Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Yêu thời đồ đểu S5

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU (KỲ 44)


                

Bà Phu nhân giật mình nhớ ngay tới lá bùa lão Thuộc đang làm , nó cũng mang lại nhiều may mắn. Bà vội hỏi :

“ Hạt may mắn ? Là cái hạt gì ?”

“ Con nói ra má phải mua nha…”

“ Thì cứ nói ra, lỡ nó là hạt xoàn to bằng lỗ rún kia tiền đâu mua ?”

Cô tiểu thư cười khúc khích :

“ Má đoán đúng rồi đó, điều nó nhỏ xíu à, chỉ 6 ly 3 thôi, số bù là 9, số may mắn đó má…”

“ Rồi làm sao mà gắn vô đó ?”

“ Dễ ợt, tụi nó còn gắn lên mũi nữa kìa…”

“ Thôi thôi, bữa nay ba cô tới, đi thay đồ đi, ổng mà trông thấy  ăn mặc vầy ổng giết.”

“ủa ...đâu có được , trưa nay con đi sinh nhật anh Phan mà…”

Bà Phu nhân lại giật mình, Phan chính là thằng “cằm bạnh”, con trai ông lớn  ngoài Hà Nội. Nghe Kim Anh kể ông mở một tài khoản trong mơ cho cậu quý tử phá tiền. Chỉ riêng một bữa nhậu sơ sơ, cậu gọi 20 chai XO, bao cả nhà hàng luôn cả dàn tiếp viên hết 200 triệu mà cậu phảy tay thanh toán coi như chuyện nhỏ.

“ Tiệc sinh nhật trưa nay có cả xổ số nữa má, giải độc đắc  xe Dylan,  giải nhất  xe Air Blade , nhỡ con trúng mang xe về thì sao ? Bởi vậy ba tới thì tới  con đâu bỏ được ?”

Bà Phu nhân không mong cô mang về xe máy, bà chỉ muốn cô bắt thân với gã “cằm bạnh” giúp bà chạy chức cho ông. Chỉ tiếc dung nhan cô tiểu thư thế kia đến thằng xe ôm cũng chẳng thèm ngó, huống hồ quý tử con nhà VIP. Bà thở dài :

“ Nếu vậy phải đi luôn, ba cô về tới là kẹt…Nhớ mời cậu Phan xuống tỉnh  chơi , chạy được cho ba cô trúng khoá tới, tôi mua cho cô cái hạt ấy liền”

Cô tiểu thư nhảy lên :

“ Má nhớ đó nha, nhớ giữ lời hứa nha…”

Cô tiểu thư vừa nhảy chân sáo ra khỏi phòng, lão Thuộc đã gọi điện tới. Thôi giao việc này thằng thư ký chứ còn biết sao . Gã này nghe xong điện đành phải buông con bé Gái ra, mẹ kiếp trận cầu mới chỉ đá dọn bãi, chưa làm bàn quả nào đã phải giải tán có tức không ? Gã càu nhàu :

“ Mày ra cửa kêu xe ôm về trước, tối tao ghé…”

Con bé giãy nảy :

“ í đâu có được, chú tới nhỡ có ai nhìn thấy chết cả cháu…”

“ Vậy mày tính sao ?”

“ Chú phải tính chớ, cháu đâu có biết, có điều chú đừng cho cháu ăn kẹo  nữa nha…mỏi răng…”

Nói xong nó cười hích hích làm gã thư ký ngượng đỏ cả mặt. Mẹ cái con này, nó chê mình keo kiệt đây mà, chẳng hiểu ông Chủ tịch cho nó bao nhiêu mà nó cao giá thế ? Gã mơn trớn :

“ Cháu cứ cho chú cái đó rồi cần nhiêu chú cũng cho…”

“Mèn ơi, cháu chả tin, tới lúc đó chú đưa được mấy tờ làm sao cháu đòi…”

Gã thư ký lắc đầu, con nhỏ này thật ngang tài bà Phu nhân chứ bỡn ?

Về tới nhà, con bé Gái chạy ra vườn tìm chỗ dấu tiền. Nó cứ lần mò từng gốc cây coi có cái hốc nào. Mèn ơi, vườn quá rộng lại toàn cây thiên tuế thân nhỏ chỉ được cái tán lá rộng. Nó đi mỏi chân chẳng tìm được chỗ nào vừa ý đành ngồi nghỉ lại trên ghế đá.

Ai chà, đúng chỗ này tối hôm đó lần đầu tiên ông Chủ tịch tỉnh gọi nó tới đây. Sau giây phút lịch sử đó, như có một vụ big bang bùng nổ trong người,  nó đi lại, nói năng , suy nghĩ, cảm xúc như người trúng số. Mới nửa tháng trời ngắn ngủi nó đã có được số tiền bằng cả đời má nó đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng chẳng kiếm được. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức mục tiêu, ý nghĩa của đời sống ào ào  trỗi dậy: đào thoát thân phận bọt bèo, vùng quê nghèo nàn và tăm tối nơi nó sinh ra và lớn lên càng nhanh càng tốt. Tiếng chuông ngoài cổng làm nó chợt tỉnh . Ai vậy cà ? Không lẽ gã thư ký mò tới đòi những gì còn dang dở lúc sáng ? A không nha, vậy đã dứt số tiền gã đưa, giờ muốn nữa phải đưa thêm chứ bộ ?

Kể cũng lạ, cái đầu non nớt của nó từ nay chỉ còn phản xạ theo cách đó. Nó dấu vội bọc tiền vào buồng trong rồi lững thững ra cổng. Hoá ra không phải gã thư ký mà một gã thanh niên lạ mặt, nhỏ thó, cặp kính trắng to tướng nghễu nghện trên gương mặt choắt choeo.

“ Nhà ông Chủ tịch đi vắng hết phải không em?”

“ Anh cần gặp ai ?”

Gã lạ mặt cất giọng ngọt lừ :

“ Anh  muốn gặp em chút xíu được không ?”

Ai chà, giờ đây đã có người cần gặp nó rồi đấy, chẳng bù mọi khi, toàn xin gặp ông bà Chủ tịch và cô Kim Anh thôi, còn nó chỉ được coi như cái bàn cái ghế trong nhà. Nó gặm nhấm cái nỗi tự hào đó, không trả lời cứ để mặc gã kia cóm róm chờ đợi. Đôi mắt ti hí ẩn sau cặp kính cứ cắm xuống đất chứ chẳng xăm xoi vào ngực nó như gã thư ký hoặc ông Chủ tịch. Bởi vậy chắc gã muốn gặp nó không phải vì cái chuyện kia. Vậy cần gì gặp . Tự dưng nó cáu kỉnh :

“ Chờ ông bà chủ với  cô Kim Anh về  tha hồ gặp…”

“ Ay không không, anh cần gì mấy người đó, anh chỉ muốn gặp em thôi…”

“ Tôi có cái gì mà phải gặp. À thôi hiểu rồi, anh mon men tính chuyện leo tường vào nhà chứ gì ? Còn lâu ạ, chú cảnh vệ sắp tới gác rồi, anh đi đi không họ bắt đó…”

Gã mang kính bật cười :

“ Trời ơi, anh có phải kẻ trộm đâu, anh là nhà báo đoàng hoàng chớ bộ…”

 Gã út ra cái thẻ vàng vàng đưa cho con bé Gái, nó gạt đi :

“Giấy má đưa cho cảnh vệ kìa. Còn anh muốn gặp tôi có chuyện gì nói đại ra đi…”

Hoá ra gã đó là nhà báo Bút Thọc muốn gặp con bé Gái để moi chuyện gia đình ông Chủ tịch tỉnh. Gã cười khì khì, cất giấy vào túi  và đưa ra một cái gói.

“ Coi nè…đẹp chưa ?”

Con bé Gái như bị hớp hồn. Chiếc dây chuyền vàng sáng loé trong lòng bàn tay gã Bút Thọc. Hàng ngày nó chỉ được thấy cái đó trên cổ bà Phu nhân và cô Kim Anh , chưa bao giờ dám tơ tưởng tới. Ay thế mà lúc này, bỗng dưng có người muốn  dâng cho nó mới lạ. Nó lắp bắp :

“ Đâu ra vậy anh ?”

“ Tặng em đó…”

“ Mắc mớ gì tặng ?”

“ Thì đi uống cà phê nói chuyện chơi thôi…”

Nói chuyện chơi có sao đâu ? Đi thì đi, mất gì của nhà mình mà còn được cái dây chuyền, nó tót lên sau xe , hào phóng ôm chặt eo gã nhà báo và chỉ cho gã quán cà phê vắng  gần nhà. Suốt một tiếng đồng hồ chẳng moi được chuyện gì đáng kể về gia đình ông Chủ tịch , gã sốt ruột hỏi bâng quơ :

“ Làm việc vất vả thỉnh thoảng bà chủ có thưởng cho em không ?”

“ Thưởng gì mà thưởng, bả kẹo thấy mồ tổ…”

“ Vậy chắc ông chủ cũng “trùm” vậy ?”

“ Không không, ông chủ khác, ổng cho tiền hoài à ?”

“ Cho bạc cắc đủ mua được ly nước mía , đúng không ?”

Con bé Gái vênh mặt :

“ Mua được mấy cái dây chuyền anh cho tôi đó…”

Gã nhà báo như mèo ngửi thấy mùi chuột :

“ Vậy kia à ? Mà bà chủ biết không ?”

“ Sức mấy biết…ổng cho riêng tôi mà…”

Gã nhà báo hỏi độp :

“ Làm gì cho nhiều dữ vậy ?”

Con bé Gái chợt im bặt, mặt nó đỏ bừng như say rượu. Nó nhận ngay ra là nó hớ rồi, giờ làm sao sửa được đây ? Gã nhà báo cười hề hề :

“ Chắc em cho ổng … sờ hả ?”

“ Tầm bậy sờ cái gì mà sờ ?”

“ Thì sờ cái đó đó…”

Con bé Gái đứng bật dậy, quắc mắc tỏ vẻ giận dữ, hứ một cái nguây nguẩy ra khỏi quán. Gã nhà báo nhìn theo cười đắc chí rồi lấy bút ghi vào sổ tay : “ Ong Chủ tịch tỉnh “dê” con nhỏ người làm. Tiếp tục điều tra…”. Gã tự thưởng một ly rượu, đó là thói quen mỗi khi phát hiện được thông tin quý hiếm. Gã lôi máy ghi âm trong túi xách ra nghe lại cuộc đối thoại vừa nãy.

Mẹ kiếp con nhỏ này hỏi gì cũng không biết, không biết, tuy thế chắp nối những câu chuyện rấm rẳn của nó, gã cũng hình dung được nếp sinh hoạt  nhà ông Chủ tịch, rượu lễ tết người ta biếu chất đống trong kho, lâu lâu bà Phu nhân lại kêu mối chở đi, rồi hồ kiếng nuôi tôm hùm, ba ba, cá song.. chuồng rắn, nhím, cày hương…lúc nào cũng sẵn sàng đãi khách.

Những chuyện này chẳng có gì đặc biệt, gã thừa hiểu quan tỉnh nào chẳng thế. Có ông chơi ngông còn đào cả hồ bán nguyệt, xây vườn Thượng uyển với đủ thứ chim hoa cá cảnh ấy chớ. Nhưng “xài ẩu” cả con hầu , đầy tớ trong nhà thì quả thực ông Chủ tịch này to gan, bất chấp  vợ con lẫn miệng tiếng người đời. Khi không còn biết sợ là gì nữa thì tức là mất ghế tới nơi rồi. Luật chơi nó vậy mà. Thời nay khối anh “dọc ngang nào biết trên đầu có ai ” chẳng ngã ngựa chết đứ đừ là gì ?

“Đấu tranh giữa các mặt đối lập”  điều gã học được hồi chân ướt chân ráo cắp sách vào học Khoa báo chí Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, ngày nay đã biến tướng thành cuộc đấu đá giữa các phe nhóm. Hoặc phò phe này hoặc “đầu quân” phe kia, chẳng ai đứng ngoài mà tồn tại được.Viễn ảnh tươi sáng làm gã thêm vững tâm thu thập, điều nghiên tin tức , đợi thời cơ, khi ông Sáu Bí thư bật đèn xanh sẽ tung lên mặt báo quật ông Chủ tịch một cái chết tươi.

Lúc này con bé Gái đang ghé tiệm vàng. Nó vẫn chưa hết lo chuyện “bật mí” vừa rồi lỡ đến tai ông Chủ tịch thì chèn ơi, cắp nón ra đi là cái chắc, dại, dại quá thật,  bán quách cái dây chuyền vàng này đi cho mất tang tích, ông Chủ tịch có hỏi tới  cứ chối biến là xong. Bà chủ tiệm cầm cái giây lên tay, lật qua lật lại, xem xét kỹ càng rồi lấy đèn hàn phụt lửa vào nó làm hiện ra lớp muội đen sì.

“ Vàng rởm…trả lại…”

Í trời ơi, câu nói gọn thon lỏn của bà chủ tiệm như sét đánh ngang tai. Nó trợn mắt :

“ Cô nói gì kỳ vậy ? Vàng thiệt đấy chớ rởm hồi nào ?”

“ Cô đi ngay đi không tôi kêu công an tới bắt cô giờ, tính lừa đảo hả ?”

Nó hoảng hồn vơ vội cái dây chuyền chạy ra khỏi tiệm. Thằng khốn nạn, thằng lừa đảo, thằng chết  đâm chết chém, vừa đi nó vừa chửi lảm nhảm. Quả thực từ lúc rời quê nhà yêu dấu ra đi “đổi đời” trên tỉnh, đây là lần đầu tiên nó ăn phải “quả lừa” đắng thiệt đắng. Chao ôi lúc này giá trong tay có cục gạch nó sẵn sàng choảng vào đầu thằng nhà báo cho dịu ngọn lửa giận đang đùng đùng trong lòng nó. Gã Bút Thọc chẳng hay biết gì, vẫn ung dung ngồi nhấm nháp ly rượu, bất chợt một cái túi xách vả đốp vào mặt, nổ đom đóm mắt, kính văng xuống bàn. Gã hoảng hồn chưa biết sao, con bé Gái đã sấn tới tru tréo :

“ Anh lừa tôi…anh lừa tôi…”

                          

                       (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét