Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

MỜI VIẾT VỀ KỶ NIỆM VỚI LS TẠ QUANG SỎI

Thân gửi các anh chị lớp Toán ĐHTH 68-72

Nhật ký Tạ Quang Sỏi đã được sao biên xong !   

Chiều nay tôi được anh Trịnh Tất Đạt cho xem bản đánh máy 65 trang A4 bản thảo của cuốn Nhật ký. Cuốn Nhật ký với nhiều trang chữ đã nhòe vì theo chân người chiến sỹ - liệt sỹ trải qua bao nắng mưa lửa đạn, là di vật vô giá mà anh Sỏi để lại, nhắc chúng ta nhớ về một thời tuổi trẻ, thời chiến tranh, gian khổ, hào hùng.   

Cám ơn anh Đạt, người đã không tiếc công sức để chuyển bản thảo viết tay cuốn nhật ký thành bản in. Chỉ có sự thấu hiểu của một người đồng cảnh ngộ, cũng từng nếm trải bấy nhiêu cung bậc cảm xúc mới giúp anh cảm nhận đúng, chứ không phải là đoán đọc, những dòng tâm sự của tác giả Nhật ký. (Dưới đây giới thiệu luôn bài viết của anh Đạt về việc sao biên Nhật kí Tạ Quang Sỏi để các bạn cùng xem)

          Để bản in cuốn Nhật ký trọn vẹn hơn, tôi thấy cần có thêm bài giới thiệu tiểu sử (gia đình, quê quán . . .)  của anh Sỏi cũng như một số bài viết về tình cảm liên hệ giữa các anh chị lớp ta với anh Sỏi.  Điều này cần mọi người cùng góp sức, cung cấp tư liệu, bài viết, …
-Những người bạn gần gũi với anh Sỏi thời còn sinh viên đi học, hãy viết lại những kỷ niệm nho nhỏ, tìm lại những bức ảnh có liên quan;
-Những người bạn cựu chiến binh, nhập ngũ cùng đợt với anh Sỏi (hoặc không nhất thiết cùng đợt), hãy viết về những kỷ niệm thời bộ đội.

Xin gửi bài viết cũng như các tư liệu liên quan sưu tầm được lên blog của lớp “k13toan6872.blogspot.com”. Như vậy tiện để mọi người hiệu chỉnh các nhầm lẫn (nếu có).  
Những góp ý, ý kiến khác … xin gửi email:  hoand2011@gmail.com


TM Ban liên lạc lớp Toán ĐHTH 68-72

 

ĐỌC VÀ SAO BIÊN NHẬT KÝ TẠ QUANG SỎI

Thấy tôi làm nghề xuất bản, anh Nguyễn Đình Hóa giao cho cuốn nhật ký của Tạ Quang Sỏi và truyền đạt ý định của chi hội Cựu chiến binh Khoa Toán, Đại học Tổng hợp (cũ) muốn xuất bản thành sách để lưu lại truyền thống của khoa. Tôi nhận nó với tình cảm đặc biệt vì anh Sỏi với tôi có nhiều cái cùng: cùng quê, cùng lớp ở Khoa Toán, cùng nhập ngũ khi đang học dở dang … Tuy nhiên, mãi đến năm nay 2013, khi đã nghỉ hẳn công tác, tôi mới bắt tay vào đọc để sao chép ra cho thành bản thảo được. 

Khi bắt tay vào đọc cuốn sổ nhỏ này, tôi thực sự bị cuốn hút bởi cảm xúc thơ dào dạt của Tạ Quang Sỏi. Anh đi tới đâu có thơ ở đó. Trước một sự kiện, hiện tượng, công việc anh đều có thơ. Tôi có cảm tưởng thơ đã có sẵn trong anh, chỉ chờ có cớ là tuôn ra. Ngôn từ của người học toán mà thật là phong phú, uyển chuyển. Những lời thơ, câu thơ được viết ra rất rất ít dập xóa, thay đi đổi lại mà vẫn rất hợp cảnh hợp tình. Đó là điều mà khi còn học cùng, tôi không bao giờ nhận ra ở anh.
  
Nhật ký của Tạ Quang Sỏi được ghi vào cuốn sổ nhỏ khổ 13x18cm, có 200 trang do Hợp tác xã Sông Hồng sản xuất muộn nhất là năm 1972. Bìa nilon màu xanh da trời, có in chìm lô gô “Đường 9 Khe Sanh” ở góc dưới bên phải, bìa 1. Chắc đây là cuốn sổ công tác mà trong quân đội cấp phát cho cán bộ từ cấp tiểu đội trưởng trở lên để ghi chép công việc, nội dung tập huấn… 

Phần nhật ký  được ghi thuận từ đầu sổ trở đi, có 122 trang chiếm hơn nửa cuốn sổ. Phần ghi công tác, tập huấn và phần có lẽ là nội dung tìm hiểu về Đảng Lao động Việt Nam trong phạm vi lớp đối tượng đảng được ghi từ cuối sổ trở lên. 

Giấy trong cuốn sổ còn khá bền, dai, tuy nhiên đã ngả màu vàng. Mực viết chủ yếu là mực nước với đủ màu xanh đen, xanh nước biển, tím, đỏ. Một số chỗ dùng bút chì. Do viết bằng mực nước nên mặt trước thấm ra mặt sau làm cho nhiều chỗ rất khó đọc, thậm chí không đọc được. 

Trang đầu của nhật ký ghi ngày 21.1.1972 có chữ ký và hòm thư bí mật của quân đội. Trang cuối cùng ghi ngày 30.8.1972 chỉ với mỗi dòng chữ: “Xa Minh Hoan”. Tính ra quãng thời gian là 7 tháng 9 ngày của năm 1972. Số ngày được ghi nhật ký là 61 ngày. Nhật ký được viết trong  quá trình huấn luyện ở Hà Bắc, diễn tập hành quân dã ngoại qua vùng Chí Linh, Hải Dương, bắn đạn thật ở Quảng Ninh sau đó hành quân qua Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi vào chiến trường Quảng Trị.  

Nhật ký được ghi dưới hai dạng: thơ và văn xuôi. Thống kê được 70 bài thơ lớn nhỏ. Không kể 2 bài thơ “Tự khuyên mình”, “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chủ tịch và 2 bài “Dáng đứng Việt Nam”, “Về đi em” của Lê Anh Xuân do Tạ Quang Sỏi chép. 

Trong số 70 bài thơ nói trên, bài “Tạm biệt Như Xuân” ghi ngày 25.4.1970 và liền đó bài “Cô gái quan họ” ghi 4.1971. Ở bài “Tạm biệt Như Xuân” chắc Tạ Quang Sỏi nhầm, vì tháng 4.1970 anh chưa nhập ngũ, chắc phải 25.4.1971 mới đúng. Ngày đó, năm 1971, anh tạm biệt Như Xuân (Thanh Hóa) ra Hà Bắc thì mới gặp “Cô gái quan họ” được. 

Việc đọc để sao ra 122 trang nhật ký của Tạ Quang Sỏi là rất khó khăn:
1/ Tác giả viết trên đường hành quân, tiện bút gì, mực gì viết bút ấy, mực ấy. Có lúc viết được nắn nót, rõ ràng, lúc phải viết vội dưới ánh sáng của chiếc bật lửa thì không thể chuẩn chữ cho được.
2/ Nhật ký được viết cách đây hơn 40 năm, mực thấm mặt trước ra mặt sau, nét nọ đè lên nét kia dù có soi đèn, soi kính lúp cũng không luận được chữ gì. Nhiều chỗ người đọc phải đọc bằng cảm xúc trước rồi với đọc bằng mắt sau. Về điều này, tôi có may mắn là đã nhập ngũ trước Sỏi một thời gian, do cùng hoàn cảnh nên ít nhiều có những cảm xúc gần nhau, dễ hiểu nhau.

Tuy nhiên, dù đã dành nhiều thời gian và đã cố hết sức mình nhưng, rất tiếc, tôi cũng không thể đọc cho tỏ tường mọi chữ mà Tạ Quang Sỏi đã viết ra. Những chỗ đó tôi đều đánh dấu ở bản sao. Rất mong ở đâu đó trên cao xanh kia Tạ Quang Sỏi hiểu cho tôi.  Và cũng mong các bạn cùng lớp lượng thứ.
                                                                                     
                                                                                            TRỊNH TẤT ĐẠT





Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân(CVK St)

Hội nghị Diên Hồng năm 1284 tại kinh thành Thăng Long


Quyền lập hiến thuộc về nhân dân

Un peuple a toujours le droit de revoir, de réformer et de changer sa Constitution. Une génération ne peut assujettir à ses lois les générations futures, (L’article 28 de la Constitution du 24 juin 1793).

Nhân dân luôn luôn có quyền xem xét, sửa đổi và thiết lập một bản Hiến pháp mới. Thế hệ đi trước không thể áp đặt các điều luật của mình cho các thế hệ tương lai (Điều 28 Hiến pháp ngày 24 tháng 6  năm 1793).

Quyền lập hiến là quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới hoặc sửa đổi bổ sung một số điều khoản cho bản Hiến pháp đang hiện hành. Quyền lập hiến là quyền tối cao trong mỗi Nhà nước. Quyền này thể hiện chủ quyền của nhân dân, mỗi khi nhân dân tham gia vào một sự kiện quan trọng bậc nhất là viết ra một bản Hiến pháp, hay sửa đổi một bản Hiến pháp đang được thực thi, để quy định chế độ chính trị và tổ chức Nhà nước cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Khi Chính phủ tuyên bố: «Quyền lập hiến thuộc về nhân dân» (le pouvoir constituant appartient au peuple vietnamien), điều này khẳng định nhân dân là những người biên soạn, sửa đổi, sau đó bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp mới, điều này thể hiện rõ chủ quyền của nhân dân được phát huy. Tuy nhiên để 90 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài đều có dịp bày tỏ ý kiến của mình về một bản Hiến pháp mới là điều không thể thực hiện được, hơn nữa để thu thập lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, đánh giá lại toàn bộ các góp ý đó sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Để mọi thủ tục trở nên đơn giản và quyền lập hiến của nhân dân vẫn được đảm bảo, nhân dân sẽ bầu ra Hội nghị lập hiến, các đại diện tham gia là những người ưu tú, họ sẽ thảo luận và công bố bản Hiến pháp mới. Sau đó nhân dân sẽ bỏ phiếu tán thành hay phủ nhận văn bản này. Nếu nhân dân đồng ý, Hiến pháp sẽ có hiệu lực, nếu nhân dân từ chối, Hội nghị lập hiến sẽ viết lại Hiến pháp sau đó lấy ý kiến nhân dân thêm một lần nữa. Ví dụ Hiến pháp Pháp năm 1946, thiết lập nền cộng hòa đệ tứ, sau khi được Hội nghị lập hiến thông qua, Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Nhân dân đã từ chối bản Hiến pháp này. Một bản Hiến pháp khác được công bố và nhân dân Pháp lần này đã bỏ phiếu chấp nhận.

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân thể hiện bản Hiến pháp mới phải hướng đến tương lai, các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp phải phù hợp với các giá trị về dân chủ và quyền con người. Một bản Hiến pháp phản ánh những tư tưởng cũ kỹ và lạc hậu, với những nguyên tắc tổ chức quyền lực có lợi cho giai cấp cầm quyền không phải là Hiến pháp của nhân dân, do vậy quyền lập hiến không thuộc về nhân dân. Quyền lập hiến thuộc về giới lãnh đạo.

Aristote đã nghiên cứu 150 bản Hiến pháp của các thành bang Hy Lạp, trong đó có các thành bang văn minh và các thành bang lạc hậu. Ông xếp Hiến pháp làm 2 loại, khi Hiến pháp nhằm thiết lập công bằng, bảo vệ lợi ích chung cho các công dân tự do. Ông gọi là Hiến pháp đúng đắn (la Constitution juste), khi Hiến pháp nhẳm đảm bảo các lợi ích riêng tư và theo đuổi các mục đích của nhà lãnh đạo, ông gọi là Hiến pháp hư hỏng hay Hiến pháp chệch đường (la Constitution corrompue ou déviante). Aristote đưa ra nhận xét Hiến pháp đúng đắn thường thấy ở các thành bang văn minh, còn Hiến pháp hư hỏng thường thấy ở các thành bang lạc hậu. Đối với các bản Hiến pháp đúng đắn, các quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện rất rõ.

Tuy nhiên, có những bản Hiến pháp ít có dấu ấn về quyền lập hiến của nhân dân nhưng đó lại là các bản Hiến pháp dân chủ và có nhiều giá trị. Các bản Hiến pháp này được một số người biên soạn ra, sau đó được áp dụng với tính ép buộc và không bao giờ được nhân dân trực tiếp bỏ phiếu thông qua. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân trong trường hợp này mang nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực tế.

I. Quyền lập hiến ban đầu và quyền lập hiến thừa hành

Quyền lập hiến bao gồm hai loại: Quyền lập hiến ban đầu và quyền lập hiến thừa hành (le pouvoir constituant originaire et le pouvoir constituant dérivé). Quyền lập hiến ban đầu là quyền soạn thảo ra một Hiến pháp hoàn toàn mới do bối cảnh lịch sử gắn liền với những thay đổi về thể chế chính trị, hoặc khi một Nhà nước mới ra đời. Quyền lập hiến ban đầu vì thế còn được gọi là quyền lập hiến nguyên thủy. Quyền lập hiến này không chịu bất cứ sự ràng buộc nào, vì không có nguyên tắc nào tồn tại trước đó để quy định những gì được phép làm và những gì không được làm đối với những người đại diện giữ vai trò lập hiến.

Quyền lập hiến ban đầu tồn tại khi có những thay đổi căn bản về chính trị, một Nhà nước dân chủ chuyển sang độc tài hoặc một chế độ chính trị thiếu dân chủ chuyển sang dân chủ, khi đó các nguyên tắc mới về tổ chức Nhà nước và xã hội sẽ được ghi nhận trong Hiến pháp, đánh dấu những thay đổi quan trọng. Quyền lập hiến ban đầu xuất hiện sau một cuộc cách mạng hoặc sau khi một cộng đồng người tuyên bố thiết lập một Nhà nước mới. Ví dụ giai đoạn xóa bỏ các thuộc địa của Anh và Pháp ở Châu Phi trong những năm 50-60 thuộc thế kỷ trước, đã khiến gần 30 quốc gia giành được độc lập, các nước này đều thiết lập các bản Hiến pháp đầu tiên để khẳng định chủ quyền và xây dựng Nhà nước dân chủ mới.

Khi các nhà cách mạng, hay nhà đấu tranh cho dân chủ có công xây dựng một chính quyền mới, họ thường để lại dấu ấn bằng cách tham gia vào công tác biên soạn Hiến pháp. Họ có nhiều quyền trong việc thiết lập một Hiến pháp dân chủ, tiến bộ hoặc một Hiến pháp với mục đích chính là duy trì và củng cố quyền lực. Những người có thẩm quyền biên soạn một bản Hiến pháp đầu tiên trong chế độ chính trị mới, có toàn quyền ghi vào Hiến pháp tất cả những gì mà họ muốn, như thể chế chính trị, cách thức tổ chức các cơ quan Nhà nước, hệ tư tưởng mà họ theo đuổi…Quyền lập hiến ban đầu phản ánh rất rõ năng lực và quan điểm chính trị của những người thiết lập ra chế độ mới. Điều này sẽ tác động đến con đường phát triển của đất nước.

Quyền lập hiến thừa hành là quyền xuất hiện sau quyền lập hiến ban đầu, quyền này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và có những giới hạn nhất định. Những người thực hiện quyền lập hiến thừa hành chỉ được phép làm những gì mà Hiến pháp cho phép vì quyền này bị đóng khung do một số nguyên tắc của Hiến pháp quy định. Quyền lập hiến thừa hành chính là quyền sửa đổi Hiến pháp, còn quyền lập hiến ban đầu chính là quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới. Hai quyền này có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng có những nét giống nhau.

Quyền lập hiến thừa hành có thể trở thành quyền lập hiến ban đầu khi việc sửa đổi căn bản Hiến pháp được tiến hành. Nếu một bản Hiến pháp được sửa đổi gần như toàn bộ nội dung, điều này cũng giống như việc viết lại một bản Hiến pháp mới. Khi một bản Hiến pháp ghi lại những nguyên tắc cơ bản nhất, là đặc trưng nổi bật của bản Hiến pháp đó (những quy định quan trọng không được phép sửa đổi trong Hiến pháp). Tuy nhiên do hoàn cảnh thay đổi, hay do các tác động về kinh tế, chính trị, những nguyên tắc này vẫn có thể bị sửa đổi, khi đó quyền sửa đổi Hiến pháp cũng giống như quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới. Ví dụ sửa đổi điều 79-3 trong Luật cơ bản Đức, đồng nghĩa với việc thay đổi 20 điều về quyền con người được Hiến pháp Đức bảo vệ. Điều này sẽ làm thay đổi căn bản nội dung bản Hiến pháp này, vì Luật cơ bản Đức đề cao nhiệm vụ bảo vệ quyền con người. Hoặc sửa đổi điều 89 trong Hiến pháp Pháp năm 1958, điều này quy định nước Pháp là một nền cộng hòa, và nguyên tắc này không bao giờ thay đổi. Nếu quy định này bị loại bỏ, có thể tạo cơ hội để thiết lập chế độ quân chủ hay chế độ độc tài ở Pháp. Loại bỏ quy định này cũng có nghĩa thay đổi một bản Hiến pháp dân chủ thành một bản Hiến pháp mở đường cho một chế độ phi dân chủ. Các nhà lập hiến Pháp không bao giờ mong muốn điều này. Đối với Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, điều 4 cũng thiết lập một nguyên tắc quan trọng quy định vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu sửa điều này cũng đồng nghĩa với việc thiết lập một bản Hiến pháp mới có bản chất hoàn toàn khác với Hiến pháp năm 1992. Một khi những quy định quan trọng nhất của Hiến pháp được thay đổi, quá trình sửa đổi Hiến pháp giống như việc thiết lập một Hiến pháp mới, quyền lập hiến thừa hành trong điều kiện đó giống với quyền lập hiến ban đầu. Quyền lập hiến thừa hành bị giới hạn bởi chính những nguyên tắc ghi trong Hiến pháp. Quyền này được thực hiện dễ hay khó phụ thuộc vào các quy định của Hiến pháp. Nếu đó là Hiến pháp cứng (la Constitution rigide), hay còn gọi là Hiến pháp khó sửa, quyền lập hiến thừa hành sẽ ít có cơ hội được sử dụng, vì bản thân các nhà lập hiến không muốn thay đổi những nguyên tắc chuẩn, ghi trong Hiến pháp. Ví dụ điều sửa đổi lần thứ 27 trong Hiến pháp Mỹ phải mất 203 năm mới được Nghị viện Mỹ thông qua với 2/3 số phiếu tán thành, sau đó được ¾ số bang phê chuẩn. Mặc dù điều này đã được đề nghị đưa vào Hiến pháp Mỹ từ năm 1789 nhưng phải đến năm 1992 mới thành hiện thực.

Khác với Hiến pháp cứng là Hiến pháp mềm (Hiến pháp dễ sửa), quá trình sửa đổi các điều khoản ghi trong Hiến pháp cũng dễ như sửa đổi hay loại bỏ một đạo luật. Trong thực tế, hầu hết các nước đều chọn Hiến pháp khó sửa để duy trì tốt hơn những quy định về quyền con người, về dân chủ và thể chế chính trị mà họ xây dựng.

II. Ý nghĩa về quyền lập hiến trong các bản Hiến pháp dân chủ

Tôi xin nêu hai ví dụ để hiểu thêm ý nghĩa về quyền lập hiến:

Hiến pháp Mỹ năm 1787 được 55 đại biểu đến từ 13 bang, là 13 thuộc địa của Anh trước đó. Tại Đại hội Philadelphie, các đại diện bầu ra George Washington làm Chủ tịch hội nghị, sau đó họ tiến hành thảo luận về một bản Hiến pháp cho nước Mỹ. Các tác giả chính của bản Hiến pháp Mỹ là Georges Washington, James Madison, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, quyền lập hiến trong thực tế thuộc về một nhóm người. Hiến pháp Mỹ sau đó được các đại diện thông qua, văn bản này vấp phải sự phản đối của một số đại biểu đến từ các bang nhỏ. Riêng trường hợp của Rhode Island và la Caroline du Nord phê chuẩn Hiến pháp khá muộn vào năm 1790 trong khi đó Hiến pháp đã được ban hành ngày 4 tháng 3 năm 1789. Bản Hiến pháp chưa bao giờ được đưa ra trưng cầu dân ý và bị phê phán là Hiến pháp của giai cấp tư sản. Tuy nhiên Hiến pháp Mỹ có sức sống lâu bền, lúc đầu văn bản này được áp dụng cho một cộng đồng 4,2 triệu người. Trải qua quá trình phát triển lâu dài của nước Mỹ, hiện nay Hiến pháp Mỹ đang được áp dụng cho 320 triệu người. Quyền lập hiến của nhân dân có ý nghĩa tượng trưng, được diễn giải qua lời tựa của bản Hiến pháp: «Chúng tôi là nhân dân Mỹ, để xây dựng một liên minh hoàn hảo, thiết lập công lý và đảm bảo nền hòa bình trong nước, xây dựng nền quốc phòng, phát triển thịnh vượng chung, đồng thời đảm bảo những lợi ích về tự do cho chúng tôi và cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi được thừa lệnh biên soạn bản Hiến pháp này, Hiến pháp cho nước Mỹ». Quyền lập hiến thuộc về nhân dân được khẳng định qua cụm từ «chúng tôi, nhân dân Mỹ» (We, the people of the United States). Vì khi thông qua Hiến pháp, một số bang đã không đồng ý, các đại biểu quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nguyên tắc cơ bản của thể chế dân chủ, mỗi khi đi đến một quyết định quan trọng. Nhưng liệu các nhà lập hiến Mỹ có đại diện cho nhân dân, vì họ không được bầu ra như theo thể thức của Hội nghị lập hiến, nhân dân cũng không được bàn bạc về Hiến pháp, không được thực hiện trưng cầu dân ý? Nhưng họ vẫn nhận mình là «chúng tôi, nhân dân Mỹ». Quyền lập hiến thuộc về nhân dân có ý nghĩa tượng trưng, ở đây nên hiểu là các giá trị ghi trong Hiến pháp phản ánh đúng mơ ước và nguyện vọng của nhân dân, đó là những gì mà người dân muốn có, như xây dựng một Nhà nước liên bang hoàn thiện, bảo vệ nền độc lập vừa giành được, bảo vệ các giá trị tự do cho thế hệ đang sống và các thế hệ tiếp theo. Tư tưởng của John Locke về một khế ước xã hội, nhằm đảm bảo các quyền tự do của con người được thể hiện ngay trong lời giới thiệu của Hiến pháp. Như vậy theo Hiến pháp Mỹ, ý nghĩa của Quyền lập hiến thuộc về nhân dân là những mục tiêu tốt đẹp mà Nhà nước cần hướng tới để đáp ứng tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, các nhà lập hiến chỉ ghi lại điều đó.

Luật cơ bản Đức được thông qua ngày 23 tháng 5 năm 1949 với sức ép của các nước đồng minh thắng trận. Nghị viện Đức đã phê chuẩn văn bản này. Cũng cần lưu ý một điểm quan trọng, Luật cơ bản Đức được các nước Mỹ, Anh, Pháp giúp Đức biên soạn. Vì nước này cần có một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ để tái thiết lại đất nước, sau khi bị chiến tranh tàn phá. Gọi là Luật cơ bản vì văn bản này đề cao các giá trị cơ bản về quyền con người như quyền được sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và danh dự, các quyền tự do… Tất cả các quyền này đều bị bóp nghẹt dưới chế độ III ème Reich của Hitler (1933-1945). Hơn nữa nước Đức còn vi phạm các quyền đó ở các nước khác. Gọi là luật cơ bản Đức vì văn bản này có giá trị tạm thời vì nó chỉ được áp dụng ở Cộng hòa liên bang Đức, cần đợi đến khi nước Đức thống nhất để viết một bản Hiến pháp mới, tuy nhiên sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Luật cơ bản Đức vẫn được giữ nguyên và được các bang công nhận. Với thời gian, không có điểm khác biệt nào giữa cách gọi Hiến pháp  hay Luật cơ bản, hầu hết các nước đều sử dụng hai khái niệm này với nghĩa như nhau. Nhưng với nước Đức gọi là Luật cơ bản có ý nghĩa đặc biệt hơn. Quyền lập hiến của nhân dân được ghi trong lời tựa của Luật cơ bản Đức:
«Ý thức về trách nhiệm của mình trước Chúa trời và trước con người, với thiện chí phục vụ nền hòa bình trên thế giới, với tư cách là thành viên bình đẳng về luật pháp trong một Châu Âu thống nhất, nhân dân Đức giới thiệu bộ Luật cơ bản với tư cách là người có quyền lập hiến».

Lời tựa của Hiến pháp công nhận nhân dân mới có quyền lập hiến, nhưng thực tế ở thời điểm Luật cơ bản được công bố, phải chăng nhân dân có quyền lập hiến thật sự? Thực tế là quyền này thuộc về các nước đồng minh chiến thắng. Hiến pháp Đức được áp đặt cho người dân Tây Đức. Người Đức chưa bao giờ có điều kiện phê chuẩn văn bản này qua trưng cầu dân ý. Chính Luật cơ bản Đức cũng không công nhận quyền phúc quyết của nhân dân trên phạm vi toàn quốc, quyền này chỉ tồn tại ở mức độ địa phương tại các bang (Lander). Rút kinh nghiệm đau thương từ sự kiện Hitler chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1933 với 89 % số phiếu ủng hộ, người Đức không ghi nhận quyền này trong Hiến pháp. Quyền lập hiến của nhân dân mang ý nghĩa tượng trưng. Nó thể hiện mong muốn hòa bình và xây dựng đất nước. Hiến pháp Đức đã được chỉnh sửa 57 lần và trở thành một văn bản có giá trị bậc nhất hiện nay ở Châu Âu.

Các bản Hiến pháp thường đảm bảo nền dân chủ, công nhận các quyền cơ bản của công dân, trong khuôn khổ các điều khoản của Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng một xã hội công bằng và văn minh là cách biểu hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Như vậy là quyền lập hiến của nhân dân có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên điều dễ nhận thấy nhất là nhân dân có chủ quyền bầu ra Hội nghị lập hiến, sau đó xem xét và bỏ phiếu thông qua Hiến pháp.

III. Quyền lập hiến của nhân dân được thực hiện qua Hội nghị lập hiến và quyền phúc quyết

Quyền lập hiến của nhân dân sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc dân chủ nhất, nếu trước tiên, nhân dân bầu trực tiếp các đại diện tham gia vào Hội nghị lập hiến, sau khi Hiến pháp được Hội nghị biên soạn, sẽ được công bố rộng rãi, nhân dân sẽ bỏ phiếu thông qua. Hiến pháp trở thành một khế ước xã hội được chấp nhận, khi đó, Hiến pháp có hiệu lực và chính thức đi vào cuộc sống. Ở Thụy Sỹ nếu các công dân tự biên soạn được một bản Hiến pháp mới, hay có một dự án sửa đổi toàn bộ hoặc một phần bản Hiến pháp cũ các công dân cần thu thập được 100.000 chữ ký ủng hộ. Bản Hiến pháp xuất phát từ ý tưởng của công dân sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý để thay thế Hiến pháp đang hiện hành. Nếu nhân dân đồng ý, bản Hiến pháp mới sẽ được áp dụng. Về phía Nghị viện liên bang, cơ quan này cũng có thể đưa ra một bản Hiến pháp khác, cạnh tranh với Hiến pháp của nhân dân hoặc đồng ý sửa đổi các điều khoản trong Hiến pháp đang hiện hành. Việc thực hiện chủ quyền của người dân được đặc biệt tôn trọng ở Thụy Sĩ, người dân thường xuyên được hỏi ý kiến về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, từ quyền phúc quyết Hiến pháp đến quyền đối xử với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp… Người dân Thụy Sỹ tham gia trưng cầu dân ý trung bình 4 lần mỗi năm.

Hội nghị lập hiến được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp năm 1789. Ban đầu là Hội nghị của các giai tầng trong xã hội Pháp (l’Asssemblée des États généraux), được Louis XVI triệu tập, các đại biểu đại diện cho ba giai cấp trong xã hội Pháp lúc đó: tầng lớp quý tộc, tầng lớp tăng lữ và giai tầng thứ ba (bao gồm tư sản và nhân dân lao động). 50.000 văn bản kiến nghị được gửi đến nhà vua, với mong muốn cải cách kinh tế, chính trị cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Louis XVI không bận tâm đến các yêu cầu đó, mong muốn duy nhất của nhà vua là tăng thêm các khoản thuế để bù vào ngân quỹ trống rỗng. Giai tầng thứ ba (le tiers-etat) tuyên bố đại hội chuyển thành Hội nghị lập hiến, các đại biểu tuyên thệ sẽ không rời Hội nghị và sẽ luôn sát cánh bên nhau đến khi biên soạn xong một bản Hiến pháp, tạo đà phát triển cho đất nước.

Nhân dân ủng hộ Hội nghị lập hiến. Đêm ngày 4 tháng 8 năm 1789, các quý tộc tuyên bố từ bỏ các quyền lợi giai cấp và xóa bỏ các thứ thuế vô lí, ngày 26 tháng 8 năm 1789, Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền được công bố. Quốc hội lập hiến thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1791, văn bản này giảm bớt các quyền lợi của vua, đề cao nguyên tắc tam quyền phân lập và các quyền tự do của công dân. Nhà vua không còn có quyền tối thượng như trước đây, đất nước và dân tộc (la Nation) có quyền cao hơn nhà vua.
Nhiều Hội nghị lập hiến đã được tổ chức trong lịch sử của nước Pháp, lần tổ chức gần đây nhất là Hội nghị lập hiến năm 1946, nhân dân đã được hỏi ý kiến về vấn đề này thông qua trưng cầu dân ý, bằng câu hỏi: «Ông bà có muốn Quốc hội trở thành Hội nghị lập hiến không?» (Vous voulez que l’Asssemblée nationale soit constituante?). Nhân dân đã đồng ý.

Nghị viện Ý sau Chiến tranh thế giới thứ 2 được bầu lại, Thượng viện và Hạ viện đã nhóm họp và quyết định chuyển thành Hội nghị lập hiến. Hiến pháp Ý được Hội nghị thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1947. Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1948. Bộ luật cơ bản này được giới thiệu và trưng bày ở đại sảnh của Tòa thị chính ở khắp các địa phương, trong suốt năm 1948, để nhân dân có dịp tìm hiểu về Hiến pháp. Văn bản này được công bố trên tập san chính thức về luật pháp và nghị định của nước cộng hòa. Tất cả các công dân và các cơ quan công quyền đều phải tôn trọng các nguyên tắc của bộ Luật cơ bản này (theo điều XVIII của Hiến pháp Ý).

Hội nghị lập hiến được tổ chức ở nhiều nước, sau khi có những thay đổi chính trị quan trọng. Như Hội nghị lập hiến năm 2011 tại Tunisie và Hội nghị lập hiến năm 2013 tại Ai Cập. Hội nghị lập hiến chưa được tổ chức ở Việt Nam.

IV. Thực hiện quyền lập hiến ở Việt nam

Quyền lập hiến ở Việt Nam đã được công nhận lần đầu tiên trong điều 70, Hiến pháp năm 1946. Mỗi khi Hiến pháp cần sửa đổi, Nghị viện sẽ thảo luận nội dung sửa đổi, phải có có 2/3 số đại biểu chấp thuận. Bản dự thảo Hiến pháp mới được Nhà nước công bố trước quốc dân đồng bào, để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết. Nhân dân chính là những người xác nhận tính hợp pháp của Hiến pháp. Quyền lập hiến phản ánh quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi tham gia vào sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã chính thức biên soạn được 4 bản Hiến pháp, trong đó Hiến pháp 1946 là tiến bộ nhất, văn bản này cũng bàn đến quyền lập hiến của nhân dân trong điều 70. Tuy nhiên, người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài chưa bao giờ có điều kiện thực hiện quyền lập hiến, thông qua bầu cử ra Hội nghị lập hiến và sau đó thực hiện quyền phúc quyết. Để các quyền chính đáng này có lợi ích thiết thực và đúng đắn, việc bầu cử cần công khai minh bạch, người dân cần có thông tin đầy đủ, để có hiểu biết cần thiết về Hiến pháp và ý nghĩa quan trọng về quyền lập hiến. Quyền phúc quyết Hiến pháp là cần thiết nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nguyện vọng của nhân dân mong muốn như vậy. Nếu ý tưởng về quyền phúc quyết đến từ nhà cầm quyền, quyền phúc quyết luôn đi kèm với các mục đích chính trị.

Nhiều người Việt Nam mơ ước về một bản Hiến pháp tiến bộ, quyền lập hiến của nhân dân được tôn trọng thông qua phúc quyết Hiến pháp. Những người đi tiên phong là các trí thức tài năng và có tấm lòng với đất nước. Qua nhiều Bản kiến nghị, họ bày tỏ mong muốn đất nước có một bản Hiến pháp tiến bộ, nhân dân có các quyền cơ bản trong đó có quyền phúc quyết, để tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, nhằm dân chủ hóa đất nước. Quyền lập hiến của nhân dân có thể được thực hiện theo hai cách phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam lúc này:

1. Quốc hội chuyển thành Hội nghị lập hiến

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất vì được nhân dân trực tiếp bầu ra, do vậy các đại biểu Quốc hội có quyền thay mặt nhân dân để bàn bạc những vấn đề quan trọng. Giống như nhiều nước trên thế giới, khi cần soạn thảo một bản Hiến pháp, Quốc hội sẽ chuyển thành Hội nghị lập hiến để cùng nhau thảo luận và xây dựng một Hiến pháp mới, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Vì là người đại biểu của dân, nên trách nhiệm của họ là lắng nghe những phản ánh của nhân dân, nên họ hiểu được những gì mà người dân chờ đợi ở họ. Tuy nhiên năng lực của các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng của các nước. Có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này, đại biểu Quốc hội phải kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ, nhiều người được bầu vào Quốc hội cho đủ ghế, Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng (theo điều 4, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội). Do đó Quốc hội chưa khẳng định được là cơ quan lập pháp đích thực. Vì vậy nếu Quốc hội chuyển thành Hội nghị lập hiến, chất lượng của bản Hiến pháp được ban ra chưa chắc đã là chuẩn mực.

2. Hội nghị Diên Hồng về Hiến pháp

Giải pháp này thích hợp nhất, vì Việt Nam vừa kế thừa được truyền thống tốt đẹp của tổ tiên vừa phát huy được trí tuệ của những người tài giỏi để đóng góp cho đất nước. Hội nghị Diên Hồng trước đây được các Vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông triệu tập, để bàn kế chống giặc Nguyên, các bô lão đại diện cho các địa phương tụ họp tại điện Diên Hồng để trả lời hai câu hỏi: «Thế giặc mạnh, ta nên chủ động đánh địch hay cầu hòa?», đa số những người tham dự đều hô to «quyết đánh». Hội nghị Diên Hồng là hình thức phúc quyết đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam, khi Vua chủ động mời các bô lão đại diện, cũng chính hỏi ý kiến của nhân dân. Vì truyền thống của người Việt Nam là tôn trọng những người cao tuổi, đó là những người hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm, tiếng nói của họ phán ánh được ý chí và nguyện vọng chung. Lấy tên Hội nghị Diên Hồng để bàn về Hiến pháp có nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, để cùng nhau giải quyết những khó khăn và thách thức trong hoàn cảnh hiện tại. Bản Hiến pháp mới cần có một điều về Hội nghị Diên Hồng để Nhà nước có dịp hỏi ý kiến nhân dân trong những hoàn cảnh khó khăn.
Các đại diện dự Hội nghị Diên Hồng về Hiến pháp là các nhà luật học, các giáo sư, tiến sĩ luật và chính trị đang giảng dạy ở Việt Nam và nước ngoài, các nhà văn hóa, một số đại biểu Quốc hội tiêu biểu… Các thành viên dự Hội nghị không cần đông như ở Quốc hội, nhưng họ thể hiện sự đa dạng, và điều quan trọng là chất lượng đại biểu quan trọng hơn số lượng. Họ sẽ cùng nhau thảo luận và biên soạn một bản Hiến pháp mới, sau đó nhân dân sẽ bỏ phiếu thông qua. Như vậy, quyền lập hiến của nhân dân được thực hiện trọn vẹn.

Kết luận

Việt Nam có rất nhiều tiềm lực để phát triển, đặc biệt là tiềm lực về trí tuệ của con người. Nếu có cơ hội, đất nước nhất định sẽ thay đổi rất nhanh. Khi bàn riêng về lĩnh vực luật học, có thể khẳng định, rất nhiều người Việt Nam có chuyên môn khá đang làm việc ở trong nước và nước ngoài, họ hiểu biết sâu sắc về luật pháp. Nếu đất nước biết tranh thủ khả năng của họ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một Tòa án Hiến pháp chuẩn, một cơ quan lập pháp đích thực và một nền tư pháp độc lập. Nhưng để những điều tốt đẹp đó thành hiện thực, trước hết cần có những thay đổi cơ bản về chính trị từ phía Nhà nước.

Phan Thành Đạt
Nguồn BVN

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Yêu thời đồ đểu

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU (KỲ 66 )



Gã thư ký nhét cẩn thận cuộn băng gốc vào túi rồi hể hả :
“ Lẽ ra phải chia một phần cho thằng Bút Thọc, trong băng ghi âm nó thu được lời tố cáo nguy hiểm của một nhân chứng quan trọng…”
Lão Thuộc tròn mắt hỏi dồn :
“ Lại thế kia à ? Nó là thằng nào ? Nó tố cáo cái gì thế ?”
Gã thư ký cười cười :
“Thôi thôi …chuyện này chẳng dính dáng gì tới ông, cuộn băng ông cũng bán  cho người ta rồi….”
Lão Thuộc tiếc rẻ :
“ Hoá ra tao bán giá đó vẫn còn hớ. Tưởng chỉ ghi lời con bé Gái thôi chớ ? Ai ngờ…biết vậy tao giết vợ chồng lão Chủ tịch chục ngàn đô …”
Hôm sau lão Thuộc về thành phố tìm con bé Gái đưa tiền cho nó. Má Mỵ trong quán cà phê nói con bé mới đi chơi với ông Hai Công hai ngày nay. Lão Thuộc tròn mắt :
“ Vậy nó bán trinh cho lão già dịch rồi à ?”
Má Mị lắc đầu :
“ Tôi đâu có biết. Cứ  thấy lâu lâu ông Hai Công lại đánh xe tới đón nó đi chơi. Lúc về ông lại nhờ tôi khuyên giải nó ngoan ngoãn nghe lời ổng. Tôi hỏi nó tình hình sao ? Nó cứ cười lắc đầu hoài bảo “chưa có chuyện gì đâu, con chỉ mới … đi chơi với ổng thôi…”
Lão Thuộc kêu lên :
“ Vậy tức là sao ? Đi chơi với lão cả mấy ngày mà vẫn cứ leo lẻo rằng chưa có gì sao ? Cái con bé này lạ thật ? Nó tính chơi trò gì đây ?”
Má Mị lắc đầu :
“ Từ thủa cha sinh mẹ đẻ , tôi chưa thấy đứa nào gan lì, ương bướng như con nhỏ này. Hôm nào không thích đi hả ? Ong Hai Công có quỳ lạy dâng cho nó cả đống vàng cũng không lay chuyển được nó…”
Lão Thuộc cười ha hả :
“ Hay, hay, vậy mới đáng mặt nữ nhi . Chắc nó hành lão già kia phải chết . Tôi hiểu rồi, tôi hiểu cái gan của con nhỏ này rồi, nó tính làm việc lớn kìa chứ không thèm bán trinh một lượt như mọi đứa…”
Má Mị tròn mắt :
“ Việc lớn là việc gì ? Gái có trinh thì phải bán, đắt rẻ gì cũng có giá chớ ? Vậy nó tính sao ?”
Lão Thuộc lắc đầu :
“ Chịu, tôi cũng không biết, có điều con nhỏ này không phải đứa tầm thường…”
Lão Thuộc đành nằm lại quán chờ. Mãi hai hôm sau con bé Gai mới trở về. Nhìn nó từ trên chiếc xe bóng lộn của ông Hai Công bước xuống, lão Thuộc trố mắt ra kinh ngạc. Oi mẹ ôi, mới có ít ngày sao mà nó đã thay đổi dữ vậy cà ? Nhìn nó đố ai dám bảo nó xuất thân con hầu, bưng bê  quán cà phê. Toàn thân óng ả,  bước đi uyển chuyển như tiểu thư con nhà giàu, đôi vú cao vổng, nhọn hoắt, mắt ngời ngợi, đôi môi hình quả tim chẳng cần tô son cũng đỏ  lịm. Con nhỏ như thế kia trách gì  ông Hai Cồng chẳng chết mê chết  mệt.
Nhận ra lão Thuộc, con bé Gái cười chúm chím :
“ Ong mới lên ạ ?”
Lão Thuộc chưa hết kinh ngạc, gật gật :
“ Tao mang tiền bán cuốn băng của mày cho ông Chủ tịch đây…”
Cón bé Gái mặt ngẩn ra ngạc nhiên rồi khi nhớ ra nó cười nhoẻn :
“ Ong cứ giữ lấy giùm cháu, sau này khi nào cần tới cháu mới lấy …”
Lão Thuộc nhìn vào đôi mắt rừng rực của nó :
“ Màỳ vừa bán trinh cho ông Hai Công hả ?”
Con bé Gái cười lắc đầu :
“ Chưa đâu ông ơi…vả lại cháu không… tính bán…”
Lão Thuộc kêu lên :
“ Mày không bán sao dám trèo lên xe đi qua đêm vơi ông ấy ?”
“ Qua đêm thì qua đêm, đâu có sao đâu ?”
Lão Thuộc lắc đầu :
“ Chịu, tao không hiểu mày chơi kiểu gì với lão tỉ phú miệt vườn  . Mà từ hôm đó đến giờ lão đã cúng cho mày  bao nhiêu rồi…”
Con bé Gái cười bí mật :
“ Đâu có nhiêu đâu …Ổng đưa tiền cháu không lấy…”
Lão Thuộc chộp cổ tay con bé nhìn cái nhẫn nó đang đeo :
“ Nhẫn hạt xoàn phải không ? Lão Hai Công dâng chứ gì. Phải rồi không lấy tiền thì lấy hạt xoàn . Mày khôn lắm con ạ…”
Con bé Gái lắc quày quạy :
“ Không phải, không phải hạt xoàn đâu chú ơi…chú coi kỹ đi nè…đồ rởm  cháu mua trong siêu thị có vài chục ngàn …”
Lão Thuộc tròn cả mắt :
“ Ua, vậy ra mày chưa bán trinh cho lão già à ? Vậy mày đi với lão liền mấy ngày đêm  làm…cái gì ?”
Con Bé Gía cười nhoẻn :
“ Vui chơi văn nghệ thôi mà chú…đâu có bán chác gì đâu ?”
Lão Thuộc lắc đầu :
“ Vui chơi văn nghệ là sao ?”
“ Là nghe ổng bày tỏ tình cảm . Ong nói nhiều lắm kìa. Nào “ anh muốn sống bên em trọn đời”, nào là “em là cây sầu riêng đang trổ bông..”. Í trời ơi, nghe cũng sướng cái lỗ tai…”
“ Vậy rồi mày trả lời lão già ấy sao ?”
“ Con bảo yêu sao thì yêu cũng phải có thời gian…Vả lại ổng còn có vợ ổng mà, lớ quớ nó thuê người tạt a xít thì chết mất toi…”
Lão Thuộc kêu lên :
“ Ra mày đòi lão bỏ vợ cưới mày kia à ? Con này ghê thật. Nhưng phải nhớ trèo cao ngã đau lắm đó con…”
Con bé Gái đỏ mặt lên cãi :
“ Thì đã gọi yêu là phải dẫn tới hôn nhân ? Mà tại ông Hai Công đòi chớ bộ, cháu cũng đâu có muốn giựt chồng người ta làm gì ?”
Lão Thuộc đành chịu thua lý lẽ con bé Gái. Lão nhìn đôi mắt cứ rực lên  những tia sắc lạnh mà thầm phục con nhỏ này to gan lớn mật. Lão tỉ phú miệt vườn kia chắc còn khốn đốn .
Con bé Gái chợt lảng ra sân khi ông Hai Công bước vào. Ông nhìn hút theo nó như thể thân hình óng ả của nó có nam châm hút mắt ông .
 “ Thằng cha này bệnh nặng lắm rồi đây”, lão Thuộc cười thầm ngắm nghía “dong nhan” của lão già tỉ phú miệt vườn. Bỏ qua bộ vó đắt tiền khoác trên người mà theo lời má Mị nội cái sơ mi cũng đáng giá bằng một con trâu, cục nhẫn 5 chỉ vàng có gắn cả chuỗi hạt xoàn 10 ly bằng cả một mẫu ruộng, lột  bỏ hết những gì lão trưng trên người thì lão Hai Công nguyên hình là một lão già cả đời lặn lội trong rừng cao su đầy vắt muỗi và lam sơn chướng chí.
Thân hình lão khô quắt như cây cao su mấy chục năm đã bị vắt hết mủ còn trơ lại những cành khô nhựa sống. Da dẻ lão bị những vất vả và hiểm nguy trong rừng cao su đầy độc hại  làm đen đúa, sứt sẹo đến cóc cáy.Toàn bộ sức sống của lão chỉ còn leo lét ở đôi mắt cứ ánh lên thèm khát chưa  thoả mãn. Đời lão rồi cũng chết rục bên cây cao su như cha lão nếu nền kinh tế thị trường không mở ra cho lão kinh doanh đất rừng và mủ cao su không lên giá vùn vụt.
Khi tiền bạc đầy nhà, lão lao vào hưởng thụ bù lại những năm tháng đẹp nhất vắt sức cho cây cao su . Trong mắt lão thoạt đầu con bé Gái cũng như những đứa khác, cứ vung tiền ra là lên giường . Vậy mà không, lão bày đủ trò, nào quà tặng đắt tiền, nào rủ lên xe đi Vũng Tàu , Đà Lạt…Kể ra nếu còn tuổi trai tráng như ngày xưa thì lão đã “ăn gỏi” con nhỏ . Một khi nó  đã leo lên xe theo lão vào khách sạn thì nó chạy đằng trời. Đằng này thời trai tráng qua rồi, leo cầu thang lên lầu đã thở dốc, vã mồ hôi, chân tê gối mỏi.Đã vậy thần kinh cũng rệu rã lắm , con bé Gái cứ vuốt vuốt vài cái là lão xuội lơ, bởi vậy mấy lần lão dùng bạo lực đều thất bại thảm hại, lại còn bị con nhỏ cười vào mũi.
Có lần nó bảo lão :
” Cha ơi cha, cha làm vầy chỉ tổn hại sức khoẻ, chỉ khi nào con bằng lòng cho cha cái đó thì cha mới được hưởng, còn không thì chẳng nhằm nhò gì đâu…”
Lúc đó người lão đã ngây đơ, thở không ra hơi :
“ Thì …thì  em…em cho anh đi…anh …anh …yêu em mờ…”
Con bé Gái cười cười :
“ Bà vợ còn lù lù ở nhà…yêu đương cái nỗi gì …?”
“ Í mèn ơi, con mụ già đó nghĩa lý gì, anh bỏ nó cái một, dễ ợt à…”
“ Nói phét ở đây thôi, về nhà vợ nó ho một cái là chết nhát cho coi…ai còn lạ gì ?”
“ Anh thề này, anh không bỏ con mụ già anh sẽ uống mủ cao su tự vẫn cho em coi…”
“ Thề thốt làm gì … thề miệng thì ai chẳng thề được…”.
Lão cười rinh rích :
“ Thôi thôi, trong lúc chưa bỏ được vợ thì …tạm ứng cho anh chút đỉnh  vậy…”
Lão tưởng con bé Giá sẽ đẩy bật lão ra, ngờ đâu nó chìa ra một bàn chân :
“ Thì đây…cho cha nội nè…nhưng mà chỉ bàn chân thôi đó…”
Í trời đất ơi, bàn chân nhỏ nhắn, trắng muốt của nó làm lão Hai Công run bắn cả người, lão nâng niu đưa lên mặt, thụ hưởng đến tận cùng toàn bộ cả sắc màu , hình khối và cả hương vị của nó. Tuy nhiên con bé Gái chỉ cho lão giới hạn tới mắt cá chân thôi, con đường tới thiên đàng tuy chỉ còn mét hai  mét ba nhưng còn xa, còn xa lắm. Để tới được vườn địa đàng , lão còn phải gian truân vất vả , khó nhất bỏ mụ vợ già và thuyết phục ba thằng con trai đều vợ con cả rồi.
Lão sẵn sàng tậu nhà cho con bé Gái , cho thật nhiều tiền , nhưng bỏ vợ thì rắc rối quá. Nào dư luận ì xèo, nào tài sản chia chác …í trời ơi, dầu có làm được cũng còn lâu lắc lắm, mà lão chỉ muốn mua “xổ liền” thôi.
Có lần ôm ấp mãi bàn chân con bé Gái lão bỗng như con nghiện phê thuốc, bất ngờ nhào qua đường ranh giới. Ôi chao, con nhỏ bỗng nổi điên, giơ chân đạp đầu  lão ngã lăn quay. Nó phạt cả tháng không nhìn mặt làm lão năn nỉ ỉ ôi đến đứt cả lưỡi nó mới tha . Từ đó lão hiền như  con nai, được con bé Gái cho tới đâu chỉ dám mon men tới đó. Lão đành cầu cứu lão Thuộc :
“ Ong là người đỡ đầu con bé Gái, tôi nhờ ông khuyên bảo giùm, con nhỏ này ương bướng trần ai, dụ hoài, dụ hoài không chịu  nghe…”
 Lão Thuộc cười cười :
“ Vậy ông đã cho nó những gì ?”
“ Nào tiền nào nhẫn nhưng nó đâu có thèm…”
“ Chắc lại dăm bảy triệu thôi chớ gì ?”
Lão Hai Công trợn mắt :
“ Dăm bảy triệu là sao ? Tôi còn hứa tậu cả nhà cho nó nữa kìa. Rồi hàng tháng tôi chu cấp cho nó mười triệu. Nó chẳng phải làm lụng gì, cứ ở nhà hưởng thụ thôi. Sướng vầy còn muốn gì ?”
“ Sướng vậy được mấy tháng , rồi tới tai vợ ông , nó cho người  xả thịt con nhỏ hả ?”
Lão Hai Công nhăn nhó :
“ Không có chuyện đó đâu, bà nhà tôi hiền khô à …”
Lão Thuộc bật cười :
“ Bộ bà nhà Phật bà Quan Âm  hả ? Mà bà có thành Phật vẫn chưa chừa được cái máu ghen kìa…”
Lão Hai Công da diết :
“ Tôi cam đoan mà. Tôi biết tính vợ tôi lắm mà. Mấy năm nay nó biết tôi ăn chơi tưng bừng mà có quậy phá gì đâu ?”
“ Vậy nhưng ông đã tậu nhà bao bồ nhí lần nào chưa  ?”
“ Chưa, chuyện  đó thì chưa …”
“ Vậy lần này chắc nó không để yên cho ông . Mới cả tôi biết tính  con nhỏ, nó không chịu làm gái bao đâu ?
Lão Hai Công tiu nghỉu :
“ Vậy tôi biết làm sao giờ ? Ong giúp tôi đi, xong việc tôi sẽ có thù lao…”
                                              (còn nữa)

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Yêu thời đồ đểu

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU ( KỲ 65 )

 



 Bà Phu nhân ra khỏi phòng, gã thư ký mới bật băng ghi âm .Ong Chủ tịch cười cay đắng :

“ Thằng Tám Lên cũng chơi tao kia à ?”

Tám Lên nguyên là thợ sửa đồng hồ ngoài chợ huyện, đánh bạc vay nợ không trả nổi phải nhảy lên bưng làm cách mạng. Nhờ cái khả năng chi li, tỉ mỉ rèn giũa được qua việc tháo ráp các bánh răng nhỏ xíu với nhau, Tám Lên dần được giao nhiệm vụ quản lý bếp ăn, ghi chép thu chi các khoản chợ búa. Quả nhiên từng trăm gam đường, từng lít nước mắm, Tám Lên đều lưu sổ rất rõ ràng, rành mạch đâu ra đấy. Nhờ tài vặt đó và luôn dấm dúi cho thủ trưởng những món hàng quý hiếm miền Bắc gửi vào chi viện miền Nam như sâm Cao Ly, trứng cá hồi đóng hộp, rượu Mao Đài…Tám Lên dần trở nên đệ tử ruột của ông Chủ tịch. Sau ngày cách mạng thắng lợi hoàn toàn, Tám Lên được cất nhắc làm Trưởng phòng hành chính Sở thương nghiệp nơi ông Chủ tịch làm Giám đốc. Khi ông leo được tới cái ghế Chủ tịch tỉnh , Tám Lên cũng được đưa lên Chánh văn phòng Uỷ ban, một chức vụ béo bở không thua gì Giám đốc Sở tài chánh hoặc Cục trưởng Cục hải quan.

Vậy mới biết cán bộ bưng về phần lớn thất học, “đá cá lăn dưa”ngoài chợ, sau nảy nhảy lên lãnh đạo , cần cân nảy mực xã hội, trách gì dân nó ào ào bỏ phiếu bằng đôi chân vượt biên sang Mỹ với câu nổi tiếng thời đó “ đến cái cột đèn có chân nó cũng đi”.

Từ đó thày trò thả sức vơ vét và tưởng như sẽ gắn bó với nhau cho đến ngày về hưu cùng hạ cánh an toàn, không ngờ sau lần bị ông Chủ tịch từ chối không cất nhắc thằng con trai lên ghế trưởng phòng, Tám Lên giở mặt thù thủ truởng.

 Gã lẳng lặng ghi chép thật tỉ mỉ những món tiền và những bất động sản ông Chủ tịch đã chiếm đoạt của Nhà nước đợi dịp tung ra lật đổ sếp. Gã hoàn toàn không ngờ từ rất lâu ông Chủ tịch đã cài người vào văn phòng Uỷ ban nên bao nhiêu hành động ngấm ngầm chống đối của gã ông đều được  mật báo. Khi sự phản bội của Tám Lên lộ rõ, ông Chủ tịch chỉ cười nhạt như thể đó là chuyện vặt không thèm chấp.

Thế rồi bất thình lình ông giáng ngay cho Tám Lên cái quyết định về hưu non khi gã lấy xe công đưa vợ con đi thăm chùa Bà ở Tây Ninh  nhân ngày rằm tháng Giêng. Một sai phạm cỏn con nhưng khi đã bị thổi lên thành lớn chuyện thì Tám Lên hết đường cựa. Gã đành ngậm miệng đau đớn nhận quyết định về nhà suốt ngày làm chân ghi chép sổ sách cho vợ bán tạp hoá ngoài chợ.

Những vụ việc gã tố cáo ông Chủ tịch trong băng ghi âm đều có số liệu cụ thể, chi tiết gã thu thập được trong thời gian còn đương chức Chánh văn phòng. Càng nghe ông Chủ tịch càng giật mình. Mẹ cái thằng xuất thân thợ đồng hồ này, sao nó ghi chép tỉ mỉ thế. Ngày mấy tháng mấy…bao nhiêu tiền và thuộc tài khoản nào ? Ba thứ này lọt vào tay thằng Mười Vẻ Ban tổ chức tỉnh uỷ thì  hết sức phiền toái. Ong đập bàn :

“ Thằng láo, trước sau tao sẽ xử nó. Rõ thiệt nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà…”

Gã thư ký rụt rè :

“ Chú Hai có định mua cái băng này hay thôi ?”

“ Thì hôm trước tao đã trả giá 10 triệu rồi…”

“ Mười triệu thì nó chỉ đưa bản sao thôi. Chú Hai muốn lấy bản gốc phải trả nó  dứt khoát 5 ngàn đô …”

Ong Chủ tịch nằm bật ngửa ra giường ngước mắt lên trần nhà. Hình ảnh bộ ngực trần trắng nhễ nhại với hai cái núm vú nhỏ xíu hồng  hồng của con bé Gái trở lại trong tâm tưởng . Ong nhớ ra rằng từ ngày ông hưởng thụ bộ vưu vật đó, bao nhiêu  rắc rối cứ dồn dập xảy tới với ông. Dường như  con bé Gái mang đến cho ông càng nhiều khoái lạc thì cũng lại gây cho ông càng nhiều rắc rối. Ong thở hắt ra :

“ Thôi được rồi,  chấp nhận thôi, nhưng mày phải nhớ giữ kín không cho cô Hai biết…”

Gã thư ký vui vẻ :

“ Chú Hai cứ yên tâm , con thạo việc mà…”

Vẻ nhanh nhẩu của gã làm ông Chủ tịch giật mình. Ông nhìn thẳng vào mắt gã  như muốn xuyên thấu tâm can để biết được trong đầu gã đang nghĩ  gì, liệu có ngấm ngầm phản trắc như thằng Tám Lên ? Ong chợt thấy lẻ loi ghê gớm, những kẻ mới quan hệ vài năm nay phản bội ông đã đành, ngay cả những đồng chí từng nằm gai nếm mật cũng ngấm ngầm đánh ông, rồi thì cả đến gã thư ký thân cận này nữa cũng đâu có thiết cốt với ông. Ngày nào ông còn bám ghế Chủ tịch tỉnh này chúng còn bấu xấu bên ông, khi ông hưu lập tức chúng biến mất tăm, thậm chí rậu đổ bìm leo, nhiều đứa còn muốn hại ông nữa. “ Thân yêu nhau chúng ta gọi đồng chí” là vậy mà ! Địt mẹ các đồng chí. Ông Chủ tịch chợt nổi cáu chửi thầm trong bụng.

“ Thằng Bút Thọc hiện giữ nhiều đơn thư tố cáo…”

Giọng gã thư ký vang lên làm ông giật mình. Ừ nhỉ, lại còn chuyện này nữa, mẹ kiếp, cơn ông chưa qua cơn bà đã tới, triền miên những rắc rối thế này thì vỡ đầu mà chết . Thiên hạ cứ tưởng ngồi ở cái ghế quan chức cao cấp là sung sướng béo bổ lắm có ai ngờ tứ bề thọ địch, lao tâm khổ tứ đến thế này. Ong cầm lên những lá đơn thư, cái  viết tay bằng bút mực nguệch ngoạc, cái đánh máy lem nhem, tất cả đều gửi  ông Tổng biên tập báo “Tỉnh nhà đổi mới” để “cung cấp cho báo những tư liệu góp phần chống tham nhũng”.

“ Mày có chắc tụi nó chỉ gửi cho báo thôi không ? Ngoài báo ra tụi nó còn gửi những nơi khác thì sao ?”

“ Chú Hai yên tâm, nếu gửi cả nơi khác như Ban thanh tra, Ban thường vụ tỉnh uỷ thì nó phải ghi rõ “đồng kính gửi” đằng này chỉ ghi gửi có Tổng biên tập báo thôi…”

Ong Chủ tịch lại phải làm cái việc nhọc nhằn, khổ ải nữa là đọc những đơn thư tố cáo ông. Xưa nay ở ngoài đời ông chỉ toàn nghe những lời tâng bốc, kính thưa của đám thuộc cấp và những người xung quanh, nghe thật khoái cái lỗ tai. Những đơn thư này ngược lại, toàn gọi ông là “con sâu mọt đục khoét, “tên giặc nội xâm nguy hiểm”, “thằng quan tham hút máu đồng bào” và kể tội ông đã phá hoại uy tín của Đảng mà bác Hồ và bao nhiêu đồng chí khác đã dầy công vun xới. Ong chợt cảm thấy như đang đứng trước một đám đông không phải câm nín, ngoan ngoãn vâng theo những lời ông huấn thị, đe nẹt mà là la ó, chửi bới, tua tủa giơ lên những nắm đấm phản đối đòi trị tội ông. Những tiếng thét mỗi lúc mỗi lớn , những nắm đấm mỗi lúc mỗi sát gần rồi bất ngờ như có một nắm tay khổng lồ đấm thẳng vào mặt làm nổ đom đóm mắt và biết bao nhiêu là hoa cà hoa cải bùng vỡ ra ở trong đầu  .

Gã thư ký chợt thấy ông Chủ tịch gục xuống mặt bàn tưởng ông ngủ gật, lay ông dậy, ngờ đâu ông ngay đơ, người lạnh toát. Gã hoảng quá la toáng làm bà Phu nhân và tiểu thư Kim Anh chạy vào. Gã lắp bắp :

“ Chú Hai…chú Hai không hiểu sao ….”

Ong Chủ tịch được đặt nằm ngay trên giường cho bà Phu nhân bôi dầu , cạo gió trong lúc cô Kim Anh gọi xe cấp cứu.

“ Mày tới báo cáo chuyện gì  làm ông Chủ tịch ngất xỉu vậy ? Có lệnh gọi ông ra Ban thanh tra trung ương hả ?”

Bà Phu nhân nhìn gã hầm hầm như chính gã làm ông ra nông nỗi này . Gã vội vã :

“ Làm gì có chuyện đó, con tới thăm chú Hai thôi mà thím …”

“ Mày đừng hòng qua mắt tao, lúc tối ông còn khoẻ khoắn, vui vẻ trò chuyện, chỉ sau lúc mày tới nói chuyện gì đó ổng mới ngất xỉu vầy…”

Gã thư ký đành phải kể lể đầu đuôi mọi chuyện cho bà Phu nhân. Ong Chủ tịch tỉnh vừa  hồi tỉnh, mở he hé mắt, bà vợ đã rít lên :

“ Trời ơi, trời ơi, thằng Tám Lên ….thằng Tám Lên…ông đối xử cách sao mà  nó trở mặt  chống lại ông vậy ?

Cô Kim Anh gạt đi :

“ Kìa má…ba bị ngất xỉu, mới vừa tỉnh lại đã hay biết gì đâu, phải để ba nghỉ ngơi dưỡng sức chớ….” 

Bả Phu nhân trấn tĩnh lại, im bặt , lấy dầu gió xoa nhẹ lên trán ông. Ong Chủ tịch đã tỉnh,  nhận ra vợ con vây quanh  bất chợt ông ứa ra hai giọt nước mắt . Bà Phu nhân vội vàng  :

“ Ông đừng nghĩ ngợi nữa, từ nay tôi đã có thần linh yểm trợ , tụi nó có ba đầu sáu tay cũng chẳng làm gì được mình, thằng Tám Lên giờ hưu rồi, suốt ngày ngồi phục dịch con vợ ngoài chợ nhằm nhò mẹ gì mà lo…”

Ong Chủ tịch kéo bà Phu nhân thì thầm gì đó vào tai . Ban đầu bà còn sầm mặt giận dữ rồi sau bà đành gật gật. Bà ra hiệu cho gã thư ký lại gần két sắt, lấy ra một xấp đô la, đếm đi đếm lại rồi đưa cho gã :

“ Đây đủ 5 ngàn đây , mày đưa cho tụi nó lấy băng gốc về…”

Gã thư ký ngoài mặt tỏ vẻ miễn cưỡng nhưng trong bụng vui như mở cờ. Rời nhà ông Chú tịch, gã phóng ngay tới nhà trọ gặp lão Thuộc. Vừa thấy gã thư ký lão hỏi ngay :

“ Băng ghi âm đâu ? Ong Chủ tịch có định mua không ? Tao bán cho người khác đừng trách tao nhé…”

Gã thư ký cười cười :

 “ Sao nóng thế ? Băng ghi âm này không bán cho ông Chủ tịch còn bán cho ai ? Thôi được rồi, ông đưa bản gốc đây, tôi trả ông 2000 đô, được chưa ?”

Lão Thuộc hất hàm :

“ Mày ra đi…ra đi cho tao còn ngủ…”

“ Thì hai ngàn rưởi vậy ?”

Thàng Bành Trọc ngồi bên bàn xuýt xoa :

“ Í trời ơi, cái băng ghi âm bé chút xíu mà bán được những hai ngàn rưởi đôla. Thôi bán đại đi cho rồi đại ca…”

Lão Thuộc trừng mắt :

“ Mày có im không tao vả vỡ mõm mày bây giờ. Biết cái gì mà xía vô ? Còn thằng kia, đi ra cho tao ngủ.”

Nhìn vẻ mặt lão Thuộc, gã thư ký biết không thể ăn chặn  thêm một cắc. Thôi trong phi vụ này, gã ăn hoa hồng 2000 đô là dầy lắm rồi, chớ nên tham quá, già néo đứt giây chuyện vỡ lở đến tai vợ chồng ông Chủ tịch thì nguy. Nghĩ vậy gã rút đủ 3 ngàn đô đặt lên bàn, xuýt xoa :

“ Thì đây ,  cả cục 3 ngàn đây, vậy ông anh không lì xì thằng em chút đỉnh bõ công bõ sức khó nhọc thuyết phục ông bà Chủ tịch tỉnh hả ?”

Lão Thuộc nghiêm mặt :

“ Tao sẵn lòng chia cho mày vài tờ với điều kiện mày phải nói rõ mày đã đội giá lên, trấn lột  ông bà Chủ tịch mấy ngàn đô ?”

Thằng thư ký xanh xám cả mặt mày, giơ tay vái  lia lịa :

“ Thôi thôi, con xin chịu bố, thánh cũng chẳng ăn được của bố lấy một cắc…”

Lão Thuộc cười ha hả :

“ Người nào có phần người đó. Tính tao rất phân miêng. Tao biết mày đã trấn lột vợ chồng ông Chủ tịch bộn tiền rồi thì thôi, đừng có rây phần vào đây nữa, còn con bé Gái, cái băng ghi âm ấy là của nó, tao cũng phải chia cho nó chớ ?”


                                         (còn tiếp)

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Yêu thời đồ đểu

Nhà văn Nhật Tuấn

YẾU THỜI ĐỒ ĐỂU ( KỲ 64 )




Gã Bút Thọc cười cười :

“ Quyết định vậy nên mới có cả đống thư phản đối ….”

Ong Chủ tịch giật thót , hỏi dồn  :

“ Mày nói  gì ? Ai phản đối ? Phản đối ai ? Mà phản đối cái gì ?”

Gã nhà báo không trả lời ngay, mở sổ tay xem xét vẻ quan trọng lắm rồi  mới  nghiêm giọng :

“ Phản đối chuyện giao đất cho Công ty Sương Mai, có thư còn nêu đích danh đồng chí Chủ tịch nhận tiền của bà Giám đốc nữa kìa…”

Ong Chủ tịch đập bàn :

“ Bố láo…vu cáo dựng chuyện…nói xấu lãnh đạo… chắc toàn thư nặc danh  chứ gì …giá trị mẹ gì, không chừng của các thế lực phản động phá hoại nội bộ đảng ?”

“ Không phải nặc danh , phần lớn cựu chiến binh có tên tuổi, địa chỉ đàng hoàng. Có thư còn tố cáo đồng chí Chủ tịch tỉnh trúng kế mỹ nhân của bà Giám đốc theo bả lên phòng riêng làm chuyện bậy bạ nữa kìa…”

“ ĐM thằng nào láo vậy ? “

Ong Chủ tịch tỉnh vọt miệng chửi, mặt tái đi, chuyển dần sang đỏ ké :

“ Mày về nói thằng Tổng biên tập nhà mày chuyển hết những lá thư ấy sang Uỷ ban giải quyết. Tao sẽ đưa cho thằng Ba bên công an điều tra coi đứa nào đứng sau vụ này xích cổ nó lại. Tụi nó định phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh ta hả ?”

Cơn giận làm ông Chủ tịch run bắn. Gã thư ký vội kéo Bút Thọc khỏi phòng ông Chủ tịch bước sang phòng riêng :

“ Mày nói thực hay bịa để doạ Chủ tịch đấy ?”

Gã Bút Thọc trợn mắt :

“ Ay chết, tôi đâu dám mó dái ngựa …động vào lãnh đạo tỉnh cả nhà tôi ăn cứt à ? Ai còn lạ gì mấy cha…đòn độc, đòn đểu là ngón gia truyền của cán bộ cấp cao mà …:…”

Gã thư ky vọt miệng :

“ ĐM thằng nhà báo này, mày nuốt phải rắn nước sao mà ngứa mồm ngứa miệng thế ? Muốn bóc lịch hả ? Thôi được, mày gom hết thư ấy đưa riêng cho tao ! ”

“ í đâu có được, thư gửi về đưa sang Phòng bạn đọc vô sổ đàng hoàng, lấy khơi khơi sao được ? Uỷ ban muốn lấy số thư đó phải đánh công văn sang yêu cầu mà lại phải qua Ban tuyên huấn  tỉnh uỷ duyệt nữa kìa…”

“ Vậy thì nói làm chó gì ? Tao hỏi mày chôm được không kìa ? Mà phải bí mật lộ ra là chết cả lũ…”

Gã Bút Thọc cười  hí hí :

“ Vậy ông quên lời Bác dậy rồi à ? “Không có việc gì khó, chỉ sợ…tiền không nhiều” thôi mà…”

Gã thư ký trợn mắt :

“ ĐM thằng này, mày tính trấn lột cả Uỷ ban tỉnh hả ?”

“ Ơ cái ông này buồn cười, chính ông gạ tôi đấy chớ. Vậy thôi , tôi về…”

Gã Bút Thọc dợm chân bước ra cửa gã thư ký đã gọi giật lại :

“ Mày có mang …”hàng mẫu” tao coi không ?”

Gã nhà báo rút ra một tập thư :

“ Tất nhiên là có, tôi phô tô vài  thư ông coi để “tham khảo” …”

Gã thư ký mới đọc lướt đã hoảng hồn, toát mồ hôi hột. Chẳng hiểu sao những chuyện làm ăn “tối mật” lại lọt ra ngoài có cả dẫn chứng số liệu hết sức cụ thể và chi tiết. Nào biến chủ trương giao đất giao rừng cho dân thành chuyện chia chác giữa các quan trong tỉnh, nào nhận đút lót của Đài Loan cho mở Xí nghiệp gốm bóp chết công nghiệp địa phương, nào biến khu di tích căn cứ địa cách mạng thành khu ăn chơi giải trí….Oi mẹ ôi, tất cả những chuyện này đưa hết lên mặt báo cho ông Mười Vẻ, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ đánh ông Chủ tịch tỉnh thì chẳng những ông chết mà cả gã thư ký đệ tử ruột của ông cũng khó toàn thây. Nghĩ bụng vậy gã vẫn quăng tập thư  trả lại Bút Thọc, giọng tỉnh bơ  :

“Tưởng gì, toàn chuyện tầm phào…”

Gã nhà báo cười nhạt :

“ Chuyện tầm phào này mà lọt vào tay ông Mười Vẻ thì cũng mệt cho ông Chủ tịch lắm đây …”

“ Tất cả bao nhiêu thư ?”

“ Mười ba lá lận. Còn nhiều thư…độc hơn vầy nhiều…”

“ Vậy mày đòi bao nhiêu ?”

“ Tôi đâu dám đòi ? Vụ này tôi chỉ làm trung gian thôi. Còn chính chủ thì đâu biết là ai…”

“ Thôi được, để tao báo cáo với ông Chủ tịch rồi điện cho mày …”

Thằng Bút Thọc tò mò :

“ Vậy còn cái băng ghi âm tôi ghi tiếng nói con bé Gái ra sao rồi ?”

Gã thư ký giật mình :

“ Cái đó nhằm nhò gì, tao …tao đốt đi rồi…”

“ Ong đốt đi là phải đó, trong cái băng ghi âm đó không chỉ có tiếng nói con bé Gái thôi đâu ? Còn có chuyện quan trọng hơn nhiều…”

Gã thư ký há miệng :

“ Mày nói vậy là sao ? Tao nghe chỉ thấy tiếng nói con bé Gái thôi mà …”

“ Vậy ông nghe lại đi, hết đoạn con bé Gái chạy qua một đoạn băng trắng dài mới đến đoạn người khác nói còn kinh hơn nhiều…”

Chiều hôm đó gã thư ký đóng chặt cửa nghe hết cả cuộn  băng. Hoá ra sau đoạn con bé Gái, gần cuối cuộn băng có một giọng khác - một ông già, bị bỏ qua không ai ngờ tới . Ong này tố cáo trong vụ xây tư dinh, ông Chủ tịch tỉnh đã gợi ý  các Công ty, các quan chức cấp dưới phải cống nạp người thì xi măng sắt thép, người thì cây cảnh quý hiếm, đặc biệt một Công ty đã “cúng” bà Chủ tịch một bồn tắm bằng ngọc, có máy tạo sóng giá tới trăm ngàn đô. Sau cùng giọng ông già dõng dạc :” Tôi là Tám Lên, nguyên Chánh văn phòng Uỷ ban tỉnh vì phản đối ông Chủ tịch tỉnh trong những vụ sách nhiễu đối tác tới tỉnh ta đầu tư nên bị trù úm buộc về hưu sớm . Tôi xin chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về những lời tố cáo trên…”. Gã thư ký nghe xong bủn rủn cả người, ngay tối hôm đó gã phóng xe tới tư dinh ông Chủ tịch. Tiểu thư Kim Anh mở cửa cho gã, mặt mũi tươi rói :

 “ May quá, vừa định  điện cho anh tới …”.

Hoá ra cô nàng cuối cùng cũng được ông bố cho đi chơi Phú Quốc với đám Tuyết Nhi và thằng cằm bạnh con  ông lớn ngoài Hà Nội. Gã thư ký phải lo vé máy bay đi về, đặt khách sạn và đưa cô nàng về tận thành phố, leo lên máy bay mới được quay trở về. ĐM tụi bay, ông bố đang bị lửa đốt đít mà con gái lớn cứ nhơn nhơn . Cô thì thào vào tai gã :

“ Anh có biết tại sao ba tôi trước thì cấm sau lại bằng lòng cho tôi đi Phú Quốc không ?”

“ Thì tại bà nhà xin cho cô chứ gì ? Lệnh ông không bằng cồng bà mà…”

Cô tiểu thư lắc đầu, vẻ bí mật :

“ Không phải đâu, ba tôi cho tôi đi Phú Quốc để thăm dò chuyện…mua đất đấy…”

Gã thư ký trợn tròn mắt :

“ Mua đất ? Nhà cô thiếu gì đất mà phải ra đó mua…”

“ Vậy thì anh chẳng biết gì , đất ở các đảo bây giờ đang lên cơn sốt đấy. Như ở Tuần Châu ngoài Quảng Ninh đó. Ai có tiền cũng muốn mua vài ngàn mét để đón đầu du lịch sau này….”

“ Cô nghe đâu ra vậy ?”

“ Tuyết Nhi con chú Ba ,Giám đốc công an đó, nó đang ở ngoài đó lùng mua đất kìa. Anh thu xếp công việc mai đưa tôi về thành phố lấy vé máy bay ra Phú Quốc cho sớm nghen…”

Gã thư ký thở hắt ra :

“ Được rồi, nhưng phải để tôi hỏi ý kiến ông nhà đã…”

Ong Chủ tịch tịch đang nằm ở giường cho bà Phu nhân nhổ tóc sâu, thoáng thấy gã thư ký,  nhỏm ngay dậy :

“ Chuyện gì mày ?”

Ong lo lắng ra mặt, bởi lẽ theo quy định, khi có việc gì thật cần, quan trọng thì gã thư ký mới phóng thẳng tới tư dinh ông, ngoài ra mọi việc đều giải quyết ở cơ quan .  Bà Phu nhân cũng nhìn gã với con mắt tò mò :

“ Chuyện gì mà tới tối vậy ?”

Gã thư ký đánh trống lảng :

“ Cô chú Hai đã đồng ý cho cô Kim Anh đi chơi Phú Quốc ?”

Bà Phu nhân nhanh nhẩu :

“ Thì nó đang nghỉ hè, cho nó vui bạn vui bè…”

Cả vợ lẫn chồng Chủ tịch đều dấu biến chuyện cho con gái ra Phú Quốc thăm dò mua đất. Gã cười thầm, địt mẹ lãnh đạo, một lũ chó đói, lòng tham vô đáy, nào đất rừng đất rẫy, nào đất ven sông, đất đô thị …. Sổ đỏ nhét trong két phải  cả chục vậy mà còn ham đất mãi ngoài hải đảo.


                                              ( còn tiếp )