Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU T2

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU ( KỲ 51)

                                            


Nhiều năm nay làn sóng chơi đêm kiểu Sàigòn đã tràn về tỉnh, phải sau 2 giờ sáng, nhà hàng “Đêm màu hồng” mới thực sự hoạt động hết công suất . Trên sàn nhảy tầng thượng , các cô cậu choai choai phần lớn “con anh Sáu cháu anh Ba” hoặc bố mẹ giàu xổi nhờ mua bán đất rừng cao su tập toạng ăn chơi, nhảy nhót chân tay quờ quạng ,vung vẩy cứng như gỗ. Phòng ốc dù trang trí sang trọng theo mốt thành phố, nhưng các chú “Hai Lúa” tiêu bạc xấp vẫn thượng cẳng chân chồm hổm trên ghế hoặc vạch áo gãi sồn sột bất chấp mấy em tiếp viên xinh đẹp tuyển từ Sàigòn xuống, lễ phép khoanh tay đứng hầu, sẵn sàng phục vụ  Thượng đế. 
Tất nhiên nếu công an và văn hoá bảo kê sức mấy ốc đảo ăn chơi ầm ĩ này tồn tại đêm miền quê yên ả. Do vậy ngoài khu “dân sự”, nhà hàng giành hẳn một lầu cho khách VIP gồm cán bộ trung ương vào, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh tới thư giãn, ký tắt hợp đồng béo bở. Khu vực yếu nhân này bất khả xâm phạm , các đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá, công an, quản lý thị trường  thỉnh thoảng “nhảy dù” xuống nhà hàng ra vẻ kiểm tra đột xuất cũng chỉ được phép xâm nhập các lầu  khác, lập biên bản vi phạm lặt vặt , nhận phong bì rồi về, tuyệt đối không dám mon men tới khu vực VIP .
Kim Anh vừa đặt chân vào nhà hàng, lập tức bà quản lý đã nhận ra ái nữ đồng chí Chủ tịch tỉnh. Ai chà, đụng thứ dữ rồi , mà sao giữa đêm hôm con nhỏ mò vào đây ăn uống ? Hay đi lùng sục bồ bịch? Bà te tái bước tới dắt tay cô tiểu thư lên phòng VIP phớt lờ những con mắt tò mò khắp bốn xung quanh .
Cô tiểu thư chợt nhận ra cô bạn Tuyết Nhi đang ngồi góc phòng với gã cằm bạnh. Í trời ơi, con nhỏ con chú Ba Giám đốc công an rước gã đười ươi này về tỉnh hẳn muốn móc nối cho ba nó leo ghế đây, phải chi mình mời được gã tới nhà chơi, lợi cho ba biết mấy. Nghĩ vậy Kim Anh  bước tới bàn Tuyết Nhi ra vẻ mừng rỡ :
“ Chào anh…anh  cũng ghé đây kia à ?”  
Gã cằm bạnh dốc tuột ly rượu vào miệng, cau mày,  vỗ vỗ trán :
“ Oi bé yêu của anh, bé cũng đi “đá đèn” à …lại đây, lại đây với anh…”
Nói rồi gã lôi tuột Kim Anh lên lòng , thọc tay vào ngực cô nhăn nhở :
“ Nhớ hung , nhớ hung…mới xa mấy đêm đã  nhớ hung…”
Kim Anh cười rú, dãy dãy đôi chân trần dưới chiếc váy ngắn. Tuyết Nhi tròn xoe cả mắt nhìn thằng cha vừa mới “anh anh em em” với mình ngọt xớt , thoắt cái đã ngấu nghiến con bạn ngay trước mũi mình. Lửa giận với hơi rượu bốc lên đùng đùng, cô đập ngay cái ly xuống bàn quát to :
“ Thằng cà chớn…”
Cô vừa quay ngoắt bước đi lập tức thằng cầm bạnh vươn tay kéo lại, lẳng lặng tát bốp vào mặt Tuyết  Nhi :
“ Ngồi xuống, ngồi xuống  không tao bảo tụi  nó ném xuống lầu giờ. …”
