Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Thông báo Hội lớp đầu xuân Ất Mùi 2015

Ban Liên lạc trân trọng kính mời anh/chị dự Hội Lớp đầu Xuân.

Thời gian: cả ngày thứ Bảy 07-03-2015 (tức 17 tháng Giêng).
Địa điểm:  Chương Mỹ - Ba Vì (Hà Nội).

Ô tô đón tại 2 nơi:
           a- 7h00: Cổng Bảo tàng HCM, số 19 Ngọc Hà, Hà nội
           b- 7h15: số 22 Láng Hạ (gần nhà chị Khương, chân phía Tây cầu vượt Láng Hạ)

Chương trình:

-  7h20-12h00: Du xuân, thăm quan chùa Trăm gian – chùa Tây Phương …
- 12h00: Liên hoan bữa trưa trong khuôn viên nhà vườn anh Nội. 
              Hát karaoke.
- 14h30: Về Hà nội. Dọc đường nếm/mua các sản phẩm sữa Ba Vì.
 
- 16h00: Chia tay tại Láng Hạ và Bảo tàng HCM.
          
Danh sách tham gia  Du Xuân Ất Mùi 2015

STT
Họ và tên
Số người
1
Nguyễn Thị  Liên
1
3
Mai Đình Nội
1
4
Nguyễn Đình Hóa
1
5
Chu Hải Lộc
1
6
Phạn Văn Định
        3
7
Lê Văn Nắp
1
9
Nguyễn Thị Mai
        1
10
Nguyễn Thị Thảo
        1
11
Trần Thị Lan
        2
12
Đỗ Xuân Dương
        1
13
Nguyễn Văn Ước
        1
14
Lê Hoàng Anh
        2
15
Ngô Trọng Hùng
         1
16
Lê Sơn
         1
   17
Trịnh Kim Thanh
         1

Cộng
        19


Quyết toán thu chi

Các khoản chi


tt

Nội dung
Số tiền
(nghìn VNĐ)
1
  Thuê xe
 3.000
2
  Nước uống+ vé tham quan
    250
3
  Hoa + Ăn trưa + Bánh tẻ + . . .
  3.000

Cộng
        6.250

Tổng thu:              6.000
Thu – chi  =           6.000  -  6.250  = -250  (sẽ bù từ quỹ sang)

                                                

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

THƠ CHÚC TẾT – Trần Tế Xương







Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.


Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời,
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.







ĐẦU XUÂN CẢM KHÁI VỀ 2 BÀI THƠ CỦA CAO BÁ QUÁT                
Nguyễn Huệ Chi                                                                                                                    

 



Cao Bá Quát (1808 – 1855) như ta biết là một thi hào lừng lẫy ở nửa đầu thế kỷ XIX, tài thơ không chỉ bạn bè trong Nam ngoài Bắc mà đến hai vị vua Thiệu Trị và Tự Đức đều phải nể    phục. Nhưng phải nói ông là một nhà thơ độc sáng ở ý thức về khát vọng tự do. Chính sự tìm kiếm một khoảng trời tự do không nản không mỏi trong suốt cuộc đời – trong thời đại nhà  thơ sống – mà không bao giờ đạt được, theo chúng tôi, mới làm nên nét phong cách ưu mỹ của thơ ông.
Năm 1847, đang bị giam lỏng trên bờ con sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), vào một buổi tối ngày rằm tháng Chín, gặp người bạn đồng hương được bổ đi làm quan ở Cần Giờ ghé thăm,  ông làm bài thơ Trăng thu trên sông Trà (Trà Giang thu nguyệt ca) tặng bạn, cũng là để tặng mình:

Trăng thu trên sông Trà
Đêm nay vì ai mà trăng sáng?
Muôn dặm quan san trắng xóa một màu,
Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau.
Cất chén thử mời trăng
Trăng đi vào trong chén
Đỡ chén lên môi trăng vụt biến,
Chỉ còn bóng người đang dọc ngang…
                                    (Vũ Khiêu dịch)
Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi, bạn bè gần xa đều khai bút trong khi bản thân không kiếm được ý tưởng gì, để gạt đi cái cảm giác tắc tị rất không hay, xin mượn hai bài thơ của Cao Bá Quát từ lâu vẫn tâm đắc để gửi “chút lòng” mình với bạn đọc. Hai bài thơ có lẽ được sáng tác vào hai thời điểm khác nhau, song khi đặt bên nhau thì hình như lại có một mối liên hệ nội tại, là hai khổ thơ liên hoàn nhắm tới cùng một đích.
Bài thứ nhất, Cảm xúc mới một ngày sau tiết lập xuân (Lập xuân hậu nhất nhật tân tình立 春 後 一 日 新 情) một bài thơ cảm tác về sự đột hiện của mùa xuân, nhưng ẩn sau nó là một ý tưởng bứt phá mãnh liệt:
昨 夜 春 來 破 舊 寒
今 朝 紅 紫 斗 千 斑
何 當 世 事 如 花 事
風 雨 江 山 盡 改 觀
Tạc dạ xuân lai phá cựu hàn,
Kim triêu hồng tử đấu thiên ban;
Hà đương thế sự như hoa sự,
Phong vũ, giang sơn tận cải quan.
Xuân đến xua tan rét cuối đông,
Sáng nay đua nở, tía chen hồng.
Việc đời sao được như hoa nhỉ?
Mưa gió – rạng ngời khắp núi sông.
                                        (Huệ Chi dịch)
Mới nhìn về hình thức, bài thơ có vẻ như là sự mong mỏi một cuộc cách mạng hoa hồng hay hoa nhài nào đấy. Nhưng đọc kỹ sẽ thấy ngay, một người có tầm nhìn viễn kiến như Cao Bá Quát không bao giờ lại nhận lầm hoa hồng hay hoa nhài tự nó là bản chất của mọi sự thay đổi. Điều kiện cốt yếu để giang sơn đổi sắc, có sự đua nở của hoa hồng hoa nhài, phải bắt đầu từ một cuộc vần vũ gió mưa: Mưa gió – rạng ngời khắp núi sông. Cao Bá Quát chỉ gọi tắt là “mưa gió” (phong vũ) nhưng phải hiểu đây là “bạo phong sậu vũ”: mưa sa gió táp. Hai chữ “phong vũ” ngắt thành một nhịp, mở đầu câu thơ bảy chữ kết cấu liền một mạch, có giá trị như một sự bùng nổ. Phong vũ – giang sơn tận cải quan: Sau một phen mưa sa gió táp, giang sơn thảy đều đổi mới.
Và với nguyện vọng nung nấu đến cao độ ấy, Cao Bá Quát hầu như đã tập trung hết tinh lực vào việc làm sao cho trời nổi những cơn giông. Bài Nghe tiếng ễnh ương (Văn hà mô 聞蝦 蟆) bộc lộ sự sốt ruột mong mưa của nhà thơ:
蝦 蟆 為 民 乎                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 
一 聲 在 深 處
汝 鳴 何 遲 遲
昨 夜 望 甘 雨
Hà mô vị dân hồ?
Nhất thanh tại thâm xứ.
Nhữ minh hà trì trì?                                                                                                                                 Tạc dạ vọng cam vũ.
Ễnh ương há cũng vì dân?
Náu trong bụi rậm bất thần kêu vang.
Sao ngươi kêu quá muộn màng?
Khát mưa từ lúc còn đang tối trời.
                                   (Huệ Chi dịch)
Tất nhiên, thời đại Cao Bá Quát không cho phép ông tìm thấy những cơn mưa. Ông tìm khắp mọi nơi. Từ ngoài Bắc cho đến kinh thành. Ở trong nước rồi ra hải ngoại. Tìm bằng bút và tìm bằng gươm. Rốt cùng ông đã thất bại:
Ta muốn lên ngọn cao,
Hát vang mây nước dậy.
Hẹn thế mà được đâu,
Phàm việc đều như vậy.
        (Lên chơi núi Thầy – Du Sài Sơn. Trúc Khê dịch)
Có thể nói, Cao Bá Quát trong tư cách một thực thể tự do đã không vượt được cái giới hạn mà sau này Jean-Paul Sartre nói: “Là thực thể tự do, không phải là có thể làm những gì ta muốn, mà là muốn cái ta có thể làm” (Être libre, ce n’est pas pouvoir faire ce que l’on veut, mais c’est vouloir ce que l’on peut).
Vậy thì thời đại chúng ta, soi trong khát vọng cháy bỏng của Cao Bá Quát và trong giới hạn triết học mà Jean-Paul Sartre xác định, chúng ta có thể làm được gì. Phải chăng đến giữa thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI, đất nước Việt Nam vẫn có khả năng lùi trở về với không-thời gian của nửa đầu thế kỷ XIX?
Để giải đáp cho câu hỏi khó khăn muôn vàn ấy, và cũng chẳng lấy gì làm lạc quan ấy, cũng tức là tìm lấy một hướng đi khả dĩ, trong mùa xuân Ât Mùi lắm bi hài này, tôi tin rằng có người rất muốn (hoặc đã) gọi điện hỏi ngay vị hoàng đế phương Đông họ Tập. Số đông hơn, tôi dám chắc không ít người lại định vấn kế ở vị Tổng thống xứ Cờ hoa. Còn nếu thận trọng và để cho có vẻ khách quan, không tìm đến cả hai nhân vật quyền lực kia, cũng không muốn tỏ ra ngạo nghễ chỉ lắng nghe chú ễnh ương như chàng hàn sĩ họ Cao “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” xưa kia, thì biết đâu… nhiều trí thức nhân sĩ đang ra sức truy tầm di sản của nhà vật lý thiên tài Einstein mà loay hoay tra khảo.
Bản thân tôi, trước câu hỏi hắc búa ở trên, tôi chỉ thấy hiện đang là một lời thách đố bất khả giải.
N.H.C.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

VNTB - 40 NĂM VÀ ƯỚC NGUYỆN MÙA XUÂN                   
                                                                         
 Nguyệt Quỳnh
(VNTB) - Và mùa xuân không còn/ Những nỗi đau thầm nữa… (Mùa Xuân – Tagore)
Bước vào những ngày đầu năm 2015, chuyện những kẻ khủng bố bịt mặt xả súng bắn vào toà soạn Charlie Hebdo gây nên cái chết cho 12 người bao gồm hai cảnh sát và mười nhà báo, trong đó có những hoạ sĩ biếm hoạ tài danh đã làm rúng động cả nước Pháp. Tuy rằng không phải ai cũng tán thành tính khiêu khích của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo; nhưng từ vụ thảm sát này, thái độ của người dân Pháp và cách hành xử của các vị lãnh đạo thế giới đối với quyền tự do ngôn luận đã tạo nên niềm tin và một hình ảnh đẹp đẽ nhất của những ngày đầu năm.

Ngày 11/01/15 tức là bốn ngày sau vụ thảm sát, gần 4 triệu người dân Pháp đã tham gia cuộc tuần hành được coi là quy mô chưa từng có trong lịch sử nước Pháp. Cuộc tuần hành còn lớn hơn cả lễ mừng giải phóng Pháp khỏi tay Hitler năm 1944. Rõ ràng trong cái thế giới có vẻ như rời rạc ngày nay, bật lên một sự thật là tất cả chúng ta đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau từ niềm mơ ước riêng tư cho đến nỗi khát khao về cái đẹp, về tự do, nhân bản, về điều đúng, điều thiện… Khắp nơi trên thế giới, người ta đã tụ họp nhau lại để tưởng niệm những người đã nằm xuống, để lên án những hành động khủng bố và bày tỏ sự ủng hộ đối với nước Pháp. Nhiều biểu ngữ, băng rôn đã ghi câu: Je suis Charlie (Tôi là Charlie). Một bé gái đi trong đoàn tuần hành còn giương cao tấm biển với hàng chữ "Khi lớn lên con sẽ trở thành nhà báo".
Đám đông khổng lồ đó đã được dẫn đầu bởi hơn 40 vị lãnh đạo thế giới. Hình ảnh họ khoác tay nhau tuần hành cho Charlie hẳn đã làm nhiều người Việt Nam xúc động khi nghĩ đến hoàn cảnh đất nước mình. Dù ở những địa vị lãnh đạo đầy quyền lực như Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi… Thái độ của họ thể hiện sự yếu đuối, nhỏ bé, cùng sự cần thiết có nhau của con người trước bạo lực! Nhưng mặt khác, họ cũng nói lên sự mạnh mẽ phi thường của ý chí con người trước họng súng. Họ không đến đó, đứng đó cho dân họ. 

Họ đứng cho những con người yếu đuối, sợ hãi, cô thế trên những phần đất tăm tối của quả đất; nơi con người còn bị ngự trị bởi khủng bố, bởi các chế độ độc tài.
Cách đây ít năm, Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn và một vài người bạn của các anh cũng đứng khoác tay nhau như thế ở ngã ba Triệu Quốc Đạt - Hai Bà Trưng, trên con đường dẫn tới phiên toà xử Ts Cù Huy Hà Vũ. Trước mặt họ là hàng trăm công an mặc sắc phục và thường phục, phía sau họ, khi ấy không có đám đông nào hết, không một ai… nhưng họ vẫn đứng, khoá chặt tay vào với nhau. Dũng cảm và đơn độc!
Ngày hôm nay, sau lưng Lê Quốc Quân, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập… cái khoảng trống ấy đang dần dần được lấp đầy. Những đốm lửa đã nhen nhúm gọi nhau thành ngọn lửa. Tôi cảm nhận tận đáy lòng điều Lê Quốc Quân nhắn với bạn hữu anh từ trại giam An Điềm: “ngồi trong này nhận được thiệp hoặc thư của ai thì đọc mà nhớ luôn cả mặt chữ”. Đôi lúc hoạn nạn, đơn độc, hạnh phúc không hẳn là những điều gì to lớn, mà chỉ cần có nhau. Chỉ cần biết rằng ở ngoài kia mình có bạn bè, đồng đội; những việc mình làm, sự hiện hữu của mình có ý nghĩa.
Và rõ ràng dù con đường trước mặt còn chìm trong bóng đêm, nhưng đồng đội của các anh đang sẵn sàng cùng nhịp bước trong màn đêm đó. Đây là những món quà vô giá cho người tù: sau lưng Nguyễn Quang Lập, hàng loạt những blogger cùng lên tiếng sẵn sàng bị bắt theo điều 88; sau khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, Blog Anh Ba Sàm vẫn tiếp tục hoạt động, … Và đặc biệt đối diện với những trấn áp từ việc dồn dập bắt giam các anh, phong trào "Tôi không thích ĐCSVN" đã thành hình. Từng khuôn mặt blogger xuất hiện mỗi ngày trên các trang mạng xã hội, mạnh mẽ, công khai, bất chấp các hù dọa của điều 88.
Các nhà hoạt động ngày nay đã không cô đơn, không bị bỏ rơi như thời Nhân Văn Giai Phẩm, thời Xét Lại Chống Đảng… Ngược lại, bản thân và gia đình họ được chăm sóc, được bảo bọc yêu thương. Trong một bức thư gửi cho em trai là tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu, anh Đặng Xuân Hà viết: "Em ạ, kể từ tháng 10 đến nay mọi người ở khắp nơi đều rất quan tâm tới em và Mẹ. Điều đó làm Mẹ và mọi người trong nhà rất vui, khiến mẹ đỡ yếu nhiều".
Nếu thế giới sẽ nhớ mãi về Charlie và biến cố những ngày đầu năm 2015 thì người dân Việt Nam cũng sẽ nhớ mãi mốc điểm thời gian này. Ai cũng khao khát được sống, nhưng trước khủng bố và sự huỷ diệt, con người đã làm điều tốt nhất để sự sống được thăng hoa, để cuộc sống đáng sống! Những nhà văn, những hoạ sĩ biếm hoạ đã biến mình thành nhân vật trong một bức tranh đẹp đẽ, nhân bản của nhân loại. Cũng cùng lúc đó, trong bóng tối của bạo lực, những người dân Việt Nam nhỏ bé, cô thế, sợ hãi cũng đang nương nhau đứng dậy. Mặc dù chưa có được đám đông đáng kể, nhưng những con người “tay không” này đã chứng tỏ được sức mạnh của mình. Họ thực sự đang làm chế độ lo sợ. Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã phải thừa nhận:
Một chế độ muốn tồn tại thì phải được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay các thế lực chống đối đã tuyên truyền và chiếm được trái tim khối óc của hàng triệu người, thì nguy cơ đối với chế độ là có thật”.
Dù vậy, chúng ta có thay đổi được hiện trạng của đất nước mình hay không còn tuỳ thuộc vào sự sáng suốt và chấp nhận hy sinh của mỗi người. Chỉ một hành động man rợ của kẻ khủng bố đã làm thế giới phải sát vai đứng cùng nhau; trong khi phải đối đầu với một chế độ bạo lực, nham hiểm, đâu đó trong hàng ngũ những người đấu tranh hôm nay vẫn còn thấy những ngại ngùng, chia cách. Bốn mươi năm - con số thời gian kể từ ngày cả nước phải sống dưới bóng độc tài - như vô tình chợt làm chúng ta thấm thía nỗi đau. Bốn mươi năm! liệu đất nước và những thảm hoạ trước mắt có đủ vực dậy mỗi con dân Việt? Có xoá tan được cách ngăn và có đủ làm nên chất keo đoàn kết cần thiết không?
Giờ này, những người bạn của chúng ta, những tù nhân lương tâm đang nghĩ gì trong những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm sắp đến? Chắc hẳn bên cạnh nỗi nhớ nhung gia đình, nỗi thương nhớ vợ con là những thời khắc đối diện với chính mình, với hương hồn cha ông, với tổ tiên đất nước. Sẽ không có nén nhang nào được họ thắp lên giữa đêm giao thừa năm nay trong chốn lao tù, nhưng hương khói từ những nén nhang tâm thành giữa lòng họ có kết nối được những tấm lòng Việt Nam. Không một ai muốn phải mất mát hay hy sinh, nhưng dường như tất cả nhân loại đều nhận thức ra rằng: Chỉ trong những giai đoạn đen tối và khi cùng gánh vác trách nhiệm với nhau, người ta mới thấy tỏa sáng những phẩm chất cao quí của chính mình và những người bạn đồng hành.
Đầu năm là thời điểm linh thiêng để mỗi chúng ta cùng nhìn lại một đất nước gấm vóc, một dân tộc oai hùng qua bao thời đại; để cùng nhau vực lại niềm tin và nhất định sống đúng với lương tâm và ước nguyện. Xin hãy hoà cái Tôi vào cái Chúng Ta. Xin chúc từng người Việt Nam chọn được bước đi cho mình trong năm mới, trong dòng người khao khát tạo đổi thay, để quê hương chung của chúng ta sớm trở thành một nơi chốn thực sự đáng sống.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

MỘT KHÚC RU XUÂN (CVK)                                                        
                          
                              



MỘT KHÚC RU XUÂN

Xuân này cơ hội ngàn vàng
Xin đừng bỏ lỡ bẽ bàng lòng tin

Xuân này xuân của niềm tin
Công bằng xã hội vui yên mọi nhà
Ý Đảng phải là ý dân
Xin đừng lãng phí bàng quan sao đành


Lòng dân là của để dành
Biển đông tát cạn... rạng danh cõi bờ
Lợi danh đừng quá tôn thờ
Thảnh thơi ta bước tới bờ vinh quang
. . .

Xuân này cơ hội ngàn vàng
Xin đừng bỏ lỡ bẽ bàng lòng tin 


Berlin, Mồng Một Tết Ất Mùi 

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

VNTB - Mưa xuân - Bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu hay nhất của Nguyễn Bính

 Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) - Thơ Nguyễn Bính hay hơn ở những sáng tác trước năm 1945, tức là khi ông chưa sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN, chưa có tính đảng. Đây cũng là nét chung của các nhà thơ trong phong trào thơ mới như Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên…

Trong giai đoạn này thì thời kỳ 1936-1940 là thời kỳ rực rỡ nhất của thơ Nguyễn Bính, trong đó thành công hơn cả là mảng mùa xuân - làng quê - tình yêu. Sau đó thì đuối dần.

Khi chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, chia đều cho100 tác giả, mỗi tác giả 1 bài thì với Nguyễn Bính, người ta chọn bài "Những bóng người trên sân ga". Không ai phủ nhận đấy là một bài thơ hay nhưng nếu được quyền, tôi sẽ chọn bài "Mưa xuân". Khi giới thiệu 8 bài thơ của Nguyễn Bính vào “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh Bài không lấy bài này cũng như “Những bóng người trên sân ga” 

MƯA XUÂN

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.*

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?

(* Có bản chép "Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”, hoặc “lỡ làng”)

Đã có nhiều bài bình về bài thơ này, mỗi người cảm thụ một vẻ, nhưng cũng có những phần giao thoa.

Mùa xuân trong bài thơ có mưa bụi, có hoa xoan, có hội chèo. Ba nét ấy là những nét chấm phá nói về mùa xuân ở làng quê. Bức tranh làng quê sống động hẳn qua ngòi bút của ông. Cách dùng chữ của ông thật tài tình. Mùa xuân đẹp đến hạt mưa cũng bay phơi phới, như nỗi lòng con gái dậy thì, đầy nhựa sống và xúc cảm. Tác giả đã thổi hồn vào hạt mưa thật đẹp. Chữ phơi phới nhiều người dùng, nhưng dùng làm tính từ kèm theo mưa xuân thì chỉ Nguyễn Bính. 

Tác giả bài viết bên mộ Nguyễn Bính

Qua hình ảnh “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy, ta biết bối cảnh trong bài thơ là vào tháng Ba. Lúc này, ở làng quê đang tiếp tục mùa lễ hội. Trong các lễ hội thường có diễn chèo, diễn tuồng, gọi chung là đi xem hát, chứ không nói là xem chèo hay xem tuồng (hát bội). Hát ở đây không phải là chương trình ca nhạc như bây giờ. Đó là các gánh hát tư nhân thường diễn các tích chèo, tuồng cổ. Các đôi trai gái đang yêu vụng nhớ thầm thường mượn những nơi hội hè, phiên chợ để tìm cơ hội gặp nhau. Nhưng cũng chỉ là lúc mới thương thương nhớ nhớ mơ hồ thôi, chứ khi họ đã thuộc về nhau rồi thì chẳng dại gì đem nhau ra những nơi ấy. Họ có bờ ao, gốc cây riêng của họ.

Cô gái trong bài thơ cũng thế. Lý do là đi xem hát nhưng là để mong gặp chàng trai đấy thôi chứ thiết gì xem. Đi chơi cần tiết trời đẹp. Nhưng vì trời đang mưa nên cô phải thử: 

Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh.

Và cô nghĩ mưa nhưng nhẹ để cho rằng "Thế nào anh ấy chả sang xem". Cũng qua câu này, ta biết đây không phải là cuộc hẹn mà cô gái phỏng đoán, là hy vọng đấy thôi. Nhưng cũng đáng trách chàng trai là trước đó có hứa, có hẹn gì đấy nhưng không cụ thể, theo kiểu sẽ thế này, sẽ thế nọ.

Cô gái ở đây là con nhà bình dân làn nghề canh cửi, có khuôn phép. Cô đang độ xuân thì, còn trong trắng, ví như "cây lụa trắng" mà quyền bán là của người mẹ. Ấy thế nhưng không thể đóng khao khát yêu đương của cô vào một cái khuôn nào đó:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình 
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh 
Hình như hai má em bừng đỏ 
Có lẽ là em nghĩ đến anh. 

Hai chữ "hình như" và "có lẽ" đặt vào tâm trạng cô gái lúc này là rất chính xác. Cắt nghĩa ra thì nó không mang tính khẳng định nhưng ai cũng biết má cô bừng đỏ thật, cô đang nghĩ đến người yêu thật, chứ không phải “hình như” hay “có lẽ”. Cô vừa muốn thừa nhận lại vừa sợ người khác biết, thậm chí muốn dối lòng mình nên chỉ lấp lửng như vậy thôi. Nó còn nói lên tâm trạng phân tâm, nên đi hay không đi.

Cuối cùng thì cô đã bị tình cảm lấn át: Em xin phép mẹ vội vàng đi.

Tác giả tả cảnh, tả tình thật tuyệt vời. Người và cảnh hòa quyện đến độ con đê, hạt mưa, hoa xoan cũng biết vui, biết buồn.

Sau khi "chờ mãi anh sang anh chẳng sang", cô gái "lầm lụi trên đường về". Có một sự trách nhẹ ở đây: 

Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Ai đã từng một lần mong gặp người yêu mà không được sẽ thấu hiểu hơn tâm trạng cô gái lúc này. Nguyễn Bính diễn tả tâm lý cô gái khi đi và khi về rất tinh tế. Ông sử dụng thủ pháp tương phản rất hiệu quả. Đây là điều cơ bản tạo nên sự thành công của bài thơ.

Hãy đọc lại những cặp câu tương phản sau:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Mưa bụi nên em không ướt áo/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Thôn đoài cách có một thôi đê/ Có ngắn gì đâu một dải đê
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày

Tình cảm của cô gái đã rõ, còn chàng trai đối với cô gái như thế nào? Chàng được nhắc đến hai lần:

... hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Và: Chờ mãi anh sang anh chẳng sang.

Có thể nói anh chàng này rất khả nghi, còn tình cảm cô gái rất mãnh liệt. Mặc dù việc không gặp được người yêu làm cho "cả mùa xuân cũng bẽ bàng" nhưng cô gái vẫn tha thiết, mòn mỏi, hy vọng. 

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
Bao giờ em mới gặp anh đây? 
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ 
Để mẹ em rằng hát tối nay?

Và với cả sự trách nhẹ của cô đã nhắc trên đây nữa, ta thấy ở cô một tấm lòng bao dung, trong sáng và cao đẹp:

Khi yêu, thường là người con trai chủ động hơn người con gái. Nói như thế, không phải là tình yêu của con trai mãnh liệt hơn. Cô gái ở đây chỉ có một hành động duy nhất là sang hội chèo xem có gặp người ta không, rồi về, thế thôi. Nếu như chàng trai cũng sang xem hát, chắc là cô sẽ không hỏi trước, không tỏ ra vồn vã. Đó là sự kín đáo của con gái, nhất là con gái nhà quê. Nhưng ai bảo là cô không khao khát yêu đương.

Kể ra, bài thơ có thể thay nhân vật cô gái bằng chàng trai. Như vậy có vẻ hợp với lẽ thường hơn. Nhưng nếu thế, có lẽ bài thơ kém hay đi nhiều. Chợt nhớ Huy Thục, ít nhất đã có 2 lần đổi ngôi anh thành ngôi em khi phổ nhạc. Đó là bài "Đợi" của Vũ Quần Phương, "Trăng khuyết" của Phi Tuyết Ba, và cái sự có vẻ trái khoáy ấy làm cho bài hát thành công hơn hẳn:

Anh ngỏ lời yêu em => Em ngỏ lời yêu anh
Anh đứng trên cầu đợi em => Em đứng trên cầu đợi anh.

Trở lại bài "Mưa xuân". Bài thơ được bố cục rất chặt chẽ. Ta không thể thay đổi vị trí các câu, các khổ thơ cho nhau, cũng không thể bỏ đi hay thêm vào một khổ thơ nào. Từ ngữ được huy động đầy dụng ý, không có một chữ nào khiên cưỡng. Khó có thể thò bút chữa đi một chữ mà không làm suy giảm giá trị của bài thơ. "Những bóng người trên sân ga" cũng được bố cục rất chặt chẽ nhưng ở "Mưa xuân", ý và chữ nghĩa hay hơn, đẹp hơn. Có thể nói, "Mưa xuân" là một bài thơ toàn bích.

Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó "Mưa xuân" - một bài thơ tình tuyệt đẹp là ví dụ điển hình. 
 
CVK St