Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Yêu thời đồ đểu

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU ( KỲ 53)

          

Mười  Vẻ điếng người, không ngờ  chuyện xưa đến vậy lão vẫn ghi sổ nợ sẵn sàng nhắc khi cần . Nguyên hồi đó Mười  Vỉa được triệu tập về dự lớp bồi dưỡng báo cáo điển hình trong Đại hội chiến sĩ thi dua đi đầu diệt Mỹ toàn tỉnh. Đang trên rừng thiếu thốn mọi bề nhất khoản đàn bà, được tập trung trong vùng “ da beo”, Vỉa ta sướng bằng lên tiên. Thế rồi một buổi sáng Mười Vỉa bỗng mất tích cùng vợ đồng chí khoa giáo tỉnh ủy . Toàn đơn vị nhốn nháo đặt trong tình trạng báo động, mãi trưa mới phát hiện hai người tồng  ngồng ôm nhau dưới hầm nhà ăn.

Đồng chí khoa giáo nghe tin vợ cắm sừng giữa thanh thiên bạch nhật xách súng chạy đi tìm   Mười  Vẻ . Đoàng  đoàng  ôi chao ôi đạn sượt qua bên má còn nóng rẫy. Thằng Mười  Vỉa  kinh hồn táng đởm vội quỳ xuống xin tha tội theo kiểu giang hồ hối lỗi. Đồng chí khoa giáo chấp nhận cho gã xin lỗi, tuy nhiên để đảm bảo uy tín đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua , thằng Mười Vẻ phải ra Bắc  học trường học sinh miền Nam…

Chuyện đó lẽ ra phải chôn chặt, không ai được tò mò hỏi vì sao lỗ tai đồng chí Mười Vẻ, đương kim Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ  lại có vết đạn bắn sượt qua, cũng chẳng mấy người biết được cái vết ô nhục của tuổi trẻ mà đồng chí chỉ mới xoá được trong lý lịch còn vết sẹo vành tai thì vĩnh viễn nằm  đó. Ong Chủ tịch nhắc lại chuyện cũ chẳng qua  nhắc nhở  Mười Vẻ biết thân biết phận đừng giỡn mặt đàn anh, chẳng ngờ gã nổi đoá :

“ ĐM , chuyện  đó có là cái gì mà anh Hai nhắc hoài vậy ? Bây giờ cán bộ cao cấp còn đi chơi cả gái vị thành niên nữa kìa….”

Cả hai vợ  chồng ông Chủ tịch cùng giật thót, muốn nảy tim . Í trời ơi, không lẽ chuyện ông Chủ tịch ăn nằm với con bé Gái đã lộ , lọt tới tai gã Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ này rồi sao ?

Bà Phu nhân lo cuống quít :

“ Chú…chú Mười nói vậy là sao ? Lại có cả chuyện đó nữa kìa ? Cán bộ cao cấp mà chơi gái vị thành niên ?”

Gã Mười Vẻ nhìn  bà Phu nhân cười nhạt  :

“ Chị Hai làm gì cuống lên vậy ? Hay anh Hai  dính dấp cháu nào rồi ?”

Ong Chủ tịch quát :

“ Tầm bậy mày ? Bả lo cho cho uy tín cán bộ nói chung ấy chớ, mắc mớ gì tới tao ?”

Gã Mười  Vẻ cười  khà khà :

“ Chị Hai ý thức bảo vệ đảng cao ghê vậy đó. Nếu vậy chị còn lo dài dài, ba đồng chí đó giờ chơi bạo lắm, toàn làm thịt các cháu nhí nhí không à ? Xu hướng thời đại mà…”

Ong Chủ tịch làm bộ phẫn nộ :

“ Mày nói gì ghê vậy Mười, cán bộ cao cấp được trui rèn trong lửa đạn làm gì có chuyện đó…”

Gã Mười Vẻ cười  ha hả :

“ Ủa  chú Hai quên hả, mấy năm trước Lương Quốc Dũng , Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể thao , rồi Nguyễn Minh Phương, Viện Phó Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương…chơi gái vị thành niên bị lập biên bản kìa. Tỉnh mình chắc cũng có đấy, chỉ chưa…bị lộ thôi…”

Ong Chủ tịch tái mặt :

“ Mày có chắc không ? Nó là thằng nào cho tao biết ngay tao trị nó …”

Gã Mười Vẻ nhìn đăm đăm vào mặt ông Chủ tịch “

“ Anh Hai quên nguyên tắc bảo vệ đảng rồi hả ? Nếu cán bộ đảng viên có sai  phạm phải để Ban nội chính điều tra, kết  luận rồi tuỳ chỉ đạo Thường vụ hoặc xử lý nội bộ hoặc  đưa ra pháp luật xử lý. Anh Hai là Chủ tịch Uỷ ban thuộc bên chính quyền đâu có trách nhiệm chuyện đó…”

Ong Chủ tịch biết mình trái lè, đành im cho thằng “nhãi ranh” giảng giải nguyên tắc tổ chức đảng. Bản lĩnh ông Chủ tịch thật đáng khen, ông nhẫn nhục ngồi nghe không cãi nửa lời, thậm chí còn ra vẻ chăm chú nghe và gật gật. Sau cùng gã tổ chức tỉnh uỷ cũng chuyển đề tài :

“ À quên, có việc hỏi anh Hai, ông Tổng biên tập báo “Tỉnh nhà đổi mới” muốn có bài phỏng vấn Chủ tịch tỉnh về Khu chế xuất mà đề đạt mãi bên Uỷ ban chưa chấp nhận , họ xin ý kiến thường vụ, anh Hai thấy sao ?”

Thế là đã rõ rồi, anh Sáu Bí thơ muốn ra đòn , mượn tay báo chí đây , mẹ kiếp, cái trò này ai chẳng biết. Ong Chủ tịch nghĩ bụng vậy miệng vẫn tươi cười :

“ Chuyện nhỏ, tháng rồi tao lu bu công chuyện chưa muốn phỏng vấn . Vả lại cũng phải chờ coi có dịp gì không đã chớ, khi không bầy đặt chuyện phỏng vấn phỏng véo coi sao được ?

Gã Mười Vẻ cùng cô cán bộ văn phòng tỉnh uỷ ra về rồi còn để lại cho vợ chồng ông Chủ tịch nỗi lo âu nặng trịch. Không ai nói với ai , mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng, sau cùng bà Chủ tịch thở đánh sượt, đay nghiến :

“Ong đã thấy già rồi còn dại chưa ? Chuyện của ông mà lọt  tới tai thằng chó này thì nó lột da ông. Mồm miệng nó cứ anh anh em em ngọt xớt mà chỉ rình mình hở ra là nó cắn…”

Ong Chủ tịch nghiêm mặt :

“ Chuyện đã ra thế phải bình tĩnh, trách móc, mắng mỏ chỉ làm rối đầu óc còn ứng phó ra sao ?”

Bà Phu nhân nghe chồng nói vậy tan cơn giận. Bản lĩnh ứng phó và quyền biến  trở lại chế ngự lòng ghen tuông thường tình , mọi công việc lại nhoay nhoáy được đề ra và được sắp xếp trong đầu bà. Ưu tiên số một lúc này là chuyện con bé Gái trốn khỏi nhà. Nó không về quê, cũng chẳng  ở lại thị xã, vậy nó trốn đâu ? Ong Chủ tịch dự đoán :

“ Chắc nó trốn lên Sàigòn rồi …”

Bà Phu nhân lắc đầu :

“ Nó không dám đâu, giấy tờ nó tôi giữ đây, không chứng minh nhân dân ai cho nó thuê nhà trọ ?”

“ Cần gì giấy, cứ có tiền thì giấy gì chẳng mua được, Sàigòn thiếu gì nhà trọ “chui”, ngay tỉnh mình còn có nữa kìa …“

“ Vậy ông phải ngay đứa tin cẩn đi bắt nó về chớ …”

Ong Chủ tịch lắc đầu :

“ Bà tưởng bắt dễ lắm à ? Sàigòn rộng lắm ngóc nghách , có phát lệnh truy nã đặc biệt cũng khó tìm . Vả lại bắt làm gì ? Thủ tiêu à ? Chuyện đâu có đơn giản ? Chẳng may vỡ  lở ra thì cả tôi và bà đều ra Toà…”

Bà Phu nhân tức giận :

“ Ong định tha nó à ? Để rồi nó bêu riếu khắp tỉnh à ?”

“ Nó chưa dám làm chuyện đó đâu, lợi gì . Bởi vậy cứ để nó trốn càng xa càng tốt, biệt xứ càng hay…”

Bà Phu nhân chợt sáng mắt lên :

“ Ong muốn cho nó biệt xứ à ? Quá dễ, cứ để tôi lo…”

Ong Chủ tịch vội vàng :

“ Ay chớ…bà đừng có manh động…phải chờ cơ hội thật thuận tiện …”

Bà Phu nhân sầm mặt . Ong Chủ tịch biết rằng khuyên can đứt lưỡi  cũng không lay chuyển . Số phận con bé Gái chắc định đoạt trong vòng vài ba tháng . Thôi kệ , ông còn lo nhiều việc tày đình hơn nhiều.

Chiều hôm đó cô tiểu thư Kim Anh chạy ra cổng đón ông bà Chủ tịch mặt nhăn nhó :

“ Con Gái trốn thật rồi, anh cảnh vệ cũng nói nó đi từ đêm qua, nói là mang đồ vào cho ba trong bệnh viện…”

Bà Phu nhân lừ mắt nói khẽ :

“ Chờ vào trong nhà đã. Sao cứ đứng ngoài cổng bô bô cái miệng  ?”

Bà Phu nhân xộc ngay vào buồng ngủ coi lại két bạc, tủ giả và các vật dụng đắt tiền. Không mất gì cả, bà thở ra :

“ Vậy cũng may nó vẫn còn sợ nên  trốn đi tay không ? Đứa khác ấy à, lợi dụng cả nhà đang bối rối , nó vét một mẻ sạch sành sanh  …”

Cô Kim Anh cũng kiểm phòng  không mất gì. Cô phân vân :

“Hoá ra con bé Gái chỉ sợ má đánh đòn “cái vụ kia” mà trốn đi thôi . Vậy rồi mình có báo chú Ba bên công an truy nã không má ?”

Bà Phu nhân gạt ngay :

“ Không không, tuyệt đối không lộ chuyện con bé Gái bỏ nhà trốn đi nghe chưa ? Cứ coi như nó xin về nhà chăm sóc má nó bệnh, nhớ chưa ?”

Cô tiểu thư lo lắng :

“ Vậy rồi má phải kiếm đứa khác chớ ? Nhà bao việc, ai làm ?”

Bà Phu nhân tức mình gắt toáng :

“ Nhà ngổn ngang bao chuyện tày đình, cô chẳng lo giúp ba má chỉ lo không có con hầu…”

Cô tiểu thư bị mắng, nước mắt vòng quanh, nguây nguẩy về phòng riêng gài  chặt cửa gọi điện cho Tuyết Nhi. Lúc này tiểu thư  con Giám đốc công an đang mở cờ trong bụng , bởi thế cô khoe ngay :

“ Tối nay anh Tạc mời tớ đi nhảy ở Sàigòn rồi sáng mai đi Phú Quốc …”

Anh Tạc chính là thằng  “cằm bạnh” con ông lớn ngoài Hà Nội, theo lời Tuyết Nhi việc sắp xếp nhân sự cấp tỉnh qua tay ổng hết. Đêm qua mấy lần Kim Anh muốn hỏi số điện thoại của gã mà Tuyết Nhi cứ gạt đi . Ả muốn sở hữu độc quyền không cho  Kim Anh kết thân với gã. Kỳ này ả rước được  gã về nhà chắc hẳn tạo cơ hội cho ông bố móc nối chạy chức đây. Sự thực Kim Anh không muốn gặp thằng này, hắn chơi bạo quá, thích thì có thích nhưng vẫn sợ sợ , tuy vậy  quen biết được với gã để ba cô tiếp cận bố gã , từ đó giữ vững  ghế Chủ tịch tỉnh thì quá tốt, khó khăn mấy cũng nên làm.

Tối hôm đó, nhân bà Phu nhân ra ngoài công chuyện, Kim Anh gõ cửa phòng ông Chủ tịch. Ong đang coi xấp văn bản gửi tới trong mấy ngày đi vắng và đang chờ gã thư ký đến để nghe báo cáo . Thấy cô con gái bước vào, bụng ông không vui, lại xin xỏ mua sắm gì đây, trước nay vẫn  vậy , nếu không xin gì chắc tra hỏi vụ con bé Gái đêm trước .

Từ lúc ở bệnh viện về nhìn thấy căn phòng con bé Gái trống huếch và chiếc ghế đá trơ trọi ngoài vườn nơi ông suýt toi mạng , ông Chủ tịch bỗng đăm chiêu và cau có. Ong nổi giận vô cớ, quát tháo ầm ĩ khi bà Phu nhân  tỏ ý nghi ngờ không biết con bé Gái có xúc gạo đi không mà hai chục ký gạo thơm Thái Lan bà mới mua tuần trước, nay đã sắp hết ? Bà Phu nhân cũng chẳng vừa, bà quát lại ông, thế là chuyện nọ xọ chuyện kia, ầm ĩ cả lên. Giữa lúc hai người chẳng ai chịu ai, lôi đủ thứ chuyện bới móc nhau, chuông điện thoại  réo ầm ĩ. Bà Phu nhân đang la hét chợt im bặt , lo sợ bảo ông :

“ Chắc ông Sáu Bí thơ gọi hỏi thăm. Liệu mà trả lời…”

 Nghe tên Sáu Bí thư, ông Chủ tịch sa sầm :

“ Nó đang tính làm thịt mình còn giả vờ tình cảm hỏi thăm…bà cứ bảo tôi về nhà mệt ngủ mất tiêu rồi…”

Bà Phu nhân :

“ Ong này thiệt kỳ, Bí thư tỉnh uỷ gọi điện hỏi thăm lại thoái thác không thèm nói chuyện ,  ông có thần kinh không đấy ?”

Hoá ra không phải ông Sáu Bí thư, mà gã thư ký điện bà mang ngay tiền tới quán trọ trả lão Thuộc. Bà quay sang ông chồng :

“ Ong đưa chìa khoá két tôi lấy tiền trả cho tụi nó …”

“ Tiền gì ?”

“Tiền cho thằng châm cứu cứu sống ông đó…”

“ Bà trả nó bao nhiêu ?”

“ Năm ngàn đô…”

Ong Chủ tịch trợn ngược đến rách mắt :

“ Bà nói cái gì ? Năm ngàn đô ? í trời ơi bà có điên không đấy ?”

Bà Phu nhân nổi cáu :

“ Tôi hỏi ông 5 ngàn đô to hay là cái mạng của ông to ? Mèn ơi, biết thế này tôi cứ kệ thây ông, không có chạy thày chạy thuốc gì hết…”

Ong Chủ tịch dịu giọng :

“ Vẫn biết thế rồi, nhưng mà có ai tưởng tượng châm có mấy mũi kim mà giá những 5 ngàn đô la ? Bà không phải trả , để tôi kêu công an bắt nó tội lợi dụng danh nghĩa thầy thuốc tống tiền…”

Bà Phu nhân cau mặt :

“ Được rồi ông cứ cho người bắt nó đi, rồi vào trại giam nó sẽ khai toe ra chuyện ông ngủ với con hầu bị nó đè cho suýt chết, lúc đó dẹp mặt ông Chủ tịch tỉnh…”


                                       (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét