Hoàng Xuân Phú
GS TSKH - Viện Toán học Việt Nam
Tổng biên tập của Vietnam Journal of Mathematics
Có lẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quan niệm rằng
- quy định về quyền lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội, và
- quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý
tại Điều 4 và Điều 17–18 của Hiến pháp 1992 là hai tử huyệt của chế độ.
Vì vậy, dư luận càng muốn hủy bỏ hoặc sửa đổi hai quy định đó, thì họ
càng kiên quyết bảo lưu. Chúng nằm trong định hướng bất di, bất dịch của
lãnh đạo đảng, và được tái thể hiện tại Điều 4 và Điều 57 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tử huyệt độc quyền lãnh đạo
Trong thế giới văn minh, quyền lãnh đạo đất nước của một đảng chính trị chỉ có thể giành được thông qua tranh đấu và bầu cử dân chủ.
Kể cả khi đang cầm quyền, đảng vẫn phải phấn đấu liên tục, để thuyết
phục Nhân dân tin tưởng và tiếp tục trao cho quyền lãnh đạo.
Không thể lấy công lao trong một giai
đoạn quá khứ để bù lại cho hiện tại yếu kém, với bao sai lầm, tội lỗi,
và áp đặt cho cả tương lai vô định. Nếu cứ từng có công là được cầm
quyền vĩnh viễn, thì ĐCSVN phải trả lại chính quyền cho triều đình nhà
Nguyễn, và triều đình nhà Nguyễn lại phải trả lại chính quyền cho các
triều đình trước đó. Thế là khởi động cho một quá trình truy hồi dằng
dặc, mà không thể tìm được điểm kết thúc. Hơn nữa, thời gian qua đi, giờ
đây nắm quyền lực bao trùm đất nước lại là những người vốn chỉ đi theo
hoặc ăn theo cách mạng, hay từng được cách mạng o bế và cưu mang mà
thôi. Nếu họ từng có công, thì chưa chắc bù nổi những lỗi lầm đã gây
ra. Phần lớn những người có công đáng kể, những công thần của chế độ,
đã qua đời, hoặc nếu còn sống thì đã về hưu, và có lẽ đang đau lòng
vì phải chứng kiến sự nghiệp cách mạng của thế hệ mình bị phản bội.
Không thể coi quyền lãnh đạo đất nước của bất kỳ đảng phái nào là đương nhiên, và vì vậy không thể ghi điều đó vào Hiến pháp. Vả
lại, nếu quyền đó đã là đương nhiên, được mọi người mặc nhiên thừa
nhận, thì cũng chẳng cần ghi vào Hiến pháp làm gì, để khỏi gây phản cảm
một cách không cần thiết. Nếu một điều không phải là đương nhiên và
không được tất cả mọi người thừa nhận, mà vẫn bất chấp, áp đặt bằng được
trong Hiến pháp, thì chỉ riêng việc làm đó đã khắc họa xong tính dân
chủ và tính hợp pháp của đảng và chế độ.
Nếu ĐCSVN được đa số Nhân dân tin cậy và
ủng hộ, thì bất cứ cuộc tổng tuyển cử dân chủ nào cũng đưa lại một kết
quả tất yếu, đó là trao cho đảng quyền lãnh đạo đất nước. Cho nên, khi
khẳng định rằng “bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”, thì có nghĩa đã mặc
nhiên thừa nhận thực trạng tệ hại của đảng, khiến đa số Nhân dân không
thể đồng tình ủng hộ và chắc chắn sẽ không bầu cho đảng. Nếu nghĩ là
mình không còn xứng đáng, không còn được đa số Nhân dân tín nhiệm, mà
vẫn dùng Hiến pháp để áp đặt bằng được vai trò lãnh đạo, thì có còn tử
tế và vì Dân nữa hay không?
Con người muốn tồn tại và phát triển thì
không thể khước từ thử thách, không thể lẩn tránh đối đầu. Ngược lại,
phải chấp nhận thử thách, vượt qua thử thách mà vươn lên. Nếu một đứa
trẻ luôn được o bế trong căn nhà vừa được vô trùng, vừa được điều hòa
nhiệt độ một cách tuyệt đối, thì sẽ dễ bị đổ bệnh khi ra khỏi cửa. Nếu
con cái được bố mẹ quá bao cấp, kèm cặp từng li từng tí, thì sẽ dễ ngã
gục khi bước vào cuộc sống tự lập trong xã hội. Để tránh bệnh tật, hàng
tỷ người trên thế giới chấp nhận tiêm vắc-xin, nhằm phát triển khả năng
miễn dịch, tức là chủ động đưa cơ thể mình vào trạng thái thử thách.
Muốn khỏe, con người không thể ỳ ra, mà phải thường xuyên khổ luyện dưới
hình thức thể dục. Không có cạnh tranh, không có thi đua (thực chất),
thì con người không thể khá lên được.
Không chỉ từng cá thể, mà cả quần thể,
với tư cách tổ chức, đảng phái, hay cả xã hội, cũng phải biết đương đầu
với thử thách. Vì biết tận dụng cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống chính
trị trên thế giới để tự hoàn thiện, để giành phần thắng trong cuộc chiến
tranh lạnh, nên các nước tư bản hàng đầu đã phát triển vượt bậc, không
chỉ về kinh tế, khoa học và công nghệ, mà cả về dân chủ và phúc lợi xã
hội, cũng như về quyền con người.
Ngược lại, các nước trong phe xã hội chủ
nghĩa đã xử lý sai tình huống và quan hệ địch ta. Nhìn đâu cũng thấy
địch, kể cả trong Dân, nên nhiều khi đối xử với Dân cũng giống như với
địch, khiến dần dần mất Dân. Ỷ thế vào cường quyền, Đảng Cộng sản Liên
Xô đã đầu têu trong việc cấm đảng phái khác hoạt động, để rồi sau này
ĐCSVN cũng nối gót sai lầm. Các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa
chấp nhận đa đảng, nhưng cũng chỉ là hình thức. Dân chủ xã hội và quyền
con người bị bóp nghẹt, khiến tinh thần và trí tuệ cũng bị lụi tàn.
Tưởng rằng như vậy thì các đảng cộng sản sẽ rảnh tay, có thể tập trung
lực lượng chiến đấu với kẻ thù chính ở hệ thống bên kia, nhưng kết quả
thì ngược lại. Kinh tế suy sụp, lòng Dân ly tán, khiến hệ thống chính
trị được dày công xây dựng suốt hơn nửa thế kỷ bị phá từ trong phá ra,
đổ rụp trong chốc lát, làm cho đối thủ cũng bị bất ngờ đến ngỡ ngàng.
Họa đôi khi cũng là phúc, nếu biết rút ra bài học hợp lý từ thảm họa. Nếu quay ra chấp nhận cạnh tranh một cách dân chủ trong xã hội đa đảng, đa nguyên, ĐCSVN sẽ buộc phải lựa chọn những người lãnh đạo thuộc loại ưu tú nhất, và chắc chắn sẽ chọn
được hàng ngũ lãnh đạo tốt hơn gấp bội lần so với đội hình đương nhiệm,
kể cả tài lẫn đức. Mọi phần tử thoái hóa, tham nhũng sẽ bị vạch trần và
bị đào thải. Trong ba triệu đảng viên không thiếu người tài,
người tốt. Vấn đề là phải dùng dân chủ để giải phóng tiềm năng bị độc
quyền giam hãm bấy lâu. Không chỉ dựa vào nội lực, dân chủ xã hội còn
cho đảng thêm cả sức mạnh từ ngoài đảng. Nếu đảng cầm quyền không tự
nhận ra tồn tại yếu kém của mình, thì các đảng đối lập cũng sẽ vạch ra
cho. Chẳng cần đến những nghị quyết vô dụng, những màn kịch phê bình –
tự phê bình giả dối và lố bịch, thì ĐCSVN vẫn có thể vươn lên, tốt hơn
hẳn hiện tại, để được Nhân dân tin tưởng mà trao quyền lãnh đạo.
Tiếc rằng, lãnh đạo của ĐCSVN lại phản
ứng như gã tài xế ù lì, chỉ biết nghiến răng tăng ga, khi cỗ xe đang lao
xuống đầm lầy. Một mặt, đảng càng suy sụp thì họ càng bóp nghẹt dân chủ
trong đảng, dân chủ trong xã hội, và càng hạn chế quyền con người, nhằm
duy trì quyền lực bằng bạo lực. Mặt khác, giới cầm quyền tranh thủ tham
nhũng, đua nhau vơ vét, tước đoạt cả tài sản của Dân. Chính họ, chứ
không phải thế lực thù địch nào khác, đã và đang phá nát ĐCSVN. Trạng
thái độc đảng đã triệt tiêu sức chiến đấu và bản năng sống lành mạnh
của đảng. Buông thả trong thế độc quyền, ĐCSVN đang tự tha hóa, tự hủy
diệt, như cỗ xe không phanh, lao xuống dốc, hướng thẳng tới vực thẳm.
Có ý kiến đề xuất tăng cường dân chủ
trong nội bộ đảng để bù lại, để tự gột rửa và điều trị căn bệnh ung thư
đã bước sang giai đoạn di căn. Nhưng không thể tồn tại dân chủ
trong một đảng độc quyền. Chỉ có dân chủ ngoài xã hội mới thúc đẩy dân
chủ trong đảng, chứ không phải ngược lại.
Khước từ dân chủ xã hội, trong đó
có thể chế đa đảng, ĐCSVN không chỉ gây thêm thù oán với Dân, mà còn tự
tước bỏ khả năng đề kháng và hy vọng chữa trị căn bệnh nan y của chính
mình. Sự bảo thủ kiêu ngạo đã bịt mắt giới lãnh đạo, khiến họ cố
tình làm ngơ trước thực tế là: Đảng Nhân dân Camphuchia, một đảng từng
được ĐCSVN nâng đỡ và phải đương đầu với hoàn cảnh khó khăn gấp bội, vẫn
có thể giữ được quyền lãnh đạo đất nước thông qua bầu cử, mà không cần
phải bức hại đa nguyên, không cần phải cưỡng bức Hiến pháp.
Cần phải nói thêm rằng: Quy định
ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không có nghĩa nó là lực
lượng lãnh đạo duy nhất, càng không phải là đảng duy nhất được phép tồn
tại. Do đó, kể cả khi duy trì Điều 4 củaHiến pháp 1992, thì việc ngăn cấm các đảng phái chính trị khác thành lập và hoạt động là vi phạm quyền tự do hội họp, lập hội, được quy định tại Điều 69, Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tử huyệt sở hữu toàn dân về đất đai
Hiến pháp 1946 không đề cập đến đất đai. Hiến pháp 1960 chỉ quy định đất hoang thuộc sở hữu của toàn dân. NhưngHiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 thì quy định (toàn bộ) đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
“Sở hữu toàn dân” lại có nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu. Trớ trêu thay, nhân danh “sở hữu toàn dân” để tước đi quyền sở hữu của toàn dân.
Những mảnh đất vốn dĩ có chủ, được khai hoang, được trao đổi, mua bán,
hay được thừa kế hợp pháp từ bao đời, nay bỗng nhiên trở thành vô chủ.
Bộ máy cầm quyền, vốn dĩ chẳng có gì, mà nay lại chiếm được tất cả,
trong đó có quyền quyết định về đất đai trong cả nước.
Để vận động hàng chục triệu nông dân giúp đỡ cướp chính quyền, ĐCSVN đã giương khẩu hiệu “dân cày có ruộng”. Chữ“có ruộng” ở đây đương nhiên là “sở hữu ruộng đất”, chứ không phải chỉ là “có quyền sử dụng đất”.
Sau khi giành được chính quyền ở miền Bắc, đảng đã lấy ruộng của người
giàu chia cho người nghèo, rồi tiếp đó lại vận động nông dân góp ruộng
để làm ăn tập thể, trong mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Khi đã giành
được chính quyền trong cả nước, lãnh đạo ĐCSVN quyết định quốc hữu hóa
đất đai, dưới hình thức “sở hữu toàn dân”. Nếu biết trước kết cục sẽ mất đất như vậy, liệu hàng triệu người có còn theo đảng, giúp đảng giành chính quyền nữa hay không?
Khi chính quyền tử tế, có khả năng sử
dụng đất đai một cách vô tư, hợp lý và công bằng, thì sở hữu toàn dân về
đất đai có thể tạo ra một sức mạnh cộng hưởng để xây dựng đất nước. Và
người dân có thể tự an ủi rằng mình hy sinh bớt lợi ích cá nhân để phục
vụ lợi ích cộng đồng, trong đó có cả bản thân và gia đình mình. Nhưng khi chính quyền tham nhũng thì sở hữu toàn dân về đất đai gây ra đại họa, không chỉ làm khổ muôn dân, mà phá nát cả chính quyền.Chỉ
mất mấy giây hạ bút, kẻ mang danh “công bộc” đã có thể vơ về cả đống
tiền của, mà một người lao động chân chính lăn lộn cả đời cũng không
kiếm nổi. Chỉ với mấy chữ ký loằng ngoằng của mấy kẻ có chức quyền, hàng
trăm, hàng ngàn người dân đã bị tước mất đất đai, nơi họ đang làm ăn,
sinh sống, trở thành dân oan, lang thang khiếu kiện khắp nơi. Càng
duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, thì càng gia tăng oán hận của Dân,
càng sinh sôi tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo, và càng đẩy nhanh quá
trình tự hủy diệt của chế độ.
Bộ máy cầm quyền đầy ắp những kẻ tha
hóa, cấu kết với bao kẻ vốn đã lưu manh từ trước khi chen chân vào chốn
quan trường. Cái thứ “sở hữu toàn dân” ngon lành và dễ ăn như
thế, làm sao kìm nổi lòng tham? Có thể những người đã no nê cũng tán
thành tư nhân hóa đất đai, vừa giũ bỏ được cái nguồn kiếm chác béo bở đã
trở thành “của nợ”, vừa có được quyền sở hữu vĩnh viễn cho số đất đai
đã thu gom bấy lâu. Nhưng những vị còn chưa thấy đủ no và những kẻ kế
cận đang mong chờ đến lượt mình được vơ vét thì lại không dễ buông tha.
Muốn nuốt thì hóc, mà muốn nhả ra cũng
không hề dễ. Tư nhân hóa đất đai thế nào? Trao quyền sở hữu cho ai và
trao bao nhiêu? Khi còn là sở hữu toàn dân thì chủ đất cũ đành chịu lặng
thinh. Nhưng khi mảnh đất vốn của mình lại được giao cho một người lạ
hoắc sở hữu, thì chủ cũ đâu dễ chịu ngồi im. Đất đai vốn dĩ nằm trong
trạng thái phân bổ tương đối ổn định và hợp lý về mặt lịch sử, mấy chục
năm qua bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn. Nếu bây giờ muốn sửa chữa sai
lầm, lập lại trật tự, thì lại quá khó. Hoàn cảnh thực tại giống như gã
phàm ăn nuốt phải lưỡi câu: Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc
thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.
Thách thức vượt quá năng lực tư duy và
hành động của những đầu óc u mê, trí tuệ giáo điều. Biết làm gì ngoài
việc câu giờ, dồn hậu họa lên đầu những người kế nhiệm?
Quả là rất khó để thoát ra khỏi tình trạng sa lầy về sở hữu đất đai. Sai lầm càng lớn thì khắc phục càng khó. Songlãnh đạo ĐCSVN cần xác định rằng họ có trách nhiệm giải thoát Dân tộc ra khỏi bãi lầy, mà chính đảng đã đẩy Dân tộc xuống.
Nếu biết huy động trí tuệ của Dân tộc và tạo được sự đồng thuận của
Nhân dân, thì khó mấy cũng làm được. Cách làm như thế nào không phải là
chủ đề trao đổi của bài này.
*
* *
Quy định trong Hiến pháp về quyền lãnh
đạo đương nhiên của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội tưởng để đảng
trường tồn, nhưng lại là điều khoản khai tử của ĐCSVN, khai tử khỏi lòng
Dân và khai tử khỏi cuộc sống chính trị.
Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân
và do Nhà nước quản lý như cỗ máy khổng lồ, từng phút từng giờ đùn ra
hàng đống thuốc nổ, nén chặt vào lòng Dân. Nó giống loại ma túy cực độc,
có thể thỏa mãn cơn nghiện tham lam vô biên của giới cầm quyền, nhưng
cũng tăng tốc quá trình tự hủy diệt của ĐCSVN và chế độ do đảng dựng
nên.
Vì vậy, nếu muốn bảo vệ ĐCSVN và chế độ này, thì cần phải nhanh chóng loại bỏ hai quy định đó ra khỏi Hiến pháp.
Ngược lại, nếu muốn gạt bỏ sự lãnh đạo
của ĐCSVN, thì có thể sẽ sớm được toại nguyện, nếu tiếp tục duy trì hai
quy định ấy trong Hiến pháp, bởi lẽ không có cách phá nào nhanh hơn là tự phá.
H.X.P.Hà Nội, 11/01/2013
Nguồn: Blog Hoàng Xuân Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét