Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013
Kỷ niệm với ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP dịp TẾT 1972
Trong đợt tuyển quân rầm rộ nhất, ngày 10 tháng 1 năm 1972, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các sinh viên tân binh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đứng chật sân trường ở Thượng Đình chào cờ làm lễ xuất quân. Lần này có gần 30 sinh viên năm thứ tư khoa Toán, năm cuối cùng của trường đại học, lên đường ra mặt trận. Đó là các anh Nguyễn Hữu Báu, Trịnh Khắc Đảo, Phạm Văn Định, Đỗ Ngọc Ninh, Phạm Bùi Phong, Lê Đình Phan, Nguyễn Tiến Phúc, Phan Mạnh Toàn, [Nguyễn Văn Tại], Phạm Hùng, Đỗ Xuân Thành, Mai Đình Nội, Nguyễn Vĩnh Thuận, Đinh Quốc Tuấn, Đỗ Văn Thế, Đoàn Văn Mạc, Trịnh Quang Minh, [Trịnh Trí Thức] …(lớp Toán) và các anh Phùng Khắc Bình, Lê Văn Bính, Nguyễn Bính, Phạm Xuân Mỹ, Phạm Đình Phùng, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Kim Hùng … (lớp Cơ) [ theo http://k13toan6872.blogspot.com/2013/09/loi-noi-sau-cua-nhom-bien-tap-nhat-ky.html ].
Rời Hà Nội, đoàn tân binh chúng tôi thuộc F338 về vùng rừng núi huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh hóa luyện quân trước khi đi B.
Gần Tết năm 1972, chúng tôi được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết sư đoàn. Địa điểm đón Đại tướng cách nơi đại đội chúng tôi đóng quân hơn 30 km thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, nơi sư bộ đóng quân.
Chiều hôm 26 Tết, cả đại đội tôi được được lệnh báo động lúc 18h00. Nhà bếp phát cơm cho các tiểu đội nắm cơm mang đi. Đến 10 giờ tối, toàn đại đội được lệnh xuất phát, nhiều anh tưởng là tập luyện hành quân dã ngoại đường dài (trừ những người ốm, bộ phận hậu cần và bộ phận trực chiến ở lại trông coi hậu cứ đơn vị).
Đi trong đêm tối tháng chạp, lại luồn rừng mà hành quân, nên tốc độ tiến quân bị hạn chế, cứ 5-6 km phía trên lại truyền lệnh nghỉ giải lao. Đại đội chúng tôi hành quân đến địa điểm tập kết lúc 3h00 sáng hôm sau (27 Tết) trên đất Ninh Bình (sau này được biết là trường dạy lái xe của 1 đơn vị giao thông vận tải quân sự). Các đơn vị khác ở xa hơn đại đội chúng tôi dần dần hành quân tới. Đến 9h00 ngày 27 Tết toàn bộ đội hình sư đoàn đã được triển khai. Cán bộ nói chúng tôi nghỉ tại chỗ, chờ Đại tướng. Gần trưa, khoảng mười một giờ, mười một rưỡi, máy bay chở Đại tướng và đoàn cán bộ cấp trên tới nơi.
Sau mục chào đón và báo cáo của Tư lệnh sư đoàn, Đại tướng nói chuyện với toàn thể anh em chúng tôi. Biết sư đoàn có nhiều tân binh là sinh viên các trường đại học, Đại tướng căn dặn sinh viên-chiến sĩ chúng tôi tích cực tập luyện “mồ hôi đổ nhiều trên thao trường thì sẽ bớt đổ máu trên chiến trường”. Một sinh viên hỏi Đại tướng là "Sài Gòn có xa không", Đại tướng hỏi lại: “theo các đồng chí thì xa hay gần?”. Anh em đồng thanh nói: “gần ạ!”. Đại tướng cười mỉm: “Thế các đồng chí muốn co lại bản đồ Việt nam à”. Toàn thể đoàn quân cười ồ. Không khí giữa tướng lĩnh và tân binh trở nên chan hòa thân mật.
Đại tướng còn đùa với Tham mưu trưởng Nam Long “dạo này chú bụng phệ thế, có theo kịp chiến sĩ hành quân không?”. Thủ trưởng Nam Long là một trong 34 chiến sĩ của đội Việt nam truyên truyền giải phóng quân ban đầu do Đại tướng thành lập theo lệnh của Bác Hồ.
Trên đường trở lại nơi đóng quân của đơn vị, chúng tôi ôn lại lời nhắc nhở của Đại tướng để cố gắng tập luyện nắm chắc kỹ chiến thuật vận dụng vào thực tế chiến đấu.
Sau này, chúng tôi được phân công về các đơn vị quân binh chủng khác nhau, nhưng đều nhớ mãi kỷ niệm được đón, gặp Đại tướng đến úy lạo chúc Tết sư đoàn năm 1972 trên rừng núi Ninh Bình.
Ngày mai 13/10/2013 cả nước khóc thương truy điệu Đại tướng và chứng kiến cảnh đưa tiễn vị anh hùng dân tộc về đất mẹ Quảng Bình.
Chúng tôi viết những dòng này nhớ lại kỷ niệm 41 năm về trước khi mới chập chững bước vào quân ngũ và nhớ về giây phút được gặp vị Đại tướng anh dũng huyền thoại.
Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đã hóa thành “Thánh tướng của toàn dân Việt nam”!
(Vĩnh Thuận - 12/10 & Mai Đình Nội – 13/10/2013)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đúng đấy Thuận nhớ chuẩn thế. Phong chỉ nhớ là được lệnh hành quân dã ngoại. Không biết là được gặp Bác Võ Nguyên Giáp đâu. Khi được gặp ngỡ ngàng và phấn kích lắm. Hồi đó Bác còn khỏe và phong độ lắm. Nụ cười đôn hậu của vị tổng tư lệnh thì các tân binh như chúng mình không bao giờ quyên được. Phong cũng vừa ra đường Kim Mã để tiễn biệt Đại tướng.
Trả lờiXóa