"Học văn" thì chắc chắn không giải được toán (toán cao cấp); nhưng hầu hết những người "học toán" đều có khả năng "thưởng thức", "thẩm định" các tác phẩm Văn học. Không những thế, không ít người học toán lại làm được thơ văn, mà thơ văn của họ cũng hay, đôi khi "tác phẩm" của họ còn đoạt giải thưởng của một số cuộc thi về văn chương.
Truyện ngắn "Vùng thời tiết xấu" của chị Nguyễn Thị Mai (Mai Chung) đã nhận giải thưởng "Chương trình cuộc sống" do Đài THVN tổ chức tháng 11/2011. Đây là một truyện ngắn súc tích, mang đậm tính nhân văn. Dù "ngắn" nhưng truyện đã thể hiện sâu sắc cái thánh thiện, nhân bản và cả cái vị kỷ, đời thường của cuộc sống. Đặc biệt, câu chuyện đã giao hòa được tình cảm của người đã mất với người đang sống; giao hòa "âm dương" một cách nhẹ nhàng, huyền diệu; biểu cảm được cuộc sống tâm linh của con người.
VÙNG THỜI TIẾT XẤU
(Truyện được lọt vào 16 truyện ngắn xuất sắc nhất
của cuộc thi viết truyện ngắn cho chương trình “Quà tặng cuộc sống”
do Đài Truyền hình VN tổ chức – Trao giải tháng 12/2011)
Tác giả: Nguyễn Thị Mai
Đừng bao giờ để tâm đến những gì người khác nói
nếu tận sâu trong tim biết mình làm đúng.
Nhà chồng tôi có ba anh em – hai trai, một gái. Hai người con trai đã lập gia đình, còn cô út vẫn chưa lấy chồng. Tất cả chúng tôi hiện vẫn ở chung trong ngôi nhà do các cụ từ mấy đời để lại – nơi đã chứng kiến sự tồn tại mấy thế hệ của gia đình nhà chồng tôi trên mảnh đất này.
Cha mẹ chồng tôi đã già yếu, chồng tôi là con trưởng nên mọi việc trong nhà chủ yếu do hai vợ chồng tôi lo liệu. Những người em cũng mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của anh chị trưởng. Có lẽ mọi sự cũng sẽ cứ thế trôi đi nếu như không có một biến cố lớn xảy đến với gia đình tôi: sau một cơn bạo bệnh, chồng tôi đột ngột ra đi, để lại tôi trên đời với biết bao đau đớn và bận rộn, lo toan, vất vả.
Do tuổi cao, cha mẹ chồng tôi cũng mắc một vài căn bệnh của người già. Khi chồng tôi còn sống, anh luôn là “bác sĩ” của gia đình. Lúc đó, tôi như một cô y tá nhỏ, nhẫn nại làm theo y lệnh của anh để phục vụ thuốc thang cho cha mẹ. Tôi hoàn toàn yên tâm vì đã có một chỗ dựa vững chắc là anh.
Đã gần một thế kỷ đi qua cuộc đời của cha mẹ, cùng với sự tàn phá của thời gian và nỗi đau đột ngột mất con, họ ngày càng trở nên suy sụp. Đặc biệt, một cơn đột quỵ đã khiến cha chồng tôi bị liệt nửa người. Tuy phải nằm liệt một chỗ nhưng ông vẫn còn khá tỉnh táo và vẫn rất thích chuyện trò vì ông vốn là một con người nhân hậu, cởi mở, hoà đồng.
Với suy nghĩ không biết còn được ở bên cha bao lâu nữa, tôi đã cố gắng hết sức thu xếp mọi việc để có thể dành được nhiều thời gian cho Người. Hàng ngày, thay chồng, tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò của một bác sĩ, đồng thời làm một y tá, một đầu bếp tận tuỵ…để phục vụ cho cha với sự vui vẻ và tự nguyện. Những người tốt nhìn tôi bằng cặp mắt cảm thông và ngưỡng mộ vì cho rằng tôi đã chăm sóc quá chu đáo cho cha. Tôi cũng không mấy chú ý tới những lời khen ngợi đó vì nghĩ rằng đây chỉ là trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ mà thôi.
Nhưng - rồi đến một ngày, tôi chợt nhận ra rằng: mặc dù tôi đã chăm sóc cha rất chu đáo nhưng như thế vẫn chưa thể được gọi là đầy đủ. Đối với cha, bây giờ không chỉ cần được chăm sóc về ăn, uống, thuốc men, vệ sinh, tập luyện mà còn cần cả nhu cầu trò chuyện. Cha cần được chuyện trò để cho trí óc hoạt động và được sống trong cảm giác vui vẻ. Nếu không, cha sẽ chỉ còn là một cái bóng mờ mờ trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn cha với phần lớn thời gian diễn ra trên giường trong sự im lặng vì không có người trò chuyện, tôi xót xa lắm.
Thương cha nên mặc dù rất bận rộn nhưng tôi quyết tâm mỗi ngày sẽ dành từ nửa tiếng đến một tiếng để trò chuyện cùng cha. Đối với bất kỳ ai, thực hiện điều này không hề dễ vì sẽ nói chuyện gì đây với một cụ già gần một trăm tuổi phải nằm một chỗ do bệnh tật. Mỗi ngày tôi phải nghĩ ra một đề tài gì đó sao cho vừa thích hợp vừa nhẹ nhàng, vui vẻ để nói chuyện cùng cha.
Nhìn ánh mắt rạng ngời vui vẻ của cha những khi trò chuyện, tôi vui lắm. Tôi đã làm được như vậy nhiều ngày cho đến một hôm, sau khi ra phố trở về nhà, tình cờ câu chuyện giữa cô em dâu và em gái chồng lọt vào tai tôi:
- Bà này là ghê lắm, không phải vừa đâu. Lúc nào cũng tỏ vẻ là dâu trưởng quan tâm chăm sóc cha. Nào là “ông uống thuốc ạ”; nào là ghi ghi, chép chép Nhật ký thuốc men hàng ngày của cha. Bà ấy đang ngon ngọt tranh thủ để có gì cha sẽ cho bà ấy phần nhà nhiều hơn đấy.
Nghe đến đây tôi hiểu rằng họ đang nói chuyện liên quan đến mình. Không biết là tôi đã về, họ lại tiếp tục với giọng dè bỉu:
- Chứ còn gì nữa. Lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây chu đáo, có hiếu. Gớm, lại còn ghi chép cả từng bãi nước đái của cha nữa. Ôi dào, cũng chẳng tử tế gì đâu.Tất cả chỉ là vấn đề tài sản thôi.
Lúc này con tim tôi như bị bóp nghẹt lại. Tôi cảm thấy uất ức và bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Trong lòng tôi dấy lên sự bất mãn vì những bất công ở đời: sao các cô không những đã không làm mà lại còn dè bỉu, chỉ trích tôi như thế.
Tôi có cảm giác như đang bị những mũi tên độc bắn vào. Tôi cảm thấy không còn đủ nghị lực và sức mạnh để tiếp tục việc chăm sóc cha như vậy được nữa. Nhưng- cũng chính lúc này, hình ảnh mắt cha rạng ngời khi nói chuyện lại hiện ra trước mắt tôi. Lòng tôi ngổn ngang nhiều suy nghĩ mâu thuẫn, trái ngược nhau và cảm thấy hết sức hoang mang khi chưa tìm được ra lối thoát.
Bỗng chợt nhớ đến người luôn giúp đỡ tôi trong những giờ phút khó khăn, tôi bước đến bàn thờ chồng, châm nén hương rồi khấn anh:
- Anh ơi! Anh hãy giúp em nhé. Làm thế nào để em có đủ nghị lực và sức mạnh để thay anh chăm sóc cha mẹ cho chu đáo bây giờ hả anh? Anh đi rồi, em chỉ còn một mình, em hoang mang quá.
Đêm hôm đó tôi nằm mơ thấy chồng tôi về. Anh bước vào nhà như trở về sau một chuyến công tác xa. Anh lau nước mắt cho tôi rồi bảo:
- Thật tội nghiệp! Anh thương em nhiều lắm. Hãy dũng cảm lên em. Anh vẫn luôn dõi theo và phù hộ cho em đây mà.
- Em mệt mỏi lắm rồi anh ạ. Em muốn làm mọi việc một cách tốt nhất cho cha mẹ mà sao khó quá.
- Anh biết chứ. Anh biết không chỉ ở trong nhà mà còn một số người không tốt ở ngoài vẫn thường dựng chuyện thị phi và xúc xiểm về chuyện này. Đừng quan tâm đến họ. Em còn nhớ không, mỗi khi chúng mình đi công tác bằng máy bay, trước khi cất cánh, hãng máy bay thường nhắc nhở hành khách: “Khi máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, áp suất trong khoang máy bay hạ thấp, túi thở ô xy sẽ được thả xuống trước mặt quý khách. Hãy chụp túi vào miệng để được cung cấp dưỡng khí….”
Tôi nức nở:
- Anh nói với em chuyện túi thở trên máy bay vào lúc này để làm gì hả anh?
- Em đang phải đi trong vùng thời tiết xấu, bầu không khí tuy có ngột ngạt nhưng không sao đâu em ạ. Anh đang thả túi thở như ở trên máy bay xuống cho em đây này. Túi này chứa đựng một sự thật thiêng liêng là: từ trước tới nay, chưa bao giờ hai vợ chồng mình (cả anh và em) có những suy tính tồi tàn như thế. Em hãy vững lòng: Đừng bao giờ để tâm đến những gì người khác nói nếu tận sâu trong tim biết mình làm đúng. Em hãy làm tất cả những gì có thể như em đã làm để thay anh phụng dưỡng cho cha mẹ, để anh có thể yên lòng an nghỉ và có quyền mãi mãi tự hào về em.
Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng. Qua ô cửa sổ là bầu trời trong xanh, ánh nắng vàng rực rỡ. Chưa bao giờ tôi thấy lòng nhẹ nhõm như lúc này. Tôi thầm gọi anh:
- Anh ơi! Em xin cám ơn anh vì từ xưa tới nay, lúc nào anh cũng luôn ở bên cạnh giúp đỡ em vượt qua mọi khó khăn. Em sẽ làm một cách tốt nhất những điều anh mong muốn./.
Lễ trao giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn do Đài THVN tổ chức tháng 12/2011 tại Hà Nội
(Trong ảnh: chị Nguyễn Thị Mai đang nhận giải thưởng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét