hóa và Văn Keng ở lớp mình lại đều nhà thơ nhớn cả! Lại còn ngẫm từ ngày trao đổi nhiều với Chu Keng, mình lại sinh ra hay làm thơ, đến nỗi chân dài nhà mình ngó thấy vào blog post thơ, lại nguýt dài: Rõ khổ! Ấy nhưng mà vui, được tâm tình cùng bè bạn!



Chúng tôi cùng nhau dạo trên đường phố Berlin, lòng thầm nghĩ sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ nho nhỏ như thế này! Trên blog của lớp sẽ có "Tham anh Keng ơ Berlin" "Tham anh Ban ơ Ba Lan", "Anh ... đến Ba Lan tham anh Ban"...

(Đoàn Văn Bản - 15:55 Thứ Sáu, 22 tháng 6 2012)

TB: Trong ảnh có 3 "nội tướng" của chúng tôi, và cháu Vân, con gái của vợ chồng Anh-Ngọc.

ANH BAN ĐI BA LINH

(BBT - 23/6/2012) Tiêu đề của bài là "Anh và Bản đi Bá Linh (Berlin)


BẠN ĐẾN THĂM NHÀ
 


TÌNH ĐỒNG MÔN

Bao năm mới có ngày này…
Sách đèn là nghiệp xưa nay…chúng mình

Ba Trang - Tiên Hội - Thựợng Đình
Nước Đức tụ nghĩa…chân tình sẻ chia
Chu Keng, Đoàn Bản, Hoàng Anh
Mặt mừng tay bắt chí tình…trước sau
Ngày lành ta đã gặp nhau
Chúng mình kể tiếp đoạn sau…đường đời

Mãi là như thế bạn ơi!
Tình Đồng môn giữ để  đời thêm hương...

Berlin, 21.06.2012

Chu Văn Keng






Tản mạn về thơ (2)

Xin viết tiếp những suy nghĩ về thơ chợt đến, nhân sự xuất hiện của một gương mặt thơ mới trên blog K13 của chúng ta - nhà thơ của tuổi hoàng hôn T.Đ. Chữ.
N.Đ.HÓA

Tản mạn về thơ (2)

Người ta nói rằng tiếng Pháp hay tiếng Ý gì đó mới là ngôn ngữ của thơ ca và tình yêu. Thật là một thiếu sót lớn ! Tiếng Việt mới là ngôn ngữ sẵn giàu thanh âm và nhạc điệu, là “nguyên liệu làm sẵn” cho thi ca. Có lẽ nhờ đó mà người Việt Nam ai cũng có tiềm năng trở thành nhà thơ. Và cũng không ở đâu trên trái đất này thơ ca được nâng tầm lên thành “Quốc hồn quốc túy” như ở Việt Nam. Cứ thử nghĩa mà xem, dịp Tết hằng năm đều khai hội thơ xuân, đọc thơ, bình thơ ở một nơi trang trọng và tôn nghiêm như Văn Miếu Quốc Tử Giám, với các nghi lễ kéo “cờ thơ” (thi kỳ) cấp Trung ương nữa ! Chưa kể các hội thơ địa phương … đâu đâu cũng có.
Người Việt Nam có thể bắt đầu làm thơ và trở thành nhà thơ ở bất cứ lứa tuổi nào. Thần đồng thơ thiếu niên Trần Đăng Khoa, nổi tiếng từ tuổi lên mười với những câu thơ tinh tế vượt tầm lứa tuổi:
           “Sân đình rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”
Phan Thị Vàng Anh, trở thành nhà thở chỉ nhờ một bài thơ rất dung dị mà đáng yêu
“ Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang theo gì
Chỉ mang một cái bánh mỳ
Và mang môt mẩu bút chì con con”
Xuân Diệu, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của Việt Nam cũng là nhà thơ của tình yêu đôi lứa, chắc chắn là bắt đầu làm thơ từ thuở thanh niên. (Xin trích đoạn) “Thơ Xuân Diệu là "vườn mơn trớn", ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị”:  
Mặt trời vừa mới cưới trời xanh,
Duyên đẹp hôm nay sẽ tốt lành,

Son sẻ trời như mười sáu tuổi,
Má hồng phơn phớt, mắt long lanh

và “Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca”:
             Hãy sát đôi đầu ! Hãy kề đôi ngực !

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài !
Những cánh tay ! Hãy quấn riết đôi vai !
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt !

Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say-sưa, anh sẽ bảo em rằng :
"Gần thêm nữa ! Thế vẫn còn xa lắm !"

và “pha lẫn chút vị hờn dỗi, đắng cay”:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

-------

“Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm
Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”.
------

Yêu là chết trong lòng một ít

Chủ đề muôn thuở của thơ ca là tình yêu, điều này không phải bản cãi nữa. Vậy phải chăng người ta bắt đầu làm thơ nhiều nhất là ở tuổi đang yêu ?  Không phải vậy !
            Tôi dám chắc rằng đại đa số các nhà thơ Việt Nam chỉ bắt đầu bén duyên với thơ ca ở tuổi hoàng hôn. Thì cứ lấy ngay ví dụ là các nhà thơ k13 chúng ta: C.V. Keng, K.N.Cương và T.Đ.Chữ và v.v….  Ở tuổi tri thiên mệnh,  người ta mới nuối tiếc tuổi thanh niên sôi nổi với những câu thơ không kém phần cháy bỏng,  đồng thời lại có thể có những câu thơ nhân hậu và bao dung, tình yêu người, yêu đời trở nên đằm thắm hơn, giọng thơ mang phong vị chiêm nghiệm và trầm ấm hơn. Thật là một thế mạnh của … tuổi già !
Viết đến đây tôi chợt liên tưởng đến Việt Phương, nhà thơ nổi tiếng một thời, cũng viết nhiều về tình yêu, không chỉ là tình yêu đôi lứa mà là tình yêu con người, yêu đồng loại, từ đó thêm yêu đời, và yêu bản thân mình
           Ta đi yêu người ta yêu nhau
Người ta cũng là ta biết đâu
Ta yêu tình yêu người ta ấy …”
Đôi nào cần nối tình dang dở 
Đây trái tim ta hiến nhịp cầu
Bây giờ hãy đọc các nhà thơ K13 của chúng ta. Một C.V.Keng vẫn mải mê thả hồn theo ... gái mười sáu:
Quê tôi gái tuổi lẻ trăng
Cứ hơ hớ lớn…xuân giăng giữa đời
Tuổi xuân tôi đã qua rồi...
Vẫn mê hồn thả …chơi vơi chiều tà!”

“Em đi mang cả trùng dương
Chiêm bao khóa lại, lối thương sao tìm?”

                                                       C.V. Keng
Và đây nữa, một K.N. Cương vẫn mãi say sưa với tình yêu ban đầu
“Anh hôn nhè nhẹ
lên làn môi xinh
tim anh đập gấp
tình yêu ban đầu”
 ------
 
 “Em là mây
Anh là gió
Gió cuốn chặt theo mây
Để thành mưa tình ái”
                                                   K.N. Cương

Những vần thơ yêu lãng mạn và nồng nàn biết bao (có chăng chỉ kém Xuân Diệu một tý thôi).
Còn đây là tiếng lòng của lớp người U70 đã có nhiều trải nghiệm, suy tư

Tuổi của chúng mình đã là tuổi hoàng hôn
Nhưng sẽ phải là những chiều vàng rực rỡ
Đã là cây, phải là cây cao bóng cả
Che chở cho mầm non, thế hệ mới sinh sôi
                                                  
                                                        T.Đ. Chữ
Với thời gian, tình yêu người, yêu đời trở nên đằm thắm hơn, nhân hậu hơn:
Mong em tròn phận phu thê
Trọn tình mẫu tử, yên bề cháu con
Không còn “nguyện nước thề non”
Chỉ còn lời ước sẽ còn gặp nhau

                                              K.N.Cương

            Xin hãy nhận nơi tôi môt tấm lòng ưu ái
Để chúng mình trẻ mãi bạn già ơi
                  
                                                   T.Đ. Chữ
Cám ơn các bạn, những nhà thơ của K13 chúng ta, đã viết những vần thơ nhớ về tuổi trẻ, thời của tình yêu đắm say, tình bạn thủy chung trong sáng. Và cũng nói lên tiếng lòng của lớp người tóc ngả màu sương, thiết tha với cuộc sống, với tình người.  
                                                                                                               Hà Nội, 06/2012

HƯƠNG QUÊ-TRƯỜNG LÀNG

 
BBT tiếp tục giới thiệu loạt bài về những kỷ niệm xưa do nhà thơ của tuổi hoàng hôn T.Đ. Chữ vừa gửi đến.

Về quê thăm lại trường xưa
Bồi hồi kỷ niệm vẫn chưa phai mờ
Nhớ thời áo trắng ngây thơ
Những mùa thi thức ngày giờ,đêm thâu.      
 
Công thầy nghĩa nặng, ơn sâu
Ghi lòng, tạc dạ bấy lâu đong đầy
Nhớ hàng phượng vĩ còn đây
Nhớ cô bạn học thơ ngây,hay cười.
 
Nhớ cây,nhớ lớp,nhớ người
Ai thành danh vọng,ai nơi suối vàng.
 
Tin buồn như sét đánh ngang
Mộ thầy mới, khuất bên hàng me xanh
 
Nén hương thơm, tấm lòng thành
Có hàng ngói đỏ, có nhành phượng kia:
"Xa xôi ít có ngày về
Vẫn khôn nguôi nhớ hương quê, trường làng"
                                 
                                                  Yên định 10/2009
                          Nhân dip về quê tiễn đưa thầy dạy lớp 1 qui tiên
                               
                                                TRỊNH ĐÌNH CHỮ

Gửi bạn thơ

BBT: và đây nữa, tâm tình đồng điệu của những nhà thơ k13. Anh T.Đ.Chữ họa lại bài xướng do nhà thơ C.V.Keng mở đầu, nhắn gửi các bạn cùng khóa k13 nhân dịp "Gặp mặt 40 năm ngày ra trường HUẾ 05/2012".  Xin xem bài "Mời họa thơ HUẾ 05-2012" đăng trên blog k13 vào ngày 23/04/2012.  Tên bài thơ là do BTT mạn phép tác giả thêm vào.


GỬI BẠN THƠ

Huế đẹp nhưng sao chẳng mộng mơ

Bởi chưng không thấy bóng bạn thơ

Thỏa thì có thỏa nhưng … thiêu thiếu

Mây chẳng buồn bay, núi hững hờ

                                               Huế 05/2012
                                        
                                         TRỊNH ĐÌNH CHỮ

Tuổi hoàng hôn

BBT trân trọng giới thiệu một gương mặt thơ mới với những suy tư đậm chất "bi hùng" phảng phất như "Tiếng địch sông Ô", gửi tới blog K13 từ thành phố Sài Gòn.


TUỔI HOÀNG HÔN

                                      Thân mến tặng các bạn đồng khóa
K13 Toán-Cơ ĐHTH HN 1968-1972 của tôi !

Một chiều Sài Gòn lặng ngắm hoàng hôn

Lưu luyến,nhớ nhung, nỗi niềm lai láng

Rồi tôi viết mấy vần thơ lãng mạn

Mong cùng bạn bè sống đẹp,sống vui



Cũng như các chị, các anh, tôi đang đến cuối cuộc đời

Đã từng xuống Đông lên Đoài, một thời kiêu hãnh

Tuổi về chiều đã nghe lòng chớm lạnh

Vẫn muốn vươn lên,sống lạc quan hơn



Tuổi của chúng mình đã là tuổi hoàng hôn

Nhưng sẽ phải là những chiều vàng rực rỡ

Đã là cây, phải là cây cao bóng cả

Che chở cho mầm non, thế hệ mới sinh sôi



Hãy làm đóa hoa thơm dưới ánh mặt trời

Hãy viết những vần thơ tô đẹp cuộc sống

Hãy hát những khúc hát, lời ca bay bổng

Ca ngợi tình người "muối mặn gừng cay"



Tuổi của chúng mình không còn là tuổi ban mai

Nhưng không thể là những chiều đông ảm đạm

Hãy luôn giữ cho hoàng hôn rực sáng

Như kỷ niệm thời sinh viên vẫn vời vợi trong tim



Tôi viết bài thơ với tất cả nỗi niềm

Của người đang già vẫn muốn mình trẻ lại

Xin hãy nhận nơi tôi môt tấm lòng ưu ái

Để chúng mình trẻ mãi bạn già ơi



                                  Sài gòn  Tháng  5/2012

                                     TRỊNH ĐÌNH CHỮ


Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Mấy chuyện vui

Không biết ai cầm lái
Hai người say rượu nói với nhau: “Mày phóng vừa thôi, tao chưa muốn chết đâu”.
Người kia ngạc nhiên:
- Ủa tao tưởng mày lái! Nãy giờ sợ muốn chết mà không dám nói.
- !!!!!

Nói dối vợ
Chuông điện thoại vang lên, vợ nhấc máy. Tiếng người chồng gọi về: “Em à? Anh đây! hôm nay anh ăn cơm ở nhà anh Nam và có việc về muộn chút. Em ăn đi đừng đợi anh nhé em yêu”.
-Vâng! Anh nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé anh yêu.
Người vợ gác máy và quay sang nói với người bên cạnh:- Nó lại còn bảo nó ở nhà anh. Ghê gớm nhỉ!

Chuyện cái gối
Nàng ở tận đầu Cali trong lúc chàng ở cuối Cali. Hai người quen nhau khá lâu, mặc dù đường xa cách trở như thế mà mỗi lần nàng cần gì là chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ là chàng có mặt ở hiện trường ngay. Từ sửa xe cho đến khiêng vác đồ đạc, chàng bao…tất tần tật cho nàng.

Có một lần hai người đi sang Mễ chơi cùng một nhóm bạn. Chàng và nàng ở chung phòng, ngủ chung giường nhưng nàng chỉ để một cái gối nhỏ chính giữa hầu giữ sự trong sạch của sự quan hệ. Chẳng hiểu sao mà chàng ta vẫn có thể nằm qua đêm và mọi sự đều… vũ như cẩn.

Chẳng bao lâu sau đó thì chàng & nàng mới chia tay chính thức. Hỏi ra thì có lần nàng than cùng một người bạn khác:
- Thương cái gì mà thương; ổng nói mấy núi ổng cũng trèo, mấy sông ổng cũng lội, mấy đèo ổng cũng qua… trong lúc có cái gối nhỏ xíu đó mà thằng chả chẳng leo qua được nữa thì nói chi mấy núi mấy sông …

LTT sưu tầm

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

THÁC SUỐI NGÀ (thơ LTT)




Chảy dài từ trên cao ào xuống
Xa trông như dải lụa trắng ngần
Mềm mại giữa màu xanh triền núi
Thác Suối Ngà có tự bao giờ
Mà vẫn trẻ trung cùng non nước
Nghìn năm còn mãi nét tinh khôi

Ở đâu em gái Xứ Đoài ơi
Nụ cười sơn cước nở trên môi
Ngày xưa - từ thuở xa xôi lắm
Chỉ có hai ta ở chốn này
Tắm tiên dưới suối - Tình trinh trắng
Không chút tơ vương - chẳng bụi trần

LTT

Mời nghe Bài hát Nụ cười sơn cước do ca sĩ Khánh Ly thể hiện:
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=W_pUqNNDho