Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Yêu thời đồ đểu C

Nhà văn Nhật Tuấn

YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU (KỲ 13 )

                    
  Ông Giám đốc công an chợt nắm cổ áo ông Chủ tịch, quát lớn :
“ Đồng chí Phó Bí thơ tỉnh đảng bộ. Nhân danh Ủy viên chấp hành tôi yêu cầu đồng chí nêu cao tinh thần hy sinh, dũng cảm của người đảng viên cộng sản, bình tĩnh, sáng suốt đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích gia đình…”
Ông Chủ tịch tỉnh trợn ngược mắt, lắp bắp :
“ Mày nói cái gì ? Mày nói cái gì ?”
“ Tôi yêu cầu đồng chí trụ vững ở trọng trách đảng đã phân công, không để tình riêng ảnh hưởng tới vị trí công tác…”
Ông Chủ tịch chợt tỉnh, giám đốc công an đổi giọng :
“ Anh Hai bình tĩnh lại. Anh làm ầm lên là mất ghế Chủ tịch tỉnh đấy…”
Ông Chủ tịch tỉnh run bần bật :
“ Hiểu rồi…tao hiểu rồi…thôi mọi chuyện tùy mày giải quyết…”
Giám đốc công an đắc chí :
“ Yên trí…thằng em sẽ sắp xếp mọi chuyện đâu vào đấy…vừa hả dạ ông anh vừa giữ uy tín đồng chí Chủ tịch…”
Trong lúc đó ở mini hotel bên sông Sàigòn, bà Chủ tịch đang say giấc nồng, chợt có tiếng gõ cửa gấp gáp làm bà thức giấc, trời đã tối thui, nhìn đồng hồ bà giật thót , quay sang bên, cậu Bảy lái xe vẫn ngáy ò ò. Bà vội kéo cái màn gió che cậu, khoác vội váy ngủ lên người ra mở cửa. Cô tiếp tân  cất giọng lễ phép :
“ Thưa bà, bà có định dùng bữa tối không ạ ?”
Ôi trời, tưởng chuyện gì, bà nhẹ cả người :     
“ Cảm ơn, tôi có việc phải đi liền…”
Bà vội vã quay vào , lôi thằng Bảy dậy, cuống quít giục nó sửa soạn. Không hề hay biết lưỡi gươm đang lơ lửng trên đầu,  thằng nhãi ranh còn ôm lấy bà đòi ngủ tiếp. Cả bà phu nhân nữa, bà đâu có biết cô tiếp tân lên phòng lễ phép đánh thức bà dậy là theo lệnh của  tay chân “chú Ba”. Tuy thế bà vẫn đủ tỉnh táo buộc “cậu Bảy” bò dậy, mặc quần áo đưa bà về tỉnh.
Xe ra khỏi khách sạn đã 9 giờ tối. Giờ này khách khứa ông Chủ tịch đã về hết, chắc ông nóng ruột về sự “mất tích” của bà. Kệ ổng, lỡ một bữa làm đồ nhậu nhằm nhò gì, thiếu gì lý do chậm trễ . Trên đường về, bà nhìn sang “cậu Bảy” đang ngồi xoay xoay tay lái, mặt mũi hốc hác thấy thương quá. Hồi này “cậu” chẳng những thành thạo món “luyện nhân điện” bà truyền cho mà còn sáng tạo bao chiêu trò làm bà cứ chết lên chết xuống trong những cơn mê mẩn kéo dài. Cậu đúng là báu vật trời ban . Chao ôi, ước gì cái lão chồng già lăn cổ chết bất đắc kỳ tử để bà mãi mãi sống bên “cậu” tới đầu bạc răng long.
Ý nghĩ đó làm bà tỉnh queo khi thằng Bảy đánh xe chạy vào sân nhà. Ong Chủ tịch vẫn thức . Vừa giáp mặt ông, bà đã xổ ra một tràng như bắn súng :
“ í trời ơi….xe cộ gì chậm như rùa bò, lại còn hư nằm đường nữa chớ, đã bảo ông đổi lấy cái nguyên thùng đi…”
Ong Chủ tịch đang cố nhốt một con thú điên trong lòng, cười nhạt :
“ Xe nằm đường hay bà nằm giường ?”
Bà phu nhân nhói tim :
“ Ong nói gì kỳ vậy ? Xe hư, thằng Bảy nó phải sửa, tôi vẫn ngồi chờ trên xe chứ có giường nào mà nằm ?”
Nhìn vẻ trâng tráo của vợ, con thú bị nhốt không kiềm giữ được nữa, nhảy xổ ra khiến ông Chủ tịch giang tay tát vợ nổ đom đóm mắt :
“ Con khốn nạn, con đàn bà dâm ô, mày tưởng tao câm mù què điếc hả ? Trời ơi, trời ơi….Tưởng ngủ với ai, hoá ra mày ngủ với thằng lái xe ? Nhục nhã…nhục nhã…tao phải giết, phải giết….”
Nói rồi ông xông tới bóp cổ bà. Hỡi ôi, bao nhiêu sức lực đàn ông, ông Chủ tịch đã tiêu hết vào biết bao trận đấu đá nội bộ nên bà vợ to béo chỉ hẩy tay ông đã ngã troéo khoeo .Thoắt cái, bà phu nhân  thành  người đàn bà khác :
“ Mày giết tao đi, tao thách mày đấy. …”
 Nói rồi bà đi tới ngăn kéo của ông, rút ra khẩu súng lục vốn chỉ cấp Chủ tịch tỉnh mới được dùng, ấn vào tay chồng :
“ Súng đây, mày bắn tao đi, bắn đi…”
Bà ưỡn bộ ngực khổng lồ , gí vào mặt ông. Ong Chủ tịch bị ấn vào tay khẩu súng , chất thép lạnh lập tức làm ông nguội cơn giận. Cẩn thận nhét khẩu súng trở lại ngăn kéo, móc túi áo tìm chìa khoá, khoá lại cẩn thận rồi mới quay sang bà :
“ Thôi mà…tình nghĩa vợ chồng ai dám bắn bà…”
Quá rõ tính chồng, bà phu nhân cười nhạt :
“ Không dám bắn hả ? Vậy thì viết đơn ly dị đi, ừ thì tôi ngủ với thằng lái xe đấy. Nói thực ông biết, mười thằng như ông cũng chẳng bằng một mình nó. Bút giấy đây…viết đi…”
Lại bút lại giấy ấn vào tay ông Chủ tịch. Tuy nhiên ông đủ tỉnh táo nhận ra ly dị thì quá dễ, nhưng con hổ cái này đã nắm được bao bí mật làm ăn của ông. Nào Công ty này, cán bộ nọ đã chia chác, đút lót cho ông bao nhiêu, vào ngày nào, bà đã ghi chép hết. Một khi “chặt cầu”, lập tức nộp cho Ban tổ chức tỉnh uỷ, Ban thanh tra và thế là ông đi đứt, sự nghiệp theo đảng đổ sông đổ biển, có bốc cứt mà ăn.
 Tới đây, ta phải kinh ngạc về khả năng nín nhịn của ông Chủ tịch, đó là bản lĩnh chính trị ông trau dồi qua bao năm lăn lộn hoạt động cách mạng để “dĩ nhất bất biến ứng vạn biến” ? 
Ở địa vị ông, khi vợ trâng tráo tuyên bố cắm sừng chồng, một thằng xích lô, ba gác chắc chắn sẽ “phanh thây xé xác” con vợ. Đằng này không, khi bị vợ ấn giấy bút vào tay, ông xoè ngay cả mười ngón ra, nhất định không chịu nắm lại rồi trợn mắt, há hốc miệng, ngã lăn đùng ra giường như trúng gió. Thôi chết, không khéo ông lên cơn áp huyết,đứt mạch máu não. Bà kêu toáng tiểu thư gọi xe cấp cứu. Khi cô bốc điện thoại quay số bỗng ông ngồi dậy, ngăn lại :
“ Khỏi gọi, khỏi gọi, không có sao đâu ?”
Cô tiểu thư nhăn nhó :
“ Tại lúc chiều mấy chú ép ba uống rượu dữ lắm . Đã bảo uống chút chút xã giao thôi không nghe…”
 Cô đâu có ngờ ông không uống rượu và cũng chẳng lên cơn áp huyết, mặc dầu vậy ông vẫn nằm rên hừ hừ. Có lẽ bản năng làm vợ trỗi dậy, bỗng chốc bà trở thành “ hiền thê”  xắn tay áo săn sóc chồng. Nào cạo gió, nào lau nước nóng,  nào trà tăng lực nào viên sừng tê, bà lăn qua lật lại tấm thân nhũn như thịt cá chết của ông , suốt đêm bà vận dụng cả mười thành công lực truyền nhân điện  sang người ông mà chỉ thấy nong nóng lên đôi chút.
Than ôi, chỉ trừ đồng chí Bí thư tỉnh ủy, nội trong cái tỉnh này, từ dân thường tới cán bộ, từ xã , Phường tới Quận , huyện, từ các Ban, ngành tới các đoàn thể, bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, ai ai ông cũng có thể chỉ huy được hết , vậy mà riêng có mỗi cái vật nho nhỏ, dính sát người là dám cãi lại ông. Liên tục ông  lệnh mà nó đâu có nghe, cứ ì ra tuồng như đang nằm ngoài vòng phủ sóng của ông vậy. Bà chờ, cứ lẳng lặng  chờ và khuyến khích ông, rồi đến khi hết cả kiên nhẫn, chờ cũng chẳng được , bà hất người ông xuống, cười khẩy :
“ Thôi đi ông, chẳng ăn thua gì đâu…”
Rồi mặc ông nằm chỏng chơ hổ thẹn, bà ngồi dậy mặc xống áo, giọng chì chiết :
“ Không làm được phải không ? Không làm được thì thôi, khư khư giữ lấy làm gì, vậy mà mồm cứ leo lẻo “ giải phóng phụ nữ, giải phóng phụ nữ…”
Ôi chao ôi, ước gì ông được cầm khẩu súng trong ngăn kéo kia , bắn nát đầu con xú phụ này cho hả cái nỗi hờn căm đang chẹn giữ . Nhưng không, ông vẫn nằm đó , chìm đắm trong uất nghẹn, trong bóng đêm đang loãng nhạt và chợt nảy người khi tiếng sập cửa cái rầm khi bà ra khỏi phòng ông. Sáng lâu rồi nhưng ông vẫn nằm đó, ê chề và nhục nhã đã tan đi theo bóng đêm, đầu óc  sáng suốt trở lại và chạy hết công suất  tìm giải pháp. Không không, bằng giá nào cũng phải ếm nhẹm , coi như chưa hề xảy ra, chiều qua xe hư, lỡ mất việc bà sửa soạn bữa tiệc tối, có vậy thôi. Còn thằng Bảy lái xe ? Nó là con tép riu, ông cười nhạt, chấp làm gì. Bởi thế, đúng 7 giờ 15 phút sáng, như mọi ngày, thằng Bảy đánh xe lên thềm nhà, bà vẫn đưa ông ra xe, ông vẫn nhìn nó trìu mến và hỏi một câu thật ngọt ngào :
“ Chiều qua hư xe vất vả lắm phải không Bảy ?”  


YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU ( KỲ 14 )


 
                                                 
                                                           
                                                                    
  Thằng Bảy nhói tim, run bần bật, chờ cơn lôi đình đổ xuống  chứ không phải những lời êm ái. Nó cảm động :
“ Dạ…không có gì ? Con vẫn khoẻ…”
“ Vậy tốt, mày đưa tao tới cơ quan rồi cho mày về nghỉ khoẻ…”
 Bà phu nhân đóng cửa xe, khom xuống dặn dò :
“ Ong làm việc vừa sức thôi…chiều liệu về nghỉ sớm …”
Ông lại giơ tay vuốt má vợ tạm biệt như mọi ngày. Xe chạy khỏi cổng , bà mới thở ra nhẹ nhõm, thôi, ông “thông cảm” vậy là tốt, “ra công khai” với ông quan hệ của bà và thằng Bảy theo cách vậy là tốt nhất. Thực ra, ổng có…mất gì đâu. Vẫn chức quyền, vẫn tài sản,vẫn vợ con kè kè… Làm to chuyện sẽ mất  hết. Thảo nào ông ngọt nhạt. Trong chuyện này chỉ riêng bà là…bà mỉm cười đỏ rần cả  mặt. Từ nay chỉ cần che mắt thiên hạ, còn ông thì khỏi. Bà chẳng cần chờ những chuyến về thành phố hiếm hoi, đêm đêm chỉ cần chờ ông ngủ say là lẻn xuống phòng thằng Bảy khu nhà dưới tha hồ đi mây về gió.
Bà về phòng ngủ một giấc cho lại sức và chờ đợi. Thì ông đã chẳng nói thằng Bảy đưa ông tới cơ quan rồi cho về nghỉ đó thôi. Thế rồi bà chờ cả sáng vẫn chưa thấy tiếng còi xe quen thuộc “pin, pin” ngoài cổng. Cả buổi trưa cũng qua đi nốt không thấy tăm hơi đâu. Lòng dạ càng lúc càng  lửa đốt. Mấy lần bà gọi di động của nó chỉ thấy báo “ngoài vòng phủ sóng hoặc đã tắt máy”. Sốt ruột , bà gọi cho ông thì nghe anh thư ký báo “ông nhà sang bên tỉnh uỷ họp thường vụ”. Cả buổi chiều bà cứ đi ra đi vào, bỏ cả ăn, bỏ cả ngồi luyện “khí công” .
Mãi đến chiều chiếc xe Mẹcxêđéc quen thuộc đưa ông về bà vội đâm bổ ra. Bà choáng người thấy người lái không phải “cậu Bảy của bà” mà là bác Bảy, ông tài xế già cơ quan sắp về hưu hàng  ngày vẫn làm tổ bảo trì máy móc ở văn phòng.
Ông chủ tịch xuống xe, đưa cho bà chiếc cặp, âu yếm hỏi bà khoẻ không, chiều nay bà cho ông ăn món gì. Chiếc xe phóng ra cổng, bà chẳng kịp hỏi han việc đổi tài xế đột ngột và bí hiểm. Bà đành bấm bụng săn sóc chồng như mọi chiều ông đi làm về , nào khăn mát, nào nước giải khát ướp lạnh , nào bồn nước nóng ngâm mình. Trong lúc đó cả chục câu hỏi cứ như lưỡi câu móc lòng bà. Cậu Bảy đi đâu ? Biệt phái xuống huyện ? Đột xuất về quê ? Hay … bà sởn gai ốc, hay ông đã cho chú Ba Sở công an thủ tiêu  ? Không, không thể có chuyện đó .
Trong lúc  bà chống đũa nghĩ đi đâu thì ông Chủ tịch, ngược lại, rất vui vẻ, ăn uống rất ngon lành. Ông kể hôm nay có ông Chủ tịch huyện mãi trên miền Thượng về mang biếu cặp nhung nai , mai mốt chú Bảy Sở thú ngâm rượu với mật gấu và gân hổ tha hồ bổ. Ong lại kể một Công ty Mỹ bắn tin cho cô Kim Anh nhà ta suất học bổng đi Mỹ du học nhưng ông từ chối . Cô tiểu thư nghe nói vậy phụng phịu bắt đền bố ? Ong cười cười, cứ yên trí, khi nào có điều kiện nhất định cô sẽ đi, còn nhận của cái Công ty Mỹ này…mất uy tín lắm. Vả lại du học ở Mỹ chưa chắc đã tốt bằng Pháp, nền giáo dục ở Pháp ít tính thực dụng và chú trọng kiến thức cơ bản hơn ở Mỹ. Cứ thế hai bố con cà kê dê ngỗng trong lúc bà phu nhân ruột nóng như lửa đốt, lo đứt từng khúc ruột, không hiểu cậu Bảy đi đâu mà không thấy ông Chủ tịch nhắc một câu.
Mấy lần bà định mở lời, nhưng ông cứ tảng lờ, kéo chuyện này xọ  chuyện nọ cho tới ăn xong, ông vươn vai đứng dậy trở về phòng bà cũng chưa chút vân mòng gì về cậu Bảy. Oi chao ôi, không hiểu cậu đi đâu mãi  giờ chưa về. Cả buổi tối bà cứ ra ra vào vào, bấm điện thoại mỏi tay mà vẫn chỉ một câu trả lời “ngoài vùng phủ sóng” tức cả mình.
  Trong lúc ruột gan phu nhân rối bời thì đầu óc thằng Bảy lái xe cũng lung tung xoè. Sáng nay đưa ông Chủ tịch tới cơ quan rồi, nó đưa xe tới quán ngồi một mình nhâm nhi cà phê. Mặc dù lúc sáng sớm  bà phu nhân đã kịp dặn cứ yên trí , ông Chủ tịch tuy đã biết hết mọi chuyện nhưng vẫn “vui vẻ lắm”, đưa ổng tới cơ quan rồi về ngay, chở bà đi chợ, nhưng nó vẫn  lo ngay ngáy. Sáng nay ông vẫn trò chuyện vui vẻ, lúc xuống xe còn cho nó tờ năm trăm ngàn uống cà phê lại còn dặn cứ nghỉ ngơi thoải mái, khi cần ông sẽ  điện.
Ôi chao, thà ông cứ đánh mắng, cứ nhốt nó vô tù , thà ông cứ rút phăng súng lục đòm phát , thà cứ rõ ràng ra còn hơn cứ tưng tửng làm ruột gan nó rối bòng bong thế này.  Ông Chủ tịch có trăm mắt ngàn tay, sao đoán được giở ra với nó những trò gì ? Thôi đành cứ ngồi quán cà phê đợi ông gọi điện, còn quay về nhà chở bà đi chợ ? A…không đời nào , nó chán ngấy tận cổ cái Cub 78 cổ lỗ sĩ của bà, cứ nhác thấy dáng đồ sộ heo nái  đã sởn da gà, còn đâu hứng thú .
Ôi chao ôi, giờ mới biết dại, giá đừng dính dấp tới bả thì đã tự do chơi bời các em Tuyết, em Trinh, em Hồng  ở quán má mì, thật  sướng một đời. Nghĩ vậy trong đầu cứ loang loáng dáng tươi mát mấy em gái, ôi trời ôi , sao  khác nhau thế, một đằng nắng sớm một đằng chiều tà, một đằng chim ra giàng một đằng gà mái ghẹ…mà mẹ kiếp, sao “bóc lột sức lao động “ “người ta” kinh thế không  biết, cứ làm như “người ta” mình đồng da sắt không bằng…Cứ thế nỗi giận dỗi nổi lên đùng đùng,  phải làm cái gì cho bõ ghét, làm gì bây giờ , thôi phải rồi , sẵn tiền ông Chủ tịch cho , lẻn tới  má mì vui vẻ với các em Tuyết, em Trinh, em Hồng lại chẳng hơn ?
Nó phóng xe tới quán karaoke. Mái mì đón nó vồn vã chẳng kém gì đón ông Chủ tịch. Má cũng lạ sao “thằng nhóc” lắm tiền thế ? Nghĩ đi nghĩ lại chuyện đó cũng thường. Chủ gặm chân giò không lẽ không vứt cho tớ  khúc xương  ? Cả tỉnh này thừa biết ông Chủ tịch ăn tiền tỉ vậy thằng lái xe cũng chấm mút dăm bảy chục triệu chớ. Nghĩ vậy má đưa thốc thằng Bảy lên phòng VIP, rối rít giục mấy em trang điểm cho nhanh.
 Rủi cái cả 3 con nhỏ Hồng, Trinh, Tuyết đều đi khách ngoài Vũng Tàu mà cậu Bảy lại chỉ thích gặp mấy nhỏ đó. Thôi đành phải đưa bé Doan, hàng độc của quán  thế mạng vậy. Nhỏ này má mới tuyển được mãi trên miệt thượng, tính để dành cho các VIP, thoạt nghe cậu Bảy đã lắc quầy quậy, nhất định đòi bằng được em Trinh, em Tuyết hoặc em Hồng kìa. Ay thế rồi má đưa bé Doan ra trình diễn “ người thực, việc thực”  cậu tròn cả mắt, há cả miệng. Oi trời ôi, người đâu đẹp hết ý, da trắng nõn, má đỏ hồng, trên người chỗ nào cần nở ra thì nở hết cỡ, chỗ nào cần thót lại thì cũng không thể nào thót  hơn . Thật đúng là một “bông hoa rừng” còn đượm mùi sơn lâm . Thế là chẳng biết ất giáp gì nữa, nó lao tới như  con chó đói. Lúc này má mì mới bật cười khanh khách :
“ Vậy cứ tưởng chung tình với em Trinh, em Tuyết, em Hồng. Nhưng mà này, giá VIP kia đấy. Cậu chịu không  ?”
Thằng Bảy quay người lại  :
“Giá VIP là nhiêu ?”
“ Giá VIP phải tính bằng đô. Hai vé một dù . Mềm lắm rồi đó…”
 Mắt thằng Bảy vằn đỏ :
“ Bà tính “giết” tôi hả ?”
“ Oi tôi chả dám, tiền nào của nấy, cậu không chịu tôi thay đứa khác, giá bèo…”
Thằng Bảy tụt ngay quần ngoài , moi trong túi quần lót xấp giấy đô, quăng ra hai tờ, má mì chộp ngay lấy, vê vê tờ bạc trong hai ngón tay kiểm tra tiền thật hay giả rồi cười toét miệng :
“ Ghê nhỉ , cậu Bảy giờ cũng xài đô la Mỹ rồi kìa…”     
Thực ra đây là tiền bà phu nhân sai đi đổi, sẵn tiền Việt trong túi, tự “”đổi” luôn cho bà. Cứ thế cũng lặn lưng được dăm bảy tờ. Nó định tích cóp, mua lấy mảnh đất vườn cất cái nhà. Nhưng đã ăn chơi, kể gì tốn kém, thế là má mì vừa ra khỏi phòng, nó đã ào tới, ngấu nghiến con mồi cho “đáng đồng tiền đô…”.
Ôi chao, còn đang chót vót trên đỉnh vu sơn, cửa phòng bật mở, một thằng to cao như con đười ươi xộc thẳng vào, thộp cổ thằng Bảy, lúc này đang đóng bộ quần áo của ông Ađam :
“ Mày là thằng nào dám quyến rũ vợ tao ?”
 Cậu Bảy bị thằng đười ươi nắm cổ, giơ lên cao nom thật chẳng khác gì con nhái bén trong miệng con rắn. Cậu lắp bắp đến líu cả lưỡi :
“ Ơ…không không, tôi…tôi…”
“ Này thì không …này thì không này…”
 Cứ mỗi tiếng “không”, thằng khỉ đột lại tống một quả như trời giáng vào mồm cậu Bảy. Thế rồi cậu thét lên đau đớn, cuống cuồng như có cả ngàn con ong cùng đốt vào chỗ nhạy cảm nhất trên người. Cậu cứ nhảy cẫng  như phải bỏng và rồi dường như cơn đau đã lên tới tuyệt đỉnh, cậu ngất xỉu ngay trên cái giường mới vừa đây thôi, cậu đã lên thiên đàng.

YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU (KỲ 15)


                             
                                                        
Bà phu nhân không biết những gì xảy tới với “cục cưng” . Tuy ruột gan lửa đốt, bà cũng không dám hé răng hỏi ông Chủ tịch “thằng Bảy lái xe đâu ?”. Mãi lúc lên giường,linh cảm xui xẻo cứ ám  mãi làm bà buột  miệng :
“ Thằng Bảy đâu, ông bắt lão già hết hơi lái xe ?”
Ong Chủ tịch rít hơi thuốc, hả hê tận hưởng hận thù đang được “giải toả”. Ong cười nhạt :
“ Thằng Bảy có ăn sâm cũng chẳng lái được nữa ?”
Bà phu nhân giật mình :
“ Sao ?  Nó sao rồi ? Nó đang ở đâu ?”
“ Bệnh viện chứ đâu ? Bà thích cứ tới  thăm nó …”
 Bà phu nhân thất thanh :
  Sao lại bệnh viện ? Ong hãm hại gì nó ? Tôi cho ông biết, thằng bé làm sao ông không yên với tôi đâu …”
Ông Chủ tịch đốt điếu thuốc nữa, chờ nỗi lo của vợ lên đỉnh điểm mới dằn giọng :
      “ Tôi không thèm động tới cái lông chân nó . Chính thằng chồng con bồ nó xử đấy…”
Bà phu nhân ngớ người, không tin vào tai mình :
“ Ong nói gì ? Ông dựng chuyện vu vạ hả ?”
“ Mai bà thăm nó khắc biết. Thằng chồng kia chơi ác, hắt  nguyên ca axít vào chỗ kín giữa lúc nó ngủ với con kia. Thằng này có sống cũng thành…công công.”
     Ong lại cười một cái như điểm vào huyệt bà. Bà điếng người, ôi trời ôi, thật vậy sao ? Rõ thật nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà, khác nào góp vốn vào Công ty lừa, tậu nhầm  miếng đất khu giải toả . Máu ghen nổi đùng đùng. Bà xỉa xói mặt ông sao thằng nhỏ to gan, mới tý tuổi đầu đã chim chuột vợ người ta mà quên béng mất chính nó cũng đã mèo mỡ cả với bà. 
Đúng lúc bà chửi bới om sòm cứ như thằng Bảy trước mặt chứ không phải ông chồng đáng kính, tới lượt ông Chủ tịch “phản pháo “  bằng lời lẽ xưa nay chưa từng thấy trong diễn văn, huấn thị cán bộ, nhân dân trong tỉnh, đúng lúc đó tiểu thư Kim Anh đi qua, ghé tai qua khe cửa , nghe trộm hết.
Ôi má ơi, thảo nào hồi này má sửa soạn se sua vậy, nào cắt mắt, nào xăm môi, lại còn đòi đi hút mỡ bụng nữa chớ. Nhưng với ai, với thằng nhóc lái xe thì kỳ quá. Tình yêu là gì làm con người trở nên mù quáng vậy ? Không phân biệt tuổi tác, không phân biệt địa vị, vượt qua mọi lễ giáo, kỷ cương, đưa hai người từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau gắn với nhau, người này trở thành một nửa của người kia, ôi tình yêu, tình yêu…
Trí tưởng tượng lãng mạn của tiểu thư còn đưa cô tới những suy ngẫm xa hơn thế nữa. Đành rằng má cô đã phản bội ba cô, nhưng tình yêu còn cao hơn cả đạo đức lẫn pháp luật, trong tình yêu , không ai có tội, vậy má cô và “cậu Bảy” có lỗi gì đâu khi họ yêu nhau ?
Câu chuyện “cậu Bảy” đi với người khác chẳng qua là đòn độc  ba cô dựng lên, cô còn lạ gì tính ổng. Nhưng làm vậy chỉ đổ dầu vào lửa , không một âm mưu nào ngăn cản được tình yêu. Mai mốt nhất định “cậu Bảy” sẽ lái xe đưa má lên tít núi cao chung sống hạnh phúc và ba đành phải chấp nhận thôi. Ấy thế, cả đêm cô tiểu thư cứ nghĩ ngợi lẩn thẩn vậy, sau cùng thiếp đi và nằm mơ thấy mình đang nằm trên quả cầu bay khổng lồ hình trái tim.
   Sáng hôm sau, ông Chủ tịch lên xe đi làm, cửa buồng bà phu nhân vẫn đóng im ỉm. Cô tiểu thư đã thanh toán xong điểm tâm gồm  khúc bánh mì lớn, hai quả trứng ốp lết, miếng bít tết bò lạng rưỡi và nửa lít sữa tươi mà vẫn chưa thấy phu nhân đâu. Chắc má ốm rồi, khổ thân má, thương cậu Bảy quá đây mà. Cô tiểu thư bưng đồ ăn sáng, đẩy cửa phòng mẹ, bước vào. Bà phu nhân nằm tênh hênh , run bần bật, vừa thoáng thấy Kim Anh, bà vội dúi vật gì đó tròn tròn dài dài như quả chuối tiêu xuống dưới nệm , nhắm ngay mắt lại như đang ngủ say. Cô tiểu thư đặt khay thức ăn xuống giường :
“ Má dậy ăn sáng …”
Bà phu nhân mở mắt đăm đăm nhìn vào vô cực như người mất hồn làm cô hoảng sợ :    
“ Má tỉnh chưa ? Bệnh…tình má sao rồi ?”
Cô tiểu thư vô tình nhấn mạnh chữ “tình” làm bà phu nhân giật nảy , sẵng giọng  :
“ Cô nói cái gì ?”
Kim Anh ngạc nhiên, không hiểu sao má cô đột nhiên giận dữ vô cớ vậy ?
“ Là con hỏi má đau ốm sao rồi ?”
“ Có đau ốm gì đâu, đêm qua thức khuya nên dậy muộn vậy thôi…”
“ Không sao cả thì má ăn sáng đi…”
Bà phu nhân khoác nguyên cái mền cuốn quanh người chạy tọt vào toa-lét, lát sau trở ra, ngồi lên giường, bưng khay thức ăn và món đầu tiên được bà chiếu cố là miếng giăm bông tổ bố bằng bàn tay.  Cô tiểu thư thấy “tâm hồn ăn uống” của mẹ không thua mình , vội can :
“ Má ăn vầy giữ eo làm sao ? Cái món khoai tây chiên bơ này  “cô-lét-tê-rôn” nhiều lắm đó…”
Bà phu nhân lườm con gái rồi  lẳng lặng cầm dao cắt đôi miếng bít tết.  Cô tiểu thư gợi chuyện :
“ Sáng nay má có đi … bệnh viện con lấy xe máy chở má đi…”
Bà phu nhân tròn mắt :
“ Thăm ai ở bệnh viện ?”
Cô tiểu thư cười toét miệng :
“ Thôi má đừng dấu , con biết hết  rồi, nhưng con đứng về phe má, phe những người đang yêu mà…”
Bà phu nhân quẳng con dao ăn xuống khay :
“ Cô lảm nhảm cái gì vậy ?”
“ Má lại còn giả vờ không biết . Con hỏi má có đi thăm…cậu Bảy lái xe không , con đưa đi …”
Nghe tới tên “cậu Bảy lái xe”, bà phu nhân bỗng nổi giận đùng đùng :
“ Tôi cấm…tôi cấm cô từ nay không được nhắc tên thằng Sở khanh, thằng bạc tình, thằng lừa đảo ấy nữa, nghe chưa ?”
Trút cơn lôi đình xuống đầu con gái xong, bà phu nhân bỗng dưng ôm mặt khóc hu hu khiến cô tiểu thư cứ ngẩn ra , ngỡ ngàng. Thôi thôi, má yêu quá rồi nên mới ghen vậy đó. Tội nghiệp má, thật đúng như thơ ông Xuân Diệu “yêu là chết trong lòng”, hoặc như ngày nay các cô thường kháo nhau :” không yêu thì lỗ mà yêu thì khổ…”, yêu là vậy đó. Chờ cho phu nhân khóc xong , cô tiểu thư mới lên giọng an ủi :
“ Má đừng vội mất lòng tin vào tình yêu. Biết đâu ba chẳng bịa chuyện “hù” má. Má còn lạ gì tính ba , thật đủ thứ mưu mẹo…”
Mắt phu nhân chợt sáng lên, có vẻ câu nói của tiểu thư làm bà loé lên  hy vọng. Ừ nhỉ, không khéo “lão khọm già” dựng chuyện, vu cáo “cậu” để chia uyên rẽ thuý . Nghề của lão mà. Bà bỗng sốt ruột muốn đi ngay tới bệnh viện gặp cậu Bảy coi thực hư . Bà giục cô lấy xe máy, còn bà trang điểm qua quýt , mở két lấy tập tiền phòng hờ khi cần tiêu pha, thuốc men cho cậu.
Dọc đường, bà bắt con gái ghé xe vào chợ mua nào cam Mỹ, sữa bột, nào bánh ngọt, nho tươi…thôi thì đủ thứ  mọi ngày cậu Bẩy vẫn “khoái khẩu”. Tới gần bệnh viện , Kim Anh ghé quán cà phê :
“ Má ngồi đây chờ, con vào trước coi có..ba ở đấy không ? Hai ông bà chạm trán nhau thì …quê lắm…”
Bà phu nhân gật đầu, ngoan ngoãn ôm túi đồ xuống xe cho Kim Anh phóng vọt đi. Trong lúc đó ở bệnh viện cậu Bảy đã hồi tỉnh. Suốt một ngày một đêm, cậu quằn quại trong cơn bỏng rát cả nửa người. Rồi cậu thiếp đi trong ác mộng. Cậu nằm mơ thấy thằng thư ký của ông Chủ tịch cầm  súng lục nhằm bắn vào bụng cậu. Tỉnh giấc, người cậu đầm đìa mồ hôi. Thằng thư ký, có cái gì đó loé trong đầu , phải rồi, cậu Bảy chợt nhớ lúc đánh xe tới quán má mì,  thoáng thấy thằng thư ký dừng xe máy bên đường nói vào điện thoại cầm tay. Thôi đúng rồi, tất cả do âm mưu sắp đặt của lão Chủ tịch tỉnh,chồng già bà phu nhân. Chính lão đã cho người theo dõi và đã dựng lên màn kịch “thằng chồng”  em Doan đánh ghen. Cậu nhớ  lúc thằng khỉ đột tông cửa vào tự nhận là chồng bị cắm sừng thì chính Doan cũng há hốc mồm vì kinh ngạc . Cô ta là người Thượng, sống mãi trên núi cao, lấy đâu ra thằng chồng “đầu gấu” bến tàu, bến xe thế. Thôi đúng cậu bị gài bẫy …Nhưng đòn thù của ông Chủ tịch sao  độc ác kinh khủng vậy ? Mà chính mụ vợ lão quyến rũ cậu chứ có phải cậu chủ ý cắm sừng lão đâu ?
Nỗi căm thù bỗng ngùn ngụt bốc lên trong lòng cậu Bảy. Tất cả đều do “mụ ấy” gây ra. Và không khéo chính mụ ta đã toa rập với chồng trả thù cậu hòng gỡ tội cho mình. Trong đêm vắng, đầu óc nhức buốt vì bẽ bàng, cậu Bảy mỗi lúc một nghĩ quẩn. Khi trời sáng  lòng căm thù của cậu đã cháy lan , nhằm cả tới cô tiểu thư.
  

YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU ( KỲ 16)


                                                                    
Phải rồi, cả cái con ngựa non Kim Anh kia nữa cũng tử tế gì, bao  lần nó hành “cậu” chở nó với thằng “bồ”, con bà thư viện tỉnh, chạy lên Sàigòn , kéo nhau vào khách sạn hú hí bắt “cậu” nằm chờ ngoài xe dài cả cổ mà một cắc càphê cũng không . Nó cậy con gái Chủ tịch tỉnh. Cả nhà cả ổ nó đều độc ác bất nhân. Cậu lẩn thẩn nhớ lại phim “Tiếu ngạo giang hồ” có chàng Lâm Bình Chi tự “cung”  luyện “Tịch tà kiếm phổ” trả thù cho cha mẹ, bây giờ cậu cũng “cung “ rồi, chỉ tiếc không có “bí kíp” nào cho cậu luyện để giết cả nhà lão Chủ tịch tỉnh thoả nỗi hờn căm. 
Cô tiểu thư đon đả bước vào. Cô đã sắp sẵn mấy lời thăm hỏi và nghĩ cách xưng hô sao hợp nhẽ, bề gì  thằng nhóc lái xe cũng đã vào vai vế cha chú cô, cứ “mày mày tao tao ” như trước  kỳ quá, mà “anh anh, tôi tôi” cũng không ổn.Ấy thế rồi, cô vừa ngồi ghé giường, chưa kịp hỏi han,thì trời ơi, thằng Bảy đang lim dim mắt tưởng ngủ bỗng chồm dậy giơ tay bóp cổ cô. Tiểu thư chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy cổ bị thít chặt, cô kêu lên ằng ặc, vùng vẫy cố thoát hai bàn tay như sắt nguội của thằng Bảy . Nó lên cơn điên, mắt trợn , mặt méo xệch, may có mấy người chạy tới xô thằng Bảy ngã ngửa , rồi đạp vào  mặt, nó mới chịu buông. Lập tức nó bị  lôi  đi, tiểu thư chỉ bầm ở cổ nhưng kinh hồn táng đởm, người run bần bật không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà phu nhân đang ngồi ở quán nhâm nhi càphê   bỗng thấy cô con gái đâm bổ tới kêu váng :
“Oi má ơi, nó điên rồi, nó bóp cổ con…”
“ Bình tĩnh , ai điên, ai bóp cổ ?”
“ Thằng Bảy lái xe chứ còn ai, nó đang như con chó dại kìa…”
Bà phu nhân nửa tin nửa ngờ. Chắc cậu tưởng bà tránh mặt,  phái con gái tới thăm  nên nổi cáu, cái thằng cục thế, cứ thích được bà hỏi han chiều chuộng cơ, mà cô Kim Anh ăn nói xấc xược lắm kìa. Tiểu thư nhất định không theo bà vào bệnh viện coi sao, bà đành tay xách nách mang quà đi thẳng vào phòng y vụ. Bà Trưởng phòng nhác thấy phu nhân ông Chủ tịch vội chạy ra đón lấy túi xách :. 
“ Ay kìa chị Hai, chị  khám nội hay khám ngoại để em đưa chị đi…”
“ Khỏi khỏi, tôi tới coi tình hình chú lái xe  sức khoẻ sao ?”
Bà Trưởng phòng y vụ vội vàng mở tủ lôi hồ sơ :
“ Sức khoẻ gần bình phục, các vết thương phần mềm ổn định, riêng   bộ phận sinh dục coi như thương tật vĩnh viễn trăm phần trăm.…”
Bà phu nhân ngớ người :
“ Bà nói cái gì ?”
“ Dạ…là em muốn nói anh ta mất khả năng đàn ông rồi ạ ?”
Bà phu nhân trợn mắt :
" Lại thế kia à ? Có thiệt không ?"
" Dạ thiệt chớ ? . Mất...cái đó rồi ạ..."
Bà phu nhân thở dài não nuột :
“ Thảo nào nó lên cơn điên là phải….”
“ Dạ đúng , thần kinh bị sốc quá lớn không tự kiểm soát được …”
Bà phu nhân vớt vát :
" Liệu có trị được không ?"
" Dạ không...Axit nó ăn ..rụng ...cả ạ....."
Bà Trưởng phòng y vụ chưa kịp nói hết bà phu nhân đã cun cút ra phòng làm bà chạy theo gọi ơi ới :
“ Chị ơi, chị ơi…còn gói quà này chuyển cho ai đây ?”
Bà phu nhân không thèm quay đầu , buông thõng :
“ Cho chị đấy…”
Tối hôm ấy, ông Chủ tịch đi làm về muộn nhưng vợ và con gái vẫn chờ cơm. Cả nhà quây quần ăn uống không ai nói với ai . Bà phu nhân và cô tiểu thư không hé răng chuyện đi thăm thằng Bảy lái xe nhưng thừa biết ông Chủ tịch đã được báo cáo đầy đủ. Mãi cuối bữa , ông Chủ tịch mới buông một câu chắc nịch :
“ Bà cho dọn cái phòng  nhà dưới cho ông Mười lái xe về ở …”
Vậy coi như chuyện “thằng Bảy lái xe” kết thúc. Ngay hôm sau nó  bị đưa vào nhà thương điên nhốt trong khu đặc biệt. Cả bà phu nhân, ông Chủ tịch lẫn cô tiểu thư đều không nhắc tới nó nửa câu, họ quên phứt ngay coi chưa từng có nó trên đời. Bẵng đi cả năm, vào một  tối cô Kim Anh và bà phu nhân lên xe đi coi đoàn cải lương trên Sàigòn xuống tỉnh biểu diễn. Xe vừa rồ máy chưa ra khỏi cổng , bất ngờ cô Kim Anh hét lên :
“ Thằng Bảy…”
Oi trời ôi, đúng là thằng Bảy bằng xương bằng thịt thật, nó đội cái kết sùm sụp, lại mang cái kiếng đen thường dùng của ông Mười nên trời tối không ai nhận ra. Bà phu nhân đứng cả tim nhưng vẫn cố bình tĩnh :
“ Ong Mười  đâu sao không lái…”
 Thằng Bảy cười khẩy :
“ Trói gô nằm trong phòng rồi , không muốn tôi lái thay hả ?”
Cô tiểu thư muốn tông cửa nhảy ra nhưng xe đã bị khóa. 
“ Vô ích , nếu không muốn nhào vào xe tải thì cứ ngồi đó…”
Thằng Bảy quát lên rồi tăng tốc chạy khỏi thị trấn. Bà phu nhân  vừa rút điện thoại di động đã bị nó giật, đành ngồi chết điếng trên ghế  . 
“ Hê hê, bà khoẻ chớ ? Lão Mười lái xe có phục vụ bà như tôi ngày trước không ? “
Bà phu nhân dở sống dở chết , thều thào :
“ Tôi tưởng cậu không quay lại ? Thế…thế cậu đưa chúng tôi đi đâu đây ?”
Thằng Bảy cười ghê rợn :
“ Đi …chết chứ còn đi đâu. Lát nữa tới cầu tôi sẽ cho xe nhào xuống sông…hề hề….chết vầy mát mẻ lắm …”
Cô tiểu thư bỗng rối rít :
“ Em lậy anh Bảy, anh cho em xuống xe , đây là chuyện giữa anh và má em….Hai người yêu nhau muốn cùng chết thì cứ chết, dính dáng gì tới em ?”
Thằng Bảy cười ghê rợn :
“ Ha ha…tưởng tượng lãng mạn nhỉ ? Đôi tình nhân tuyệt vọng  chết bên nhau dưới đáy sông…ha ha…”
“ Thì yêu nhau phải thế chứ sao ? Anh tha cho em đi, em lậy anh…”
Thằng Bảy không trả lời, quay xuống bà phu nhân :
“ Bà nghe rõ con gái bà nói chưa ? Bà có muốn cùng chết với tôi không ?”
Bà phu nhân sợ vãi mồ hôi, chẳng biết tính sao, đành van vỉ :
“Cậu Bảy làm ơn làm phước tha cho tôi . Tôi vẫn…quý cậu như ngày xưa mà..”
Thằng Bảy cười khẩy :
“ Hoá ra bà chỉ quý tôi thôi ư ? Vậy sao cô Kim Anh lại bảo tôi với bà là đôi tình nhân…”
Cô Kim Anh vội vàng :
“ Thì má em chẳng đã yêu anh tha thiết là gì ?”
Thằng Bảy lại cười sằng sặc:
“ Má cô yêu tôi tha thiết ? Vậy mà cả năm qua có nhòm ngó gì tới tôi đâu ?”
“ Có chớ, có chớ…má vào tận bệnh viện mua quà thăm anh đấy. Má vẫn nhắc  anh luôn, bả nhớ thương anh lắm.…Thôi tha cho em đi anh Bảy, rồi hai người muốn đi đâu thì đi…đi Đà Lạt là thơ mộng nhất đó …tha cho em xuống xe đi…”
Thằng Bảy quay xuống bà phu nhân :
“ Bà nghe rõ con gái bà nói chưa ? Cho nó xuống xe rồi tôi với bà đi Đà Lạt sống cho thơ mộng kìa ? Bà đồng ý không ?”
Bà phu nhân chỉ còn biết van xin :
“ Thôi cậu Bảy ơi, cậu tha cho chúng tôi, cậu cần bao nhiêu tiền tôi cũng đưa ….”
  Thằng Bảy quắc mắt lên, không nói không rằng, rồ ga cho xe tăng tốc….
 Chiếc xe vọt nhanh khỏi thị xã  bon bon trên quốc lộ. Quang cảnh hai bên đường vẫn như mọi lần bà Chủ tịch ngược xuôi thành phố. Vẫn xe ấy, vẫn người lái ấy, nhưng mà chao ôi, lần này thằng Bảy không còn chở bà tới khách sạn nào đó để đưa bà lên thiên đường nữa mà xuống địa ngục,  nó đang chở bà …đi chết. 
Ôi khủng khiếp, khủng khiếp, bà phu nhân tưởng tượng tới cảnh xe lao xuống sông, xung quanh những nước là nước, rồi thì ngạt thở, mắt trợn ngược, tay bắt chuồn chuồn, người dãy dãy, rồi thì…hết. Hết cả ngôi biệt thự chẳng thua kém gì dinh Độc Lập, hết cả két tiền  chật ních ngân phiếu, đô la, hạt xoàn, hết cả nhà vườn bên sông Sàigòn, hết cả quyền uy phu nhân ngài tỉnh trưởng….A không nhé, tuyệt đối  không, ông còn làm vài khoá Chủ tịch tỉnh nữa, bà còn biết bao nhiêu niềm vui , nỗi sướng trần thế, chết sao được ? 


YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU ( KỲ 17)


                                                
 Một sức mạnh ghê gớm làm bà chồm dậy, nhoài lên ghế trước, vươn hai tay bóp chặt cổ thằng Bảy. Chẳng biết có phải do bà luyện nhân điện, bất thình lình thằng Bảy tru lên ằng ặc như gà bị cắt tiết. Nó cố vùng  khỏi hai bàn tay sắt nguội của bà phu nhân bất ngờ ăn thêm quả đấm trời giáng của tiểu thư ngồi bên.
Ghê gớm thay sức mạnh người đang chọi nhau với thần chết, bà phu nhân với cô tiểu thư yểu điệu thướt tha thế bỗng chốc biến thành hai ả nặc nô hung hãn, một ả cứ siết chặt cổ, một ả cứ “giã giò” mặt thằng Bẩy. Chiếc xe đang lao như con thú, bỗng chốc lảo đảo, thắng két quay ngang giữa đường. Oi chao, may mắn thay, xe cảnh sát ập tới bấm đèn sáng quắc, rồi mọi  người cậy cửa xe, lôi bà phu nhân với cô tiểu thư ra, thằng Bẩy mới  thoát chết không thì hồn lìa khỏi xác .
Tuy nhiên, có sống cũng thành tật, lôi được nó ra, mặt sưng vù, tím tái, hai tròng mắt nát nhừ. Đáng đời nó, cả gan động tới vợ con lãnh đạo tỉnh. Nó đi cấp cứu với thương tật…mất trí nhớ trăm phần trăm, được đưa thẳng vào khu đặc biệt của dưỡng trí viện…
Trong lúc đó đồng chí ông Chủ tịch đang điều hành cuộc họp phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. 
Nghe điện khẩn cấp của bà, ông vẫn cười nói như nghe bà đi coi cải lương về kể chuyện vui vậy. Ông vẫy gã thư ký lại gỉ tai. Ngay lập tức cảnh sát giao thông đã vinh dự lái xe đưa phu nhân và tiểu thư về tư dinh. Ong Mười lái xe sau cú đánh của thằng Bẩy bị ngất xỉu  đã tỉnh lại và được cởi trói. Vì kín miệng vốn là bản tính nổi bật nhất của ông, nên vẫn được giao nhiệm vụ lái xe cho Chủ tịch.
Câu chuyện đầy tính “hình sự” được bưng bít ngay lập tức, không ai hay biết, ngay cả ăng ten của ông Mười Vỉa, em trai ông Sáu Bí thơ,hiện đang làm Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ cũng tịt mít. Tất nhiên có bàn tay dàn xếp của chú Ba, Giám đốc Sở công an, từ nay thành người trong nhà và cánh tay phải của ông Chủ tịch. 
Vài tháng sau, để xóa tan ác mộng của vợ và con gái , ông Chủ tịch đổi xe khác, tuy vẫn Mẹcxêđéc nhưng đời mới hơn và sơn mầu khác.
Chuyện thằng Bảy qua đi, bà phu nhân cảm thấy phần nào có lỗi với chồng nên quyết thủ tiết thờ sống ông Chủ tịch, tề gia nội trợ đúng nghĩa hiền thê. Một tay bà quán xuyến hết, nào sai bảo gia nhân, nào trông nom xây cất nhà nghỉ bên sông Sàigòn, nào đôn đốc  việc trang trại, nào theo dõi các khoản thu nhập “ngoài luồng” của ông Chủ tịch. Cái việc sau cùng này mới thật khó khăn và phức tạp. Bì thư nào nhận được, bì thư nào phải chối phắt , khoản nào gửi ngân hàng trong nước, khoản nào “người ta” rót vào tài khoản nước ngoài …ôi thôi đó thực là một nghệ thuật phức tạp.
Lạ thay, gánh vác cho chồng bằng ngần ấy việc, năng lượng trong người bà vẫn xài chưa hết, vẫn dôi ra và hành hạ bà trong những đêm mất ngủ cạnh ông chồng ngáy khò khò.
Sáng sáng trở dậy, cái năng lượng dôi ra ấy để lại trên mặt bà vẻ cau có và giận dữ vô cớ và bà trút nó lên đầu ông Chủ tịch tỉnh để đến lượt ông lúc tới cơ quan ông lại trút nó xuống đầu  đám nhân viên.
         Chẳng ai hiểu được nguồn cơn những cơn giận “vô căn” ấy của đồng chí Chủ tịch tỉnh kiêm Phó Bí thơ tỉnh ủy ngoài gã thư ký ranh mãnh. Vốn là dân Bắc kỳ di cư, hồi sinh viên cũng có xuống đường “hát cho đồng bào tôi nghe”, nên sau năm 1975 được xếp vào hàng ngũ cán bộ cách mạng, được học tiếp và ra trường với mảnh bằng kỹ sư kinh tế.
Vốn trời cho chút thông minh và láu cá, gã hiểu ngay thân phận mình không quốc tịch “Nam kỳ quốc”, cũng chẳng phải “con anh Sáu, cháu anh Ba” nên con đường tiến lên tốt nhất là hầu hạ mấy anh Hai. Mấy anh này ghế cao chức trọng, quyền lực tiền tài chẳng thiếu gì, chỉ thiếu mỗi cái….trình độ văn hoá.
Chuyện này ta có thể thông cảm với lãnh đạo. Vốn xuất thân cày thuê cuốc mướn, lần hồi kiếm sống qua ngày, bởi vậy cách mạng hô là theo liền, chẳng mất gì, chỉ mất cài cày cái cuốc mà lại được cả thiên hạ, các đồng chí chỉ thiệt thòi mỗi cái …thất học.
Cái đó cũng do  bận công tác, nào khai hội, nào vận động quần chúng, nào phát động phong trào này nọ…còn thời gian đâu sách bút học hành. Vả lại đầu óc lãnh đạo vốn toàn “bã đậu”, dẫu có đốt sách thành tro hoà nước cho các đồng chí uống thì cũng lại tiêu tiểu ra hết, bụng chẳng còn chữ nào. Gã thư ký ranh mãnh nhằm ngay vào cái chỗ thiếu ấy của lãnh đạo. Nào hầu bút thảo nghị quyết, kế hoạch, diễn văn, bài nói chuyện, …nào sắp xếp công việc thứ tự trước sau, nào quân sư quạt mo chuyện che chắn, chia chác. Từ  thư ký một Bí thư huyện, lọt mắt xanh Chủ tịch, gã thăng một phát lên tỉnh. Chỉ hầu hạ vài năm , gã đã lộ rõ tài năng "hầu hạ” hiếm thấy. Gã cúc cung tận tuỵ, lo trước thủ trưởng, ăn sau thủ trưởng, quán xuyến từ việc triển khai nghị quyết thường vụ tỉnh uỷ, tổ chức các huyện quán triệt chủ trương của Uỷ ban nhân dân … cho tới theo dõi quan hệ trai gái nhăng nhít của tiểu thư Kim Anh,  giải quyết êm xuôi vụ cậu Cả, con trai bà thủ thư, vụ thằng Bảy lái xe . Bởi thế, sáng sáng cứ thấy ông Chủ tịch vác bộ mặt bí rị tới cơ quan, gã thư ký hiểu ngay chuyện gì rồi.
“ Thủ trưởng không trả được bài cho vợ đây mà…”, chuyện thằng Bảy lái xe còn sờ sờ ra đó ? Tất nhiên, gã nghĩ bụng vậy thôi tuyệt nhiên không hé răng , ngay với ông Chủ tịch, chuyện gì cũng có thể “báo cáo thủ trưởng “ chứ chuyện tế nhị này thì…đâu dám.
Gã thư ký vắt đầu vắt óc tìm kế sách giúp thủ trưởng. Nghe nói trên Sàigòn đã có mại dâm nam, nhưng mà ấy chớ, chuyện đó vô cùng phức tạp và nguy hiểm, lộ ra có trốn lên trời cũng chẳng tránh được đòn trừng phạt của ông Chủ tịch.
Thế rồi cơ may sau cùng đã đến, trong dịp theo sếp về công tác tại thành phố Hồ Chí Minh , gã gặp ông chú họ xa tên Ba Tạ vốn làm nghề lang băm , bốc thuốc rởm nhiều lần bị xử phạt nay chuyển sang nghề “nghiên cứu và ứng dụng nhân điện nhằm phục vụ lợi ích của con người”.
Ấy , danh xưng to tát thế, nhưng trụ sở hành nghề chỉ có căn buồng xép tồi tàn trong hẻm và cơ sở dữ liệu chỉ có mỗi cuốn “Giới thiệu nhân điện học” mỏng dính của một Nhà xuất bản tỉnh lẻ ông vẫn dùng làm kim chỉ nam và gối đầu giường.
 Nhìn đồ nghề ông chú, gã thư ký thở hắt ra. Trời đất ơi, ngay thầy bói dạo cũng phải tráp, kiếng mát, gậy rồi thì ba đồng chinh, đĩa, nhang, đèn…huống hồ hành nghề “khoa học huyền bí” có cái tên rất kêu “ nhân điện học” mà có mỗi cuốn sách nát thì…”bịp” sao được thiên hạ ?
Lập tức gã chạy ra siêu thị sắm cho ông chú một loạt sách gáy mạ vàng nào là “ Thuyết tương đối của Einstein”, “ Cõi tâm linh”, “Những năng lượng siêu nhiên”…nào là “Sinh học áo bí”, “ Tử vi đẩu số”…ních chặt  cặp “Giám đốc” có khoá số hẳn hoi.
 Ong chú trợn cả mắt nhìn thằng cháu bày la liệt những cuốn sách  ngay cái tên cũng nhức óc. Mẹ ôi, của này có đến giáo sư tiến sĩ cũng chưa rờ tới, huống hồ ông mới qua lớp mười. 
Gã thư ký phải trấn an chỉ cần học thuộc ba cái tựa sách, còn trong đó viết gì kệ mẹ nó, miễn sao loè được thiên hạ. Từ hôm đó ông Ba Tạ trút bỏ bộ vó cũ, khoác đồ mới, áo sơ mi “bỏ thùng”, cổ đeo cà vạt, giương mục kỉnh gọng vàng, tròng không số, đi đứng nói năng nhất nhất theo đạo diễn của ông cháu, nom rõ là dân “trí thức” nghiên cứu. Tân trang xong, gã thư ký chờ dịp ra mắt phu nhân.
         May thay một hôm ông Chủ tịch tỉnh than thở :
” Bà nhà tao đốc chứng sao đó hồi này thích đi đền coi lên đồng. Mai mốt bả đòi lập điện trong nhà thì còn ăn nói sao với thường vụ ?”.
Gã thư ký biết tỏng phu nhân năng lui tới đó chẳng qua tại mấy gã cung văn , chứ bả cũng đảng viên cộng sản, cũng duy vật biện chứng, cũng qua trường Đảng Nguyễn Văn Cừ đâu có tin ba cái chuyện đồng cô bóng cậu , nhân dịp này đưa ông chú “nhân điện” ra chẳng dễ lọt tai hơn mấy anh cung văn sao ?
Thế là gã thư ký sốt sắng nhận trách nhiệm “chặn ngay cái vụ mê tín dị đoan “ kẻo  ảnh hưởng tới uy tín đảng viên. Trước tiên gã bốc điện thoại “truyền đạt ý kiến đồng chí Chủ tịch” tới công an phường nhắc nhở “ phòng chống mê tín dị đoan, xây dựng ấp văn hoá” , yêu cầu dẹp ngay đám con nhang đệ tử tối ngày chập choeng ảnh hưởng trật tự trị an lối xóm. Không đầy tuần sau, bà phu nhân tới lễ đền thấy vắng hoe cả điện trong điện ngoài, chẳng còn thấy mấy bác cung văn gảy đàn lừng phừng, miệng hát líu lo “ cô bắn súng lục cô bơi thuyền rồng” như trước nữa. 

YÊU THỜI ""ĐỒ ĐỂU" ( KỲ 18 )



Bà biết ngay đòn ông Chủ tịch tỉnh, tức tốc triệu gã thư ký tới xét hỏi :
“ Phải thày trò mày dẹp lễ thượng đồng ở đền đúng không ?”
Gã  thư ký chối bai bải :
 “ Đâu có, thím Hai đặt chuyện oan con …Cái đó dưới  phường xây dựng ấp văn hoá mới đấy chớ…”
“ Ấp văn hóa mới cái con mẹ mày. Tao còn lạ gì trò bịp . Mấy thằng dân phòng lôi ba con đứng đường vào trụ sở bóp vú mà vẫn trúng ấp văn hóa mới hả ? Thày trò mày tính triệt đường  giải trí của tao hả ? Tao khỏi cần, khối cách vui, có điều bể niêu cơm mấy thày cung văn là bất nhơn lắm nghe con…”
“ Oi trời ôi, thím Hai hiểu nhầm con rồi, con xin thề …”
“ Khỏi khỏi, ai tin được mồm mép tụi bay…”
“ Thím nghĩ sao cũng được, có điều quên chuyện đó đi , vợ Chủ tịch tỉnh còn lên đồng nữa thì cả nước này xây đền, mất uy tín lắm…”
“ Biết ngay , thày trò mày chỉ lo mất uy tín thôi . Tao nói thật, bỏ tiền xây đền con hơn xây ba cái cơ quan tỉnh ủy, huyện ủy, xã ủy. Vậy thôi mày bảo ổng ngày mai cử tao đi học trường Đảng tập trung cho rồi. Ổng tha hồ …uy tín…”
“ Thôi thôi thím ơi, ngần này tuổi rồi ai còn cử thím đi học  …”
“ Vậy sao thằng Giám đốc Sở quy hoạch già hơn tao vẫn bị ổng đẩy đi học Nguyễn Ái Quốc đó. Mày nói vậy chê tao già hả ? Thế mày quên lời dậy Lênin “ học, học nữa, học mãi “ sao ?”
Bị chạm tới tuổi tác, vốn là chỗ yếu nhất, phu nhân Chủ tịch nổi giận, mắt long sòng sọc làm gã thư ký khiếp vía. Gã vội vàng :
“ Chết chết, con nói vầy là nói theo chính sách và tiêu chuẩn chiêu sinh vào trường Đảng ấy chớ. Còn như thím đây muốn học gì chẳng được, con kiếm thày tới tận nhà dậy ấy chớ…”
 Nghe có “thày” tới tận nhà, bà phu nhân dịu giọng :
 “ Học gì học nhưng tao không có học cái môn vi tính tiếng Anh đâu nghe…”
Gã thư ký được gãi trúng chỗ ngứa, vội vàng :
“ Không không, hai cái môn đó của đám con nít  nó đú nhau, để con giới  thiệu thím học …”nhân điện ”.
“ Nhân điện là cái quỷ gì ?”
“ Là điện trong người thím ấy. Học sao cho điện nó mạnh lên,“phát” được ra ngoài, y như trong người mình có cái biến thế điện vậy đó…”
Bà phu nhân nghe bộ êm tai, cười  tủm tỉm : 
“ Bộ trong người tao cũng có điện sao ? Mà khi phát được ra ngoài thì phát …đi đâu ?”
“ Phát sang người bệnh chứ đi đâu. Lúc đó thím còn giỏi bằng mười đốc tờ. Đau đầu, nhức xương, viêm xoang, bao tử…thậm chí ung thư thím cũng trị được tuốt luốt…”
 “ Bốc phét vừa thôi mày. Bốc phét với quần chúng nhân dân còn lọt lỗ  tai chớ với tao hơi khó đấy nghen…”
Gã thư ký trợn mắt :
“ Con nói thiệt đó. Để mai mốt con đón thày về dạy thím mới tin…”
 Bà phu nhân nghe nói có “thày”  về tận nhà dậy , mắt sáng lên :
“ Lại ba cái thằng mù rởm chớ gì ?”
“ Không không, ông này là tiến sĩ , du học nước ngoài về kìa…”
 “ Oi thôi tao còn lạ gì ba cái bằng cử nhơn với tiến sĩ , toàn đò rởm,  thôi được, mày cứ dẫn tới tao coi …”
Tuần sau, ông chú “nhân điện” được xe Mẹcxêđéc lên tận thành phố đón về tỉnh. Vừa nhác thấy , bà phu nhân đã thấy ưng trong bụng rồi, tuy ngót sáu mươi trông ổng vẫn còn phong độ , cái miệng vẫn còn tươi và cặp mắt sau tròng kiếng vẫn còn đu đưa lắm. Chỉ buồn cười tên ổng là Ba Tạ mà nom người ốm nhách, được cái rắn rỏi .
Gã thư ký đưa ông chú vào phòng khách tư dinh ông Chủ tịch, giới thiệu với bà phu nhân rồi cáo từ  về cơ quan có công tác gấp.
Ông “nhận điện” ngồi thót người trên ghế cẩm lai khổng lồ, ngơ ngác nhìn quanh căn phòng trần thiết bóng lộn dễ từ bé chưa được đặt chân . Ghê gớm thật, trước nay nghe đồn mấy ông quan tỉnh giàu khủng cứ tưởng chuyện bịa, ngờ đâu thực tế còn kinh hơn. Như tấm da hổ còn lại mỗi cái đầu kia cũng đáng giá trăm triệu. Rồi lọ độc bình cổ cao vượt đầu người, hoành phi câu đối, tủ sách Mác Lê… sờ đâu cũng vài chục cây chứ không ít. ĐM cán bộ, tiền đút lót, tiền dự án, tiền cống nạp của các Công ty…chảy vào đây hết chứ đâu…
 Trong lúc ông Ba Tạ ngẩn ngơ chuyện thời thế, bà phu nhân đã kịp mở chai rượu tây, rót ra ly ấn tay ông :
 “ Kìa, mời thày uống đi chớ…”
 Thì uống. Ôi chao, rượu gì mới kề môi , mùi thơm đã xộc vào miệng, lan xuống cổ toả đi khắp lục phủ ngũ tạng. Nghe nói tết nhất các quan được biếu rượu tây giá cả chục triệu đồng , chắc nó đây . ĐM cán bộ, sướng đủ mọi đàng.Vậy mới biết mồ cha các đồng chí không bằng cái ghế ngồi.  Rượu làm thày “nhân điện” nóng người, nhớ lại bao lời dặn dò của gã thư ký. Thế là sau khi đặt ly xuống, thày bắt đầu thao thao “tiếp thị” thuyết nhân điện. Nào năng lượng mặt trời tinh khiết lúc buổi sáng, nào  khai mở 9 cái huyệt đạo trên người , nào là tập trung luyện khí…vân vân và vân vân.… Vốn không quen nghe giảng giải chuyện trời ơi đất hỡi, bà phu nhân ngáp một cái dàn cả nước mắt :
“ Thày nói chuyện cao siêu vầy tôi học làm sao ?”
 Ong Ba Tạ vội vàng :
“ Ay không, là tôi nói cơ sở lý thuyết thôi, còn mình chỉ thực hành…với nhau…”
 Nói rồi thày bấm tách cái cặp “Giám đốc” , soạn ra bao nhiêu sách dầy cộp , bìa da, gáy mạ chữ vàng,  sau cùng mới rút ra cuốn “ Nhân điện học” , cẩm nang hành nghề …
Thày chỉ vào hình vẽ trong sách, ngồi xệp xuống thảm theo kiểu lá tọa, hai bàn tay xoè rộng, đặt ngửa lên đùi, mắt nhìn trừng lên trần, căng thẳng và nghiêm trọng khiến bà phu nhân nín thở chờ đợi.
Thầy đang tập trung nhân điện vào bàn tay, cứ theo thầy nói, lát nữa  tay thầy đặt vào đâu là hết đau chẳng mất viên thuốc nào. Oi trời, nếu thày làm được vậy mấy anh bác sĩ thất nghiệp là cái chắc. Nhưng cứ coi xem sao, chắc cũng có một phần sự thật chớ, nếu là chuyện tầm phào sao lại được in thành sách ? Phải có thế nào Nhà nước mới cho xuất bản chớ. Chỉ buồn cười tên thày là Ba Tạ mà nguời thày chắc chỉ ngoài 40 ký. Nhưng các cụ ta đã dậy rồi,“gày là thày đụ…”, ấy chết, bà vội xoá ngay ý nghĩ bậy bạ làm bà cười tủm tỉm, rồi bất thình lình bà nghe thầy hét lên một tiếng, nhẩy bật lên và chớp mắt đã đứng ngay trước mặt bà giơ ra hai bàn tay run bần bật như nó  đang bị điện giật :
“ Đau…đau ở đâu , đau ở đâu ?” – thầy lắp bắp…
Bà phu nhân cuống lên, ừ nhỉ, bà đau ở đâu , bà kiểm lại chẳng thấy đau ở đâu, thôi phải rồi đêm hôm qua bà tức ngực quá , cứ như có hòn đá nặng chịch bên trong làm bà cứ lăn đi lật lại, mãi chẳng chợp mắt …
“ Nói ngay, đau ở đâu….”
Lập tức bà ưỡn bộ ngực đồ sộ :
“ Tôi…tôi… tức ngực…”
Bà phu nhân chưa dứt lời hai bàn tay thày đã úp chụp lên ngực bà. Í trời ơi…bủn rủn cả người ! À thì ra thầy truyền nhân điện, cứ để yên coi sao. 
“ Thấy gì chưa ? Thấy gì chưa ?”
 Oi chao ôi, thấy rồi, thấy rồi đây, đôi tay thầy như hai chiếc kìm lửa đang  truyền điện hay cái gì đó làm bà nóng rần cả nguời. Nhưng sao thầy cứ xoay vần liên tục kìa ? Thế này ai mà chịu cho thấu. Thôi cứ để yên  coi sao ?  Lúc này thày Ba Tạ nhớ lời dặn của thằng cháu về nhiệm vụ thiêng liêng thế chỗ anh cung văn trên đền nên thầy cứ làm tới. Để khỏi cách bức mấy lần vải làm yếu nhân điện , thầy dấn tới, lột bỏ hết, phô ra hai trái dừa cong tớn  làm bà phu nhân đờ cả nguời. Chao ôi quả nhiên điện của thày ào ạt  truyền sang  làm bà rúng động , mắt nhắm nghiền, miệng lắp bắp :
“ Thày ơi…em …em chết…em chết mất thày ơi …”
Thày không nói gì cứ lẳng lặng truyền nhân điện khắp châu thân . Thì cứ để yên coi sao ? Cứ thế cho đến lúc mở  được  mắt , bà phu nhân  đã thấy mình trần truồng  nằm cạnh ông thầy trên đivăng từ lúc nào. Bà đập tay lên nguời thầy :
“ Đây là cái cách ông dậy nhân điện cho tôi hả ?”
   ( còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét