Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

MỜI VIẾT VỀ KỶ NIỆM VỚI LS TẠ QUANG SỎI

Thân gửi các anh chị lớp Toán ĐHTH 68-72

Nhật ký Tạ Quang Sỏi đã được sao biên xong !   

Chiều nay tôi được anh Trịnh Tất Đạt cho xem bản đánh máy 65 trang A4 bản thảo của cuốn Nhật ký. Cuốn Nhật ký với nhiều trang chữ đã nhòe vì theo chân người chiến sỹ - liệt sỹ trải qua bao nắng mưa lửa đạn, là di vật vô giá mà anh Sỏi để lại, nhắc chúng ta nhớ về một thời tuổi trẻ, thời chiến tranh, gian khổ, hào hùng.   

Cám ơn anh Đạt, người đã không tiếc công sức để chuyển bản thảo viết tay cuốn nhật ký thành bản in. Chỉ có sự thấu hiểu của một người đồng cảnh ngộ, cũng từng nếm trải bấy nhiêu cung bậc cảm xúc mới giúp anh cảm nhận đúng, chứ không phải là đoán đọc, những dòng tâm sự của tác giả Nhật ký. (Dưới đây giới thiệu luôn bài viết của anh Đạt về việc sao biên Nhật kí Tạ Quang Sỏi để các bạn cùng xem)

          Để bản in cuốn Nhật ký trọn vẹn hơn, tôi thấy cần có thêm bài giới thiệu tiểu sử (gia đình, quê quán . . .)  của anh Sỏi cũng như một số bài viết về tình cảm liên hệ giữa các anh chị lớp ta với anh Sỏi.  Điều này cần mọi người cùng góp sức, cung cấp tư liệu, bài viết, …
-Những người bạn gần gũi với anh Sỏi thời còn sinh viên đi học, hãy viết lại những kỷ niệm nho nhỏ, tìm lại những bức ảnh có liên quan;
-Những người bạn cựu chiến binh, nhập ngũ cùng đợt với anh Sỏi (hoặc không nhất thiết cùng đợt), hãy viết về những kỷ niệm thời bộ đội.

Xin gửi bài viết cũng như các tư liệu liên quan sưu tầm được lên blog của lớp “k13toan6872.blogspot.com”. Như vậy tiện để mọi người hiệu chỉnh các nhầm lẫn (nếu có).  
Những góp ý, ý kiến khác … xin gửi email:  hoand2011@gmail.com


TM Ban liên lạc lớp Toán ĐHTH 68-72

 

ĐỌC VÀ SAO BIÊN NHẬT KÝ TẠ QUANG SỎI

Thấy tôi làm nghề xuất bản, anh Nguyễn Đình Hóa giao cho cuốn nhật ký của Tạ Quang Sỏi và truyền đạt ý định của chi hội Cựu chiến binh Khoa Toán, Đại học Tổng hợp (cũ) muốn xuất bản thành sách để lưu lại truyền thống của khoa. Tôi nhận nó với tình cảm đặc biệt vì anh Sỏi với tôi có nhiều cái cùng: cùng quê, cùng lớp ở Khoa Toán, cùng nhập ngũ khi đang học dở dang … Tuy nhiên, mãi đến năm nay 2013, khi đã nghỉ hẳn công tác, tôi mới bắt tay vào đọc để sao chép ra cho thành bản thảo được. 

Khi bắt tay vào đọc cuốn sổ nhỏ này, tôi thực sự bị cuốn hút bởi cảm xúc thơ dào dạt của Tạ Quang Sỏi. Anh đi tới đâu có thơ ở đó. Trước một sự kiện, hiện tượng, công việc anh đều có thơ. Tôi có cảm tưởng thơ đã có sẵn trong anh, chỉ chờ có cớ là tuôn ra. Ngôn từ của người học toán mà thật là phong phú, uyển chuyển. Những lời thơ, câu thơ được viết ra rất rất ít dập xóa, thay đi đổi lại mà vẫn rất hợp cảnh hợp tình. Đó là điều mà khi còn học cùng, tôi không bao giờ nhận ra ở anh.
  
Nhật ký của Tạ Quang Sỏi được ghi vào cuốn sổ nhỏ khổ 13x18cm, có 200 trang do Hợp tác xã Sông Hồng sản xuất muộn nhất là năm 1972. Bìa nilon màu xanh da trời, có in chìm lô gô “Đường 9 Khe Sanh” ở góc dưới bên phải, bìa 1. Chắc đây là cuốn sổ công tác mà trong quân đội cấp phát cho cán bộ từ cấp tiểu đội trưởng trở lên để ghi chép công việc, nội dung tập huấn… 

Phần nhật ký  được ghi thuận từ đầu sổ trở đi, có 122 trang chiếm hơn nửa cuốn sổ. Phần ghi công tác, tập huấn và phần có lẽ là nội dung tìm hiểu về Đảng Lao động Việt Nam trong phạm vi lớp đối tượng đảng được ghi từ cuối sổ trở lên. 

Giấy trong cuốn sổ còn khá bền, dai, tuy nhiên đã ngả màu vàng. Mực viết chủ yếu là mực nước với đủ màu xanh đen, xanh nước biển, tím, đỏ. Một số chỗ dùng bút chì. Do viết bằng mực nước nên mặt trước thấm ra mặt sau làm cho nhiều chỗ rất khó đọc, thậm chí không đọc được. 

Trang đầu của nhật ký ghi ngày 21.1.1972 có chữ ký và hòm thư bí mật của quân đội. Trang cuối cùng ghi ngày 30.8.1972 chỉ với mỗi dòng chữ: “Xa Minh Hoan”. Tính ra quãng thời gian là 7 tháng 9 ngày của năm 1972. Số ngày được ghi nhật ký là 61 ngày. Nhật ký được viết trong  quá trình huấn luyện ở Hà Bắc, diễn tập hành quân dã ngoại qua vùng Chí Linh, Hải Dương, bắn đạn thật ở Quảng Ninh sau đó hành quân qua Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi vào chiến trường Quảng Trị.  

Nhật ký được ghi dưới hai dạng: thơ và văn xuôi. Thống kê được 70 bài thơ lớn nhỏ. Không kể 2 bài thơ “Tự khuyên mình”, “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chủ tịch và 2 bài “Dáng đứng Việt Nam”, “Về đi em” của Lê Anh Xuân do Tạ Quang Sỏi chép. 

Trong số 70 bài thơ nói trên, bài “Tạm biệt Như Xuân” ghi ngày 25.4.1970 và liền đó bài “Cô gái quan họ” ghi 4.1971. Ở bài “Tạm biệt Như Xuân” chắc Tạ Quang Sỏi nhầm, vì tháng 4.1970 anh chưa nhập ngũ, chắc phải 25.4.1971 mới đúng. Ngày đó, năm 1971, anh tạm biệt Như Xuân (Thanh Hóa) ra Hà Bắc thì mới gặp “Cô gái quan họ” được. 

Việc đọc để sao ra 122 trang nhật ký của Tạ Quang Sỏi là rất khó khăn:
1/ Tác giả viết trên đường hành quân, tiện bút gì, mực gì viết bút ấy, mực ấy. Có lúc viết được nắn nót, rõ ràng, lúc phải viết vội dưới ánh sáng của chiếc bật lửa thì không thể chuẩn chữ cho được.
2/ Nhật ký được viết cách đây hơn 40 năm, mực thấm mặt trước ra mặt sau, nét nọ đè lên nét kia dù có soi đèn, soi kính lúp cũng không luận được chữ gì. Nhiều chỗ người đọc phải đọc bằng cảm xúc trước rồi với đọc bằng mắt sau. Về điều này, tôi có may mắn là đã nhập ngũ trước Sỏi một thời gian, do cùng hoàn cảnh nên ít nhiều có những cảm xúc gần nhau, dễ hiểu nhau.

Tuy nhiên, dù đã dành nhiều thời gian và đã cố hết sức mình nhưng, rất tiếc, tôi cũng không thể đọc cho tỏ tường mọi chữ mà Tạ Quang Sỏi đã viết ra. Những chỗ đó tôi đều đánh dấu ở bản sao. Rất mong ở đâu đó trên cao xanh kia Tạ Quang Sỏi hiểu cho tôi.  Và cũng mong các bạn cùng lớp lượng thứ.
                                                                                     
                                                                                            TRỊNH TẤT ĐẠT





2 nhận xét:

  1. Đề nghị ban biên tập post bản thảo NHẬT KÝ TẠ QUANG SỎI lên WEB này để anh em xem và góp ý trước khi in ấn thành bản chính thức.
    Phạm Phong Thái Bình

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã chuyển đề nghị của bác Phong đến Dr Đạt. Dr. Đạt đang có bản soft.

    Trả lờiXóa