Tuyết Nhi còn ròng ròng nước mắt vì cái tát nổ đom đóm , gã đã lôi thốc cô vào lòng hôn tới tấp lên mặt :
“ Nín đi, nín đi, qua đền bù cho hí … rồi mình chơi tay ba cho dzui hí…”
Gã xoay tới xoay lui làm Tuyết Nhi hết cả giận thậm chí còn cười rinh rích, rồi cùng với Kim Anh, hai cô tiểu thư tranh nhau rót rượu và tiếp đồ nhậu cho gã. Lạ thay càng uống mặt gã càng sạm tái đi, cằm càng bạnh ra . Gã vẫy một thằng mặt mũi cô hồn từ nãy vẫn khoanh tay đứng xa xa :
“Mày đuổi hết ra rồi đóng cửa lại cho qua…”
Nói rồi nó móc túi ra hai viên thuốc hồng hồng nhét miệng Tuyết Nhi và Kim Anh bắt nuốt theo rượu :
“ Uống đi, uống đi cho phê rồi cùng vui với qua…”
Chẳng mấy chốc hai cô tiểu thư  cảm thấy như có luồng nhiệt chạy rần rần khắp người, đôi bàn tay đàn ông mỗi lúc xục xạo thô bạo hơn làm hai cô oằn cả người, bốc lên bừng bừng, nhào luôn vào trò chơi tay ba cuồng loạn với gã cằm bạnh ngay trên sàn gỗ bóng loáng.
Lúc này bà Phu nhân đang ngủ mê mệt trên chiếc giường nhỏ trong phòng cấp cứu ông Chủ tịch tỉnh. Chẳng hiểu sao bà lại nằm mơ thấy đang đi đưa đám ông. Oi chao ôi sao mà lắm vòng hoa thế rồi cơ man  xe con nối đuôi nhau dài cả ki lô mếch , cơ man người kéo tới đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà loáng thoáng nghe thấy ông Sáu Bí thư đứng bên huyệt mộ đọc điếu văn :
” Tổn thất này thật là to lớn …đau thương này thật là xót xa…toàn Đảng và toàn dân tỉnh ta ghi nhớ công lao của đồng chí, quyết biến đau thương thành hành động…Chúng ta thề…”
 Rồi lần lượt khắp các cán bộ ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh lần lượt diễu qua. Nào ông Sáu Bí thư, ông  Năm Giám đốc Sở nông nghiệp, ông  Tám  Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư, ông Ba Giám đốc Sở công an, ông Chín Giám đốc  Sở lao động và xã hội…cả ông Năm Vỉa, Trưởng Ban tổ chức tỉnh uỷ, tình địch của ông Chủ tịch cũng có mặt . Bà bỗng bủn rủn cả người khi thấy xuất hiện cậu Bảy lái xe ngày trước, mặt mũi nát bét vì đòn hội chợ của hai mẹ con bà, ông Ba Tạ rúm ró trong bộ đồ rách nát . Hai người cứ lừng lững đi tới trước mặt làm bà hoảng hồn hét toáng lên. Vừa lúc đó tiếng chuông điện thoại thúc vào tai làm bà tỉnh giấc . Bà lạnh toát cả người, nhìn quanh căn phòng vẫn lặng ngắt, tiếng máy lạnh rì rì và tiếng thở đều đều của ông Chủ tịch nằm  giường bên. Chuông điện thoại di động vẫn rền rĩ bên tai, bà bực mình :
“ Ai đó, mới sáng sớm đã gọi ?”
Bên kia đầu dây có tiếng cười khà khà và tiếng lão Thuộc cất lên :
“ Bà nói cái gì ? Sao lại sáng sớm ? Sắp chiều rồi bà…”
Oi trời ôi, hoá ra bà đã ngủ một mạch suốt từ mờ sáng tới giờ,  mấy cô y tá vào săn sóc ông không dám thức bà dậy. Tiếng lão Thuộc lại vang lên lạnh lẽo :
“ Thưa bà, bà còn nhớ hẹn sáng nay chớ ?”
Bà Phu nhân bực mình :
“ Hẹn hò gì ? Tôi đâu nhớ hẹn hò với ông cái gì ?”
“ Mới đó bà đã quên rồi ? Bà còn nhớ đêm qua ai đã cứu sống ông Chủ tịch chớ ?”
Lúc này bà Phu nhân mới tỉnh, nhớ ra mọi chuyện, phải rồi lẽ ra sáng nay phải cho thằng thư ký mang tiền trả lão Thuộc. Bà cáu kỉnh :
“ Tôi nhớ rồi, sao ông nôn quá vậy, từ từ tôi sẽ cho nó mang tới .”
Bà tắt máy nhìn chằm chằm mặt ông Chủ tịch chìm trong giấc ngủ. Cũng chỉ vì ông hám của lạ bà mất đứt 5 ngàn đô la. Oi  trời  ôi  những năm ngàn đô la Mỹ , một đống tiền to bỗng chốc tiêu tan vì việc không đâu . Mà sao cái lúc đó bà lại phóng tay chi tiền đến thế kia chứ ? Giờ phải móc ra thật rồi. An quỵt của thằng  cha Thuộc này đâu có được. Lão đã nắm quá nhiều bí mật chết người , trở mặt thì hiểm hoạ khôn lường. Máu giận trong bà bỗng bốc lên đùng đùng. Tất cả cũng chỉ tại con cháu họ xa trời đánh thánh vật kia thôi. Mới nứt mắt ra đã ngứa nghề. Mà nó “dê” ai kia chớ, nhằm đúng vào ông ngoại nó. Rõ thật nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Phen này phải băm vằm mổ xẻ nó ra. Bà nghiến răng ken két, mắt trợn ngược như thể con bé Gái  đang đứng trước mặt. Phải  lẳng lặng trị tội nó cho tan nát cuộc đời, cho sống không nổi, chết không xong mà vẫn phải kín miệng giữ uy tín cho ông chồng Chủ tịch tỉnh của bà.
Ong thức giấc và cơn giận đang thiêu đốt gương mặt bà là thứ ông nhận ra đầu  tiên. Trước hết là đôi mắt, lúc này tròng đen đã chạy đâu mất, trợn lên toàn mầu  trắng, cứ như không phải bà đang nhìn  mà đang nhai bất kể thứ  gì cặp mắt bà hướng tới. Ong rùng mình thấy ớn, lúc này tốt hơn hết tránh cho xa, ông nhắm mắt vờ ngủ mà vẫn cảm thấy ánh mắt  bà xói lên mặt.
Tiếng bà gọi điện cho ai đó làm ông nhớ ra tấn bi hài kịch ghế đá trong vườn đêm qua. Đáng sợ nhất đó là một sự kiện nằm ngoài mọi dự đoán, ngoài tầm kiểm soát , ngoài tầm “quản lý” của ông. 
Từ nhiều năm nay, toàn bộ cuộc sống của ông dường như  đã vô quy hoạch cả, mọi công việc đều đã lên lịch,  mọi người xung quanh hay dở tốt xấu ra sao đều đã biết rõ, cuộc sống phát triển  theo “chiều hướng tất yếu”,  chẳng có sự bất ngờ nào đáng làm ông kinh ngạc nữa.
Thế rồi chuyện con bé Gái xảy tới nằm ngoài mọi tưởng tượng xa nhất của ông. Lẽ ra ông phải là người “quấy rối tình dục”, nó phải là nạn nhân, vậy mà trớ trêu thay,  một năng lượng thần bí nào đó đã đảo ngược hết cả, biến con bé Gái thành một con hổ cái và kẻ bị cưỡng đoạt lại là…chính ông mới chết chớ. Chuyện đó làm ông kinh hoàng chẳng kém gì chuyện những người dân hiền lành xưa nay vẫn cung kính cúi rạp mình, vẫn nín nhịn khi vợ bị quỵt lương, quỵt ngày công, con bị đuổi học vì không lo nổi các khoản đóng góp, ấy thế rồi một ngày kia, động rừng, động biển sao đó, bỗng dưng họ đùng đùng nổi giận, tụ tập thành đám đông, tay dao tay búa tràn vào trụ sở lôi ông ra đòi trị tội. Hoá ra chuyện con bé Gái đè ông suýt chết lại gây cho ông những ý nghĩ hoàn toàn khác, chẳng dính dáng gì đến chuyện “mèo mỡ” đang làm bà Phu nhân nổi cơn ghen.
                             (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét