Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

LỜI NÓI SAU của nhóm biên tập "Nhật ký Tạ Quang Sỏi"

Để chuẩn bị ra mắt bản in của Nhật ký Tạ Quang Sỏi, chúng tôi thay mặt nhóm biên tập chuẩn bị bản thảo viết bài này để độc giả hiểu thêm về khung cảnh lich sử thời gian ấy, khi anh Tạ Quang Sỏi cũng như nhiều anh em khác lớp chúng ta tạm biệt giảng đường đại học, lên đường ra mặt trận, chiến đấu, thắng lợi trở về hoặc ...đã không trở về. 
Chúng tôi đưa lên blog để các anh chị xem trước, góp ý thêm và sửa chữa bổ sung nếu có nhầm lẫn hay thiếu sót. Chúng tôi dự định sẽ sắp bài này ở cuối cuốn Nhật ký, vì thế xin đặt tiêu đề là "Lời nói sau"   
____________________________________________________________________


Các bạn vừa đọc xong nhật ký Tạ Quang Sỏi, một người bạn cùng học khóa chúng tôi, khóa sinh viên khoa Toán – Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, K13, 1968-1972. Nhiều, rất nhiều điều trong những dòng tâm sự của anh cũng chính là những suy nghĩ của chúng tôi, những thanh niên trong thời chiến tranh chống Mỹ.
Ngày ấy Mỹ đã ném bom miền Bắc, cả nước là chiến trường, người người là chiến sỹ. Là thanh niên, ai cũng ý thức rằng mình có thể trở thành chiến sỹ nay mai đây thôi. Ngày ấy, các trường đại học đều sơ tán, rời Hà Nội, rời thành phố, lên vùng núi rừng, xuống với đồng quê. Không khí chiến tranh ở những nơi xa xôi hẻo lánh ấy hình như bớt căng thẳng hơn, nhưng tiếng bom nổ bất chợt đâu đó phía chân trời, tiếng ầm ì của bầy máy bay vọng lại từ nơi xa vẫn bám theo dai dẳng. Tôi vẫn còn nhớ những bức thư nhà gửi theo địa chỉ “Hòm thư T104, A1a …” dù chưa đi bộ đội. Phải, đấy là địa chỉ gửi thư của đám sinh viên chúng tôi ngày ấy. “T104” là mã hòm thư của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các khoa trong trường được mã hóa theo vần chữ cái, “A” là Toán, “B” là Lý, “C” là Hóa … Chúng tôi lúc ấy đang học năm thứ nhất, có hai lớp Toán, lớp A và lớp B nên địa chỉ gửi thư lấy theo lớp học là “A1a” !  Và các chàng trai sinh viên nhận lệnh lên đường nhập ngũ được bạn nữ cùng lớp tặng chiếc khăn tay, vỏ gối. Nhưng thay cho hình đôi chim, hay hai chữ đầu tên lồng nhau thêu chỉ hồng trên nền vải trắng, các anh nhận dòng chữ kỷ niệm “Lớp A2a”. Tình cảm cũng là tập thể, chung của cả lớp, không chút riêng tư.  
Lớp chúng tôi hồi ấy có nhiều người đi bộ đội. Cả khóa học 1968-1972  chúng tôi có nhiều đợt nhập ngũ.
Đợt tuyển quân đầu tiên vào tháng 8 năm 1970, khi khoa Toán còn sơ tán ở Tiên Hội, Trung Thôn, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ngày giao quân, chia tay các bạn tại ký túc xá Lò Đúc để lên đường có các anh Nguyễn Hữu Bảo, Hoàng Ngọc Hồ, Trịnh Tất Đạt, Nguyễn Hữu Sở và anh Tạ Đức Khánh lớp Cơ.  Tháng 10/1970 gọi bổ sung thêm các anh Nguyễn Vũ Lương, Bùi Văn Đũa và Tạ Quang Sỏi. Anh nhập ngũ chính vào đợt này.
          Đợt tuyển quân thứ hai, tháng 9 năm 1971, lúc ấy trường Tổng hợp đã về Hà Nôi. Sinh viên các ngành học tự nhiên Toán, Lý, Sinh, Địa …ở ngay 3 tòa nhà 4 tầng, khu Thượng Đình. Nhập ngũ lần này lớp Toán có các anh Nguyễn Dần, Trần Anh Dũng, Trần Đức Đạt, Lương Đức Thắng, Nguyễn Tuấn Thắng, Nguyễn Đức Long (liệt sỹ)  và các anh Nguyễn Văn Anh, Lê Văn Bính, Tôn Thiện Chiếu, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Cảnh Toàn thuộc lớp Cơ.
