KHOA TOÁN - CÁI NÔI CỦA TOÁN HỌC VN HIỆN ĐẠI
(thuannv - 20/3/2012) - Bài này được viết trên trang Web lớp K16 toán cơ Trường Đại học Tổng hợp chúng ta, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Khoa Toán tổ chức ngày CN 9/10/2011, xin giới thiệu với các anh chị lớp toán K13 chúng ta:
Khoa Toán là cái nôi của nền Toán học VN hiện đại, của nền giáo dục đại học VNDCCH và CHXHCNVN. Các Giáo sư ban đầu của Khoa là những người mở đường cho đại lộ toán học VN ngày nay, mà tiêu biểu là GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy.
Chặng đường 55 năm khoa Toán (1956 - 2011)
1. Khoa Toán - Lý
Năm mươi lăm năm trước, ngày 4 tháng 6 năm 1956, Chính phủ ra quyết định số 2184/TC thành lập 5 trường đại học: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Y - Dược, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm.
Tại thời điểm ban đầu, do lực lượng cán bộ quá mỏng, Nhà nước cho thành lập một Khoa Toán - Lý chung cho cả hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm do GS Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm Khoa.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa trong những ngày đầu tiên ấy có 16 người (trong đó có những tên tuổi mà các thế hệ sau còn được biết qua các tạp chí khoa học, trong các giáo trình và sách chuyên khảo, như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Đoàn Quỳnh, Phan Đình Diệu...)
Ngày 26 - 1 - 1960 Bộ Giáo dục ra Nghị định số 34 - ND quy định bộ máy trường ĐHTH Hà Nội gồm có: Khoa Tự nhiên, Khoa Xã hội. Sau đó bộ phận Toán - Lý và bộ phận Sinh - Hoá của trường ĐHTH được nhập lại thành Khoa Tự nhiên vẫn do Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Chủ nhiệm Khoa.
Ngày 22 - 10 - 1961, theo đề nghị của Ông Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp, Bộ Giáo dục ra quyết định số 705/QĐ chia Khoa Tự nhiên thành ba khoa: Toán - Lý, Sinh vật và Hoá học. Khoa Toán - Lý do GS. Hoàng Tuỵ làm Chủ nhiệm Khoa (GS. Hoàng Phương và Nhà giáo Trần Văn Dung làm Phó chủ nhiệm khoa).
2. Khoa Toán: Khoa Toán - Lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lớn mạnh nhanh chóng, nên năm 1963 lại được tách thành hai khoa anh em độc lập: Khoa Toán và Khoa Vật lý.
Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà vị chủ nhiệm đầu tiên là GS Hoàng Tuỵ, có 4 bộ môn: Giải tích, Xác suất, Cơ học và Phương pháp tính.
3. Khoa Toán - Cơ
Năm 1970, sau khi Cơ học đã trở thành ngành đào tạo chính thức, Khoa Toán được đổi tên thành Khoa Toán - Cơ.
4. Khoa Toán- Cơ - Tin học
Năm 1987, để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của tin học, Khoa Toán - Cơ được đổi thành Khoa Toán- Cơ - Tin học, tương ứng với ba ngành đào tạo: Toán học, Cơ học và Tin học.
Bảng: Chặng đường 55 năm hình thành và phát triển Khoa Toán
1956
|
1963
|
1970
|
1987 - nay
|
Khoa Toán - Lý
|
Khoa Toán
|
Khoa Toán - Cơ
|
Khoa Toán - Cơ - Tin học
|
Các Chủ nhiệm Khoa qua các thời kỳ
1956-1959: GS. Lê Văn Thiêm
1959-1968: GS. Hoàng Tụy
1968-1970: PGS. Trần Vinh Hiển (quyền Chủ nhiệm Khoa)
1970-1982: GS. Phan Văn Hạp
1982-1991: GS. Hoàng Hữu Như
1991-1992: GS. Trần Văn Nhung
1992-1993: GS. Nguyễn Duy Tiến
1993-1995: PGS. Phạm Trọng Quát
1995-1999: GS. Đặng Huy Ruận
1999 - 2006: GS. Phạm Kỳ Anh
2006 -2008: GS. Nguyễn Hữu Dư (em thầy Nguyễn Hữu Ngự - học K16 đi bộ đội về tốt nghiệp K20 - nay là Hiệu phó Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HN)
2008 - 2011: PGS. Vũ Hoàng Linh
Chủ nhiệm khoa Lê Văn Thiêm
Lê Văn Thiêm (1918-1991) là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học toán học đầu tiên của Việt Nam, một trong số các nhà khoa học tiêu biểu nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20.
GS Lê Văn Thiêm và các Giáo sư tại Khu học xá Nam Ninh (1951)
Ông sinh ngày 29 tháng 3 năm 1918 tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Năm 1939, ông thi đỗ thứ nhì trong kỳ thi kết thúc lớp P.C.B (Lý - Hoá - Sinh) và được cấp học bổng sang Pháp du học tại trường Đại học Sư phạm Paris (école Normale Supérieure). Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học ở Đức năm 1945 về giải tích phức, Luận án Tiến sĩ Quốc gia ở Pháp năm 1948 và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ vào năm 1949. Ông mất ngày 3 tháng 7 năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Người ta đã phải mất rất nhiều công sức tìm hiểu mới có thể tìm tư liệu về GS Lê Văn Thiêm giai đoạn 1943-1946, nhưng lại không có nhiều thông tin về thời kỳ 1946-1949. Nhờ vào hai Giáo sư H. Esnault và E. Viehweg từ Đại học tổng hợp Essen, Đức, mới biết được thời gian GS Lê Văn Thiêm ở Đức. Ông tốt nghiệp Thạc sỹ năm 1943 tại Paris, sau đó ông sang làm luận án Tiến sỹ tại Đại học tổng hợp Göttingen với học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt. Ông bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Đại học tổng hợp Göttingen (hồ sơ bảo vệ số Math.Nat.Prom. 0728). Tên của luận án là "Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên". Người hướng dẫn luận án tiến sỹ của ông là nhà toán học Hans Wittich. Buổi bảo vệ được tổ chức vào ngày 4/4/1945, bằng tiến sỹ được trao vào ngày 8/4/1946. Điểm đánh giá trung bình: Giỏi. Ông là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sỹ toán, lại bảo vệ tại trung tâm toán học nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ là Đại học tổng hợp Göttingen
Giáo sư Lê Văn Thiêm là một tài năng toán học xuất sắc, tầm cỡ quốc tế, là người có công đầu đặt nền móng xây dựng và phát triển nền toán học Việt nam. Ông là một trong những người đầu tiên giải được bài toán ngược của lý thuyết phân phối giá trị hàm phân hình, hiện nay trở thành kết quả kinh điển trong lý thuyết này.
Năm 1963, nghiên cứu công trình về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ, vận dụng phương pháp Lavrentiev, giáo sư Thiêm cùng các học trò tham gia giải quyết thành công một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Ông đã ứng dụng hàm biến phức sang các lĩnh vực khác như: lý thuyết đàn hồi, chuyển động của chất lỏng nhớt. Kết hợp nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng, Lê Văn Thiêm đề xuất một phương pháp độc đáo sử dụng nguyên lý thác triển đối xứng của hàm giải tích để tìm nghiệm tường minh cho bài toán thấm trong môi trường không đồng chất. Công trình này được đánh giá cao, được đưa vào cuốn sách chuyên khảo “The Theory of Groundwater Movement” (Lý thuyết chuyển động nước ngầm) của nữ Viện sĩ người Nga P.Ya. Polubarinova Kochina, xuất bản ở Moskva năm 1977.
Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học (1975-1980), và là chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam. Ông cũng là tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt nam: tạp chí “Acta Mathematica Vietnamica” và “Vietnam Journal of Mathematics”. Ông là Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (1956 – 1980). Ông là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Sư phạm Khoa học) và Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (khi đó có tên là Đại học Khoa học Cơ bản) giai đoạn 1951-1954.
Lê Văn Thiêm và Hoàng Tuỵ là hai nhà toán học Việt Nam được chính phủ Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 vào năm 1996 về những công trình toán học đặc biệt xuất sắc. Giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học Việt Nam dành cho những người nghiên cứu, giảng dạy toán và học sinh giỏi toán xuất sắc ở Việt Nam được trao hàng năm
Đầu năm 2007, UBND thành phố Hà Nội có quyết định đặt tên đường Lê Văn Thiêm nối từ đường Lê Văn Lương đến đường Nguyễn Huy Tưởng. Lê Văn Thiêm là nhà Toán học Việt Nam đương đại đầu tiên được đặt tên đường. Trước đây đã có hai đường mang tên Lương Thế Vinh và Vũ Hữu là hai nhà Toán học từ thế kỷ XV ở Việt Nam được đặt ở Hà Nội.
Đầu năm 2007, UBND thành phố Hà Nội có quyết định đặt tên đường Lê Văn Thiêm nối từ đường Lê Văn Lương đến đường Nguyễn Huy Tưởng. Lê Văn Thiêm là nhà Toán học Việt Nam đương đại đầu tiên được đặt tên đường. Trước đây đã có hai đường mang tên Lương Thế Vinh và Vũ Hữu là hai nhà Toán học từ thế kỷ XV ở Việt Nam được đặt ở Hà Nội.
Chủ nhiệm khoa Hoàng Tụy
Giáo sư Hoàng Tụy, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1927 tại Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam.
Tháng 5 năm 1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại trường trung học Lê Khiết ở Liên khu V. Năm 1951, ông theo học Trường khoa học do Lê Văn Thiêm phụ trách. Năm 1954, Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại trường Đại học Khoa học, sau là Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 3 năm 1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán-lý tại Đại học Lomonosov tại Moskva (người thứ hai là Nguyễn Cảnh Toàn, sau là Hiệu trưởng ĐHSPHN). GS Hoàng Tụy và Ng. Cảnh Toàn là 2 người VN đầu tiên bảo vệ luận án phó tiến sĩ toán lý ở Liên Xô (cũ).
Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội; là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1990.
Năm 1964, ông đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).
Vào tháng 8 năm 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục", được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi. Tháng 12 năm 2007, một hội nghị quốc tế về "Quy hoạch không lồi" được tổ chức ở Rouen, Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS Hoàng Tuỵ cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành Tối ưu toàn cục nói chung nhân dịp ông tròn 80 tuổi.
Mới đây, ông là người đầu tiên trên thế giới vừa được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng Caratheodory.
GS Trần Văn Nhung đã khái quát về Ông như sau: GS. Hoàng Tụy là một nhà toán học xuất sắc, nổi tiếng thế giới, nhà sư phạm mẫu mực, người có nhiều ý tưởng ở tầm chiến lược trên quan điểm hệ thống về sáng tạo toán học, về chấn hưng khoa giáo và trên cả là xây dựng và phát triển đất nước.
(Nguyễn Vĩnh Thuận - Bài gốc xin xem ở: http://k16toanco.info/node/482 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét