Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

NĂM MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH

NĂM MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH
(hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường)


BBT- Xuân Mậu Tuất 2018, những kỷ niệm nửa thế kỷ nhập Trường Đại học Tổng hợp ùa về.  Blog "K13 Toán 68-72 ĐHTH" xin mời các bạn cựu sinh viên U70 đọc tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Mai Diệu Hoa (Nguyễn Thị Mai) về "cái thủa ban đầu lưu luyến ấy" 
------------------------------------------------

Kính tặng các thầy cô giáo
và các bạn sinh viên
Lớp Toán Khóa 13 – Khoa Toán,
Trường ĐHTH -Hà Nội
nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập học
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những chàng trai, cô gái trẻ bước chân vào nhập học tại vào Khoa Toán - trường Đại học Tổng hợp – Hà Nội. Dòng thời gian đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của ngôi trường cũng như của các thầy cô giáo và mỗi sinh viên, chứng kiến bao người đã ra đi và những người còn ở lại trên cõi đời này.
Dòng thời gian cũng biến những mái đầu xanh trở nên bạc trắng hay ít nhất cũng là muối có chút ít hạt tiêu và trên những gương mặt đã hằn vết thời gian. Vừa mới ngày nào những chàng trai, cô gái hồn nhiên, vô tư với trái tim tràn đầy sức trẻ mà nay đã ở độ tuổi thất thập (nhưng không phải là cổ lai hy như quan niệm ngày xưa vì ngày nay tuổi thọ của người dân đã được nâng cao).
Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ gặp nhau để kỷ niệm và nhớ về năm mươi năm đã qua ấy. Lòng bồi hồi, tôi viết những dòng này như là một món quà năm mới nhân dịp Xuân Mậu Tuất và cũng là món quà nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm chúng ta đã gắn bó với ngôi trường Đại học Tổng hợp thân yêu để kính gửi tới các thầy cô giáo cũng như tất cả những người bạn cùng lớp Đại học của tôi.
Tất cả đã hiện về trong ký ức của tôi. Những gì để lại ấn tượng và còn nhớ rõ được, tôi xin được chia sẻ với các thầy cô và các bạn ở đây:
1- Những cảm giác đầu tiên khi vào trường
Ngày ấy, tôi và mấy người bạn nữa lên tập trung ở Đại Từ - Bắc Thái muộn hơn so với các bạn khác trong lớp. Chúng tôi là những học sinh được sắp xếp đi học tại Khoa Toán – Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop – Liên xô. Năm ấy, do có biến động chính trị tại Tiệp Khắc nên những bạn đang trên đường tới học tập ở đất nước này đã được chuyển hết sang Liên Xô. Chúng tôi không thể lên đường và được chuyển sang học ở Khoa Toán – Trường Đại học Tổng hợp – Hà Nội.
Trước đó, hình ảnh Trường Đại học Tổng hợp - Hà Nội trong suy nghĩ của tôi là ngôi trường nằm ở đường Lê Thánh Tông – Hà Nội, có những giảng đường rộng lớn uy nghi với những hàng ghế được xếp theo bậc cao dần từ đầu tới cuối. Tuy nhiên, từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, việc học tập không còn được diễn ra ở đây. Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được sơ tán lên xã Văn Yên, huyện Đại Từ - Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Chúng tôi tập trung ở Lê Thánh Tông và lên đường đi tới nơi sơ tán. Xe ô tô chuyển bánh, Hà Nội xa dần và chẳng mấy chốc đồi núi đã hiện ra trước mắt tôi. Trên đường đi, qua cửa ô tô, người đầu tiên mà tôi nhìn thấy ở vùng đất miền núi này là một anh chàng người dân tộc đang ngồi thổi sáo (hay khèn gì đó) ở một ngôi nhà phía xa. Hình ảnh này gây cho tôi một cảm giác thanh bình ở vùng đất xa xôi này.
Đại Từ đây rồi! Tất cả đều lạ lẫm đối với tôi khi tôi đang phải gạt bỏ và rời xa những ký ức mộng mơ của tuổi 18 với những ngày chuẩn bị lên đường đến đất nước Liên xô vĩ đại, với Quảng trường Đỏ đã đi vào lịch sử, với sông Vonga nước biếc, đồi Lê Nin xanh tươi và những đêm trắng Leningrat. Tất cả đã lùi lại phía sau.
Chúng tôi được hai anh sinh viên (mà sau này tôi chỉ biết được tên của một người là anh Khanh) đón chúng tôi một cách hết sức thân thiện và dẫn chúng tôi về xóm Ba Trang. Tôi nhìn hai anh bằng con mắt cực kỳ ngưỡng mộ, cảm phục và nghĩ các anh phải lớn hơn mình nhiều lắm. Sau này mới biết các anh chỉ hơn chúng tôi một lớp. Sự tiếp đón nồng hậu của những người đi trước đã phần nào làm tôi yên tâm hơn khi tới và bắt đầu cuộc sống mới trên mảnh đất này.
2- Những ngày đầu tiên ở Đại Từ :
Tôi được phân công ở cùng với một bạn nữ đã lên tập trung từ trước – đó là bạn Hoàng Minh Tâm. Các sinh viên được ở trong những ngôi nhà giản dị, xinh xắn trên sườn đồi. Tôi được biết, để có được những căn nhà có mái lợp tranh nứa, vách đất hoặc phên đan này, cán bộ, sinh viên phải vào rừng chặt gỗ, chặt tre nứa về để làm nhà, có sự hỗ trợ của một vài cán bộ thuộc bộ phận xây dựng của trường nhưng chủ yếu là tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm của dân. Điều này đã làm cho tôi – một cô gái từ nhỏ tới lớn chỉ sống ở thành phố - cực kỳ kinh ngạc và hết sức cảm phục. Điều này lại cũng khiến tôi nghĩ rằng các bạn nam trong lớp phải lớn hơn tôi nhiều lắm (vì phải lớn mới làm được những công việc như thế).
Cuộc sống sinh viên bắt đầu ở Đại từ đối với tôi vô cùng lạ lẫm và khó khăn. Ngay trong đêm đầu tiên ở Đại Từ, tiếng suối chảy róc rách khiến tôi không sao ngủ được. Buổi tối đầu tiên ở đây, tôi thấy các bạn sinh viên trong lớp quây quần trong ánh sáng của chiếc đèn dầu, bên nồi sắn luộc bốc hơi nghi ngút. Có ai đó thân mật đưa một khúc sắn mời tôi. Rồi ở bên ngoài một giọng hát hồn nhiên sôi nổi của một bạn nữ vang lên “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường…..”. Đó là tiếng hát của bạn Nguyễn Thị Thái. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được cảm giác lạc quan đó. Xin cám ơn bạn Thái. Bạn là người đã xốc lại tinh thần cho tôi, để tôi có thể gắng gỏi hòa vào cuộc sống chung với các bạn, bỏ lại đằng sau tất cả những nỗi buồn phiền và thất vọng trước việc xuất ngoại sắp được thực hiện đã bị một sự kiện hết sức lớn lao (tình hình thế giới) dập tắt, làm mất đi ước mơ đầy khát vọng của lứa tuổi mới bước vào đời.
Thời chiến tranh, nhìn chung việc ăn uống thật kham khổ, thiếu thốn đủ đường. Sự khó khăn càng trở nên nặng nề hơn khi ở nơi sơ tán miền rừng núi này. Thiếu rau xanh, các bạn phải đem muối vào bản đổi lấy rau xanh và kết cục có khi bếp ăn lại thiếu muối. Chúng tôi đã có lần phải ăn bánh bao nhân tép tươi mà không có muối (gọi là bánh bao cho oai chứ thực ra chỉ là bột mì nắm lại, không có bột nở rồi hấp).
Một lần, chỉ một vài hôm sau khi đặt chân tới Đại Từ, tôi nhìn thấy anh Trần Công Ninh đứng trên thềm nhà đồng thời làm luôn mấy việc: vừa bẻ bánh để cho vào miệng, vừa bẻ bánh vứt xuống đất, vừa khóc (thực ra cho đến tận bây giờ, tôi cũng không biết lúc đó anh khóc thật hay khóc đùa) và vừa như hát rằng “Mẹ ơi! bánh ném chó, chó chết thế này thì làm sao con ăn được hả mẹ. Mẹ ơi!”.
Một lần, khi có người về Hà Nội rồi lại lên Đại Từ, gia đình bạn Tâm có gửi lên mấy con cá khô. Mấy đứa nữ chúng tôi hớn hở đem mấy con cá nướng trên chiếc đèn dầu (lúc đó còn gọi là đèn Hoa Kỳ), cạo sạch những vệt khói (muội đèn) ám trên mình con cá rồi chia nhau ăn một cách ngon lành, khoái trí. Ăn xong mới nhìn thấy có tờ giấy bên cạnh. Hóa ra đây là mấy chữ mẹ viết cho Tâm để dặn dò “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Mẹ dặn nào là phải ngâm vào nước vo gạo, phải….trong khi chúng tôi đã chén sạch bằng những thao tác hết sức giản đơn. Cả bọn lại được một phen cười vỡ bụng.
Có lần, sau khi nhận cơm từ nhà bếp về, nhóm nữ chúng tôi ăn không hết, còn lại một chút cơm trong rá (ngày ấy chúng tôi thường mang rá đi lấy cơm). Các bạn động viên nhau cố gắng ăn cho hết để khỏi phí nhưng ai cũng từ chối vì đã quá no. Bạn Nguyễn Hoàng Oanh đưa ra ý kiến, ai ăn nốt được chỗ cơm này, bạn ấy sẽ mãi gọi là U. Và thế là lúc đó, tôi đã nhận và ăn hết chỗ cơm còn lại trước sự vỗ tay reo hò của mọi người. Kể từ đó, bạn Oanh luôn phải gọi tôi là U. Đã 46 năm trôi qua kể từ khi ra trường tới nay, tôi vẫn chưa có dịp gặp lại “con gái” của mình là bạn Oanh.
Tôi cũng không thể nào quên những ngày ở Đại Từ. Ngồi trong lớp học nhìn ra cánh đồng, chúng tôi nhìn thấy thầy Nguyễn Bác Văn bỏ dép cầm tay để đi như chạy tới lớp học với chúng tôi. Ngày ấy, Đài phát thanh có chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu của thính giả”. Một hôm tôi nghe các bạn truyền tai nhau “Có đứa nào nghịch quá, nó ghi tên thầy Bác Văn yêu cầu bài hát gửi Đài tiếng nói Việt Nam để một ngày nghe thấy Đài giới thiệu “ Theo yêu cầu của bạn Nguyễn Bác Văn, giáo viên Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội………”.
Khi mới vào Khoa, tôi cũng được nghe các bạn đã học lớp Ao kể lại giai thoại về thầy Hoàng Hữu Như. Chuyện kể rằng, thầy Như bị cận khá nặng và phải đeo kính số rất cao. Một lần thầy đến nhà dân ở nơi sơ tán. Bước vào nhà, nhìn thấy mấy người đang ngồi chơi, thầy kính cẩn “ Chào các cụ ạ” nhưng chẳng thấy ai đáp lời. Hóa ra đó chỉ là mấy bao thóc đang đứng im lặng chờ xay xát. Rồi trong bữa cơm, thầy gắp tiếp thức ăn cho bác chủ nhà “Mời bác xơi cá”. Bác chủ nhà chẳng hiểu chuyện gì xảy ra khi thấy “món cá” mà thầy tiếp chỉ là một cái thìa nhỏ bằng nhôm. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng câu chuyện này cứ tiếp tục truyền đi và được thêm thắt thêm nhiều chi tiết nữa.
Rồi cũng lại cái bọn “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” này dựng lên câu chuyện chúng được nghe thầy Hoàng Hữu Đường và cô Nga (vợ thầy – giáo viên dạy Nga Văn) suốt ngày tranh luận: người nọ đổ cho người kia yêu mình trước. Có đứa còn bắt chước cái giọng cao cao, ngai ngái của thầy Đường nữa.
Những ngày ở Đại Từ rồi cũng dần trôi qua. Tết đã đến. Sinh viên chúng tôi phải đi bộ 40 cây số ra ga xe lửa để về quê ăn Tết. Đường xa nhưng từng đoàn, từng đoàn rồng rắn nối đuôi nhau đi thật vui. Không chỉ có sinh viên khoa Toán Đại học Tổng hợp mà còn có sinh viên của các khoa khác cùng trường và sinh viên các Đại học khác như Trường ĐH Y Khoa, ĐH cơ điện…cũng nô nức cùng nhau đi bộ ra ga để về Hà Nội rồi từ đó về quê ăn Tết.
Về đến Hà Nội, ngày hôm sau, nhân có việc đi qua Ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội bây giờ), một bạn nữ trong lớp nhận ra có một anh bạn cùng lớp (anh Lê Văn Sơn) đang đứng trong dòng người xếp hàng lấy vé tầu để về quê tận khu Bốn. Dòng người dài dằng dặc ra tới tận vỉa hè phố Trần Hưng Đạo. Ngày ấy đâu có nhiều hàng quán ăn uống và bánh trái như bây giờ. Với suy nghĩ chắc anh bạn này còn phải xếp hàng lâu chắc là đói, cô gái đã về nhà xin mẹ 1 kg tem gạo và đi đổi được 4 cái bánh mì để mang ra đưa cho anh Sơn. Đó là một kỷ niệm về tình bạn thật vô tư, trong sáng.
3- Chuyển về Đông Anh – Hà Nội :
Năm 1969 Khoa Toán được chuyển về xã Đông Hội, Huyện Đông Anh - Hà Nội
Lúc này tôi và bạn Tâm lại vẫn cùng ở với nhau. Chúng tôi ở nhờ một nhà dân ở thôn Tiên Hội. Chủ nhà là chị Tài. Chị làm dâu trong một gia đình có hai người con trai, một người là Liệt sĩ và chồng chị Tài đang ở trong quân ngũ. Chị Tài ở nhà cùng ông cụ bố chồng đã ngoài tám mươi tuổi cùng hai đứa con nhỏ của chị. Vợ ông cụ đã mất từ khi còn trẻ và cụ đã một mình gà trống nuôi con. Ông cụ gần như đã lòa và không nhìn thấy gì. Hàng ngày ông ngồi im lặng trên chiếc chõng tre, chỉ thỉnh thoảng càm ràm la mắng thằng cháu trai nghịch ngợm và than thở vì thương anh con trai là Liệt sĩ và nhớ anh con trai không biết đang ở mặt trận nào và giờ này sống chết ra sao. Để động viên ông cụ, thỉnh thoảng chúng tôi viết những bức thư ngắn để giả làm thư anh Tài gửi về rồi đưa cho vợ anh đọc cho ông cụ nghe. Thư nào cũng bầy tỏ sự nhớ nhung người cha già và động viên cụ hãy yên tâm là sẽ tới ngày con trai cụ sẽ trở về. Mỗi lần được nghe thư “của con trai” do vợ anh Tài đọc, ông cụ vui lắm. Từ hai hốc mắt sâu của ông cụ trào ra những giọt nước mắt mừng vui.
Mãi sau này, khi được xem phim “Bao giờ cho đến Tháng 10”, tôi mới nhận ra rằng, thời chiến tranh, ở đất nước ta, những câu chuyện như thế này không phải là hiếm. Rồi ông cụ mất. Theo dòng người đưa tiễn cụ ra cánh đồng, tôi không thể quên hình ảnh hai chiếc khăn tang có vòng rơm treo trên thành xe tang đang lắc lư theo nhịp xe đi của hai người con vắng mặt đang chịu tang cha (trong đó có một người là liệt sĩ, một người đang ở ngoài mặt trận). Đây là một trong những bằng chứng thật xót xa về sự khốc liệt của chiến tranh.
Những ngày ở Tiên Hội cũng thật khó quên khi một lần, có thầy giáo đến chơi nhà sinh viên trong thôn. Chẳng hiểu thế nào, xe đạp của thầy lại bị lao xuống ao ngay gần nhà hai bạn nữ xinh đẹp của lớp là bạn Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thanh Nhàn. Thế là bọn trong lớp biết việc này ra sức phán đoán xem thầy chủ đích đến thăm ai trong hai bạn đó (giá như với thời đại công nghệ bây giờ thì câu chuyện này sẽ còn rôm rả lắm). Tuy nhiên cả hai “khổ chủ” đều ra sức không nhận thầy đến thăm mình, người nọ đổ cho người kia và thú thật đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu sự thật ra sao.
Trong những ngày ở Tiên Hội, ngoài việc ở nhà dân, một số bạn nam ở tại một ngôi chùa trong thôn. Một hôm tôi được nghe kể lại, sư cụ tỏ ý không hài lòng vì “Mấy chú ở đây tệ quá. Tối khuya rồi mà còn dắt gái đến chơi”. Thời đó, chuyện như thế này cũng khá là nghiêm trọng. Tuy nhiên sau đó mọi sự được làm sáng tỏ, đó là trong số các bạn nam ở đây, bạn Nguyễn Vĩnh Thuận có giọng nói nhẹ nhàng thánh thót như giọng nữ cao sophrano khiến sư cụ hiểu lầm.
Trong những ngày ở Đại Từ cũng như chuyển về Đông Anh, một người bạn nữ trong lớp đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt, đó là lớp phó phụ trách đời sống Trần Thị Lan. Bạn có dáng vẻ của một cô thôn nữ xinh xắn và rất mực chu đáo lo toan công việc của lớp. Có nhiều người (gồm có cả thầy giáo, sinh viên của các lớp khác trong khoa và ngay trong lớp) có cảm tình với bạn Lan. Một lần, có anh bạn ở lớp khác (tôi không nhớ được chính xác lắm, hình như ở Khoa Chuyên tu -tên là Thắng) bầy tỏ sự quan tâm tới Lan. Một lần, hình như trên con đò di chuyển giữa Đông Anh và Hà Nội, anh đã mời Lan ăn kẹo. Khi chiếc kẹo được đưa vào miệng, Lan mới nhận ra rằng đây chính là viên mazi (được cô đặc) được dùng để nấu ăn thời đó. Khi được nghe chuyện, bọn con gái tinh nghịch bèn đặt tên cho anh là “Thắng Mazi”. Chuyện tôi nhớ cơ bản là như vậy (nếu có chỗ nào chưa được chính xác mong bạn Lan bỏ qua – tôi chỉ muốn góp vui cho lớp ta mà thôi).
4- Chuyển về Thượng Đình :
Sau một năm ở Đông Anh, hè năm 1970, khoa Toán được chuyển về Thượng Đình – Hà Nội. Thời gian này một số bạn có gia đình ở Hà Nội đã về ở với gia đình, các bạn còn lại ở tại Ký túc xá của trường.
Những ngày ở Thượng Đình cũng có những câu chuyện khiến nghĩ lại ta thấy buồn cười. Tôi được nghe kể lại, có một bạn nam quê ở vùng nhãn Hưng Yên. Một lần bạn này mang một ít long nhãn từ quê lên với ý định để tặng cho một bạn gái trong lớp mà bạn ấy thích. Biết được ý định đó và biết được việc tặng quà chẳng mang lại kết quả gì (do biết rõ được thái độ của “đối phương”), mấy bạn nam khác đã cùng nhau chén sạch chỗ long nhãn đó.
Kể từ khi còn ở Đại Từ, về đến Đông Anh và về tới Thượng Đình, một số bạn nữ trong lớp kêu là hay bị mất thư. Đó thường là các bạn nữ đã có người yêu. Những lý do có thể là: Vì tò mò ư? Cũng có thể. Vì muốn tìm hiểu “đối tác” để “cưa” ư? Cũng có thể…..Và còn biết bao lý do khác nữa. Ngày ấy, có một bạn nữ lớp ta có người yêu đi bộ đội. Đây là một bạn khá xinh xắn nên cũng có nhiều chàng để ý. Vì sợ mất thư nên “người ấy” của bạn nữ này đã nhờ tôi làm “trạm liên lạc” để anh gửi thư về nhà riêng của tôi, tôi nhận và chuyển thư cho bạn. Tôi đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được nhờ và đã được đặt một cái tên rất đáng yêu là “Bồ câu đưa thư”. Mấy chục năm sau, khi xem lại bức thư nhờ tôi làm nhiệm vụ, tôi đã rất xúc động.
Năm 1971, cơn lũ lớn đã khiến đê Cống Thôn ở Hà Nội bị vỡ. Các trường đại học đã đưa hàng chục ngàn sinh viên và cán bộ trực tiếp cứu dân, cứu tài sản trong đợt lũ và tham gia khắc phục hậu quả. Cán bộ và sinh viên khoa Toán – Cơ tham gia cứu kho gạo trung tâm tại Yên Viên – kho gạo đã hàng tuần bị ngâm dưới nước. Trong đêm, các sinh viên đã ngâm mình dưới nước kéo hàng ngàn bao gạo đã bốc mùi từ kho tới nơi tập kết. Mỗi khi nghĩ lại vẫn thấy thật tự hào khi ở thời sinh viên, chúng ta đã làm được những việc như vậy. Bộ phận hậu cần (tôi cũng không còn nhớ rõ là của Khoa hay của Lớp) đã lo rất chu đáo việc ăn uống cho những người tham gia cứu gạo. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được vị ngon của những bát miến nóng tiếp sức cho sinh viên chúng tôi trên mảnh đất Yên Viên năm ấy.
Đầu năm 1972, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhiều thầy giáo và sinh viên được huy động lên đường nhập ngũ và tham gia làm phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam. Họ lên đường; để lại những ước mơ, để lại sách vở, bút nghiên, để lại giảng đường để ra tiền tuyến. Họ còn để lại những mối tình hoặc để lại những tình cảm mới chớm nở đầu đời để lên đường ra mặt trận.
Hồi đó, thường ngày bọn con gái chúng tôi hay giúp các bạn nam vá lại quần áo, “tích kê” lại những chiếc quần (một khái niệm thật khó hiểu với giới trẻ thời nay). Có lần vá xong quần cho một bạn nam, một bạn nữ đã khoét toàn bộ phần rách cho vào một cái túi và đưa lại để trêu đùa bạn. Chúng tôi đã sống những ngày hồn nhiên như thế. Khi anh em chuẩn bị lên đường ra mặt trận, chị em chúng tôi lại ngồi miệt mài khâu những chiếc túi nho nhỏ xinh xinh đựng tuýp thuốc đánh răng để tặng cho người ra đi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình dáng và những mũi kim khâu của những chiếc túi đó.
Cũng chẳng thể nào quên, khi những đoàn xe ô tô tuyển quân rời bánh khỏi sân trường ĐHTH ở Thượng Đình, biết bao sinh viên, trong đó phần đông là các bạn nữ đã chạy theo và vẫy mãi theo đoàn quân với những đôi mắt rưng rưng đầy lưu luyến. Trong số họ, có những người đã là người yêu, có người có thể sẽ trở thành người yêu, có người là bạn gái thân và có người, đơn giản chỉ là một bạn nữ sinh viên học cùng trong lớp. Họ đã dành rất nhiều tình cảm thân thương cho những người chiến sĩ trẻ này – những người đã chiến đấu anh dũng và một số người đã mãi mãi không thể trở về với gia đình, với những người thân yêu, với những mối tình dang dở và về với giảng đường. Họ là những con người thật đáng trân trọng biết bao.
5- Chuyển về Thạch Nham :
Đế quốc Mỹ ném bom B 52 Hà Nội. Chúng tôi được lệnh rời khỏi Thượng Đình để sơ tán về Thôn Thạch Nham, huyện………Hà Nội. Thời gian này, trong Ban Phương trình Vi phân của tôi có 4 bạn nữ: Bạn Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Lan và tôi. Thật khó có thể tưởng tượng được bốn đứa chúng tôi mắc hai cái màn cá nhân trên một cái giường đôi, chen chúc để ngủ giữa mùa hè nóng nực trong nhà dân ở làng Thạch Nham năm ấy.
Làng Thạch Nham nằm trên bờ một con sông. Dọc theo đường làng ven sông là những nhà vệ sinh được che chắn một cách quá đơn sơ. Phần che chắn này chưa thật sự làm tròn chức năng của nó. Thật khó khăn cho chúng tôi mỗi khi phải “thi hành nhiệm vụ” trong những nhà vệ sinh như thế này. Các bạn sinh viên ở đây thường nói đùa rằng: Thôi thì cứ che chắn cho trọn vẹn phần ở trên mặt, còn ở dưới thì hoàn toàn không chịu trách nhiệm vì chẳng biết “nó” là của ai. Mọi người muốn nghĩ thế nào thì nghĩ !!!
6- Chuyển về Hiệp Hòa, Hà Bắc :
Cho đến bây giờ tôi cũng không thể nhớ chính xác thời gian Ban Phương trình Vi phân của tôi phải rời Thạch Nham để sơ tán lên Hiệp Hòa – Hà Bắc (thôn An cập, xã Hoàng An) vào thời gian nào và có những Ban nào di chuyển cùng tới nơi đó. Tôi không thể quên cái đêm chúng tôi qua cầu để tiến lên phương Bắc. Qua cái cầu phao bộ đội mới bắc qua sông Hồng, chúng tôi dừng ở dọc đường để đón xe. Vào lúc đó, máy bay địch đến bắn phá. Mấy đứa chúng tôi nằm rạp xuống đất. Nhìn lên, pháo cao xạ của ta đang nổ súng như pháo hoa chống trả quyết liệt. Vào cái thời khắc căng thẳng này, tôi bỗng thấy nhớ nhà, nhớ những người bạn thân thiết của mình vô cùng tận. Sau đó, khi máy bay địch đã bay xa, chúng tôi vẫy được một chiếc xe tải và leo lên thùng xe để tới nơi sơ tán mới.
Thời gian trôi đi, chẳng mấy chốc đã đến ngày chúng tôi bảo vệ Luận văn tốt nghiệp trên đất Hiệp Hòa. Chúng tôi trở về Hà Nội và chỉ ít ngày sau được dự đám cưới đầu tiên của một bạn gái trong lớp. Đó là đám cưới của bạn Thảo ở Ban Phương trình Vi phân chúng tôi. Mọi người đã cùng góp tay với gia đình để bạn Thảo có một đám cưới giản dị nhưng thật vui vẻ và ấm cúng.
7- Chuyện 40 năm mới được kể :
Năm tháng trôi đi. Vì nhiều lý do, có những chuyện thật khó có thể kể khi nó vừa xảy ra. Cách đây 10 năm, trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập khoa Toán, tôi được nghe kể câu chuyện sau:
Trong lớp có một bạn sinh viên nữ yêu thầy giáo trong Khoa Toán. Bạn này có học lực khá hơn nhiều bạn nữ khác trong lớp. Một lần, ngày hôm sau sẽ có một bài thi. Trong khi các bạn nữ đang rất lo lắng và cặm cụi thức khuya ở ký túc xá để xem lại bài vở lần cuối thì bạn nữ kia đã học xong và đi đâu đó. Các bạn trong phòng đoán chắc bạn này đi chơi với người yêu. Đến khuya, khi bạn nữ trở về phòng thì nhận thấy có dấu hiệu chứng tỏ sách vở của bạn đã bị xáo trộn. Bạn này giận lắm vì cho rằng các bạn nữ khác trong phòng đã quá tò mò tới chuyện riêng tư của mình nên đã lục lọi để tìm thư từ. Và phải tới 40 năm sau, mấy bạn cùng phòng mới thú nhận câu chuyện thực ra không phải là như thế. Hóa ra họ chỉ muốn tìm xem có phát hiện ra điều gì để học cho đúng tủ của bài thi ngày hôm sau thôi (với suy nghĩ: một người làm “quan” cả họ được nhờ). Đó là thời sinh viên vụng dại và rất mong nhận được sự lượng thứ của “nạn nhân” (người bị lục lọi sách vở) trong câu chuyện trên.
Ngoài chuyện 40 năm bây giờ mới kể ở trên, chắc cũng còn có những câu chuyện khác tương tự như thế. Không chỉ vậy, còn có những mối quan hệ, có những vấn đề mà phải mất mấy chục năm trôi qua mới có thể tìm được những từ chính xác để mô tả cho đúng được bản chất của nó.
8- Phong trào văn nghệ của lớp :
Ngày ấy phong trào văn nghệ của lớp ta thuộc loại khá của Khoa. Từ ngày còn ở Đông Hội, lớp đã dựng được ba hay bốn vở kịch. Điều này thực ra là một kỳ tích. Tôi chỉ còn nhớ tên của hai vở, đó là “Người mẹ Mỹ” gồm các diễn viên: bạn Mai Đình Nội trong vai bà mẹ Mỹ, bạn Nguyễn Hữu Báu trong vai Tổng thống Mỹ và anh Lê Văn Sơn đóng vai gì tôi không còn nhớ. Vở kịch khác là “Em bé giao liên” (không biết tôi nhớ có chính xác không), trong đó bạn Thanh Nhàn đóng vai cô gái người dân tộc, bạn Nội đóng vai em bé giao liên còn tôi trong vai bà má miền Nam. Còn một hai vở nữa trong đó bạn Trần Vũ Chung đóng vai tướng Mỹ Oét mô len và bạn Lê Dư Khương cùng tham gia đóng (vai gì tôi cũng không còn nhớ rõ)
Tốp ca nam của lớp A4T biểu diễn mấy bài rất hay: Chào em cô gái Lam Hồng, Năm anh em trên một chiếc xe tăng…
Tốp ca nữ của lớp A4T là một tốp ca khá nổi và cũng đã gây được ấn tượng tốt trong Khoa. Tới bây giờ tôi vẫn không thể quên được lời những bài hát chúng tôi đã biểu diễn ngày ấy:
“Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn, em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn….”,
“Cầu này em bắc (mà) qua sông, cho xe anh vội vào trong đưa hàng…..”,
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh …”
“Tôi nhớ Mockba, qua từng trang sách Nga…..(Bài này do anh Mai Huy Tân – sinh viên ở lớp trên sáng tác)
với phần lĩnh xướng của hai giọng ca vàng trong lớp: Trịnh Kim Thanh và Nguyễn Viết Triều Tiên. Để “đệm” cho chúng tôi hát, các bạn nam trong lớp đã gõ thìa để thay cho nhạc và tới bây giờ, tôi chỉ còn nhớ được một “Nhạc công” trong cái “Ban nhạc” đặc biệt ấy, đó là bạn Nguyễn Quý Tích. Bạn ấy đã rất say sưa làm chuyển động mấy cái thìa trong tay cho chúng tôi hát.
9- Các thầy cô giáo và những người bạn :
Năm mươi năm đã trôi qua, theo dòng thời gian trôi từ những ngày xưa ấy cho đến tận bây giờ, có rất nhiều kỷ niệm về các thầy cô và những người bạn. Tôi cũng không thể kể hết được mọi điều. Chỉ xin được nhắc tới những câu chuyện đã để lại cho tôi những ấn tượng đặc biệt sâu sắc và còn nhớ được nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày vào trường:
Người bạn đầu tiên tôi muốn được nhắc tới là bạn Trần Vũ Chung. Đây là người bạn mà 6 năm sau khi ra trường đã trở thành người bạn đời của tôi. Tiếc rằng chúng tôi chỉ được sống bên nhau 29 năm 9 tháng. Tôi bỗng nhớ tới lời của bài hát “Thời hoa đỏ”: “…trong câu thơ của em anh không có mặt….chỉ tiếc anh không đi hết những ngày đắm say…”.
Trong những ngày hết sức khó khăn khi mất đi một nửa của mình, tôi đã nhận được sự chia sẻ và động viên từ mọi người, đặc biệt là của hai người bạn trong lớp mà bình thường tôi cũng ít khi giao tiếp, đó là anh Ngô Trọng Hùng và bạn Nguyễn Đức Hòa. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói ân cần của hai người bạn này: “Nếu M gặp bất cứ khó khăn gì thì hãy nói, mình sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ hai mẹ con M…”. Những tấm lòng đó đã góp phần nâng tôi đứng dậy. Nhân dịp này tôi xin được cám ơn các bạn, đặc biệt là cám ơn anh Hùng và bạn Hòa nhiều lắm.
Bây giờ tôi xin được nhắc tới những người bạn khác:
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên lên lớp ở Ba Trang, trong giờ của thầy Toản, một bạn nam sinh viên xung phong phát biểu – đó là anh Vũ Long Sơn. Anh ấy nói: “Thưa thầy, bạn ấy (một bạn nào đó trong lớp) làm như vậy là không đúng vì không đếm xỉa gì đến điều kiện của đầu bài”. Tôi vô cùng hoang mang, lo lắng vì chẳng hiểu gì và cũng cảm thấy hơi buồn cười vì cách diễn đạt của anh Sơn. Đó là buổi lên lớp đầu tiên của tôi.
Tôi cũng không thể quên được cô Nga – người giáo viên dạy tiếng Nga rất hiền hòa dễ chịu của chúng tôi. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất nhiều bài hát tiếng Nga mà cô đã dạy chúng tôi như: Cây Thùy dương, Cây Dương liễu, Đôi bờ, Tuổi 18, Đỉnh núi Lê Nin, 14 phút trước giờ cất cánh (nói về anh Ga ga rỉn bay vào vũ tru)……Ngày ấy cứ mỗi lần đến giờ nghỉ giữa các tiết học, bọn con gái chúng tôi lại ngồi hát cùng nhau.
Ngoài cô Nga, còn có một thầy dạy Nga văn nữa (hình như là thầy Thanh). Một lần, sau khi nghe một bạn – chị Hồ Thị Khánh đề nghị “Thầy ơi! thầy dạy chúng em hát Nga văn đi” và nghe bọn con gái chúng tôi gọi nhau là “Lan cồ, Khương cồ, Mai cồ, Liên cồ….” thầy chun mũi mắng yêu “Sao lại hát Nga văn, hát tiếng Nga chứ. Mà tên các em hay thế sao không gọi mà cứ phải thêm chữ “cồ” vào làm xấu cả tên và xấu cả người đi chứ”. Rồi cả thầy cả trò cùng nhau cười vui mãi.
Khi đã về Tiên Hội, một lần có bạn nam trong lớp nhờ tôi dạy bạn ấy bài hát “Em bé Bảo Ninh (..bên dòng Nhật Lệ)- đó là bạn Phạm (hay là Trịnh) Khắc Đảo. Mặc dù tôi và bạn ấy rất ít khi chuyện trò nhưng hôm ấy cả hai đã ngồi hát rất say sưa với nhau, thật vô tư và trong sáng.
Trong những buổi đi lao động cùng nhau, các bạn trong lớp thường vừa làm vừa kể những câu chuyện tiếu lâm và chuyện vui để quên đi mệt nhọc. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh bạn Hoàng Thiên Hiển mỗi khi tham gia các chuyện vui này. Bạn Hiển đã có một sự hưởng ứng rất nhiệt tình và nếu dùng theo ngôn ngữ của thời nay là có thể tung hứng và tương tác rất hiệu quả đối với người kể chuyện, để câu chuyện trở nên hay hơn rất nhiều lần. Thật may mắn khi ai là người kể chuyện lại vớ được những khán giả như thế.
Tôi còn nhớ đến một bạn nữa, đó là bạn Phúc (tôi không còn nhớ rõ họ của bạn. Hình như là Nguyễn Văn Phúc. Chỉ nhớ bạn quê ở Hòa Bình, mọi người hay gọi bạn là “Phúc Mường”). Tôi vẫn còn nhớ bạn Phúc đã hát trước lớp bài “Ta lại đào công sự” với lời dân tộc (chẳng biết có đúng tiếng dân tộc là như thế không) như sau: “Ta lại tào công sự cho trận chiến đấu ngày mai. Nào bên ún ớ bên eng ta tào leng ớ dân làng ơi…” làm cho cả lớp được một phen cười vỡ bụng.
Khi chuyển về Đông Anh, mấy bạn sinh viên ở Hà Nội thường hay tìm cơ hội để về nhà và nhiều khi cán bộ lớp cũng có thành kiến với mấy bạn này. Ở Khoa, mọi người hay nhắc tới sự nghiêm khắc của anh Giá và đã có bài hát nhái bài “Bài ca Hà Nội” thế này:
“Ơi ông Giá ơi! Muốn đi đâu xin ông phiền lắm………”
Tôi còn nhớ tới hai buổi học cuối cùng ấn tượng của hai thầy giáo, đó là:
-Thầy Tiến: Trong buổi học cuối cùng, sau khi kết thúc bài giảng, thầy nói lời chia tay với lớp và nói với chúng tôi rằng “Các em hãy cố gắng học tập để ra làm việc và biết đâu 20 năm nữa , Xác suất sẽ bắt tay với Phương trình Vi phân thực hiện điều khiển từ xa”.Câu nói ấy đã khơi dậy trong những trái tim non trẻ chúng tôi bao hoài bão, ước mơ.
-Thầy Chu Đức: Sau khi kết thúc bài giảng, thầy đã bắt nhịp cho chúng tôi hát một bài (tự nhiên tôi quên mất tên của bài hát) mà chỉ nhớ lời: “Như những cánh chim bay khắp bốn phương trời…..Núi kia dù có cao, sông kia dù có sâu nhưng có núi sông nào ngăn được ta tiến tới…..” Buổi học đó đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên.
Trong cuộc sống, thật ấm lòng biết bao khi ta được mọi người cảm thông và chia sẻ những nỗi buồn. Lúc ấy nỗi buồn của ta chỉ còn một nửa. Tuy nhiên, cũng thật đáng quý và trân trọng biết bao khi có người cùng chia sẻ niềm vui với ta, mừng thực sự với thành công của ta. Lúc đó niềm vui sẽ được nhân đôi.
Tôi xin được nhắc đến bạn Kim Ngọc Cương – một người bạn mà thường ngày tôi cũng ít có dịp tiếp xúc. Năm 2017, tôi được Nhà xuất bản Hội nhà Văn cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Người đàn bà bí ẩn” của mình, tôi đã được bạn Cương cùng chia sẻ niềm vui đó một cách thực sự và nhiệt tình nhất có thể. Bạn đã viết bài giới thiệu về tôi và cuốn sách đó cho mọi người cùng biết và kèm theo đó là những lời động viên hết sức chân tình. Điều này đã góp phần giúp tôi vững lòng, tự tin tiếp tục cầm bút để “lặng lẽ dâng cho đời” sự đóng góp của mình. Cho tôi được phép bầy tỏ lòng biết ơn và cám ơn hết sức chân thành tới bạn Kim Ngọc Cương.
Người thứ hai tôi muốn được nhắc tới trong việc chia sẻ niềm vui là Thầy Phan Văn Hạp – người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ và hết sức kính trọng. Kính thưa thầy Hạp! Trước đây có thể thầy không hề biết tới em bởi ngày ấy em chỉ là một nữ sinh viên hết sức bình thường về mọi phương diện. Mấy chục năm sau, khi đó cả thầy và trò đều đã nghỉ hưu, thầy biết em qua bài giới thiệu của bạn Cương về cuốn sách mới được xuất bản của em. Thầy đã có những lời chia sẻ hết sức chân thành và động viên em tiếp tục công việc của mình. Đây cũng là một sự chia sẻ và động viên hết sức có hiệu quả đối với em. Em rất vui và rất biết ơn thầy. Nhân dịp này thầy cũng cho phép em được gửi tới thầy lời cám ơn sâu sắc của em.
Ngoài ra, anh Đoàn Văn Bản (từ đất nước Ba Lan xa xôi), chị Chu Hải Lộc, bạn Trần Thị Lan, bạn Nguyễn Thị Thảo cũng đã hết sức chân thành chia sẻ và vui thực sự với cái vui của tôi. Đó là những điều mà tôi hết sức trân trọng và yêu quý. Xin cám ơn các anh các chị và các bạn.
Cho tới bây giờ, trong cuộc sống hàng ngày, hai cặp vợ chồng của hai người bạn trong lớp ta, anh chị Lan – Vận, anh chị Thảo -Thịnh vẫn luôn là những người bạn thân thiết, giúp đỡ động viên tôi rất nhiều trong những lúc khó khăn.
Đã có mấy chục “sự kiện” và tới gần 50 “nhân vật” đã được nhắc tới trong bài viết này. Tuy nhiên, không phải chỉ có thế, tôi muốn nói tới tất cả các thầy cô, tất cả những người bạn yêu mến của tôi đã tạo nên một bức tranh sinh động về những tháng ngày cùng sống và học tập ở Khoa Toán, dưới mái trường Đại học Tổng hợp thân yêu, đã tạo nên những kỷ niệm không thể nào quên về Một thời trai trẻ và Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ của tất cả chúng ta.
Và cuối cùng, không thể không nhắc tới hai bạn Nguyễn Đình Hóa và Nguyễn Vĩnh Thuận. Nhờ sự nhiệt tình và hết lòng vì lớp, suốt bao năm qua, các bạn đã tạo cơ hội để hàng năm tất cả chúng ta được gặp nhau, để cùng nhau sống lại những tháng năm đáng ghi nhớ đó. Xin chân thành cám ơn Bạn Hóa và bạn Thuận rất nhiều.
Nhân dịp đầu xuân mới Mậu Tuất - 2018, kính chúc tất cả các thầy cô giáo và tất cả các bạn luôn mạnh khỏe và có một năm mới tốt lành.
Những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018
Cựu học sinh Lớp Toán – Khóa 13
Khoa Toán – Trường ĐHTH – Hà Nội
Nguyễn Thị Mai

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Du Xuân Mậu Tuất 2018


Du Xuân Mậu Tuất 2018

Ban Liên lạc Lớp Toán K13 (1968-1972) ĐHTH  HN trân trọng kính mời anh/chị dự gặp mặt đầu năm và du xuân Mậu Tuất 2018

Thời gian: cả ngày chủ nhật  04-03-2018 (tức 17 tháng Giêng Mậu Tuất).
Địa điểm:  Thuận Thành, Bắc Ninh


Ô tô đón tại 2 nơi:
           a- 7h00: Cổng Bảo tàng HCM, số 19 Ngọc Hà, Hà nội
           b- 7h15: 22 Láng Hạ (chân phía Tây cầu vượt Láng Hạ, gần 
 Queen Bee.


Chương trình:

- 7h30-12:00 Du xuân, thăm 
đền thờ Kinh Dương Vương; chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Keo

- 12h00: Liên hoan bữa trưa tại nhà anh Tạ Hồng Quảng  (phone: 01677460140)           
- 15h00: Về Hà nội
         
Kính mời các anh chị đăng ký  ! 
Xin nhắn tin sớm cho Ng Đình Hóa & Ng Vĩnh Thuận


Danh sách tham gia Du Xuân Mậu Tuất 2018
(đang cập nhật)


---------------------------------------
1,2- Nguyễn Vĩnh Thuận (2)
3- Hồ Quang Minh
4- Nguyễn Thị Liên
5- Mai Đình Nội,
6,7- Nguyễn Đình Hóa + Trần Tống ,
8- Phạm Bùi Phong,
9- Hoàng Minh Tâm,
10- Nguyễn Thị Mai,
11- Ng Thị Thảo,
12- Chu Hải Lộc,
13- Phan Mạnh Toàn,
14- Trần Dũng,
15,16- Vũ Long Sơn (2 = + Vương Nghĩa Đàn)
17- Ng. Văn Ước,
18- Nguyễn Lan (nữ)
19- Nguyễn thị Phương Lan (vợ Cảnh Toàn),
20- Nguyễn Cảnh Toàn,
21,22- Phạm Văn Định (2),
23,24- Trần Công Ninh (Quang Ninh) và Đỗ Xuân Thành - (Đông Anh)
25- Phạm Trọng Quát ,
26- Phạm Hải Bắc,
27,28- Đỗ Xuân Dương (2) - tự đi xe máy.
29- Thanh Mai Duong ,
30,31- Phạm Ngọc Tiến (2)- Ban XSTK
32- Chu Bá Lê (Bắc Giang) - tự đi xe máy.

       Bùi Năng Cận, Trịnh Kim Thanh
33, 34 - Chủ nhà Kinh Bắc Phật Tử & Nguyễn Lệ Chuy .