Trong đợt tuyển quân rầm rộ nhất, tháng 1 năm 1972, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các sinh viên tân binh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đứng chật sân trường ở Thượng Đình chào cờ làm lễ xuất quân. Lần này có trên 20 sinh viên năm thứ tư khoa Toán, năm cuối cùng của trường đại học, lên đường ra mặt trận. Đó là các anh Nguyễn Hữu Báu, Trịnh Khắc Đảo,  Phạm Văn Định,  Đỗ Ngọc Ninh, Phạm Bùi Phong,  Lê Đình Phan, Nguyễn Tiến Phúc, Phan Mạnh Toàn, [Nguyễn Văn Tại], Phạm Hùng, Đỗ Xuân Thành, Mai Đình Nội, Nguyễn Vĩnh Thuận,  Đinh Quốc Tuấn,  Đỗ Văn Thế, [Trịnh Trí Thức]  …(lớp Toán) và các anh Phùng Khắc Bình,  Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Kim Hùng … (lớp Cơ)
Và gần đến ngày ra trường, tháng 5 năm 1972, trong khi các bạn đang nỗ lực chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp đại học, một số các anh vẫn lên đường nhập ngũ: Phạm Hải Bắc, Trần Văn Bốn, Bùi Năng Cận, Trần Phát Diệp, Chu Văn Keng, Ngô Ánh Tuyết, Đinh Đức Tuyết … 
Các bạn tôi đã chiến đấu ở khắp các chiến trường, từ “B ngắn” là Quảng Trị đến “B dài” sát biên giới Căm pu chia, đến chiến trường “C” ở trên đất Lào.
Rất may mắn là hầu hết các anh đã từ chiến trường trở về. Người tiếp tục con đường binh nghiệp, người trở lại trường đại học viết tiếp bài vở sinh viên còn dang dở. Tạ Quang Sỏi là một trong hai chiến sỹ sinh viên của lớp chúng tôi không trở về ! anh đã hy sinh, thành liệt sỹ. Anh mãi mãi tuổi hai mươi !
Nhận được cuốn nhật ký với nhiều trang chữ đã nhòe vì theo chân người chiến sỹ - liệt sỹ trải qua bao nắng mưa lửa đạn, là di vật vô giá mà anh Sỏi để lại, chúng tôi tự nhủ phải tìm cách gửi nó đến các anh chị cùng khóa K13, 1968-1972,  khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Để cùng nhớ về một thời chiến tranh, khó khăn, gian khổ, nhưng đó là tuổi trẻ của chúng ta, trong sáng, đáng nhớ, đáng yêu.
Ý tưởng sao biên và in thành sách “Nhật ký Tạ Quang Sỏi” được nhiệt liệt ủng hộ trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp ra trường của khóa 1968-1972, khoa Toán-Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tháng 5-2012 tại Huế. Nhiều anh chị đã ủng hộ kinh phí để có thể in thành sách “Nhật ký Tạ Quang Sỏi” ngay trong buổi liên hoan này. Và sau đó, nhiều anh chị khác còn tiếp tục ủng hộ thêm nữa. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn thân thiết đến các anh chị vì sự ủng hộ chí tình ấy.
Để có thể ra mắt “Nhật ký Tạ Quang Sỏi”, không thể không nói đến sự góp sức của nhóm tổ chức sao biên và cho in mà người chủ chốt là anh Trịnh Tất Đạt, một cựu chiến binh, cũng là đồng hương Thanh Hóa với Tạ Quang Sỏi.  
Gấp lại trang cuối của “Nhật ký Tạ Quang Sỏi”, xin gửi đến anh nén tâm hương của những người bạn đồng học, cùng trường, cùng lớp, cùng khoa. Chắc anh vui lòng với việc làm của chúng tôi và mỉm cười đón nhận cuốn sách của mình.
                                     
TM Ban liên lạc lớp Toán 1968-1972, ĐHTH Hà Nội
           Nguyễn Đình Hóa – Nguyễn Vĩnh Thuận


1 nhận xét:

  1. Xin có vài ngu ý gửi tới BBT:
    1. Nên nêu rõ chi tiết "Trong số mây chục anh em chúng tôi "xếp bút..." có hai người nằm lại nơi chiến trường - hai liệt sỹ "mãi mãi tuổi hai mươi" Tạ Quang Sỏi và Nguyễn Văn Long. Liệt sỹ TQS để lại di vật quý giá là cuốn nhật ký, còn các di vật của Liệt sỹ NVL bị thất lạc,,, (xem bài KN Cương viết về NVL).
    2. BBT điểm còn thiếu một số anh em nhập ngũ các đợt, như LH Anh, VL Sơn, ND Náo, Trần Tống, NV Tại, ĐV Mạc,...
    3.Khi chuyển về Đông Anh thì 2 lớp toán chúng ta ở thôn Tiên hội, xã Đông hội, còn khoa Toán thì ở cả các thôn của xã Đông hội. Các anh em nhập ngũ, người sớm nhất cũng đã hoàn thành năm 2.

    Chúc sức khỏe BBT.

    Trả lờiXóa