Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

TẶNG THẦY CÔ, NHÂN NGÀY 20.11

 

  ĐẠO LÀM THẦY


Làm thầy mới hiểu Đạo thầy
Bao điều tôn quý, ơn này sao quên

 

"Không thầy đố mày làm nên"
Cổ nhân đã dạy... nhãn tiền thời nay
Thầy nào trò ấy, có hay!
Bài học Nhân-Quả, lo thay sự đời

 

Đạo thầy nhân nghĩa, cao vời
Đất nước hưng thịnh, "trồng người"... quý cao
… Chữ NHÂN-TÂM-ĐỨC thầy trao
Ghi lòng tạc dạ, làm sao trả đầy...!

 

"Muốn con hay chữ... yêu thầy
Cầu Kiều thầy bắc, ngày ngày sang sông...(*)


(*)Phỏng theo hai câu ca dao:
      "Muốn sang phải bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Berlin, ngày 20.11.2013

Chu Văn Keng 

TB: Đề nghị Bác Thuận cho xin bức ảnh
       để minh họa cho bài thơ này. Xin cảm ơn

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Gương mặt PGS toán trẻ nhất VN 2013

BBT- Thế hệ trẻ của Khoa Toán Cơ Tin học - ĐHKHTN HN (ĐHQG HN) rất giỏi và cũng rất lãng mạn. BBT xin giới thiệu gương mặt Phó giáo sư trẻ nhât trong đợt phong 2013 là cựu sinh viên Khoa Toán Cơ Tin học: anh Lê Anh Vinh.

Bộ ảnh cưới 'Bốn mùa' lãng mạn của PGS trẻ nhất 2013

Khi ngắm bộ ảnh cưới của PGS trẻ nhất Việt Nam, Lê Anh Vinh, nếu không được giới thiệu trước, người xem sẽ tưởng đang ngắm ảnh của một cặp sao Hàn Quốc.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Trong số hơn 400 PGS được công nhận năm nay, Lê Anh Vinh (ĐH Quốc gia HN) là PGS trẻ nhất. Sinh năm 1983, Lê Anh Vinh từng là sinh viên khoa Toán cơ tin (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) và đoạt HCV môn Toán châu Á Thái Bình Dương, HCB môn Toán quốc tế (năm 2001). Trong ảnh: Lê Anh Vinh và Phương Dung.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Với ý tưởng ghi lại dấu ấn tình yêu tại những thời gian kỷ niệm và miền đất đã đi qua, Anh Vinh và Phương Dung đã chụp ảnh cưới ở nhiều miền đất như Mỹ, Pháp, Đức, Mexico và Việt Nam.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
 Bộ ảnh "Mùa hè ngọt ngào", tại đảo Cozumel, Mexico và biển Florida, Mỹ.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Bộ "Trái tim mùa thu" tại Boston, Mỹ.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Năm 2003, Vinh được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Australia theo học ngành công nghệ thông tin tại ĐH New South Wales (UNSW). Năm 2006, anh tốt nghiệp với số điểm 99/100, cao nhất trong vòng 15 năm của khoa Toán Trường New South Wales. Vinh được nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của 7 trường đại học hàng đầu thế giới.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Sau khi tốt nghiệp ĐH New South Wales, ngành công nghệ thông tin ở Australia năm 2006, Lê Anh Vinh nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của những trường đại học nổi tiếng: Harvard, MIT, Berkeley, Stanford, Yale, Cambridge và Oxford. Anh quyết định theo học trường Harvard và hoàn thành khoá học vào tháng 5/2010.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Cũng trong thời gian đi du học, anh đã tìm được một nửa của mình, Phương Dung, cùng du học ở Australia với anh. Sau 7 năm bên nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, họ đã quyết định làm đám cưới.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
"Bản tình ca mùa đông" tại trường Luật ĐH Harvard.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
Phương Dung từng chia sẻ: "Ý tưởng bộ ảnh của chúng mình là Bốn mùa. Mình muốn bắt đầu từ mùa hè vì đó là lúc bọn mình quen nhau 7 năm trước và kết thúc bằng mùa xuân ở Việt Nam, là lúc bọn mình tổ chức đám cưới. Tình yêu ấy bắt đầu từ biển, vì thế bọn mình rất thích chụp ảnh cưới ở biển". Mùa hè, cặp uyên ương chụp tại đảo Cozumel, Mexico và bãi biển ở Florida, Mỹ. Mùa thu, hai bạn chụp tại Boston, Mỹ, mùa đông tại trường Luật ĐH Harvard và mùa xuân là hình chụp ở Việt Nam.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
"Giai điệu mùa xuân" tại Việt Nam.
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
ảnh cưới, phó giáo sư trẻ nhất, Lê Anh Vinh
(Theo Người Đưa Tin)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/148275/bo-anh-cuoi--bon-mua--lang-man-cua-pgs-tre-nhat-2013.html
Ngày: 7/11/2013

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Nội dung "Nhật ký Tạ Quang Sỏi" (bản thảo để in)

Tôi xin đưa toàn bộ nội dung Nhật ký Tạ Quang Sỏi để các bạn tham khảo, góp ý. Các nội dung đăng ở đây sẽ được xuất bản đầy đủ. Các bạn không cần chú ý đến hình thức trình bày, chỉ cần chú ý đến nội dung. Nếu bạn nào cung cấp thêm thông tin về Sỏi thì tốt quá, tôi thấy hiện nay còn thiếu thông tin cơ bản về liệt sỹ Tạ Quang Sỏi.

(Trịnh Tất Đạt)



Lêi nãi ®Çu

Từ năm 1970 cán bộ, sinh viên các trường Đại học trên toàn miền Bắc không còn thuộc diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự; thế là hàng trăm hàng ngàn cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường Đại học hăng hái lên đường nhập ngũ tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Riêng Khoa Toán-Cơ-Tin học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ cũng có hàng trăm giáo viên và sinh viên tạm gác sách vở lên đường với tinh thần nước còn giặc còn đi đánh giặc.
Trong 2 năm 1971, 1972 mỗi năm có 3 – 4 đợt tuyển quân ở trường. Số cán bộ sinh viên mới nhập ngũ sau 3 tháng tập luyện là họ gia nhập các đơn vị chiến đấu và di chuyển dần vào miền Nam; chỉ có một số ít gia nhập lực lượng phòng không không quân, hải quân, bộ đội biên phòng.
Trong quá trình di chuyển vào Nam, một số lớn tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị, nhiều liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây trong đó có liệt sỹ Tạ Quang Sỏi sinh viên Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ, đoàn đại biểu cựu chiến binh của Khoa Toán-Cơ-Tin học đi thăm gia đình liệt sỹ Tạ Quang Sỏi và chúng tôi xin được cuốn nhật ký mà liệt sỹ đã ghi chép cho đến ngày hy sinh. Chúng tôi xin chép lại gửi tặng độc giả.
Đọc cuốn nhật ký chúng tôi hiểu cách suy nghĩ của liệt sỹ trước giờ xung trận, đó cũng là suy nghĩ của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, đặc biệt là của các chiến sỹ-sinh viên. Những quan niệm sống rất đáng khâm phục. Hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sỹ với mãi tuổi hai mươi. Hãy nhớ kỹ những điều mà liệt sỹ dặn lại.
Xin liệt sỹ yên giấc ngàn thu hình ảnh của bạn còn mãi trong mỗi người chúng tôi.


NGUYỄN ĐÌNH SANG
 Hội CCB Khoa Toán – Cơ – Tin Học
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Đại học Quốc gia Hà Nội



Ta không muốn làm cây liễu rủ
Đứng làm duyên khép nép ven hồ
Càng không muốn làm một nhành hoa
Được vun xới nuông chiều trong nhà kính
Ta muốn giữa ngàn cơn gió mạnh
Làm cây Tùng cây Bách đứng hiên ngang
Hạt giống tốt tươi ta sẽ nảy mầm
Bất cứ nơi nào Đảng gieo ta xuống.
(Chữ ký chụp)
22-1-1972
HT.702.126. JH 23



22.1.1972
Ôn lại lịch sử 42 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam

23.1.1972
Viết thư cho S., bao suy nghĩ lại lung tung trong đầu. S. chỉ là người bạn gái- người em gái trong quan hệ tình cảm ban đầu. Ôi, thật là phức tạp quá, ta sẽ chẳng cần gì. Đúng là: “Thân còn chẳng tiếc- tiếc gì đến duyên”
Một ngày chủ nhật lại qua, ôi đất Hà bắc này đã giết bao ngày nghỉ một cách không thương tiếc. Giờ đây tất cả là làm, làm không kể thời gian ngày, tháng.
“Tình thế mới- thời cơ lớn” năm 1972 sẽ tiến triển đến mức độ nào. Biết đâu ta sẽ là người ngã xuống bởi viên đạn cuối cùng trong chiến tranh – điều đó cũng chẳng có gì suy nghĩ. Cuộc sống hiện tại đành phải quên đi những tình cảm thiêng liêng cao đẹp. Xếp lại mọi chuyện gia đình, cá nhân để phục vụ sự nghiệp lớn lao: Đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đường ta đi còn nhiều chông gai phía trước, nhưng đích cuối cùng đã rõ cố gắng lên S. nhé.
Gần 1 năm đeo lon B1 rồi, không biết còn biết đến khi nào nữa, chán quá rồi!
Đêm Sầu
Tôi viết bài thơ lúc đêm thâu
Cho lòng trút bớt nỗi âu sầu
Để mai vui với trời nắng ấm
Cất cao tiếng hát át u buồn.
Bạn hỏi vì sao tôi cứ vui
Trong khi lòng dạ vẫn ngậm ngùi
Vì tôi cứ nghĩ ngày mai đến
Nắng ấm xua tan đám sương mù.

Em Nhớ Nhé
Em là cô giáo của tương lai
Hôm nao lên lớp phải nhớ bài
“Em yêu bộ đội hơn ai hết”
Để các em anh học thuộc lòng.
Em nhớ đừng quên lời anh nhé
Mái trường em đó trên quê mẹ
Đã đổi bằng xương máu cha anh
Để các em anh được học hành./.
23-1-1972



Vui Hôm Nay
Tổ quốc bảo ta làm chiến sĩ
Giữ non sông hùng vĩ bao la
Ta ra đi đền nợ nước thù nhà
Niềm hạnh phúc lớn lao: cầm súng.
Qua, ta chỉ biết qua bài giảng
Kiến thức tự nhiên để xây dựng tương lai.
Nay, ta hiểu sâu thêm chân lý:
Kiến thức cuộc đời: Độc lập tự do.
Anh bộ đội trở về giữa Thủ đô.
Cùng bạn bè anh đứng quanh Bờ Hồ
Đèn điện sáng càng nhớ trăng rừng thẳm
Tiếng ồn ào lại nhớ chặng hành quân.
Anh đẹp lắm trong màu xanh rừng thẳm
Sáng ngôi sao như tỏa sáng ngời ngời
Đẹp đẽ hơn khi đã trọn đời
Đi gìn giữ tình yêu và cuộc sống.


Ra Trận Mùa Xuân
Hoa đào nở cười trong nắng ấm
Đẹp quá. Chào xuân ta lại lên đường
Đường mùa xuân- Đường ra mặt trận
Rầm rập ngày đêm, đất nước chuyển mình.
Đất nước đẹp một màu xanh lá mới
Đang vươn lên phơi phới niềm vui
Súng trên vai, hoa nở bên đường
Tay ngắt vội vài bông cài lên vành mũ.
Dừng chân nghỉ trên Trường Sơn lộng gió.
Ta ngắm nhìn trời đất mùa xuân
Đẹp quá xuân nay và sẽ đẹp trăm lần
Khi Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập.
(?)  nở trên nòng súng
Hoa nở tươi trên đỉnh Trường Sơn.
Hoa nở tươi thắm hơn
Trên môi những người hôm nay ra trận.
Đường ta đi trùng trùng vô tận
Đường mùa xuân- Con đường ra trận
Hạnh phúc- Niềm tin- Hiện tại- Tương lai
Tất cả ra đi- Hẹn ngày mai chiến thắng.
Hà Bắc , 25.1.1972.
Hoa Sen
Hoa sen trắng tỏa hương thơm mát
Lung linh soi mặt nước trong xanh
Ôi hương hoa dìu dịu trong lành
Bông hoa trắng chen nhị vàng rực rỡ.
Tôi yêu các loại hoa tươi sắc
Đỏ thắm- Hồng tươi màu tím không mờ
Sao trong lòng tôi vẫn ước mơ:
Bông sen trắng . Nở tươi nhìn nắng hạ.


26.1.1972
Dùng ánh sáng của chiếc bật lửa kỉ niệm ghi lại những ngày đáng ghi nhớ. Trên đồi cây bạch đàn- trăng sáng soi tỏ tường xen lẫn bóng cây, nằm trong lán căng bằng những thứ sẵn có, họ quây quần bên nhau chia nhau từng hơi thuốc: khói tỏa đầy lán nhỏ, tiếng chuyện trò râm ran từ những gốc cây ven đồi.
Ôi cuộc đời là thế. Sắp Tết rồi, chỉ còn hơn nửa tháng nữa thôi. Khó mà về được gia đình. Có lẽ sẽ xa nhà một cái Tết nữa.
Trăng vẫn sáng- Đêm đang đi vào chiều sâu.


Đêm Dã Ngoại
Trăng sáng trên đồi cây- Hà Bắc.
Ánh trăng vàng xuyên lớp cây thưa.
Mắc võng đêm nay, nằm khẽ đu đưa.
Như ngày trước mẹ ru hi trên võng.
Mẹ ơi! Đêm nay mẹ ngủ chưa.
Mẹ có biết con đang nằm dã ngoại.
Giữa rừng cây, đang nhớ mẹ không nguôi.
Đêm nay, con mẹ nhìn trời đếm sao.
Nằm trên võng khẽ đưa nhè nhẹ.
Cây khẽ rung, ánh trăng động đậy.
Như tay ai khẽ xoa trên trán.
Thử xem con đã ngủ say chưa.
Châm điếu thuốc, khói bay lên vào lá.
Thuốc đỏ trên môi, soi rõ mặt người.
Buồn, suy nghĩ, tâm hồn bay theo khói.
Đến gần mẹ, thỏa tấm lòng mong mỏi.




30.1.1972
Mấy ngày sống trên đồi bạch đàn, gió lạnh và lá reo. Đêm mưa lộp bộp trên đầu, rơi tí tách. Chăn màn ướt, mưa tạnh- gió ngừng- trăng lại lên- ánh trăng sáng xuyên qua kẽ lá chiếu rọi vào trong lán dã chiến. Ánh trăng như gợi lại tất cả những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ xưa kia. Cũng dưới ánh trăng vàng, đón gió mát trên sân thượng… của khu ký túc xá. Giờ đây nhìn trăng qua khe lá, đón gió giữa rừng cây.
Sắp Tết rồi, sao chẳng có gì khác cả! Chẳng có gì náo nức như dạo trước. Không biết có thể sum họp với gia đình trong dịp Tết này không? Chắc gia đình lại sẽ buồn vì mình nữa thôi!
Đồi cây thẳng tắp, những lán dã chiến của bộ đội im lặng trong đêm, tất cả chìm trong im lặng. Chỉ còn tiếng gió reo, tiếng rên rỉ của giun dế.
Có thể sắp tới sẽ lại chuyển, đời lính như con chim trời, nay đây mai đó. Gặp gỡ biết bao người…
Về lại Bồng Lai, gặp những người quen từ trước.




Đêm Mưa
Mưa rơi lộp bộp trên đầu.
Đều đều như giọt lệ sầu đang tuôn.
Mưa đêm như  gợi nỗi buồn.
Lòng người lính chiến muôn điều vấn vương.
Mưa rơi nhỏ giọt đêm xuân.
Ngày mai sẽ nở bao mầm xanh tươi.
Bao hoa thắm sắc hé cười.
Chào xuân lộc biếc sinh sôi từng ngày.
Nằm trong lán trên đồi.
Trong đêm xuân nghe cây mọc thêm chồi.
Nghe tiếng hát nghe như lời non nước.
Vẳng thôn xa tiếng chày khuya quen thuộc.
Nhớ quê nhà đang bước vào xuân.
Náo nức đông vui rạo rực muôn phần.
Dã ngoại trên đồi cây HB



2.2.1972
Mưa xuân lất phất bay nhè nhẹ, cây cối tắm mát những giọt mưa xuân. Lòng nhớ muôn phần những dạo trước khi sắp bước vào xuân
Hoa chưa nở. Tôi chưa nhìn thấy cái gì gọi là xuân ở nơi đây. Mà chỉ thấy những hàng cây đang nảy lộc, đâm chồi.
… 3 năm trước ở Trường Đại học Tổng hợp
Chính bây giờ mới thật là trường đại học tổng hợp, tổng hợp của cuộc sống, của những suy nghĩ.
Khoa học quân sự- cuộc đấu tranh giữa cái chết và sự sống- tỉ mỉ- thận trọng. Năm thứ hai trong trường này, gìa dặn hơn nhiều.

Tôi lại bước vào trường đại học.
Cuộc sống dạy tôi biết cách làm người.
Tuổi hai mươi phải xa rời cây bút.
Người bạn đường thời trai trẻ vui tươi.
Trường tôi học rộn ràng từ sáng sớm.
Suốt cả trưa, chiều, đêm tối gió sương.
Trường của tôi trên những chặng đường.
Vai mang nặng trèo trên sườn dốc đứng.
Chúng tôi học chẳng cần bàn ghế.
Tảng đá, gốc cây dưới bóng rừng già.
Lớp chúng tôi có bưởi nở đầy hoa.
Chim rừng hót vang  hòa tiếng dòng suối.
Bài học hôm nay, sự sống ngày mai.
Hiện tại đau thương tô thắm tương lai.

3.2.1972 (19 âm lịch)
Mừng sinh nhật Đảng  42 tuổi. Mưa xuân vẫn rơi. Có được hôm nay, biết bao hi sinh, xương máu mới đem lại, phấn đấu theo lý tưởng của Đảng - Tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Con đường cha đã đi. Giờ đây con đang bước tiếp.



Mừng Sinh Nhật Đảng 3.2.1972
Tôi viết bài thơ mừng ngày sinh nhật.
Đảng quang vinh, với cả nhiệt tình.
Đảng ra đời đất nước dậy bình minh.
Đưa dân tộc lên con đường hạnh phúc.
Mẹ nuôi con từ ngày thơ ấu.
Dạy con đi chập chững từng ngày.
Đảng ra đời đã chắp cánh con bay
Tới hạnh phúc, tới ngày mai tươi sáng.

Nhớ Em
Sáng nay lòng lại nhớ em yêu
Ấp ủ lòng anh biết bao nhiêu
Niềm thương nỗi nhớ đầy thêm mãi
Nay bỗng dậy lên- Đẹp biết bao nhiêu.
Xa em, anh nhớ, anh thương lắm!
Không biết bao giờ gặp lại nhau
Xuân về hoa lá tươi màu
Riêng anh thêm nỗi âu sầu vì xuân!
Chắc ở nơi xa, em đang vui học tập,
Giải phương trình tìm xác suất gặp anh.
Trên đồi xanh anh thấy trên cành
Con chim nhỏ hót một mình thỏ thẻ.
Hà Nội sáng nay chắc vui nhiều em nhỉ!
Tấp nập rộn ràng với những giọt mưa xuân.
Ước giờ đây được gần gũi một lần
Hai mái tóc thấm đầy mưa bụi
Xuân đang về vui vẻ quá em ơi!
Hãy nhìn xem tất cả đất trời
Đang xanh lại trong mùa xuân hạnh phúc
Xuân đang về đang giục giã phải không em?


26 Âm lịch
4 hôm nữa là Tết thôi, vẫn chưa có gì gọi là xuân cả, có lẽ lá thư viết hôm qua sẽ về tới nhà khi xuân vừa tới. Cha, mẹ, anh các em yêu thương ơi. Hãy thông cảm cho điều kiện hiện nay của con nhé. Anh Thiệp ơi! Em sẽ vắng mặt trong ngày vui của anh. Hạnh phúc gia đình nằm trong hạnh phúc lớn lao của dân tộc anh ạ, em nguyện sẽ suốt đời bảo vệ hạnh phúc cho Tổ quốc- gia đình.
Gia đình chắc luôn mong con từng ngày. Xuân về những ngày sum họp của gia đình gần tới. Ước mong sao có ngày xuân sum họp.
Các em yêu thương ơi, lại để các em buồn vì nhớ anh rồi, cứ vui chơi các em nhé. Anh sẽ vui khi biết các em vui chơi, khỏe mạnh học hành tốt.
Cái Tết thứ 2 xa nhà, cái Tết thứ hai trong quân đội, giờ đây sao chẳng có gì khác những ngày thường, bình thường hơn tất cả. Tết chưa đến - như là Tết đã qua. Để rồi lại chờ đợi cái Tết khác. Cứ mỗi xuân qua đi, người thêm già dặn.
Phải luôn luôn động viên mọi người ở lại ăn Tết, trong khi lương tâm cắn rứt nhớ nhung. Không biết rồi năm nay Tết nhất sẽ ra sao? Trước mắt là buồn nhớ, trên đồi cây giá lạnh trong lều vải nhựa, xuân cứ nhích lại gần, gần lắm rồi…

Gần Xuân 72 ( 28 âm lịch)
Đoàn quân đi vào ngày 28. Hai hôm nữa là Tết thôi. Không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết.
Người đi xa tấp nập trở về với những bó hoa tươi thắm. Chúng tôi chuẩn bị lên đường, ba lô mang nặng, súng đạn bên mình lẻng xẻng. Đoàn quân dài trên đê cao, khuất sau những thôn xóm, những hàng cây, đã khoác màu xanh áo mới. Những mảnh ruộng lúa mới cấy xanh mát một màu. Tôi đi trong lòng bâng khuâng, thương nhớ…. Đó đây thôn xóm đang bước vào xuân. Gia đình, quê hương đã vào xuân chưa nhỉ? Chắc mẹ và các em đang ngóng tin, chờ đợi thức giấc trong đêm khi nghe chó sủa.
Gió lồng lộng trên đê. Dòng sông mùa xuân đẹp quá- Bãi ngô xanh thắm một màu. Giữa sông từng cồn cát trắng chạy dài, nước sông trong xanh, mát rượi.
Nặng muốn xé đôi vai, nhớ thương dày vò. Hôm nay chắc S. bắt đầu về nghỉ đây.
Xuân đến gần quá rồi, tưởng có thể với được. Quãng đời 19 năm ăn Tết cùng gia đình, từ nay có lẽ phải xa mãi, ngày xuân xa cách sẽ từ đây. Ta cũng phải tự hào về vị trí của ta, gìn giữ hạnh phúc cho người khác.
Niềm an ủi động viên duy nhất là làm tròn nhiệm vụ của người công dân.



Màu Xanh
Tôi yêu màu xanh rặng tre đầu xóm.
Của lúa đồng khi bước vào xuân.
Nay yêu hơn, gấp đến trăm lần.
Màu áo xanh trên áo anh bộ đội.
Mang trên mình màu xanh đất nước.
Mùa xuân dài theo mỗi bước anh đi.
Anh ra đi nào có quản gì.
Chiến đấu quên mình giữ mùa xuân tươi thắm.
Đẹp quá đoàn quân đi giữa mùa xuân.
Trùng trùng quân đi, rầm rập lên đường.
Mỗi bước đi gửi gắm yêu thương.
Đường ra trận xanh màu xanh xô tận.
Màu xanh đẹp trên cành lá mới.
Mỗi mầm non phơi phới vươn lên.
Đường hôm nay, mát rượi xanh rờn.
Mùa xuân đến trên vai người chiến sĩ.
Anh bộ đội ơi, trên áo anh màu xanh.
Sao tươi tắn hiền lành,
Như mùa xuân đang tới.
Ta ra đi phơi phới niềm tin,
Mong đợi ở ngày mai.
28 Âm lịch, Tháng Chạp, 1972
Xuân Hành Quân
Đoàn ta đi mang mùa xuân đất nước
Đẹp như lời hẹn ước lúc chia tay.
Hạt mưa xuân trong gió bay bay
Như rắc hạt mùa xuân trên màu áo mới.
Xuân cùng ta trên đường đi tới
Những phương trời đang đợi chờ ta
Miền Nam ơi, biết bao dải rừng già
Bọn xâm lược cướp mầu xanh đất nước
Ta thương những rừng chàm rừng đước
Súng đạn quân thù xé nát mùa xuân
Mẹ già ơi, bao mùa xuân mẹ đợi
Đứa con yêu vẫn vời vợi cách xa
Tóc mẹ già bạc trắng mỗi xuân qua.
Thương biết bao người mẹ, người cha
Tính xuân qua, nhớ lại ngày xa cách.
Mùa xuân nay con về bên mẹ
Về bên cha cùng giải phóng quê hương
Chúng con đi xuân đẹp lắm trên đường
Miền Nam đợi mùa xuân mới mẻ
Chúng tôi đi mang theo sức trẻ,
Quyết giải phóng Miền Nam
cho xuân đẹp non sông.
Xuân về đây rợp bóng cờ hồng
Mầm xuân lớn từ ngày đi diệt Mĩ.
13.2.1972 ( 29 Âm lịch)
Hết ngày mai là bước vào Tết, chắc ở nhà đã gói bánh rồi. Đêm nay mẹ và các em thức bên nồi bánh chưng, nhớ và nhắc đến mình luôn. Mẹ ơi! có hiểu lòng con lúc này không, nhớ thương đang tràn ngập lòng con. Những hình ảnh của xuân trước gần mẹ và các em đang sống lại trong con. Đêm nay nằm trong lán trên đồi, giọt mưa xuân lộp bộp trên vải nhựa, đó đây gió đưa xào xạc, ở nơi đây cùng đồng đội đón xuân. Mẹ kính yêu, mẹ vui lòng về việc làm của con nhé. Gần 20 năm đón xuân bên mẹ. Nay con trưởng thành rồi, con xa mẹ để giữ gìn mùa xuân chung của dân tộc. Mẹ vui lên mẹ nhé, con đón xuân trên quê hương quan họ, trong tình thương yêu của đồng đội. Niềm vui trong học tập và chiến đấu.
Xuân đến rồi, chúc mẹ, các em vui xuân, mạnh khỏe, vui tươi.



Giao Thừa Nhớ Mẹ
Hai mươi xuân đón giao thừa bên mẹ.
Cạnh nồi bánh chưng nghe kể chuyện đời xưa.
Xuân đang về, gió khẽ đung đưa.
Ánh lửa rung rinh như cười với gió.
Hai xuân rồi đón giao thừa xa mẹ.
Khi xuân sang con đứng gác bên đồi.
Nghe cây lá đâm chồi nảy lộc.
Nhớ mẹ đêm nay thao thức đợi chờ con.
Xuân về đây ngập tràn đất nước.
Mùa xuân dài theo mỗi bước con đi.
Mẹ yêu ơi, mẹ mong ước những gì?
Nay con mẹ đang nguyện làm hết sức.
Đêm nay con cầm chắc súng.
Giữ mùa xuân cho mẹ vui mãi mãi.
Mẹ yêu ơi, đừng buồn nhiều mẹ nhé.
Ở nơi đây con đang đón xuân về.
Tổ ấm bên đồi, quây quần bên giường nhỏ.
Lũ chúng con hát bài ca giải phóng.
Mẹ yêu ơi con đang thầm nhớ mẹ.
Mong mẹ vui, khỏe mạnh những mùa xuân.
Đêm Giao thừa1972, Nhâm Tý
30 Âm lịch Tân Hợi
Đón Giao thừa trong nhà bạt ấm cúng trên đồi cây thanh điền, vui vẻ trong lời ca tiếng hát. Cái Tết thứ hai xa gia đình. Chắc gia đình giờ này đang thao thức nhớ tới mình. Có thể là cái Tết cuối cùng trên đất Bắc cũng nên. Nếu như thế thì mẹ cũng vui lòng mẹ nhé! Anh Thiệp ơi, ngày vui của anh em không có mặt, không được bên anh, động viên góp ý, xây dựng cho anh được, song em rất tin tưởng. Mong hạnh phúc luôn luôn đến với anh. Còn em, chuyện vợ con có lẽ cũng còn nhiều khó khăn. Điều kiện của em bây giờ là chuyện xa xôi.
Nhớ nhà quá! Giao thừa qua rồi, pháo nổ, súng cũng nổ ran, như chiến trường giục giã. Xuân về, thêm một tuổi đời, thêm một tuổi quân, nỗi thương nhớ dày lên theo thời gian. Ước mơ đang xa dần theo dĩ vãng. Hiện tại khó khăn đang chồng chất. Gắng sức trai, vươn tới mùa xuân đất nước.



Pháo Xuân
Pháo xuân nổ ta bước vào năm mới.
Biết bao điều mong đợi chờ ta.
Xuân đến rồi. Xuân lại sẽ qua.
Đào hé nở. Cánh hoa bay theo gió.
Pháo xuân nổ đất trời bừng dậy
Mang đến bên ta biết mấy niềm vui.
Ta vào xuân nghe pháo giao thừa,
Như tiếng súng tấn công trên chiến trường giục giã.

20.2.1972
Hành quân hai ngày trời (18 và 19.2), không có thời gian để ghi lại những ngày đáng nhớ của đời lính.
Thế là lại xa Hà Bắc, vượt qua Phả Lại. Có lẽ lịch sử mang nặng bắt đầu từ đây. Trăm thứ trên vai. Đường xa mang nặng. Càng nghĩ càng tủi lòng. Chân không bước được nữa. Vẫn phải đi, phải đi mãi.
Mùa xuân phơi phới của tuổi trẻ lên đường. Đi mà lưng còng như bà già mang tật. Đầu muốn ngẩng cao nhưng cũng không cất được. Sao đời ta lại có những ngày khổ cực thế này nhỉ? Không biết rồi sẽ khổ đến thế nào nữa. Người khách qua đường ái ngại cho trọng lượng trên vai anh lính…
Đến Chí Linh- Hải Dương - qua Côn Sơn như gặp cụ Nguyễn Trãi đang thảo Bình Ngô Đại Cáo. Đất Chí Linh phải “nếm mật nằm gai”. Ngôi đền cổ kính ẩn dưới lùm cây xanh ngắt. Gió thổi, thông reo. Trúc rì rào.


Qua Côn Sơn
Thăm Côn Sơn một chiều xuân
Cỏ cây hoa lá đẹp muôn phần
Xa xa dưới bóng rừng cây thẳm
Cổ kính linh thiêng mấy ngôi đền.
Gió thổi thông reo, trúc rì rào
Xanh ngát rừng cây trên núi cao.
Nghe tiếng mõ chiều khua đều đặn
Nghe chuông thong thả đổ từng hồi.



22.2 , 1972- Mồng 8 Tết
Bắn đạn thật ở Quảng Ninh. Ở một ngày trong gia đình người Hoa kiều. Kết quả đạt được thật là mĩ mãn. Phấn khởi tin tưởng vào kỹ thuật. Chắc chắn sau này sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Đạn cối bay cao, lao xuống mục tiêu theo ý muốn.
Lại trở về gia đình ở Chi Linh, người mới quen. Có lẽ lại sắp phải xa. Đời bộ đội thật kỳ cục, ở đâu thân quen, hiểu biết là bắt đầu ba lô súng đạn ra đi. Giờ đây đúng “ Là con của vạn nhà. Là em của vạn kiếp phôi pha. Là anh của vạn đầu em nhỏ”.
Ở đâu cũng là nhà, ở đâu rồi cũng thân quen. Người chiến sĩ đến đâu là ở đó vui lên, tràn đầy sức sống. Ta sống trong những ngày sôi nổi. Vui với đời chinh chiến, có lẽ sắp tới ta sẽ vào tuyến lửa, và ở đó không biết cuộc sống sẽ ra sao?


Về Chí Linh
Anh đã về thăm đất Chí Linh.
Lưu luyến nơi đây biết bao tình.
Ơi mẹ già, ơi đàn em nhỏ!
Đã khắc trong lòng ta không nguôi.
24.2.1972
Lại hành quân về đại đội 11. Đường như gần lại. Bao nỗi bực dọc trong người. Đâm ra hay cáu gắt, tức giận với hiện tại. Oán trách ai được? Cha mẹ sinh con những mong con sung sướng. Giờ đây hết cả thời gian để suy nghĩ chuyện tương lai! Cuộc đời bây giờ chỉ quanh quẩn với núi rừng, đi gần vào cái chết đau thương.
Em S. yêu thương, có lẽ chúng ta cũng sẽ xa nhau mãi thôi. Anh rất muốn viết thư cho em, nhưng chẳng còn lúc nào nữa. Dẫu sau này ta có gặp nhau, em cũng đừng oán trách anh hững hờ nhé. Đời anh bây giờ cực khổ lắm.
Làm vội vàng mới có chỗ ngủ đêm. Mưa ướt át, bẩn thỉu, thần kinh ức chế đến cao độ. Đời bây giờ ẩm thấp, lụp xụp là thế. Biết bao giờ cho đường hoàng, cao rộng. Mưa cứ rơi, lộp bộp, tí tách.

3.3.1972
Đến thăm Côn Sơn vào ngày hội đền. Chính đây, nơi ẩn giật của Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc. Từ cao nhìn xuống Côn Sơn nằm giữa rừng thông già rậm rạp, um tùm. Những cây thông già sừng sững đứng reo với gió núi. Ở nơi đây nền nghệ thuật dân tộc đã phát triển đến mức cao độ.
Hương thơm nghi ngút càng làm tăng vẻ uy nghi cổ kính, những nhà sư trong bộ nâu sồng từ bi, tụng kinh, gõ mõ cầu niệm.
Ta ra đi giữ lấy đất nước, giữ lấy nền văn hóa lâu đời của dân tộc, giữ lấy cổ kính của đền chùa.
Càng xem lòng càng tự hào dân tộc, càng quý giá nền kiến trúc Việt Nam…
Hãy giữ lấy đất nước Việt Nam để cho những nhà sư sãi tụng kinh gõ mõ, để cho nhân dân vui những ngày hội đền.

Côn Sơn
Côn Sơn!  Côn Sơn!
Thông cao, lá biếc xanh rờn.
Đẹp sao thấp thoáng ngôi đền uy nghi.
Gió đưa cây lá thầm thì
Trên đường chinh chiến mấy khi đã dừng.
Thơm ngát hương trầm bay nghi ngút
Mấy vị sư già chăm chú tụng kinh
Cầu cho trời đất thanh bình
Cho đời hạnh phúc, cho người tự do.
Bia đá xanh, những dòng chi chít
Của cha ông để lại đời sau
Tường rêu xanh biếc giàn trầu
Nơi đây bàn đá, từ lâu nhẵn mòn.
Tôi đến đây, qua thăm nhà Nguyễn Trãi.
Chỗ nằm kia dầu dãi nắng mưa.
Bàn cờ đây chắc sớm trưa
Giải khuây (những? mấy?)  lúc như vừa hôm qua.
Tự hào thay - Đất nước ta
Đất trời tươi đẹp sinh ra anh hùng.
Đã từng diệt giặc tàn hung,
Sáng ngời nòi giống, góp chung sử vàng.

7.3.1972
Mấy ngày nay sống giữa rừng cây. Ở đây chỉ toàn là bộ đội, ngoài ra chẳng có ai khác. Buồn vì thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, lãng quên đi những việc cần thiết. Tin tức gia đình lâu nay vắng bặt, không biết việc riêng của anh Thiệp tiến hành ra sao rồi, mong hạnh phúc đến với anh mãi mãi.
Hết dầu thắp 3 ngày nay. Mọi sinh hoạt đều tối mù, hoặc phát sáng nhờ bó đuốc nhựa thông. Sinh hoạt như trở lại thời trung cổ. Bây giờ đây, ta càng nhớ ánh sáng chói lòa của ánh điện nê ông.
Cha kính yêu ơi, tuổi trẻ của con bây giờ khác trước nhiều lắm. Đáng lẽ con phải sôi nổi thì bây giờ con lại trầm lặng. Đáng lẽ khỏi phải lo những chuyện không đâu thì nay lại phải lo. Ngoài 20 tuổi rồi mà cuộc sống chưa thổn thức, rộn ràng với một mối tình nào. Con đã đấu tranh quyết liệt với những suy nghĩ không đúng. Có lẽ mọi việc sau chiến tranh con sẽ lo cũng kịp.
Mẹ thương nhớ! Con đang trằn trọc nhớ mẹ vô cùng, không thể nào để gần mẹ được.
… Học chính trị liên tục. Có lẽ sắp đi chiến đấu chăng? Dẫu có đi đến đâu, làm gì cũng gắng làm được. Cùng lắm đến chết thì thôi, sợ gì! Suy nghĩ đắn đo đều không mang lại một lối thoát nào khác. Rồi cuộc sống sẽ đưa tới tương lai.

Nhớ Mẹ
Ngồi buồn nhớ mẹ phương xa
Xa xôi cách trở tưởng là đâu đây
Nhớ thương, thương nhớ tràn đầy,
Con đang nghĩ tới xum vầy ngày mai.
Hôm nay trên chặng đường dài
Hành quân chiến đấu chông gai coi thường.
Dù cho một nắng, hai sương
Con đi làng xóm quê hương mong chờ.
Nhớ mẹ, con viết vần thơ
Mong mẹ khỏe mạnh, đợi chờ tin vui!


Sáng Lên Đường
Đêm tối tan dần bình minh bừng dậy
Một ngày vui lại tới nơi đây
Khu rừng trùng điệp hàng cây
Những ngày dã ngoại lòng đầy nhớ thương
Cỏ non ướt thẫm giọt sương
Đoàn quân lại bước trên đường ra đi
Nghe rừng cây hát thầm thì
Nghe lời non nước ra đi diệt thù.
Dốc cao rừng thẳm đường heo hút
Chân bước dồn nghe càng thổn thức lòng ta
Tai lắng nghe tiếng súng phương xa
Giục giã lên đường Miền Nam gọi tới
Đi nhanh, đi nhanh Miền Nam đang đợi
Mỗi ngày qua chồng chất đau thương
Ta đi nhanh thẳng tới chiến trường
Giết quân thù giải phóng quê hương.
12.2.1972
Về công trường Chí Linh học lớp đối tượng Đảng do Trung đoàn 1 tổ chức. Mấy lần học rồi mà bước đường phấn đấu vẫn chưa kết quả. Cố gắng hết sức cho sự nghiệp cách mạng. Theo bước cha anh.
Đời cách mạng gian khổ, khó khăn như thế là cống hiến hết sức rồi còn gì. Còn đòi hỏi gì hơn nữa- Tuổi trẻ và sức lực. Sức chịu đựng theo thời gian mà tăng dần. Ta lớn lên, trưởng thành trong gian khổ như cây thông trên núi cao Côn Sơn. Mặc nắng hè thiêu đốt, mặc mưa rét kêu gào, cứ xanh tươi, cười trong bão tố.
Để cuộc sống ngày mai thêm vững vàng, tuổi thanh niên sẽ qua đi, ta sẽ tự hào trong đó không có gì đáng hối hận.
Chắc cha thương yêu sẽ bằng lòng với con.

14.3.1972
Đang học lớp đối tượng của Đảng, thì nhận được thư của cha. Thật khổ tâm khi để cho cha phải lo nghĩ nhiều về mình, thư từ viết cũng nhiều song không đến được. Cha luôn luôn theo dõi từng bước đi của con, những kỷ niệm của ngày thơ ấu bên cha như sống lại trong lòng. Biết khi nào được gặp lại cha.
Phấn khởi khi biết anh Thiệp đã xây dựng gia đình (2 Tết 1972, Nhâm Tý), thêm một người chị trong gia đình, người mà trước đây, Nhị, là bạn học, kể cũng hay, bây giờ đã là người nhà rồi, lúc nào gặp lại cũng hay. Anh Thiệp chắc đã buồn vì vắng mình trong ngày vui đó.
Thế là anh Hướng + Thúy cũng đi bộ đội rồi. Tất cả dồn ra tiền tuyến rồi, biết đâu ta lại chả gặp ở chiến hào đánh Mĩ. Gia đình bác Ký- bác Hướng sẽ khổ tâm bao nhiêu. Tuổi trẻ lần lượt lên đường diệt Mĩ. Mong cho chiến tranh chóng kết thúc để gia đình sum họp, ta gặp lại nhau, anh Hướng nhỉ? Lúc ấy anh có học nữa không? Thế là mấy anh em học Tổng hợp chẳng còn ai nữa, buồn quá!
Viết thư cho mình gia đình đã gợi ý đến chuyện vợ con rồi, thế mới phiền phức chứ. Lo lắng của cha mẹ thật là chính đáng, song biết giải quyết ra sao được nhỉ?



Nhận Thư Cha
Con nhận thư cha trên đường hành quân.
Cách xa con mà cha vẫn ân cần.
Luôn lo lắng mỗi đường đi nước bước
Chỉ bảo, động viên  con gắng vươn lên.
Cha thương ơi, đừng lo nhiều cha nhé.
Con lâu nay vẫn khỏe mạnh vui tươi
Trong gian nan, con miệng chỉ biết cười
Qua thử thách con người thêm khôn lớn.
Nhận thư cha con nhớ ngày thơ ấu
Được bên cha, chiều chuộng chăm lo
Tuổi thiếu niên cha goi: cậu học trò
Được ít điểm không muốn cha xem vở
Nay nhận thư cha, trên đường hành quân
Tranh thủ viết thư vội vã muôn phần
Con muốn gửi tới cha thương nhớ
Cả lòng con, cả sức trẻ hai mươi!
Cha đừng lo giờ đây con đã lớn
Mắt nhìn xa không gợn chút lo âu
Trong gian nan con vẫn ngẩng cao đầu
Vì thủa bé, con bên cha, cha ạ!
Con rất mừng khi cha mạnh khỏe
Ước mong ngày sum họp gặp cha
Con sẽ đi hái cả vườn hoa
Hòa hạnh phúc mừng cha, cha nhé.
15.3.1972

Muốn viết gửi em những vần thơ
Cho tình trọn vẹn những đợi chờ
Những ngày xa cách dài em nhỉ?
Ta vẫn gần nhau trong ý thơ.
Em cách xa anh hàng trăm dặm
Chưa gặp được nhau đã mấy năm
Nhưng tình càng đẹp càng tươi thắm
Giữ trọn lòng son với tháng ngày.
Anh đã cùng em ngắm ánh trăng.
Tình ta sáng tựa ánh trăng rằm
Nay nhìn trăng sáng trên đồi vắng
Lòng như sống với những ngày qua
Em học nữa đi để mai xây hạnh phúc
Còn với anh, tiếng súng giục lên đường
Em có nghe tiếng gọi đau thương
Của miền Nam máu xương tang tóc.
Em gắng học để ngày mai đào tạo
Thế hệ tương lai cho tổ quốc Việt Nam
Anh sẽ đi dù vượt núi băng ngàn
Đánh tan giặc cho em xây hạnh phúc.

7.4.1972
Bắt đầu hành quân vào ở ga Chí Linh, sau gần một ngày hành quân bộ, hôm nay đoàn tôi được hành quân bằng tàu hỏa. Chiều và tối dừng lại ở Lạng Giang, mưa ướt át và rét mướt. Mất ngủ 1 đêm, 1 đồng đội bỏ đi.
3 giờ sáng 8.4.1972  lại tiếp tục lên tàu hành quân, qua Bắc Giang, Bắc Ninh, dần dần tiến về và qua Hà Nội, làng xóm núi đồi cứ lùi mãi về sau. Những dải ruộng lúa xanh rờn, nhấp nhô đoàn người làm cỏ bón phân.
Những cánh tay nhỏ xíu của trẻ em, những bàn tay run rẩy của mẹ già vẫy đoàn tôi ra đi trong buổi sáng hôm nay, tất cả để lại trong lòng những người hôm nay ra trận. Hậu phương đang vẫy chào chúng tôi.
Nhớ cha mẹ, gia đình quá! Có lẽ sẽ không có điều kiện về thăm gia đình nữa chăng, nếu thế thì khổ quá nhỉ?
Chào hậu phương, chào tất cả ta đi…
21.4.1972
Diễn tập ở Thạch Hà- Hà Tĩnh- Một tuần vất vả trên đồi trọc nắng cháy, nhớ đêm qua ngồi đội mưa trên đồi, cả một vùng đồi núi vang dội tiếng súng đạn, tưởng như vào chiến đấu rồi. Đây cũng là cơ sở để vào trong. Mấy tuần này vất vả ngược xuôi chẳng có thời gian để nhớ nhung lo lắng nữa, làm việc như một cái máy.
Thạch Xuân- Thạch Hà, gặp những cậu học sinh trẻ tuổi, họ vui vẻ đến trường, lại càng nhớ đến việc học tập. “ Chú bộ đội” cái tên chung ở vùng này, nghe cũng hay. Có lẽ mai lại về Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên. Đời nay đây mai đó.

Ở Thạch Hà
Mắc võng đu đưa dưới hàng kè
Tai nghe trong lá tiếng ve kêu
Ta đến Thạch Hà trời đỏ lửa
Mặt mày đen cháy kể từ đây.
Một ngày chiếm giữ trên cao điểm
Nhìn bụi sim hoa nở trắng cành
Trong nắng trưa hè hoa vẫn nở
Sức sống tràn đầy giữa núi cao.
Đêm về sao sáng đầy trời
Nhìn sao Bắc đẩu nhớ người phương xa.
Em ơi! Có hiểu lòng ta
Đang buồn, đang nhớ xót xa trong lòng
Ngôi sao lấp lánh trên không
Trên cao nhìn rõ mênh mông đất trời
Nghẹn ngào không nói nên lời
Gian lao chỉ biết gượng cười cho qua.
Ngồi buồn tay hái chùm hoa,
Hoa sim màu tím như lòng thủy chung.

28.4.1972- Hành Quân Đến Kỳ Tây
Suốt một đêm ròng rã, cứ đi dưới trăng. Đoàn người đông như trẩy hội. Đúng là hội trong những ngày đánh Mĩ. Tất cả cuồn cuộn dồn vào. Mang nặng ngay từ nhà có lẽ gần 40kg, đủ mọi thứ trên đời chồng chất trên vai. Đẹp nhất là lúc đoàn quân băng đồi dưới trăng, một vệt đen dài chuyển động, bóng đoàn quân dưới trăng in dài trên cỏ. Những ngày này có lẽ trăng sáng nhiều hơn thì phải. Cứ đi, cứ đi. Vai đè nặng nhức nhối. Ngực như bị xé ra. Mồ hôi ướt thẫm hai lần áo lính, cái khát lại đến. Dưới trăng cảnh thiên nhiên đẹp đẽ vô cùng. Rừng sim nở trắng rung rinh, dòng suối lấp lánh như dải ngọc, chỉ có ta là bực bội mệt mỏi.
Dừng lại một ngày ở Kỳ Tây- Kỳ Anh.

29.4.1972
Lại rời Kỳ Tây. Ra đi khi bóng tối bao trùm. Trăng lên muộn. Pháo địch từ biển bắn vào rầm rầm, đạn bay đỏ trời. Càng căm càng tức không ngăn nổi tiếng nổ của lũ giết người.
4 giờ sáng dừng lại ở bãi cỏ. Màn trời chiếu đất, cứ thế nằm cạnh ba lô chợp mắt. Được hơn một tiếng lại đi, người thấm mệt, ba lô nặng lên mấy lần, đi chậm chạp thận trọng. Dừng quân trong rừng hình như ở Kỳ Lâm, ở đây nghe pháo địch càng rõ.

30.4.1972
Một ngày cơm muối trắng, nằm rừng tắm suối. Không biết rồi sẽ đến đâu và đi đâu nữa…


Ngủ trưa bên suối
Võng mắc bên bờ suối
Đung đưa dưới lùm cây
Tiếng ve kêu rả rích
Giữa buổi trưa nắng hè.
Nước suối trong mát rượi
Cây xõa tóc soi mình
Con cá bơi len lỏi
Giữa dòng nước trôi xuôi
Ngày nghỉ lại trong rừng
Đêm đến lại hành quân
Ông trời cũng thao thức
Đốt đèn sáng đêm thâu.
Mẹ ơi nằm trên võng
Con trăn trở không yên
Lòng con nhớ trăm miền
Nơi con từng dừng bước.
Tiếng suối reo róc rách
Như tiếng mẹ ru hời
Con nằm ngắm đất trời
Thiếp đi trong tiếng hát.
Thạch Lâm 30.4.1972
Trăng
Gì đẹp hơn ánh trăng sáng trên đồi
Không có bút có lời nào tả hết.
Dưới ánh trăng- Đoàn quân đi đỡ mệt
Mát rượi- Dịu dàng, soi rõ bước ta đi.

Trưa Hè
Tắc kè kêu vang khe đá
Vòm lá xanh, ve ra rả gọi hè
Võng mắc đu đưa cuối bờ khe
Nằm trên võng soi rõ mình dưới nước.
Suối trong vắt cây ven bờ tươi mát
Khóm hoa rừng thơm ngát hương bay
Nằm đu đưa trong giấc ngủ say
Mơ như được trở về bên mẹ.
Trên con đường ta đi diệt Mĩ
Những lúc dừng chân ngắm non sông hùng vĩ
Dải rừng xanh, đồi sắn nương khoai
Ta mang theo trên suốt chặng đường dài.
Ta nhớ mẹ, nhớ cánh đồng bát ngát
Nhớ giọng hò, tiếng hát người thân
Nhớ những đêm trăng sáng đầy sân
Vui sum họp chuyện gia đình đầm ấm.
3.5.1972
Đời Chinh Chiến
Đường hành quân dài theo đất nước
Lòng rộn ràng theo mỗi bước chân đi
Hướng vào Nam, đêm đi ngày nghỉ
Có ai hiểu được lòng người chiến sĩ.
Ta đã qua thành Vinh xứ Nghệ
Vượt sông Lam khi đã xế chiều
Đường ta đi đất nước đẹp bao nhiêu
Rừng trùng điệp núi nhấp nhô tít tắp.
Hôm nay vui trên đường diệt giặc
Thủ quân trong rừng, nằm bên bờ suối
Nghe rì rào như bản nhạc hôm nao
Cùng em nghe giữa thủ đô yêu dấu.
Tán cây rợp um tùm bên suối
Vắt vẻo, đu đưa như thủa trên nôi
Cứ nằm im là lòng lại bồi hồi
Nhớ thương ai ở phương trời xa cách.
Sáng nay từ rừng ta về với biển
Sóng nhấp nhô bạc đầu từng đợt
Xô vào bờ cát trắng mênh mông
Để lại cho ai nỗi nhớ trong lòng.
Biển Hà Tĩnh sáng nay đẹp quá
Dải phi lao xanh thắm chạy dài
Bờ cát trắng mịn màng đón sóng
Từng đợt dồn lên hôn bãi cát dài.
Ngồi bên bờ biển xanh
Lòng uất nghẹn  nhìn biển ta đẹp thế
Mà giặc Mĩ đê hèn vây đạn, rào bom
Ta góp sóng cùng biển dìm chúng nó.
Núi, sông, biển, trời của ta đẹp thật
Mỗi bước ta đi lòng càng yêu quý
Từng gốc cây, khóm lúa, bờ tre
Như giục lòng ta mạnh bước trên đường.
                               Kỳ Anh. 14.5.1972


15.5.1972
Sau 2 ngày đêm hành quân mệt mỏi, dừng lại ở rừng Kỳ Anh. Cuộc đời chinh chiến lại ghi tiếp những hàng đậm nét.
Núi Hồng Lĩnh qua rồi, rời Cẩm Xuyên vào buổi tối. Đêm lại dừng lại ở sườn dãy Hồng Sơn. Ở đây nhìn ra biển xanh xa tít tắp. Cuộc sống  cùng ngày tháng qua đi, …..sinh hoạt trở nên thơ mộng là khác.
Dùng màn lưới cá để cải thiện, bắt cua cá, cả rùa nữa. Kì lạ vô cùng, một nắm rau rừng với nước suối trong thành nồi canh cải thiện. Cả 10 người quay quần bên suối chia nhau từng hơi thuốc. Cuộc sống đã gắn bó con người lại với nhau. Rồi sau đây chắc chắn họ sẽ chẳng gần nhau nữa, sẽ có người phải xa trái đất này.

Bên Suối
Chùm hoa tím nở tươi bên suối
Màu thủy chung nắng gió chẳng phai
Suối trong vắt cuốn cánh hoa vừa rụng
Hoa tím trôi theo dòng nước trong xanh.
Anh hái cho em chùm hoa tím
Của núi rừng, của tấm lòng anh
Dù ngày tháng có qua đi lặng lẽ
Hoa tím bên bờ suối vẫn tươi.
Anh vẫn mong đừng phai màu tím
Tươi mãi màu hoa trọn nghĩa đợi chờ
Như tình ta chung thủy không mờ
Mong tình ta đẹp tựa những vần thơ.

Câu Cá Bên Suối
Nước trong veo soi đàn cá nhỏ
Lượn vòng quanh những hòn đá xanh rờn
Cả tiểu đội ngồi câu bên suối
Thỉnh thoảng reo lên khi giựt cá lên bờ.
Đồng chí ơi! Đẹp đẽ những vần thơ
Ta giữ lấy trong những ngày đánh Mĩ
Gì quý hơn mối tình đồng chí?
Gắn bó chân thành không chút riêng tư.
Bóng tôi, bóng anh in trên suối
Như tấm ảnh chụp chung giữa rừng xanh
Cá cắn câu rồi, kéo lên đồng chí!
Con cá bay lên vắt vẻo trên cành.
Ta như sống lại những ngày thơ bé,
Cùng bạn bè câu cá cạnh cầu ao
Nhớ không quên tưởng mới hôm nào
Ôi tươi đẹp những ngày niên thiếu.
Thời gian qua mỗi người một ngả.



Màu Xanh Của Biển
Sáng nay truy kích trên cao điểm
Dừng lại bên bờ nghe sóng biển reo ca
Mặt biển xanh, bát ngát, bao la
Sao xao xuyến trong lòng ta đến thế!
Mặt trời lên, nhuộm mầu hồng cho biển
Cả một vùng rực áng hào quang
Sóng nhấp nhô cuồn cuộn từng hàng
Tung bọt trắng xô vào bờ cát phẳng.
Đẹp quá em ơi, màu xanh của biển
Mát dịu lòng anh lưu luyến không rời
Anh muốn em dù chỉ một lần thôi
Cùng ngắm biển thấy màu xanh yêu dấu.
Anh rất yêu màu xanh
Của cánh đồng ven sông và hàng dừa đầu xóm
Nay anh yêu hơn màu xanh của biển
Bởi lòng anh yêu biển quá đi thôi!
Biển xanh đó của ta
Dịu dàng đưa đoàn thuyền đánh cá
Buồm căng gió ra khơi
Mặt biển xanh in cả sắc mây trời.
Biển xanh đó của ta
Quyết không cho lũ quân cướp Mĩ
Biển của ta cùng người chung ý chí
Dâng sóng nhấn chìm lũ giắc cướp màu xanh.
Ta yêu biển quê hương
Như ta yêu những đồng lúa con đường
Bằng trái tim rộn rã yêu thương
Quyết đem sức giữ màu xanh của biển.
16.5.1972

Chiều Buồn
Rặng tre xanh lặng im cùng người lính trẻ
Đang bâng khuâng trong nỗi nhớ niềm thương
Rặng tre xanh rủ bóng ven đường
Như người bạn đồng quê gần gũi.
Anh lính buồn bên bờ tre lặng lẽ
Thấy tâm hồn chia sẻ muôn nơi
Cho tình thương từ khắp bốn phương trời
Cùng góp lại một nỗi buồn hiu quạnh
Nơi núi rừng nhớ cánh đồng bát ngát
Nhớ mái trường đại học hôm nao
Ơi thủ đô! Nhớ lắm hôm nào
Tấp nập, rộn ràng vui trăm nẻo.
Ôi, nhớ quá những mùa hè năm trước
Nghe tiếng ve – Nhặt phượng đỏ ven đường
Thấy trong lòng rộn rã yêu thương
Cùng bạn bè vui giữa chốn quê hương
Hè đến rồi, sao nay lặng lẽ
Nhớ tiếng cuốc kêu trong đêm vắng rừng sâu
Sao chiều nay rừng vang tiếng ve sầu?
Càng xao xuyến nhớ ngày hè thuở trước.

Thăm Bạn
Tôi đến thăm anh chốn rừng già
Cùng nhau chia sẻ nỗi xót xa
Cùng nhau ôn lại ngày qua ấy
Để lại cho nhau mấy buồn vui
Anh và tôi từ buổi xa trường
Cùng nhau vất vả gội gió sương
Cùng nhau chia sẻ bao cay đắng
Rồi động viên nhau giữ vững lòng
Tôi nhớ gặp anh buổi hôm nào
Rừng núi Thái Nguyên dốc đèo cao
Cùng nhau về với trường với lớp
Học tập, vui chơi, phút chốc bỗng qua
Hôm nay tôi gặp anh đây
Biết đâu chẳng có sum vầy ngày mai
Cho dù mất một trong hai
Tình ta giữ trọn trong bài ca chung.

Có Thể…
Bạn có thể trở thành kĩ sư, bác sĩ
Nhưng quê nhà giặc Mĩ xâm lăng
Đồng chí ơi! Có thấu hiểu chăng?
Bao khăn trắng trên mái đầu xanh đó.
Ta có thể xây giấc mơ khoa học
Đem sức mình phục vụ nhân dân
Đời ta vui hạnh phúc muôn  phần
Khi tất cả hiến dâng cho cách mạng
Bạn học tập giữa thủ đô yêu dấu
Có biết chăng xương máu đang rơi
Có biết chăng cùng một đất trời
Mà đồng chí, đồng bào miền Nam tang tóc
Sau chiến thắng có bao người ngã xuống
Có thể rồi đây, tôi phải lìa xa
Có thể dễ dàng bạn sẽ bỏ qua
Những người đó mà không hề thương tiếc.
Nếu như thế thì cũng chẳng hề chi
Bởi vì tôi cũng chẳng tiếc gì
Cho cuộc sống của lớp người sau đó
Cho chân lí sáng ngời càng tỏ.

Xa Em
Tôi lại gặp trên đường phương Bắc
Bao cô nàng duyên dáng sinh viên
Những cô nàng cười nói tươi duyên
Lòng lại nhớ em yêu xa cách.
Có thể xa em, không bao giờ gặp lại
Trong lòng anh vẫn nhớ mãi không nguôi
Bây giờ đây, sao tất cả trôi xuôi
Theo dòng nước tình đời lặng lẽ.
Có thể em ơi, ngày mai chiến thắng
Mái trường xưa sẽ vắng bóng anh
Như cây xanh thiếu hoa lá trên cành
Như biển cả thiếu đi từng hạt muối.
Em đừng buồn em nhé!
Em sẽ gặp anh lúc buồn tư lự
Đứng nhìn sao khi tựa bóng lan can
Em sẽ gặp anh khi nắng dần tan
Và đêm tối bao la trùm vũ trụ.
Vân Dương 12.8.1971

Mong Ước
Đứng trên vách núi cao
Mặc gió rét mưa gào
Đứng giữa ngọn đồi cao
Mặc nắng hè thiêu đốt
Trên đỉnh núi cheo leo
Không gì ngăn cản được
Vươn thẳng lá xanh tươi
Reo cười trong bão táp
Cây thông trên núi cao
Ôi, sức sống dồi dào
Ta mong ước làm sao
Vững như thông đỉnh núi.
Sang Hè
Nắng chói chang nắng vàng rực rỡ
Anh lính sinh viên bỡ ngỡ bước sang hè
Ngồi quay quần dưới bóng bờ tre
Nghe gió thoảng và tiếng ve rả rich
Hè sang rồi anh lính trẻ ơi!
Tiếng sáo ai bay bổng lưng trời
Hòa trong gió thành lời ca trong sáng
Đưa anh về với kí ức tuổi thơ


Nhớ Ai
Nhớ ai giữa chốn rừng sâu
Nhớ ai trong dạ âu sầu xót xa
Nhớ ai, ai có nhớ ta
Thân thương, trìu mến, đậm đà bấy lâu.




Mối Tình Đầu
S. ơi vĩnh biệt từ đây nhé
Mối tình đầu của tuổi trẻ chúng ta
Tưởng đôi ta sẽ sung sướng đến già
Niềm hạnh phúc được bên nhau mãi mãi.
Ôi, còn đâu em ơi!
Súng nổ bom rơi từ trời Nam vọng tới
Và những ngày vời vợi cách xa
Vì không em những năm tháng đã qua.
Nhớ lại em ơi, ngày nào cắp sách
Lớp học phổ thông phút gặp gỡ ban đầu.
Không hiểu sao, ta chẳng hẹn gì nhau
Mà gặp gỡ, rồi yêu nhau từ ấy.
Xa Hà Trung, đời vui biết mấy
Giữa thủ đô, vui học tập chuyên cần
Hạnh phúc gì hơn mỗi lần gặp gỡ
Săn sóc, động viên, từng nhịp đập trái tim.
Ta yêu nhau bằng tất cả niềm tin
Của tuổi trẻ, của quê hương mẹ
Của lòng anh và của lòng em
Tình đôi ta thơm ngát tựa hương sen.
27.5.1972
Rời Hà Tĩnh lên đường vào trong lúc 18 giờ. Hành quân vượt dốc đèo, đường heo hút tưởng lên tận trên trời, có lúc đi chẳng thấy ánh nắng mặt trời. Trăng lên lúc nào không rõ, trăng sáng và đẹp, cứ mải miết đi dưới trăng lẳng lặng âm thầm.
24 giờ đến Quảng Hợp- Quảng Trạch.  Quảng Bình quê ta ơi, mảnh đất ở tuyến đầu khu 4, lại đung đưa trên võng ngủ như đứa trẻ nhỏ, trăng lọt qua khe lá, soi sáng cả khu rừng, ngày ngủ, đêm đi.

Đêm Hành Quân
Đường ra mặt trận đêm nay
Ánh trăng sáng tỏ như ngày mai lên
Phương Nam tiếng súng đang rền
Như giuc chiến sĩ bước dần nhanh chân
Quân đi mạnh bước ầm ầm
Đường vào như hội ngày xuân đất trời
Ta đi trăng sáng ngời ngời.
Ta đi nhịp bước là lời ca chung
Lời ca đất nước anh hùng.
28.5.1972
Một đêm hành quân nữa lại qua. Ở đây, tất cả đổ ra tiền tuyến, xe vào gặp xe ra, nhộn nhịp. Người vào gặp người ra, chào hỏi rối rít, người ta nhận nhau qua giọng nói.
Con đường đất đỏ ngoằn nghèo uốn lượn trên núi. Con đường ra tiền tuyến đêm đến lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập, người, súng đạn rầm rì ra trận. Bụi mù đường. Ánh đèn gầm của ô tô, xe kéo pháo. Tiếng xích sắt ầm ầm, nặng nề nghiến lên mặt đường. Tên lửa trên giá ngếch nhìn trăng sáng.
Đi đây, lòng như lặng lại nhớ phương Bắc xa xôi. Nhìn sao bắc đẩu nhớ người thân phương đó. Bạn có biết lòng ta đêm nay. Vai đeo nặng, ngực muốn xé ra. Nóng quá. Chân bước những bước nặng nề, rát, mỏi lắm rồi. Mắt muốn nhắm lại, cay sè. Tất cả sự giày vò về thể xác, những đau khổ về tinh thần bắt ta phải chịu đựng.
24 giờ đến Quảng Thạch, Quảng Trạch “ Quảng Bình quê ta ơi” giá bây giờ được nghe tiếng hát ấy nhỉ, quý giá vô cùng. Nơi đây đã ghi lại biết bao bước chân của những người ra trận, trong đó có bàn chân thứ mấy ngàn của tôi.
Đêm nay lại đi, đêm thứ 3 rồi!
Trên Đường Đêm Nay
Dưới trăng sáng con đường hiện rõ
Vắt qua đồi, xuyên qua núi dốc cao
Đường ta đi rầm rập ồn ào
Náo nhiệt, đông vui tất cả ra tiền tuyến
Xe vào nặng nề đèn gầm le lói
Gặp xe ra, thò đầu ra chào hỏi
Tìm đồng hương qua giọng nói quê hương
Tất cả lướt nhanh, cuốn bụi mù đường.
Quân vào chào quân ra
Tất cả trên đường như bản hùng ca
Của những người đêm nay ra trận
Vui với nhau một niềm vui bất tận.
Anh quê đâu, đồng chí nơi nào
Gặp nhau đây hút chung điếu thuốc lào
Tiếng rít thuốc, tiếng cười tươi kể chuyện
Tất cả trên đường xao xuyến lòng tôi
Ồ trên xe có tiếng người con gái
Hỏi vọng ra “các anh ở nơi mô?”
Tất cả qua đi trong giây lát đồng hồ
Sao nhớ mãi chuỗi cười lúc nãy.
Quê hương ơi! Lúc này tôi tha thiết
Nhớ những gì đã gắn bó đời tôi
Tất cả tạm xa, tất cả qua rồi
Hẹn gặp lại ở ngày mai chiến thắng.
Có ai hiểu lòng người chiến sĩ
Đêm hành quân đang nghĩ về đâu?
Có ai biết đường ta đánh Mĩ
Những niềm vui cứ đến tự bao giờ.
28.5.1972
Quảng Thạch, Quảng Trạch, Quảng Bình

29.5.1972
 Đêm hành quân thứ 3. Trở lại với đồng bằng, nhớ nhất là 2 lần vượt sông Gianh giữa đêm trăng sáng. Ta đã qua nhiều sông, vượt sông Hồng đỏ nặng phù sa, qua sông Cầu nước xanh biếc. Rồi sông Thương nước chảy hai dòng, Hà Bắc nơi ta đã ghi lại những kỷ niệm xa xôi. Qua sông Thương, sông Cầu, đường vào trong qua quê hương Thanh Hóa, bóng cầu Hàm Rồng in trong dòng sông Mã, chào quê hương bà Triệu tôi đi, bóng dừa xanh soi dòng sông Mã còn in mãi trong lòng người ra trận.
Xa xứ Thanh tôi vào Nghệ An- thành Vinh kia rồi. Qua sông Lam- núi Ngự, sông Lam cuồn cuộn đưa nước về xuôi. Quê của Bác Hồ vĩ đại, quê của xô viết năm xưa. Vào Hà Tĩnh vượt qua dải Hồng Sơn, qua Hồng Lĩnh, rồi đến bãi biển xanh rờn với hàng phi lao reo bốn mùa cùng sóng gió.
Về đây qua Đèo Ngang mà ở đây “cỏ cây chen lá”. Đêm trăng sáng vượt sông Gianh. Quảng Bình quê ta ơi, sông lấp loáng như màn bạc, thuyền lao nhanh đưa đoàn quân vào trong góp lửa cùng miền Nam, tôi sẽ còn đi, còn đi nữa. Chắc sẽ còn qua nhiều sông, nhiều núi, mà trước kia tôi chỉ biết qua những bài giảng mà thôi. Nghỉ lại ở Quảng Tân, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Qua Sông Gianh
Sông Gianh ơi! Chào dòng nước biếc
Chào Quảng Bình tha thiết bấy lâu
Dưới ánh trăng sông xanh biếc một màu
Lấp lánh mái chèo, tung tràn bọt nước trắng sông.
Dòng nước sông Gianh hiền lành điềm đạm
Như con người khu bốn: kiên trung
Quảng Bình ơi, mảnh đất anh hùng
Trong lửa đạn, vẫn một lòng son sắt
Thuyền ghé bến, tiếng người con gái
Sao thân quen từ lúc ban đầu
Mái chèo em, đưa thuyền vượt sông sâu
Sao vững chãi, êm đềm tha thiết.
Sóng sông Gianh vỗ nhẹ mạn thuyền
Nghe giọng nói tiếng cười duyên dáng
Phía xa xa cánh buồm căng gió
Tiếng gõ tiếng chèo vang cả khúc sông.
Chào Quảng Bình, chào sông Gianh nhé
Chúng tôi đi, sao lòng khỏe nhẹ
Thuyền ghé bờ, lúc nào chả biết
Qua sông rồi lại mải miết hành quân.
Sông Mã ơi, đêm nay sao nhớ quá
Nhớ Hàm Rồng, tàu hối hả qua sông
Nhớ quê hương, ôi những cánh đồng
Lúa chín vàng, vui mùa gặt hái.



30.5.1972
Đêm hành quân thứ 1, phải vượt qua sông Gianh lần thứ 3. Qua nhiều dốc cao, đường khó đi quá , cây cối um tùm lối đi, trời mưa một lúc, trăng mãi khuya mới lên được, trăng nhợt nhạt như người ốm. Qua những dãy núi cao, đến đây gặp những đồng lúa chín vàng. Những làng xóm của Quảng Liên, Bố Trạch, nhà ngói xen trong cây cối, những vườn mít, rặng tre (sáng ra mới rõ). Dừng chân lúc 24 giờ.
Máy bay địch thả pháo sáng liên tục. Gầm rít chán trên đầu rồi cũng bỏ đi. Nghỉ lại trong gia đình ( mới có con đi bộ đội). một gia đình nghèo của vùng Bố Trạch.
Đêm nay chúng tôi lại phải đi, ở đây đang mùa gặt hái, đông vui nhộn nhịp, lại nhớ quê mình chắc cũng bước vào ngày mùa bận rộn, mẹ và các em chắc vất vả nhiều, lại càng nhớ mình hơn. Mẹ ơi con nhớ quá. Đêm hành quân chân con bước thấp bước thấp bước cao mà lòng con luôn nghĩ về mẹ, những suy nghĩ của đứa con hiếu thảo, chắc khuya thế này mẹ vẫn thức nhớ con. Mẹ ngủ đi mẹ ạ, con cũng sắp nghỉ rồi, sắp nghỉ để mai lại hành quân, để mai lại xa mẹ hơn một đoạn đường nữa.
Trường Sơn Ơi!
 “Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người”
Đường Trường Sơn nở nhiều đóa hoa tươi
Như chào đón những người ra trận
Trường Sơn ta qua một màu xanh vô tận
Trước chỉ biết Trường Sơn qua lời ca tiếng hát
Nay đứng trên Trường Sơn đón gió mát đêm hè
Gậy Trường Sơn trước anh kể em nghe
Nay anh chống gậy mòn dốc đá.
Trên Trường Sơn đêm nay
Tìm chòm sao Bắc Đẩu trên đầu
Ở phương đó là quê hương yêu dấu
Đã nuôi ta, đã tiếp sức tuổi xuân.
Đường Trường Sơn đêm nay ngã mấy lần
Mỗi lần trượt là chuỗi cười nâng dậy
Tay chống Gậy Trường Sơn
Ta lại thấy vững hơn và mạnh bước.
Đường Trường Sơn, đường ra phía trước
Núi thấp dần sau mỗi bước chân ta
Trên Trường Sơn ta lại cất tiếng ca
Bài hát “Trường Sơn” “ gậy mòn” dốc đá.
Bài ca Trường Sơn, ta đã hát nhiều lần
Sao đêm nay khúc hát quá quên thân
Mà sao xuyến lạ lùng bài hát
Vút bay lên, bát ngát giữa đêm trăng.
Hỡi em yêu! Có hiểu lòng anh
Lòng những người mang lời ca ra trận
Ở Thủ đô dù học hành có bận
Cũng dừng nghe khúc hát “ Trường Sơn”
Đêm nay trăng sáng lắm em ơi
Anh nhìn ngôi sao phương Bắc ngời ngời
Không biết từ đâu lòng anh lại nhớ
Nhớ không nguôi tha thiết lạ lùng.
Anh muốn bài ca Trường Sơn đêm nay
Sẽ bay vút ngân dài theo dốc đá
Và anh ước có sức nào kỳ lạ
Vang đến bên em, đến tận giảng đường.
Trường Sơn, ôi sao nghe tha thiết…
Vượt Trường Sơn đêm ngày anh mải miết
Trên Trường Sơn sáng lòe ánh chớp
Tiếng súng tấn công từ tiền tuyến vọng về
Giục giã anh đi giữ vững lời thề
Đánh tan giặc Mĩ anh về gặp em
Anh sẽ lại hát em nghe
Bài ca Trường Sơn, đêm nay anh đã hát.
30.5.1972

Từ Đây
Ta vào Bố Trạch từ đây
Cuộc đời bạn với rừng cây ngút ngàn
Trưa hè vọng tiếng ve ran
Từ đây nắng lửa mưa tràn thâu đêm
Từ đây cuộc sống êm đềm
Đã vắng súng nổ bom rền đất rung.
10.6.1972  

Thương Anh
Thương anh đêm đếm lạnh lùng
Nhẹ đu đưa võng một mình một thân
Thương anh gặp bước gian truân
Cuộc đời chẳng lúc dừng chân hỡi đời
Thương anh chẳng nói nên lời
Nhìn qua khe lá, thấy trời đầy sao
Thương anh trong bước gian lao
Đời anh còn có khi nào ước mơ
Nhìn sao, sao lặn, sao mờ
Thương anh chỉ có vần thơ tâm tình.
10.6.1972
Ở Quảng Bình
Trời Quảng Bình không lúc nào yên tĩnh
Đất Quảng Bình không ngớt tiếng đạn bom
Người Quảng Bình một dạ sắt son
Tất cả quê hương đêm ngày đánh Mĩ.
Rừng Quảng Bình một màu xanh thẳm
Lỗ chỗ đau thương từng hố bom đào
Cây trong rừng đứng sững vươn cao
Dù bom đạn cắm vào gốc rễ.
Sông Quảng Bình hiền hòa trong mát
Với những hàng cây, bãi cát mịn màng
Nước tung lên bom đạn rền vang
Vẫn dịu dàng những cánh buồm căng gió
Người Quảng Bình một lòng diệt Mĩ
Tiền tuyến, hậu phương gắn bó ngày đêm
Quê hương hát lên giữa tiếng bom rền
Trong khói lửa, vẫn vững bền ý chí
Tôi hôm nay trên đường đánh Mĩ
Dừng lại nơi đây, tuyến lửa Quảng Bình
Để ngày mai, chiến đấu hi sinh
Cho Tổ quốc, cho Quảng Bình yêu dấu.
14.6.1972
Không Thể Ngồi Yên
Ta không thể ngồi yên
Khi đất trời quê ta vẫn đục
Ta không thể ngồi nghe
Tiếng máy bay quân thù gầm rú
Ta không thể làm ngơ
Để cho con ác thú giết người
Ta không thể ngồi yên
Khi bom đạn Mĩ phá màu xanh đất nước
Đồng chí pháo binh, hãy dìm đầu nó xuống
Không cho đạn bom phá nát luống cày
Bắn đi anh, kìa chúng nó đang bay
Gieo tang tóc trên hai miền đất nước
Đồng chí bộ binh, hãy xông lên phía trước
Giương lê lên nhằm chúng nó mà đâm
Súng trong tay nhắm đầu chúng nó
Trút đạn căm hờn, ngày tháng nấu nung.
Đồng chí không quân, hãy cất cánh bay
Hỡi én bạc, hỡi chàng trai Phù Đổng
Nổ súng đi anh, nhằm đàn quạ Mĩ
Diệt nó đi, nhấn nó xuống bùn đen
Thiết giáp ta ơi, hãy nồ súng rền vang rền
Xông tới, chà lên bốt đồn quân giặc
Dưới xích sắt, quân thù tan nát
Cho quê hương ta xanh ngát đồng xanh.
Chúng mà tới, ta sẵn sàng diệt chúng
Dù ở đâu trên mảnh đất thân yêu
Ta giữ quê hương để sớm sớm chiều
Vang tiếng hát bốn ngàn năm lịch sử.
14.6.1972

Không Đề
Máy bay Mĩ ngày đêm gầm rú
Trút đạn bom lên mảnh đất quê hương
Giặc muốn phá đi những mái trường
Để em ta nấc lên tiếng thét đau thương.
Quê hương ta những cánh đồng xanh ngát
Những đêm trăng vang tiếng hát sân đình
Chúng nó sợ màu xanh đồng lúa
Chúng sợ các em ta ca múa rộn ràng.
Giặc muốn đồng ta xơ xác héo hon
Dùng tiếng đạn bom át tiếng thét căm hờn
Chúng muốn mẹ ta vắng đàn con nhỏ
Chúng muốn ta buông súng đầu hàng.
Mày muốn gì hỡi quân cướp nước
Đạn đã lên nòng, ta sẽ trả lời bay
Lũ chúng nó đốt phá đêm nay
Phải đền tội tan thây trên đất Bắc.

Ta Với Rừng Xanh
Ta đàng hoàng dưới bóng cây rợp mát
Cất cao lời ca tiếng gát yêu đời
Mặc chúng nó trên trời gầm rú
Tiếng hát chúng ta, át cả tiếng đạn bom
Ôi tự hào, con người trong lửa đạn
Vẫn dàng hoàng, sau mỗi loạt bom rơi
Có nơi đâu, mà cuộc sống con người
Trong gian khổ, miệng vẫn cười tươi tắn.
Chúng tưởng đạn bom sẽ làm ta sợ hãi
Chúng muốn ta mãi mãi chịu đau thương
Nhưng với ta cuộc sống vẫn bình thường
Trong lửa đạn, thêm thắm tình đồng chí.
Ta đã hiểu vì sao ta đánh Mĩ
Dám hi sinh không tính toán nhỏ nhen
Ta đã hiểu con đường lên phía trước
Đầy chông gai, nhưng hạnh phúc tràn đầy.
Ta yêu thương những xóm làng đất nước
Những dòng sông trong mát quanh năm
Ta yêu những dải đồi tít tắp
Những con đường rầm rập ngày đêm.
Rừng xanh ơi, sao mà gắn bó
Với những ngày dãi nắng dầm mưa
Ta yêu rừng, nhớ những buổi trưa
Rừng che chở ru ta trong tiếng hát.
Bom cứ nổ, đất có rung có giật
Nhưng lòng người vẫn vững vàng ý chí
Chuẩn bị ngày mai lên đường diệt Mĩ
Núi rừng ơi người có hiểu lòng ta.
Sáng nay bên rừng nghe suối reo ca
Dòng nước mát, hoa bên bờ tươi thắm
Rừng xanh ơi! Ta đã yêu người
Càng gắn bó trong những ngày đánh Mĩ.
Ngày mai thôi, khi diệt xong quân cướp.
Ta sẽ cùng rừng dựng xây đất nước
Sức trẻ của ta sẽ mở kho vàng
Của rừng núi, giữ gìn bao thế hệ.
Ta bên rừng cùng hát khúc ca
Và rừng xanh sẽ nở đầy hoa
Hoa chiến thắng, hoa của rừng ấp ủ
Và trưa nay rừng lại ru ta ngủ
Trong tiếng suối reo, cây lá rì rào.
16.6.1972

Sống- Chết
Sống làm người- ai cũng mong hạnh phúc
Sống làm người- ai cũng biết nhục- vinh
Sống nhỏ nhen chỉ biết một mình
Thì cuộc sống sẽ trở nên đơn độc.
Sống làm người chỉ lo tính toán
Vì vật chất đơn thuần, mà bán rẻ lương tâm
Sống làm chi- dù phải chết trăm lần
Ta cùng chết, cho đời thanh thản.
Sống làm người, hãy đừng sợ hãi
Đừng khom lưng, quỳ gối trước gian nan
Quý giá bao nhiêu, đáng sống vô vàn
Khi ta sống suốt đời cho cách mạng.
Chết- giản đơn- ai cũng chỉ một lần
Trong cái chết biết bao phần suy (nghĩ?).
Gặp Quê Hương
Tôi gặp các anh trong tuyến lửa
Mới biết nhau vài bữa đã thân thương
Gặp các anh như gặp cả quê hương
Những con người hiền lành chất phác.
Quê hương ơi, dừa xanh tươi mát
Gặp các anh dào dạt bao tình
Ôi những người con xứ Thanh giản dị
Ta gặp nhau trong ý nghĩ làm người.
Gặp mấy o tươi cười hớn hở
Giản dị, hiền lành, vẫn cánh áo nâu non
O đã xa nhà, gác lại chuyện chồng con
Cùng cả nước vui niềm vui đánh Mĩ.
Quê hương ơi! Mấy năm rồi xa cách
Cầm súng lên đường bảo vệ quê hương
Không phải riêng ai, mà trên khắp nẻo đường
Trai gái quê hương cùng chung mọi việc.
Ta cầm súng, có me, em cầy cuốc
Mang đến từng hạt gạo, cân ngô
Đường ta đi, trăm nẻo có ai ngờ
Từng tấc đất có tay em vun đắp.
Hôm nay gặp các anh các chị
Như gặp quê hương trên đường đánh Mĩ
Lòng thêm vui, những suy nghĩ tâm tình
Quê hương ơi! Ta nguyện sẽ hi sinh
Cho Tổ quốc- cho Quê hương yêu dấu.
30.6.1972


28.6.1972.
Về Bắc Lốc- Vạn Tranh công tác. Ở đây, ta gặp lại những con người quê hương Thanh Hóa- Giản dị, chân thành. Ở đây con trai, con gái xứ Thanh đang đem mồ hôi, xương máu để bảo vệ mạch máu giao thông. Không phải riêng ta mà cả quê hương đã lên đường đánh Mĩ. Ở đây, tiếng nói quê hương là sự thông cảm sâu sắc. Sao ở đây lúc nào cũng ầm ĩ bởi đạn bom quân thù. Người dân sống trong hầm hố. Đất của ta, trời của ta mà chúng nó tự do quấy phá. Ta sẽ giữ cho yên bầu trời mặt đất của ta. Xuống căn hầm của một nhà dân. Bé mới sinh được vài tháng đu đưa trên võng mắc trong hầm, em đã phải thức giấc, khóc thét sau mỗi loạt bom rơi.
Gần Mẹ
Đất mẹ hiền lành nuôi từng gốc lúa
Nuôi những vồng khoai, nương sắn tốt tươi
Và từ lâu đau đớn thân người
Đạn bom Mĩ xé nát thịt da của mẹ.
Em bé chào đời bằng tiếng khóc oa oa
Giấc ngủ ngon- môi hồng chúm chím
Bỗng thét lên sau mỗi loạt bom rơi
Đất mẹ ơi! Con đã hiểu lòng Người.
Trong lòng đất nghe tiếng bom rất nhẹ
Có phải chăng, ta được mẹ chở che?
Mẹ chịu dựng mọi đau thương tang tóc
Để em ta, bớt tiếng khóc đau lòng.
Đêm nay ngủ trong hầm tuyến lửa
Bom B52 dội lại đâu đây
Trong lòng mẹ, vẫn hiền hòa âu yếm
Với đàn con chuẩn bị đi xa.
Trong lòng mẹ, ta thấy sao yên thế
Như cây kia cắm rễ, đâm cành
Ta sẽ lớn và ra hoa kết quả
Bởi đời ta đã có mẹ yêu thương.
Gửi Em  
Vắng tin em từ ngày nào em nhỉ?
Có phải từ hôm em tiễn anh đi
Còn nhớ chăng em ta đã nói những gì
Trong giờ phút chia tay người yêu quý.
Ta yêu nhau, và đã xa nhau
Có gì đẹp hơn tình ta trong xa cách
Vẫn yêu thương đằm thắm mối tình
Vẫn chung thủy giữ vững lời hẹn ước .
Ngày mai thôi, khi diệt xong lũ cướp
Ta sẽ gặp nhau hết sức vui mừng
Anh sẽ kể em nghe chuyện gió núi, mưa rừng
Chuyện đánh Mĩ, mà (em?) hằng mong mỏi.
Hôm nay dừng chân trên đường ra trận
Anh gắng biên thư mặc dù rất bận
Gửi đến em, để em được cùng anh
Vào trận đánh ngày mai sắp đến.
Lạ lùng thay, lòng anh đêm nay
Sao trăm mối vẫn không quên chờ đợi
Những lá thư, những niềm hạnh phúc
Giục giã lòng anh trước lúc lên đường.
Anh gửi tới em tất cả yêu thương
Tất cả tâm hồn của người ra trận
Anh gửi tới em lời ca bất tận
Mong ngày mai ta gặp gỡ yêu thương.

Việc Hôm Nay
Công việc ngày qua đang làm bỏ dở…
Xếp lại sau này sẽ có lúc làm xong
Còn những gì ta muốn, ta mong
Đều đóng lại trong tâm hồn, trí nhớ.
Công việc hôm nay ta đang làm vội vã
Gấp rút khẩn trương theo tiếng gọi tâm hồn
Ta đang làm với sức trẻ đôi mươi
Không tính toán, không suy bì tị nạnh.
Ta chai tay đào hầm trong lòng đất
Áo thấm mồ hôi nhưng lòng ta chân thật
Có ngờ đâu những bàn tay cầm bút
Đến hôm nay làm đất đổ đá nhào.
Song ta tự hào với công việc hôm nay
Dù gian khổ nhưng tràn đầy hạnh phúc
Tâm hồn ta không lúc nào vẩn đục
Với những điều ích kỷ riêng tư.
Việc làm hôm nay khác việc làm ngày trước
Mỗi việc làm và mỗi bước chân đi
Đều mang theo tất cả những gì
Mà cha anh đã làm hay mong ước.
Hôm nay đào sâu vào lòng đất
Ta hiểu thêm sự thật, lòng tin
Tai lắng nghe dưới lớp đắt im lìm
Hạt giống đang sinh sôi nảy nở.
Ta sẽ làm những gì đang bỏ dở
Công việc hôm nay là để bước đi lên
Công việc hôm nay là xây móng đắp nền
Cho ngày mai hoàn thành chắc chắn.
Chắc là em sẽ chưa hiểu hết
Việc của anh dù em có biết qua
Em yêu ơi, tình yêu của chúng ta
Càng bền vững khi hôm nay anh làm thật tốt
Trong lòng đất, lòng người càng chân thật
Gắn bó, thương yêu hơn bất cứ nơi nào
Em yêu ơi, em có biết vì sao
Anh tin tưởng ta cần làm đến thế
Công việc hôm nay dù giản đơn đến mấy
….. (?) ………….. viêc ngày mai
Đường ta đi qua mỗi chặng dài
Là tới đích tới ngày hẹn ước
Ta tin tưởng việc hôm nay trọn vẹn
Là ngày mai ước hẹn cũng chẳng xa
Việc làm hôm nay thôi thúc lòng ta
Gắng phấn đấu trên đường về tới đích
1.7.1972

Rừng Chiều
Phía chân trời nhuốm màu hồng rực rỡ
Mặt trời dần xuống rặng núi xa xa
Còn vướng lại ánh nắng vàng trên lá
Khẽ rung rinh với làn gió ban chiều.
Rừng chiều nay sao thật đáng yêu
Mát rượi lòng ta chan hòa sức sống
Một niềm vui sau một ngày lao động
Ta lại ngồi ngắm rừng núi bao la.
Ríu rít cành cao, chim về làm tổ
Rộn rã yêu thương nghe tiếng chim non
Cuộc sống ở đây dù vất vả, vẫn còn
Niềm vui (nhỏ chim bay về?) mà gắn bó.
Gió khẽ lay khóm lau già bên dốc
Cây bông lau chốc lại phất đong đưa
Trong lòng ta lại nhớ chuyện ngày xưa
Đinh Tiên Hoàng dấy cờ lau khởi nghĩa.
Rất đẹp rừng chiều nay
Rừng cùng ta vui với tháng ngày.
2.7.1972

Chồi Xuân
Trước cửa hầm một gốc cây đã cụt
Bỗng hôm nay bật dậy chồi xanh
Kỳ lạ thay sức sống của lá cành
Trong bom đạn vẫn tươi xanh mơn mởn.
Đẹp quá chồi xuân trong nắng sớm
Ngơ ngác nhìn giọt sương  sáng  long lanh
Lòng ta vui mong chồi non chóng lớn
Che mát cuộc đời bằng cành lá xum xuê.
Những chồi xuân mang sức sống tràn đầy
Như những cuộc đời sống ở nơi đây
Mặc đạn bom đêm ngày dội xuống
Vẫn vươn lên dưới ánh nắng mặt trời.
Ta xa hầm mấy hôm nay trở lại
Nhìn chồi xuân thêm những chiếc lá xanh
Gió khẽ rung chồi xuân động đậy
(?) cho mình vươn lên với rừng cây.
Ta sống ở đây xa những gì thân thiết
Bạn với chồi xuân với căn hầm chật
Sống chan hòa hiền lành chân thật
Bởi ta nằm trong lòng đất quê hương.
Ngày mai thôi ta sẽ lên đường
Chồi xuân ở lại cùng gian hầm đây nhé
Ta mong sao ngày nào gặp lại
Chồi xuân là cây cổ thụ giữa rừng xanh.
4.7.1972

Tin Tưởng
Ta tin rằng ngày mai vui sẽ tới
… (?) ….. rồi cũng sẽ qua đi
Ta sẽ quên đi tất cả những gì
Đã dằn vặt trong lòng ta ngày tháng.
Ta tin tưởng sẽ có ngày trở lại
Mái trường xưa vui mãi khúc ca
Đời sẽ vui trong ánh sáng chan hòa
Ta lại giửi những phương trình toán học.
Hãy tin tưởng ở ngày mai bạn nhé
Dù sau này ta phải chịu đau thương
Hãy mạnh chân dồn bước trên đường
Tới hạnh phúc, tới ngày sum họp.
Hỡi em yêu, hãy tin ở tình ta
Dù hôm nay có phải cách xa
Hãy chờ đón một ngày vui gặp mặt
Ta lại cùng nhau xây đắp cuộc đời.
Đồng chí ơi, hôm nay dù gian khổ
Gió núi, mưa rừng, đạn nổ, bom rơi
Tin tưởng ngày mai khắp cả đất trời
Cờ chiến thắng tung  bay đường thắng lợi.
Hãy tin tưởng ở việc làm hôm nay
Lặng lẽ, âm thầm, ngày qua tháng lại
Việc ta làm sẽ còn mãi mãi
Với lịch sử cha anh dựng nước diệt thù.
6.7.1972


12.7.1972
Đêm nay tôi sẽ lên đường ra trận. Chiều nay tôi được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng, đã là Bôn sê vích. Ngày 12.7.1972  là ngày đáng ghi nhớ trong đời.
Cha yêu thương của đời con, con đã là người đồng chí của cha rồi đấy. Chắc cha sẽ vui lòng khi con trưởng thành. Cha sẽ an tâm trước việc làm đầy gian khổ hi sinh của con hôm nay. Cách xa cha muôn dặm, con ôm hôn cha với tất cả nhựa sống đang tràn trề trong con.
Cha ơi, con đã sắp đi rồi. Con sẽ đi vào nơi đau thương tang tóc, nơi mà con người đang tập trung ý chí. Cha sẽ theo dõi mọi hành động, việc làm của con.
Mẹ ơi, con đang nhớ tới mẹ, người mẹ suốt đời lo lắng cho con, chăm sóc con những ngày thơ ấu. Lòng mẹ là dòng nước mát vô tận trong nguồn tưới mát lòng con trong những giờ ác liệt nhất của cuộc đời. Mẹ sẽ làm dịu đi nhức nhối của đau thương. Lúc này con đang nhớ mẹ. Nhớ không gì ngăn nổi.
Ngày mai ta sẽ đến nơi. Ta sẽ phải làm gì đây với cuộc đời. Bây giờ đã là đảng viên, trách nhiệm càng nặng nề. Liệu ta có vượt được không? Dù phải hi sinh cả tính mạng, cả cuộc đời 20 xuân phơi phới thì cũng chẳng sao. Bởi sự hi sinh đó là nền móng cho sự sống mai sau, là hòn đá lát cho lâu đài cao đẹp.
Cha mẹ ơi, hãy bằng lòng để con vào trận hôm nay, đọ sức cùng chúng nó. Con sẽ trở về bên mẹ, kể cho mẹ nghe những ngày qua con xa mẹ.
Ta vào trận hôm nay bình thường hết sức. Có gì đâu, ta đi vào con đường mà cha anh, bạn bè đã bao lần qua lại. Nhẹ nhàng giản dị như chân lý- Sáng ngời như ánh nắng mùa xuân.
Đẹp đẽ vô cùng con đường ra trận. Ta đi theo tiếng gọi của lương tâm. Ta làm theo ý nguyện của muôn người.
Chào rừng xanh ở lại, ta đi. Hẹn ngày mai gặp lại.

13.7.1972
Bắt đầu trang bị lại mọi thứ để lên đường. Con người bắt đầu có sự gắn bó. Trạm tiền tiêu “Cửa Rừng” đã đón và cung cấp cho chúng tôi. Đường ra trận náo nức lạ thường.
Trong lòng đã dậy lên suy nghĩ về cái chết, sự sống. Nhưng suy nghĩ để làm gì, để giải quyết vấn đề gì? Lê Mã Lương- Anh là người đi trước cho chúng tôi bước theo. Đường tôi đi hôm nay là lần thứ mấy nghìn rồi.
Đêm nay nghỉ trong thôn nhỏ ở Cự Nẫm. Sao đầy trời. Những ngôi sao sáng nhấp nháy như những cặp mắt lo lắng, đợi chờ. Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Có phải cái rạo rực của người lần đầu ra trận không? Nhớ ngày nào lần đầu bước vào phòng thi. Nhớ ngày nào gặp em lần đầu.
Chòm sao Bắc Đẩu  sáng nhất. Có gì trong đó chứa đựng yêu thương, mong ngóng. Đời ta từ đây lại bước vào thử thách. Một thử thách lớn lao nhất của cuộc đời.


14.7.1972
Rừng Quảng Bình cùng ta ghi nhớ
Lại một chiều hành quân bằng cơ giới. Xe chật, đường xóc kì  lạ. Người mệt mỏi. Trên đường ta vào, địch thường xuyên ngăn chặn. Pháo sáng suốt dọc đường. Địch bắn phá ta cứ đi. Vượt qua đạn bom mà xốc tới. Đoàn xe ra trận đêm nay ồn ào khí thế của người chiến thắng.
Qua 3 trạm rồi. Ba trạm là ba lần gian khổ, trèo đèo, vượt dốc. Có lúc tưởng như đứt hơi.
Quảng Trị đang gọi chúng tôi.
Chúng tôi đã sẵn sàng rồi các anh!
Đi, ta đi, hẹn ngày mai trở lai, tuy rất xa vời!
Lại lên đường ra trận. Từng loạt bom nổ xé tan không khí im lặng của núi rừng. Pháo phòng không đỏ rực giăng lưới trên cao.
Ta cứ đi xuyên rừng, nhằm Quảng Trị xốc tới.
Qua Gio Linh giữa đêm trăng đầu tháng
20.7. 1972
Một tuần hành quân liên tục. Tôi đã dừng ở lại Cam Lộ- vùng giải phóng của Quảng Trị. Ôi miền Nam- mảnh đất thân yêu của đất nước mà lâu nay tôi mới chỉ nghe. Nay đặt chân lên mảnh đất mới giải phóng.
Đạn bom còn vương vãi trên mảnh đất này. Đường hành quân địch thường xuyên bắn phá, ngăn chặn. Qua những dải đồi cháy nham nhở, hố đạn bom, lởm chởm cả một vùng. Chỉ còn trơ lại những gốc cây đen nhẻm.
Đường ta đi pháo sáng địch thả liên hồi. Pháo cầm canh từng chặp. Đây rồi những xóm làng của miền Nam, người dân đã đi cả. Quảng Trị ơi- tôi đã về với Người đây.
Tôi đã quen dần với đạn bom. Hành quân dài mang nặng trên vai. Ta đã đến với miền Nam với cả sức lực của tuổi trẻ.
Ngày mai, lại lên đường, ta sẽ vào nơi quân thù còn chiếm đóng, làm nên nhiều Quảng Trị, để quê hương miền Nam thoát khỏi ách hìm kẹp của Mĩ ngụy.
Đây là thử thách lớn lao. Đây là cuộc sống và chiến đấu. Còn có nơi nào khác anh dũng, ngoan cường, bình tĩnh bằng ở đây. Những người mới ra trận với tuồi đời 19 đôi mươi. Anh bộ đội ơi- Anh đẹp lắm.

22.07.1972
Vượt qua bom đạn quân thù tôi qua Đông Hà lúc đêm thị trấn tan hoang đổ nát sau cuộc chiến đấu ác liệt. Vượt sông Cam Lộ vượt (vấn?) trận – Dừng lại ở huyện Triệu Phong, vùng giải phóng cách thị xã Quảng Trị 7 km. Địch đánh phá dữ dội. Từng đợt B52 rải thảm. Pháo bày từ hạm đội tới tấp nã vào Triệu Phong. Vùng giải phóng đây, những ngôi nhà làng xóm quen thuộc của miền Nam đất Việt. Dân ở đây cũng tốt nhưng sợ bom đạn ác liệt. Nằm ở hầm nghe đất rung rào rào sau mỗi trận B52. Đã bước vào cuộc chiến đấu thật sự rồi. Sự sống- cái chết chỉ gần nhau gang tấc. Thị xã Quảng Trị - mảnh đất Quảng Trị là trận địa chiến đấu đầu tiên trong đời. Ở đây là tập trung của hai quyết tâm, tập trung của sắt thép và bom đạn. Ta sẽ thử lửa ở đây. Tiếng súng cứ dồn dập vọng tới. Hãy bình tỉnh – dũng cảm sẽ đi đến cái sống vinh quang. Xin tạm biệt mẹ, các em và em yêu của anh để anh vào cuộc chiến đấu vĩ đại này.
Vùng giải phóng Quảng Trị

24.7.1972
Chốt trên căn cứ Ái Tử. Bom đạn không lúc nào ngớt, hết từng loạt pháo kích lại tiếp những đợt B52. Mặt đất cứ rung lên bần bật. Đơn vị đã có một đồng chí hi sinh vì bom B52. Ta vẫn sống đàng hoàng trong lòng đất. Khu Ái Tử ngổn ngang xác xe địch, nhà cửa đổ nát. Công sự địch ngổn ngang. Ta đã sẵn sàng thế trận đợi địch đến. Ta nguyện giữ Ái Tử đến giọt máu cuối cùng. Em ơi- Ái Tử là gì nhỉ? Có phải Ái là yêu không nhỉ ? Còn Tử là gì ? Nằm trong hầm, sau những loạt bom rung chuyển vẫn có những phút im lặng của chiến trường. Đêm nay mưa rơi. Pháo sáng địch sáng trưng cả khu Ái Tử. Anh cầm chắc súng áp vào má lạnh của thép - lòng anh càng nhớ em. Nhớ lạ lùng – người ta vẫn có cái nhớ kì lạ. Dòng suy nghĩ về em, về gia đình bị cắt đứt bởi những đợt pháo kích.
Ái Tử - Ái Tử. Quảng Trị

Đêm 1.8.1972
Một tuần nay chốt giữ Ái Tử, cái  bàn đạp của thị xã Quảng Trị. Bom, đạn trút xuống đây không biết là bao nhiêu chỉ biết tìm được một giây phút yên lặng trên trời cũng như mặt đất thì thật là hiếm hoi. Con người đã quen với những tiếng nổ dữ dội. Suốt đêm  pháo sáng địch thả liên tục không ngớt. Mọi sinh hoạt cũng chưa có gì khó khăn ác liệt lắm. Có thể nói rằng: Ở đây, là quyết tâm cố gắng của con người đến mức cao nhất. Đầu lúc nào cũng váng lên. Ghét nhất là lũ OV10 và L19 chúng như bầy nhặng xanh suốt ngày đêm quần đảo, chỉ điểm cho B52 và bầy phản lực trút bom.
Bom đạn của chúng hòng làm ta khuất phục. Bọn  Mĩ đã nhầm. Chẳng có gì khuất phục được dân tộc này cả - một dân tộc có 4 ngàn năm giữ nước và dựng nước – dân tộc Việt Nam – con người Việt Nam dạn dày trong bom đạn vững vàng trước mọi thử thách.
Chúng tôi – một tiểu đội chốt ở đây. Mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm. Trong lòng đất Việt Nam ta nghe ấm hơi người. Mọi người gắn bó, không ở đâu bằng ở đây tình cảm con người lại chân thành cao đẹp đến thế.

Đêm ở Ái Tử
Ái Tử đã chìm trong đêm
Đêm sâu thẳm trời đầy sao lấp lánh
Đêm cũng không yên
Luôn bị xé nát bởi tiếng rền của B52
Tiếng pháo kích chớp lòe nổ xé
Đêm sâu thẳm lũ chó luôn cào cấu
Pháo sáng liên hồi, có lúc nào yên
Lũ chúng nó như điên như dại
Trút đạn bom định đặt lại đau thương
Trên quê hương ta vừa giải phóng
Mà mảnh đất ta nằm còn nóng lửa hôm nao.
Ái Tử ơi ! Đêm về khuya rồi đấy
Mang bên mình biết mấy đau thương
Bom đạn quân thù chặn đường cản lối
Pháo sáng, đạn bom xé đêm tối bao la
Đêm nay có ta bên nòng súng thép
Đạp trên đồn thù đổ nát
Cùng trời sao giữ mãnh đất yêu thương
 Ái Tử ơi ta thức với đêm trường.
1.8.1972

2.8.1972
Kì lạ thay, lâu lắm rồi ta chẳng suy nghĩ gì tới quê hương, gia đình nữa. Sao chiều nay ta bỗng lại nghĩ tới.Chắc chắn gia đình sẽ buồn, lo nghĩ về ta. Vắng đứa con trong thời gian dài của thời kỳ chiến tranh ác liệt, ai mà chảng lo, chẳng nghĩ.
Cha mẹ hãy vui lên vì trong cuộc chiến đấu này con đang góp sức chung với dân tộc, giữ mảnh đất Quảng Trị mến yêu.
…Sao có lúc ta trở nên nhỏ nhen và ích kỷ. Sao ta lại so sánh với bạn bè, so sánh làm gì nhỉ? Chỉ tổ làm cho đầu óc cẳng thằng mà thôi.
B52 và pháo bầy đã cắt đứt dòng suy nghĩ không đâu. Mấy đứa bạn cũ đang ở đây đã lại ẩn vào dĩ vãng.
Ta sống những ngày ác liệt của cuộc chiến đấu. Ta có niềm tự hào của riêng ta.
Em ơi có thể,
Ngày chiến thắng về không có bóng anh
Thì,
Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh
Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh.
Trận bom B52 chiều nay rải gần quá. Đất, đá, bụi, khói trùm cả khu vực. Không ai việc gì, mọi công việc vẫn bình thường của cuộc sống chiến trường. Đêm đã bao trùm khu Aí Tử, pháo sáng địch không lúc nào tắt, hết quả này, chùm này đến chùm khác, pháo bầy cứ như đánh trống. Đêm chiến trường không lúc nào yên tĩnh.

Mẹ ơi!
Đêm chiến trường lòng con nhớ mẹ
Nhớ quê nhà tha thiết lắm mẹ ơi
Ở Ái Tử đêm nay con chỉ biết nhìn trời
Sao Bắc Đẩu như mắt ai vời vợi.
Mẹ ơi! Ở đây không một giây yên tĩnh
Bom đạn quân thù xé nát cả trời đêm
Nhưng lòng con vẫn cứ êm đềm
Với kỉ niệm những ngày bên mẹ.
Chắc đêm nay mẹ không ngủ được!
Nhìn phương Nam mong đợi tin con
Thương quá mẹ ơi, mắt mẹ mỏi mòn
Lo lắng. Mong chờ con trai của mẹ
Ở Ái Tử con trai vẫn khỏe
Cũng ngày ngày nhớ mẹ không nguôi
Mẹ thương ơi, con đã sẵn sàng rồi
Chờ địch tới là xông lên diệt hết.
Đừng lo nhiều đến con mẹ nhé
Xung quanh con còn đồng chí, anh em
Tất cả bên nhau, đồng cam cộng khổ
Gắn bó yêu thương, như con đẻ một nhà
Đêm nay ta đang chờ địch tới
Trời đầy sao, như mắt ai vời vợi
Gửi gắm tin yêu, tất cả cho ta
Gửi cả cho ta trời sao lớn bao la.



Quảng Trị Của Ta
Quảng trị ơi quê hương vừa giải phóng
Hết bóng quân thù giày xéo quê ta
Từ Ái Tử, La Vang cho đến Đông Hà
Tất cả về ta vui mùa chiến thắng.
Ta đã qua Cam Lộ, Gio Linh
Đẹp đẽ thay mảnh đất quê mình
Mặc bom đạn vẫn một màu xanh mát
Làng ta nghèo tiếng hát vẫn sáng trong.
Ta đã qua Đông Hà- Ái Tử
Mới hôm nao quân thù còn hung dữ
Ngang ngược nơi đây gieo tang tóc đau thương
Đến hôm nay, ta thẳng bước trên đường.
Ai đã qua đây, càng tự hào quý giá
Từng xóm làng từng ruộng lúa dòng sông
Ai qua đây càng thấy yêu thương
Anh Giải phóng quân lặn lội đêm trường.
Anh Giải phóng quân ơi Anh đẹp lắm
Anh là niềm tin của Quảng Trị quê tôi
Anh là ngôi sao sáng mãi ngời ngời
Là ngọn đuốc sáng đêm dài Quảng Trị.
Nhớ Em Tôi
Lâu rồi vắng tiếng cười trẻ nhỏ
Lòng khao khát nghe tiếng nói tuổi thơ
Lâu rồi vắng tiếng gà gáy sáng
Lòng khát khao cảnh êm ấm gia đình.
Em tôi ơi, đang làm gì đấy?
Anh nhớ em biết mấy em ơi!
Có những đêm anh không ngủ được
Trằn trọc trong lòng  luôn nghĩ tới em.
Anh nhớ mãi hôm anh đi em khóc
Chẳng …(?)…. biết anh sẽ lâu về
Và chiều chiều em đứng đợi trên đê
Cố tìm anh trong đoàn quân qua xóm.
Anh nhớ nhà, nhớ em trai nhỏ nhất
Ở chiến trường trong căn hầm chật
Anh tìm cho em đồ chơi em thích
Chú thỏ bông, ô tô nhựa em chơi.
Em trai ơi! Ở trong xa cách
Anh vẫn bên em nghe tiếng em cười
Ngày mai thôi, đất nước nở hoa tươi
Anh sẽ hái cho em chơi em nhé.
Lúc anh đi em còn bé tí
Em lớn dần anh mong lắm em ơi!
Em lớn lên vui chơi và học tập
Quân thù kia anh đã diệt tan tành.
Anh nhớ em, nhớ tiếng nói nụ cười
Nhớ dáng em đi, đôi chân nhỏ bé
Chạy lăng xăng đuổi bướm, tìm hoa
Em trai là hạnh phúc của lòng ta.
4.8.1972
(Nhớ em Đang, đứa em út của gia đình)

Có Hiểu Anh Chăng Em
Gửi S. thân yêu.
Có hiểu chăng em lòng anh đêm nay
Nghĩ về em, nhớ những ngày dạo trước
Có hiểu chăng em? Dù trong lửa đạn
Anh vẫn thiết tha với cuộc sống tình yêu.
Chắc em đã biết về Quảng Trị,
Em đã lần nào nghe tên Ái Tử,
Hay Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh?
Có hiểu chăng em đó là nghĩa là tình.
Em có nghe tới cũng không hiểu được
Như ngày nào em mới hiểu anh
Ở mảnh đất mà anh đang chiến đấu
Đã thấm máu hồng của đồng chí, của anh.
Anh biết em ngày đêm bận học hành
Là cô giáo của tương lai đất nước
Anh sung sướng mong sao em hiểu được
Lòng anh đêm nay trước lúc xung phong.
Em có hiểu chăng? Có thể hôm nay,
Anh ngã xuống, máu thấm vào mảnh đất
Để đời sau cất tiếng hát thanh bình
Để đời sau đẹp đẽ những mối tình.
Có hiểu chăng em? Lòng anh sung sướng
Nghĩ đến em, hạnh phúc của em
Đừng nghĩ rằng anh quá nhỏ nhen
Trong tình cảm, trong tình yêu trước đó.
Anh rất hiểu lòng người con gái
Sẽ khổ đau với năm tháng đợi chờ
Anh rất hiểu những mối tình dang dở
Sẽ khổ đau tê tái biết chừng nào.
Em có hiểu anh như em vẫn nói
Vẫn chưa đủ đâu còn thiếu rất nhiều
Có khi nào em nghĩ đến tình yêu
Sẽ tan vỡ trong những ngày xa cách.
Em hãy quên đi để đừng đau khổ
Bởi mối tình đầu dang dở tuổi xanh
Hãy quên đi như gió thoảng trên cành
Như đợt sóng thủy triều hôn bãi cát.
Em hãy để cho tâm hồn tươi mát
Với trời xuân bát ngát nắng hồng
Em hãy để cho lòng mình mát dịu
Với mưa xuân mới mẻ của mùa sau.

Chiều ở Ái Tử
Bóng nắng xiên, chiều về Ái Tử
Gió mát lùa khua động những mái tôn
Sao chiều nay tâm hồn ta mát rượi
Sau một ngày chiến đấu khẩn trương.
Cảnh chiến trường chiều nay ta nhìn lại
Những cột đèn cháy dở đen thui
Những lô cốt kia chôn vùi xác giặc
Những căn nhà đổ nát bởi đạn bom.
Mảnh đất nơi đây nóng lửa hôm nào
Xác xe địch ngổn ngang bên hàng rào đổ nát
Anh chiến sĩ hiên ngang bên chiến hào đang hát
Tay mải mê lau khẩu súng thân yêu.
Phía xa kia quân thù đạng bắn pháo
B52, pháo bày từng đợt
Giặc điên cuồng hòng hủy diệt quê ta
Đạn bom quân thù chẳng ngăn bước….
5.8.1972

Trách Mình
Trách mình số phận long đong,
Suốt đời quanh quẩn trong vòng gian nan
Những toàn chịu cảnh cơ hàn
Than thân trách phận phàn nàn cùng ai?
Mấy năm đèn sách miệt mài
Đến nay rồi cũng phí hoài mà thôi!
Trước như chim bổng lưng trời
Nay như con ếch đang ngồi giếng sâu
Ngồi mà ngẫm nghĩ hồi lâu
Trách mình số phận đi đâu cũng hèn.
Bi quan thế S. ơi! Chiều Ái Tử 5.8.1972
Cuộc Sống ở Đây
Cuộc sống ở đây vẫn cứ sang
Bom rơi đạn nổ vẫn đàng hoàng
Cứ hát cứ vui cùng ngày tháng
Trong lòng mong đợi phút xung phong.

Hú Vía
Bắc ghế cạnh hầm ngồi làm thơ
Pháo địch từ đâu quá bất ngờ
Đạn nổ đằng sau vài chục mét
Chạy nhanh vào hố, rớt cả thơ.

Lại Buồn
Ta chẳng muốn làm gì thêm nữa
Tay rã rời, chân mỏi quá đi thôi
Long nao nao hết đứng lại ngồi
Một nỗi trong lòng trỗi dậy.
Nhìn ánh nắng chiều sao nhạt nhẽo
Làn gió nào mà yếu ớt thổi qua
Đàn chim kia còn mỏi cánh phương xa
Cho ta gửi lòng ta ra Bắc với.
Mắt mỏi mòn nhìn phương xa vời vợi
Khói bom thù còn vương lại trên cao
Trong lòng ta không hiểu vì sao
Buồn chẳng muốn làm gì thêm nữa.

7.8.1972
Mấy hôm nay mệt mỏi quá, buồn và chẳng muốn làm gì, lúc nào cũng nằm trong hầm, lòng suy nghĩ miên man. Chốt giữ ở đây gần một tháng rồi còn gì. Chưa đánh chác gì, chỉ nằm nghe bom đạn quân thù dội quanh mình. Cuộc sống vẫn chưa khó khăn lắm- cơm vẫn thừa ăn- thịt bò đến phát ngán người, chỉ thèm rau tươi, con cá. Những cái gì bình thường nhất nay lại trở nên đặc biệt cần thiết và thấy nhớ.
Không sao gửi thư ra ngoài kia được, chắc gia đình mong và lo lắng nhiều lắm. Đầu lúc nào cũng nhức, mũi tắc tị, thật khó thở. Mũi viêm đến hai năm rồi mà chưa có lúc nào chữa được.
Tình cảm con người chai lại, rắn rỏi thêm theo ngày tháng, có thể nay mai sẽ còn đi xa hơn. Huế- Sài Gòn còn đang đợi ta đi.

Mệt
Mấy hôm nay mệt nằm hầm
Tiếng bom, tiếng súng ầm ầm không ngơi
Có ai hiểu được trên đời
Buồn vui trộn lẫn trong người chiến binh
Mệt mỏi mà nằm không yên
Tai nghe tiếng súng vọng miền xa xôi
Nằm đây lòng cứ bồi hồi
Bâng khuâng trong dạ đứng ngồi không an.

Thương Đồng Chí
Hôm qua anh vẫn bên tôi
Mà nay anh đã về nơi suối vàng
Châu ơi! Thương nhớ muôn vàn
Ơi người đồng chí- cơ hàn có nhau
Nhớ không gió núi mưa rừng
Cuộc đời chinh chiến chẳng dừng phút giây
Nhớ anh lòng dạ chẳng khuây
Thương anh cuộc sống tràn đầy ước mơ
Hôm nay nào có ai ngờ
Vĩnh biệt đồng chí từ giờ phút đây.
12.8.1972.
Một tháng chốt ở Ái Tử. Một tháng của thời gian ngắn ngủi. Cuộc sống của những người giữ chốt ở đây phải chịu không biết bao nhiêu bom đạn quân thù, cái sống cái chết gần nhau là mấy.
Chờ một tháng nay, 3 đồng chí đã hi sinh vì bom đạn rồi. Đau đớn những người trai trẻ. Cuộc sống đang tràn đầy hạnh phúc. Các đồng chí đã trở thành người thiên cổ rồi. Mà mới hôm qua thôi còn cười nói với chúng ta. Không biết tới đây sẽ còn mất những ai? Cuộc chiến đấu sẽ còn dài, còn ác liệt. Đời một con người ngắn ngủi thế thôi ư? Không biết rồi mai đây thế hệ sau này và những người ngoài cuộc có hiểu chúng ta không? Và nếu họ quên đi một cách dễ dàng thì đau khổ biết bao!


15.8.1972.
Sau một cơn mưa, Ái Tử trở nên dịu dàng, trời đất mát rượi. Những vết bom, pháo kích càng hiện rõ. Cây cỏ vẫn xanh tươi, Ái Tử vẫn ác liệt. Sao sáng nay lại có vài giây phút im lặng đến thế?
Hơn một tháng nay ngủ hầm rồi, cuộc sống vẫn đường hoàng, vẫn bình thường- bom đạn chẳng làm ta yếu đuối, hèn nhát. Cái chết không làm ta yếu hèn. Khi đã coi thường cái chết thì mọi thứ khổ trên đời có nghĩa lí gì. Khi ta đã quyết làm nhiệm vụ thì mọi tính toán riêng tư, mọi thứ nhỏ nhen của cá nhân đều chẳng có gì dằn vặt.
Bặt tin tức gia đình lâu lắm rồi, ước mơ ngày trở lại, gặp lại những người thân yêu, còn gì buồn khổ hơn không có ngày trở lại.
Cha, mẹ, người yêu hãy tin tưởng ở con ngày về không xa lắm, và nhất định sẽ đến.
Tin tưởng, cố gắng, khó khăn ác liệt sẽ qua, khi đó còn hạnh phúc gì bằng.

17.8.1972.
 Công tác liên tục. Những ngày ở chốt phải chuẩn bị thật khẩn trương, thật tốt. Địch chưa đổ xuống đất này. Không giữ được chốt Ái Tử thì còn gì nữa. Sức lực, công lao bao người mới có. Ta không tiếc mồ hôi, ta quý từng giọt máu. Máu ta đổ lúc nào cho xứng đáng.
Công sự, hầm hào gần tháng rồi mà chưa đâu vào đâu cả, phải tranh thủ hết thời gian mới được. Không thể thương chiến sĩ bằng cách để anh em nghỉ ngơi, có gì sau này hối hận sẽ không kịp, kiên quyết làm bằng được.
Đêm nay trăng sáng. Cả khu Ái Tử ngập tràn ánh trăng. Chắc ở quê ta trăng cũng sáng lắm. Đàn em ta trông trăng, chắc sẽ nhớ đến anh nó ở phương xa. Các em ơi anh đang giữ cho các em ánh trăng sáng. Anh muốn cả dải đất này được vui dưới ánh trăng.
Nhớ nhà vô cùng. Nhớ gian nhà với mọi sinh hoạt bình thường sau bữa cơm chiều. Ôi thiết tha- tha thiết

Niềm Tin
Ta xây dựng một niềm tin vững chắc
Một ngày mai chiến thắng không xa
Bao gian khổ trên đường giết giặc
Là khúc quân hành vang rộn tim ta.
Cho dù hôm nay còn nhiều gian khổ
Cho dù máu ta có đổ nơi đây
Thì lòng ta sung sướng tràn đầy
Bởi đã sống trọn đời cho lý tưởng.
Đêm nay ta thức cùng Ái Tử
Nghe tiếng bom rơi trong lòng uất nghẹn
Cùng cây súng đêm nay gần gũi
Một niềm tin sắt đá ở ngày mai.
Ái Tử hôm nay đổ nát tan hoang
Cuộc chiến đấu vẫn còn gian khổ
Ái Tử ngày mai nhất định huy hoàng
Ta xây dựng từ đau thương đổ nát.
Một niềm tin không gì lay chuyển được
Từ cuộc sống hôm nay đi tới ngày mai
Như chân lý, như mặt trời chói lọi
Soi sáng lòng ta, sáng chói màu cờ.

Nhớ
Ta nhớ thiết tha, đêm ngày tha thiết
Từng tin vui từ miền Bắc bay vào
Em tôi ơi, quê hương từ ngày ấy
Đã đổi thay biết mấy hỡi em.
Anh nhớ thiết tha cánh đồng 5 tấn
Nhớ hàng cây soi bóng nước trong xanh
Anh nhớ lắm những mái trường ngói mới
Đàn em vui học tập hàng ngày.
Lòng anh vui cùng niềm vui ngoài Bắc
Ngày hôm nay phản lực Mĩ rơi
Anh sung sướng đêm ngày thường nhắc
Đến quê hương chiến thắng từng ngày.

28.8.1972
Rời Ái Tử, trăng sáng mờ, đủ nhìn thấy đường đi. Hành quân đến vị trí mới chuẩn bị chiến đấu. Vượt sông sâu lúc đêm khuya. Pháo sáng địch thả liên tục trên đỉnh đầu, pháo kích bắn chặn đội hình, B52 táng liên tục. Đoàn ta vẫn đi. Dọc bờ sông , cây cối xóm làng đổ nát tan hoang vì bom đạn Mĩ. Những thân cau cháy dở ngã gục, những rặng tre xơ xác, ngổn ngang.
Đêm nay nằm trong hầm kèo nghe bom rung đất rơi rào rào. Ta sắp nổ súng rồi, chúng bay hãy coi chừng, lửa căm hờn sẽ trút xuống đầu kẻ gây tội ác. Chiến thắng sẽ về ta, về ta tất cả.

Gặp Em
Tôi gặp em trên đường ra trận
Thoáng qua thôi đã thấy quen rồi
Cô du kích trong vùng giải phóng
Đánh giặc cừ, giọng hát vẫn trong.
Ơi người em gái của quê hương
Súng vác trên vai, mạnh bước trên đường
Lúc đánh trận mình em xông xáo
Giờ gặp anh, bẽn lẽn mặt đỏ bừng.
Chúng ta cùng chiến hào đánh Mĩ
Chiến đấu quên mình trên mảnh đất quê em
Khẩu súng của ta giống nhau em nhỉ
Trước quân thù liên tục tấn công.
Quê hương em, mát dòng nước biếc
Tắm mát lòng anh, làm lành da thịt
Em là quê hương, em là du kích
Chiến đấu giữ làng, giữ mãi màu xanh.
*
*     *
Hai bài thơ sau đây được ghi trên 4 trang  xen vào  nhật ký. Bốn trang này nằm  giữa tờ trước  đề ngày 14.6.72 với tờ sau đề ngày 16.6.1972 . Thời gian ghi dưới bài thơ “Tạm biệt Như Xuân”    25.4.1970, thời gian ghi dưới bài “Cô gái quan họ” là 4.1971. Tôi (TTĐ) đoán Sỏi đã ghi nhầm thời gian ở bài “Tạm biệt Như Xuân” vì vào tháng 4 năm 1970, Sỏi chưa nhập ngũ. Đó phải là năm 1971 thì hợp lý hơn. Sau nhập ngũ, Sỏi có thời gian huấn luyện ở Như Xuân, rồi  ngày 25.4.1971 di chuyển ra Hà Bắc. Cũng trong tháng 4 đó, Sỏi ra Hà Bắc và gặp “Cô gái quan họ”.

Tạm biệt Như Xuân 
Tạm biệt Như Xuân anh đi nhé
Chào núi rừng xứ sở của chim ca
Như Xuân ơi anh sắp phải xa
Lòng người lính bao vui buồn thương nhớ.
Như Xuân cùng anh giữ gìn bao kỷ niệm
Của đời anh ghi mãi trong tim
Anh nhớ mãi Như Xuân tươi trẻ
Luôn trên người màu hoa tím thủy chung.
Ta gần nhau mấy mùa rồi em nhỉ
Có mùa đông và cả một mùa xuân
Chính nơi đây anh đã bao lần
Chờ hạnh phúc dù chỉ trong giây lát.
Gần Như Xuân xa cánh đồng bát ngát
Vắng tiếng cười nhưng rộn tiếng chim
Không có hoa Hồng, đã có cả đồi sim
Đẹp đẽ biết bao những chùm mua tím.
Sắp xa rồi, không hẹn ngày gặp lại
Để lòng ta nhớ mãi nơi đây
Nhớ rừng xanh, đồi núi, cỏ cây
Và nhớ cả sắc trời mây xanh thẳm.
Bước chân ai mà em chẳng quen
Còn nhớ không em những buổi tối đi rèn
Đoàn anh đi, sao sáng trong đêm
Nghe rầm rập chắc làm em thao thức.
Sắp xa rồi, nhớ quá Như Xuân
Trong cuộc sống biết bao lần tạm biệt
Xa Như Xuân ta lại hành quân tiếp
Đến phương trời vang tiếng súng tiến công.
Còn nhớ hôm nao, ta mới đến
Hôm nay đây tạm biệt chia tay
Ôi đời ta như những cánh chim bay
Bay- bay mãi chẳng khi nào mỏi cánh.
( 25.4.1970 (1971?)- Những ngày sống ở Như Xuân chuyển ra Hà Bắc)



Cô Gái Quan Họ
Mỗi lần gặp em trên đường hành quân,
Là thoáng môi em nở đóa đào xuân.
Mỗi lần gặp em sau một ngày mệt nhọc,
Là gặp em với giọng nói thì thầm.
Em gái ơi! Em là cả mùa xuân!
4.1971
(Những ngày ở Bắc Ninh)
*
*     *
ĐỌC VÀ SAO BIÊN NHẬT KÝ
TẠ QUANG SỎI

Thấy tôi làm nghề xuất bản, anh Nguyễn Đình Hóa giao cho cuốn nhật ký của Tạ Quang Sỏi và truyền đạt ý định của chi hội Cựu chiến binh Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) muốn xuất bản thành sách để lưu lại truyền thống của khoa. Tôi nhận nó với tình cảm đặc biệt vì anh Sỏi với tôi có nhiều cái cùng: cùng quê, cùng lớp ở Khoa Toán, cùng nhập ngũ khi đang học dở dang … Tuy nhiên, mãi đến năm nay, 2013, khi đã nghỉ hẳn công tác, tôi mới bắt tay vào đọc để sao chép ra cho thành bản thảo được. 
Khi bắt tay vào đọc cuốn sổ nhỏ này, tôi thực sự bị cuốn hút bởi cảm xúc thơ dào dạt của Tạ Quang Sỏi. Anh đi tới đâu có thơ ở đó. Trước một sự kiện, hiện tượng, công việc anh đều có thơ. Tôi có cảm tưởng thơ đã có sẵn trong anh, chỉ chờ có cớ là tuôn ra. Ngôn từ của người học toán mà thật là phong phú, uyển chuyển. Những lời thơ, câu thơ được viết ra rất rất ít dập xóa, thay đi đổi lại mà vẫn rất hợp cảnh hợp tình. Đó là điều mà khi còn học cùng, tôi không bao giờ nhận ra ở anh.
Nhật ký của Tạ Quang Sỏi được ghi vào cuốn sổ nhỏ khổ 13x18cm, có 200 trang do Hợp tác xã Sông Hồng sản xuất muộn nhất là năm 1972. Bìa nilon màu xanh da trời, có in chìm lô gô “Đường 9 Khe Sanh” ở góc dưới bên phải, bìa 1. Chắc đây là cuốn sổ công tác mà trong quân đội cấp phát cho cán bộ từ cấp tiểu đội trưởng trở lên để ghi chép công việc, nội dung tập huấn… 
Phần nhật ký  được ghi thuận từ đầu sổ trở đi, có 122 trang chiếm hơn nửa cuốn sổ. Phần ghi công tác, tập huấn và phần có lẽ là nội dung tìm hiểu về Đảng Lao động Việt Nam trong phạm vi lớp đối tượng đảng được ghi từ cuối sổ trở lên. 
Giấy trong cuốn sổ còn khá bền, dai, tuy nhiên đã ngả màu vàng. Mực viết chủ yếu là mực nước với đủ màu xanh đen, xanh nước biển, tím, đỏ. Một số chỗ dùng bút chì. Do viết bằng mực nước nên mặt trước thấm ra mặt sau làm cho nhiều chỗ rất khó đọc, thậm chí không đọc được. 
Trang đầu của nhật ký ghi ngày 21.1.1972 có chữ ký và hòm thư bí mật của quân đội. Trang cuối cùng ghi ngày 30.8.1972 chỉ với mỗi dòng chữ: “Xa Minh Hoan”. Tính ra quãng thời gian là 7 tháng 9 ngày của năm 1972. Số ngày được ghi nhật ký là 61 ngày. Nhật ký được viết trong  quá trình huấn luyện ở Hà Bắc, diễn tập hành quân dã ngoại qua vùng Chí Linh, Hải Dương, bắn đạn thật ở Quảng Ninh sau đó hành quân qua Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi vào chiến trường Quảng Trị.  
Nhật ký được ghi dưới hai dạng: thơ và văn xuôi. Thống kê được 70 bài thơ lớn nhỏ. Không kể 2 bài thơ “Tự khuyên mình”, “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chủ tịch và 2 bài “Dáng đứng Việt Nam”, “Về đi em” của Lê Anh Xuân do Tạ Quang Sỏi chép. 
Trong số 70 bài thơ nói trên, bài “Tạm biệt Như Xuân” ghi ngày 25.4.1970 và liền đó bài “Cô gái quan họ” ghi 4.1971. Ở bài “Tạm biệt Như Xuân” chắc Tạ Quang Sỏi nhầm, vì tháng 4.1970 anh chưa nhập ngũ, chắc phải 25.4.1971 mới đúng. Ngày đó, năm 1971, anh tạm biệt Như Xuân (Thanh Hóa) ra Hà Bắc thì mới gặp “Cô gái quan họ” được. 
Việc đọc để sao ra 122 trang nhật ký của Tạ Quang Sỏi là rất khó khăn:
1/ Tác giả viết trên đường hành quân, tiện bút gì, mực gì viết bút ấy, mực ấy. Có lúc viết được nắn nót, rõ ràng, lúc phải viết vội dưới ánh sáng của chiếc bật lửa thì không thể chuẩn chữ cho được.
2/ Nhật ký được viết cách đây hơn 40 năm, mực thấm mặt trước ra mặt sau, nét nọ đè lên nét kia dù có soi đèn, soi kính lúp cũng không luận được chữ gì. Nhiều chỗ người đọc phải đọc bằng cảm xúc trước rồi với đọc bằng mắt sau. Về điều này, tôi có may mắn là đã nhập ngũ trước Sỏi một thời gian, do cùng hoàn cảnh nên ít nhiều có những cảm xúc gần nhau, dễ hiểu nhau.
Tuy đã dành nhiều thời gian và đã cố hết sức mình nhưng, rất tiếc, tôi cũng không thể đọc cho tỏ tường mọi chữ mà Tạ Quang Sỏi đã viết ra. Những chỗ đó tôi đều đánh dấu ở bản sao. Rất mong ở đâu đó trên cao xanh kia Tạ Quang Sỏi hiểu cho tôi.  Và cũng mong các bạn cùng lớp lượng thứ.

TRỊNH TẤT ĐẠT
 
 LỜI CUỐI SÁCH
Các bạn vừa đọc xong nhật ký Tạ Quang Sỏi, một người bạn cùng học khóa chúng tôi, khóa sinh viên khoa Toán – Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, K13, 1968-1972. Nhiều, rất nhiều điều trong những dòng tâm sự của anh cũng chính là những suy nghĩ của chúng tôi, những thanh niên trong thời chiến tranh chống Mỹ.
Ngày ấy Mỹ đã ném bom miền Bắc, cả nước là chiến trường, người người là chiến sỹ. Là thanh niên, ai cũng ý thức rằng mình có thể trở thành chiến sỹ nay mai đây thôi. Ngày ấy, các trường đại học đều sơ tán, rời Hà Nội, rời thành phố, lên vùng núi rừng, xuống với đồng quê. Không khí chiến tranh ở những nơi xa xôi hẻo lánh ấy hình như bớt căng thẳng hơn, nhưng tiếng bom nổ bất chợt đâu đó phía chân trời, tiếng ầm ì của bầy máy bay vọng lại từ nơi xa vẫn bám theo dai dẳng. Tôi vẫn còn nhớ những bức thư nhà gửi theo địa chỉ “Hòm thư T104, A1a …” dù chưa đi bộ đội. Phải, đấy là địa chỉ gửi thư của đám sinh viên chúng tôi ngày ấy. “T104” là mã hòm thư của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các khoa trong trường được mã hóa theo vần chữ cái, “A” là Toán, “B” là Lý, “C” là Hóa… Chúng tôi lúc ấy đang học năm thứ nhất, có hai lớp Toán, lớp A và lớp B nên địa chỉ gửi thư lấy theo lớp học là “A1a” !  Và các chàng trai sinh viên nhận lệnh lên đường nhập ngũ được bạn nữ cùng lớp tặng chiếc khăn tay, vỏ gối. Nhưng thay cho hình đôi chim, hay hai chữ đầu tên lồng nhau thêu chỉ hồng trên nền vải trắng, các anh nhận dòng chữ kỷ niệm “Lớp A2a”. Tình cảm cũng là tập thể, chung của cả lớp, không chút riêng tư.  
Lớp chúng tôi hồi ấy có nhiều người đi bộ đội. Cả khóa học 1968-1972  chúng tôi có nhiều đợt nhập ngũ.
Đợt tuyển quân đầu tiên vào tháng 8 năm 1970, khi khoa Toán còn sơ tán ở Tiên Hội, Trung Thôn, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ngày giao quân, chia tay các bạn tại ký túc xá Lò Đúc để lên đường có các anh Nguyễn Hữu Bảo, Hoàng Ngọc Hồ, Trịnh Tất Đạt, Nguyễn Hữu Sở và anh Khánh lớp Cơ.  Tháng 10/1970 gọi bổ sung thêm các anh Nguyễn Vũ Lương, Bùi Văn Đũa.  Tạ Quang Sỏi nhập ngũ chính vào đợt này.
Đợt tuyển quân thứ hai, tháng 9 năm 1971, lúc ấy trường Tổng hợp đã về Hà Nôi. Sinh viên các ngành học tự nhiên Toán, Lý, Sinh, Địa… ở ngay 3 tòa nhà 4 tầng, khu Thượng Đình. Nhập ngũ lần này lớp Toán có các anh Nguyễn Dần, Trần Anh Dũng, Trần Đức Đạt, Lương Đức Thắng, Nguyễn Tuấn Thắng, Nguyễn Đức Long (liệt sỹ)  và các anh Nguyễn Văn Anh, Lê Văn Bính, Tôn Thiện Chiếu, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Cảnh Toàn thuộc lớp Cơ.
Trong đợt tuyển quân rầm rộ nhất, tháng 1 năm 1972, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các sinh viên tân binh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đứng chật sân trường ở Thượng Đình chào cờ làm lễ xuất quân. Lần này có trên 20 sinh viên năm thứ tư, năm cuối cùng của trường đại học, lên đường ra mặt trận. Đó là các anh Nguyễn Hữu Báu, Trịnh Khắc Đảo,  Phạm Văn Định,  Đỗ Ngọc Ninh, Phạm Bùi Phong,  Lê Đình Phan, Nguyễn Tiến Phúc, Phan Mạnh Toàn, Nguyễn Văn Tại, Phạm Hùng, Đỗ Xuân Thành, Mai Đình Nội, Nguyễn Vĩnh Thuận,  Đinh Quốc Tuấn,  Đỗ Văn Thế, Trịnh Trí Thức  …(lớp Toán) và các anh Phùng Khắc Bình,  Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Kim Hùng … (lớp Cơ).
Và gần đến ngày ra trường, tháng 5 năm 1972, trong khi các bạn đang nỗ lực chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp đại học, một số các anh vẫn lên đường nhập ngũ: Phạm Hải Bắc, Trần Văn Bốn, Bùi Năng Cận, Trần Phát Diệp, Chu Văn Keng, Ngô Ánh Tuyết, Đinh Đức Tuyết … 
Các bạn tôi đã chiến đấu ở khắp các chiến trường, từ “B ngắn” là Quảng Trị đến “B dài” sát biên giới Căm pu chia, đến chiến trường “C” ở trên đất Lào.
Rất may mắn là hầu hết các anh đã từ chiến trường trở về. Người tiếp tục con đường binh nghiệp, người trở lại trường đại học viết tiếp bài vở sinh viên còn dang dở. Tạ Quang Sỏi là một trong hai chiến sỹ sinh viên của lớp chúng tôi không trở về ! anh đã hy sinh, thành liệt sỹ. Anh mãi mãi tuổi hai mươi !
Nhận được cuốn nhật ký với nhiều trang chữ đã nhòe vì theo chân người chiến sỹ - liệt sỹ trải qua bao nắng mưa lửa đạn, là di vật vô giá mà anh Sỏi để lại, chúng tôi tự nhủ phải tìm cách gửi nó đến các anh chị cùng khóa K13, 1968-1972,  khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Để cùng nhớ về một thời chiến tranh, khó khăn, gian khổ, nhưng đó là tuổi trẻ của chúng ta, trong sáng, đáng nhớ, đáng yêu.
Ý tưởng sao biên và in thành sách “Nhật ký Tạ Quang Sỏi” được nhiệt liệt ủng hộ trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp ra trường của khóa 1968-1972, khoa Toán-Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tháng 5-2012 tại Huế. Nhiều anh chị đã ủng hộ kinh phí để có thể in thành sách “Nhật ký Tạ Quang Sỏi” ngay trong buổi liên hoan này. Và sau đó, nhiều anh chị khác còn tiếp tục ủng hộ thêm nữa. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn thân thiết đến các anh chị vì sự ủng hộ chí tình ấy.
Để có thể ra mắt “Nhật ký Tạ Quang Sỏi”, không thể không nói đến sự góp sức của nhóm tổ chức sao biên và cho in mà người chủ chốt là anh Trịnh Tất Đạt, một cựu chiến binh, cũng là đồng hương Thanh Hóa với Tạ Quang Sỏi.  
Gấp lại trang cuối của “Nhật ký Tạ Quang Sỏi”, xin gửi đến anh nén tâm hương của những người bạn đồng học, cùng trường, cùng lớp, cùng khoa. Chắc anh vui lòng với việc làm của chúng tôi và mỉm cười đón nhận cuốn sách của mình.


TM Ban liên lạc lớp Toán 1968-1972,
Đại học Tổng hợp Hà Nội
Nguyễn Đình Hóa – Nguyễn Vĩnh Thuận