Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

KHÔNG ĐÂU HƠN ĐẤT NƯỚC NÀY…


KỂ CHUYỆN NƯỚC ĐỨC



KHÔNG ĐÂU HƠN ĐẤT NƯỚC NÀY…

Tôi nay sống thực như mơ
Nước Đức, xin được ngàn lần tri ân

Không đâu hơn đất nước này…
Công dân nội-ngoại (1) cùng nhau nói cười
Trẻ con nghĩa vụ đến trường
Được làmThượng Đế trước khi trưởng thành
Người bệnh chẳng chút ưu phiền
Được quyền kén chọn nơi mình đến thăm


Ảnh con gái tôi chụp với Thủ Tướng Đức A. Merkel
(15.03.2012 Bürgerdialog in Heidelberg)


Không đâu hơn đất nước này…
Người Hùng không có, người Hèn càng không
Từ Tổng Thống đến dân thường
Ai vi phạm luật đều ra hầu tòa
Từ Chức là chuyện bình thường
Nếu thấy có lỗi, nhỏ…to…ít…nhiều

Đại hội Đảng chẳng „rùm beng“
Truyền hình ít phút,…bản tin …thường ngày

Ý Dân là ý của Trời
Hiến pháp phúc quyết thực thi pháp quyền
Quốc hội quyền lực tối cao
Tam quyền phân lập vận hành chỉn chu

Đảng đối lập đảng cầm quyền
Đảng nào cũng phải nhìn nhau…biết mình
Không làm „Chúa Tể“ với Dân
Tự do hạnh phúc mới là đích chung
Cán cân quyền lực thăng trầm(2)
Giúp Dân Bầu cử dễ dàng kỳ sau
. . .

Không đâu hơn đất nước này…
“ Bình yên cho mọi cõi lòng, màu da“

                                     (1) Người Bản xứ và người nước ngoài
                                   (2) Ở nước Đức hàng tháng bình bầu tín nhiệm theo phần % cho từng
                                        Đảng phái và những  Người giữ  trọng trách quan trọng ở Quốc Hội

                                                      Berlin,CHLB Đức  2011
                                                       
                                                       Chu Văn Keng 


Điều kì lạ Việt Nam

Tác giả Martin Spiewak |
Báo DIE ZEIT số 05 ra ngày 22.01.2009

Con cái những người nhập cư từ Việt Nam nổi bật nhờ những thành tích học tập xuất sắc. Thành công của chúng phản bác những đánh giá đầy định kiến trong các cuộc tranh luận về hội nhập.

Mới đây Detlef Schmidt-Ihnen nhận được những kết quả ban đầu của trường mình trong cuộc thi Ôlympích toán học. Thầy hiệu trưởng đã có thể hài lòng. Sáu học sinh trường ông lọt vào vòng trong cuộc thi của bang. Ở trường Barnim-Gymnasium thuộc Đông Berlin thì điều này chẳng có gì đặc biệt, vì nhà trường từ lâu vẫn đặt trọng tâm giảng dạy vào các môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, một vấn đề khá mới mẻ là làm sao phát âm chuẩn họ tên các học sinh xuất sắc. Cô học sinh đoạt giải ở khối lớp 7 có tên là Trần Phương Duyên hay Duyên Trần Phương? Còn tên cậu học sinh lớp 10 Đức Đào Minh phải đọc thế nào đây?

Thầy hiệu trưởng Schmidt-Ihnen thường xuyên đứng trước thử thách này: 17% học sinh trường trung học tại quận Lichtenberg là con em các gia đình người Việt, ở các lớp dưới con số này còn vượt 30%. „Nhiều em trong số đó giỏi chính các môn tự nhiên và môn toán“, thầy hiệu trưởng kể. Cậu học trò giỏi toán nhất trường cũng là người gốc Việt.

Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu. Như vậy số trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn trẻ em Đức. So với các em cùng trang lứa đến từ các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hay Italia, thì số học sinh trung học người Việt cao gấp 5 lần. „Thành tích học tập của các em học sinh người Việt hoàn toàn trái ngược với hình dung của chúng ta về trẻ em nhập cư“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg, bà Karin Weiss nói.

20 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, con em của những người công nhân xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Dân chủ Đức trước kia đang viết một câu chuyện thành công mà cho tới nay còn ít được biết tới. Đến Đức vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sau ngày nước Đức thống nhất, những người lao động nhập cư đến từ đất nước xã hội chủ nghĩa anh em này thường xuyên bị rơi vào cảnh thất nghiệp và đói nghèo, họ bị cô lập và trở thành nạn nhân của tệ bài ngoại. Nhưng giờ đây con em họ đang cố gắng chiếm lĩnh xã hội Đức với sự siêng năng và lòng ham học ghê gớm. Vì trong các gia đình Việt Nam, áp lực giành điểm tốt vô cùng lớn.

Thành tích học tập của trẻ em Việt Nam đồng thời đặt dấu hỏi một loạt những điều mà người ta cho là sự thật trong các cuộc tranh luận về hội nhập. Nếu ai đó cho rằng sự nghèo nàn về giáo dục thường xuyên có các nguyên nhân xã hội, thì sẽ thấy bị phản bác bởi ví dụ Việt Nam. Ngay luận điểm cho rằng chính các bậc cha mẹ nhập cư phải hòa nhập tốt thì con cái họ mới có thể theo học tử tế cũng không đúng với những người nhập cư Đông Nam Á này. Chắc chắn rồi - khác với những người Thổ Nhĩ Kỳ và người Italia - các bậc phụ huynh Việt Nam thế hệ đầu tiên thường có trình độ học vấn cao hơn. Nhưng ngay cả họ cũng hầu như không nói được tiếng Đức mà sống trong một cộng đồng chỉ có họ với nhau và thiết lập nên một thứ xã hội tồn tại song song.




Việc con cái họ trở thành những học sinh kiểu mẫu trong số các học sinh nhập cư là một bằng chứng cho thấy sức mạnh của một nền văn hóa mà sự cần cù của nó trong chính những điều kiện khó khăn lại dẫn đến sự vươn dậy. Điều này thể hiện từ nhiều năm nay tại Hoa Kỳ, nơi một tỉ lệ lớn sinh viên đến từ các nước châu Á – chính xác hơn: đến từ các nước chịu ảnh hưởng của đạo Khổng Tử – theo học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Giờ đây điều kỳ lạ trong giáo dục này lặp lại tại Đức.

Em Nguyễn Vân Dung đã cùng gia đình sống nhiều năm trong một trại tị nạn. Cô bé không giữ những kỷ niệm xấu về thời gian này, mà xét cho cùng thì hồi đó em luôn có bạn chơi. Ngược lại, cha mẹ em ghét cảnh sống tập trung như thế: bếp chung, rồi xích mích cãi cọ giữa cộng đồng dân nước nọ với nước kia, song trước hết vẫn là cảnh sống chật chội. Duy một thứ không bao giờ thiếu, đó là một chỗ để Dung có thể ngồi học. Và còn một điều nữa mà cha mẹ em đã làm đúng. Như hầu hết các cha mẹ người Việt, ông bà sớm đăng ký cho con gái đi nhà trẻ. Vì vậy mà em học tiếng Đức hoàn hảo. Hiện Dung đang theo học một trường trung học ở Potsdam và là một trong những học sinh giỏi nhất lớp với điểm bình quân là 1,5 (ở Đức điểm cao nhất là điểm 1). Mùa hè năm ngoái, Quỹ hỗ trợ học sinh nhập cư năng khiếu Start-Stiftung đã đưa cô học trò 14 tuổi này vào danh sách được cấp học bổng của quỹ. Khoảng 30% số học sinh được chọn cấp học bổng tại Đông Đức là người Việt Nam. Dung không phải là tài năng ngoại lệ trong gia đình em. Cả em trai và em gái của Dung đều đang học trung học và có điểm trung bình trên 1 phảy.

Vậy mà mấy chị em đâu có ai có thể giúp chúng làm bài tập ở nhà. Trong nhà chúng chẳng có nhiều sách, cũng không thấy những đồ chơi mang tính giáo dục. Đối diện bàn thờ nhỏ có cắm hương – nơi gia đình thờ tổ tiên - là một màn hình phẳng to đùng ngự trong phòng khách. Căn hộ nhỏ của gia đình các em nằm ở một khu dân cư ven Potsdam. Trong hành lang chất chồng những thùng nước quả dành cho xe bán đồ ăn nhanh lưu động của cha mẹ chúng.

Buổi chiều, cả gia đình ngồi quây quần uống trà, và ông Nguyễn kể chuyện. Những từ tiếng Đức mà ông cố nói ra nghe thật khó hiểu. Các cô con gái bèn dịch lại câu chuyện ông bố từng làm lao động xuất khẩu ở Liên Xô như thế nào và sau khi quốc gia này sụp đổ thì ông đã xin tị nạn ở Đức ra sao. Và sau nhiều năm bấp bênh, rốt cuộc gia đình họ đã được phép ở lại Đức với điều kiện phải trình được mức thu nhập đủ sống. Cha mẹ Dung làm việc đến kiệt sức. Họ đứng suốt từ sáng đến 10 giờ đêm trên chiếc xe hàng lưu động để bán „súp sữa dừa cay“ hoặc „mỳ gà xào giòn“.

Phần lớn người Việt Nam tự xoay xở kinh doanh để sống. Do không thạo tiếng Đức, họ không tìm được việc làm. Họ làm việc cho đến 60 tiếng một tuần trong những trong những hiệu gốm sứ, những cửa hàng hoa, những tiệm làm móng tay hay trong các khu chợ. Việc nhiều người Việt cảm thấy có trách nhiệm gửi tiền đều đặn về cho họ hàng ở quê nhà, khiến áp lực kiếm tiền càng gia tăng.

Thường thì bọn trẻ phải tham gia vào công việc nhà. Dung phải chăm lo cho em trai và em gái mình. Vì quanh năm bọn trẻ ít khi trông thấy cha mẹ. Chỉ đến chiều mẹ mới đảo về nhà chốc lát để nấu ăn. Còn suốt nhiều giờ chỉ có bọn trẻ ở nhà với nhau. Vậy mà chiều chiều chúng vẫn cắm cúi trên trang sách và mang về nhà toàn điểm ưu.

Sao thế được nhỉ, thưa ông Nguyễn? Vì sao trẻ em Việt Nam lại học giỏi như thế? Lúc này người cha nãy giờ có ánh mắt khá là nghiêm khắc mới lần đầu tiên nở nụ cười. Ông thích đề tài này hơn là kể về quá khứ. Câu trả lời của ông giản dị đến kinh ngạc: „Vì mọi ông bố bà mẹ Việt Nam đều muốn con cái mình học giỏi“. Hẳn nếu dịch nghĩa ra thì như thế này: Lũ trẻ sớm nhận ra rằng chúng mắc nợ cha mẹ mình những điểm giỏi và vì vậy chúng phải học thật nhiều.


Chỉ có tiến - sự háo danh của nhiều bậc cha mẹ không biết đến giới hạn


„Với các gia đình Việt Nam, học hành là tài sản quý giá nhất“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg Karin Weiss nói. Cho dù công việc khiến các bậc cha mẹ có rất ít thời gian, họ vẫn luôn hỏi con cái về bài vở của chúng. Và nếu cần thì họ cho con học thêm. Bà Weiss kể rằng bà biết những gia đình sống trong điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng vẫn tiết kiệm từng xu để chi cho con học thêm. Dung và các em không cần phải học thêm. Nhưng chúng vẫn được cha mẹ giúp đỡ. Ai săm soi căn hộ trang bị sơ sài của gia đình ông Nguyễn sẽ phát hiện trong phòng trẻ một giàn máy vi tính. Khi Dung muốn học pianô, cha mẹ em bèn sắm một chiếc đàn Pianô điện tử.

Sự ham học của người Đông Á là thứ tài sản quý giá nhất mà họ mang theo từ quê hương. Chỉ có học hành mới thoát được khỏi đồng ruộng, đó là châm ngôn của họ. Cũng giống như ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhiều trẻ em Việt Nam theo học gia sư vào các buổi chiều sau giờ lên lớp chính thức hoặc cuối tuần. Khối lượng bài tập giao về nhà lớn hơn ở Đức rất nhiều. Cho tới lúc kết thúc chương trình học phổ thông thì học sinh Việt Nam học hơn học sinh cùng trang lứa người Đức hàng ngàn giờ.




Đây cũng là một trong những điều lý giải kết quả một nghiên cứu mà nhà tâm lý học Andreas Helmke công bố cách đây vài năm. Ông giao cho các học sinh lớp 4 ở Hà Nội và ở Muyních cùng số bài tập toán như nhau. Tại thủ đô của Việt Nam nhiều trường học trang bị tồi tàn, mỗi phòng học nhồi nhét tới 50 học sinh. Vậy mà các học sinh của đất nước đang phát triển này vượt xa những học trò 10 tuổi của bang Bayern. »Thậm chí ở cả những câu hỏi đòi hỏi kiến thức toán học sâu hơn, những đứa trẻ Việt Nam cũng hơn hẳn“, vị giáo sư của trường đại học tổng hợp Koblenz-Landau nói. Kết quả này giống với kết quả các cuộc nghiên cứu khác, cho thấy từ nhiều năm nay các nước châu Á luôn chiếm các vị trí dẫn đầu.

Chỉ có tiến - đó cũng là phương châm của những người nhập cư châu Á tại Đức. Nói chuyện với các bậc phụ huynh người Việt, ta sẽ nghe thấy những câu gợi nhớ tới những châm ngôn về sự tiến thân của Cộng hòa liên bang Đức những năm 50 của thế kỷ trước như „Không cố gắng, chẳng nên người““ hay „Đời con phải hơn đời cha“. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi người Việt Nam là những người Phổ của châu Á. Trái với những bậc phụ huynh nhập cư đến từ các nước khác - những người thường không biết đâu mà lần với cấu trúc nhà trường phức tạp ở Đức -, những người Việt Nam lập tức hiểu ngay rằng con em họ chỉ có vào các trường Gymnasium – hay không tốt bằng là trường Gesamtschule – mới lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông và theo học đại học, phần còn lại họ không quan tâm..

Chỉ một con 3 trong bản điểm đã là hồi chuông báo động đối với nhiều phụ huynh. Đối với không hiếm bậc cha mẹ, nếu con em họ khi học xong tiểu học chỉ vào được một trường Realschule (nơi học sinh sẽ chỉ lấy bằng sau lớp 10, không vào được đại học) đã là một sự mất mặt trong cộng đồng. Nguyễn Minh Long, một chàng trai 20 tuổi, người đã suy nghĩ nhiều về những người đồng hương ở Đức, kể về một cuộc ganh đua thật sự giữa những bậc cha mẹ người Việt. Nếu hai người cha hoặc hai người mẹ gặp nhau, thì một trong những câu đầu tiên họ hỏi nhau là „Lũ trẻ học hành thế nào?“ Nếu kết quả học tập không được như mong đợi, bọn trẻ sẽ bị trừng phạt, như bị mắng mỏ, nhốt vào buồng, có khi ăn tạt tai.


„Cha mẹ tôi liên tục trách mắng tôi rằng những đứa học sinh khác được điểm tốt hơn tôi“, Minh Long nhớ lại. Họ không cần biết điểm của anh không đủ tốt để được giới thiệu vào một trường Gymnasium. Và quả nhiên: mùa hè vừa qua nhờ nỗ lực to lớn, Minh Long đã lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông với kết quả khá. Trẻ con không đứa nào bẩm sinh giỏi hay dốt, mà chỉ có chăm hay lười mà thôi, nhiều cha mẹ người Việt tin như vậy. Họ hầu như không bao giờ từ bỏ hy vọng về một đứa trẻ, đồng thời hiếm khi thứ lỗi cho những đứa học kém.


Ít lâu nay tại trường Barnim-Gymnasium ở Berlin niềm vui về lòng tự trọng cao của các bậc phụ huynh người Việt đã xen lẫn với sự lo lắng. Lần đầu tiên các thầy cô giáo trở nên cảnh giác khi những học trò Việt Nam làm giả giấy bác sĩ để trốn một bài kiểm tra vì sợ bị điểm xấu. Một lần khác thầy hiệu trưởng nói với một nam học sinh vi phạm nội quy rằng ông sẽ phải thông báo với cha mẹ cậu về việc này. Thế là cậu học sinh quỳ thụp xuống van xin thầy hiệu trưởng đừng làm thế. Trong suốt hơn 30 năm làm nghề giáo, thầy Schmidt-Ihnen chưa bao giờ chứng kiến một cảnh như vậy.

Nhà trường bèn phản ứng bằng cách cho mời một nhà công tác xã hội đến thăm trường vào mỗi thứ sáu, và lần đầu tiên tổ chức một tối gặp gỡ các phụ huynh, có người phiên dịch. Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều giờ và các bậc cha mẹ có rất hiều câu hỏi. Mối lo lớn nhất của họ là nửa năm đầu tiên học thử ở trường. Vì gần đây học sinh Việt Nam đã không còn vượt lên dẫn đầu trong tất cả các điểm. Thậm chí rất có thể lần đầu tiên một số học sinh Việt Nam sẽ không vượt qua được thời gian thử thách ở trường Barnim-Gymnasium. „Các học sinh Việt Nam đần trở nên ngang bằng với học sinh Đức“, một cô giáo chủ nhiệm lý giải xu hướng này.

Thế nhưng điều bình thường đối với các gia đình Đức lại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thật sự trong cộng đồng người Việt. Vì sự hòa nhập của trẻ em với tốc độ nhanh đã khiến chúng trở nên xa lạ với cha mẹ, đặc biệt khi chúng vào tuổi dậy thì. „Các em sống trong hai nền văn hóa“, đó là quan sát của bà Tamara Hentschel thuộc Hội Trống Cơm – tổ chức giúp đỡ người Việt sống tại Berlin từ ngày thống nhất nước Đức. Giữa các thế hệ trong gia đình tồn tại một sự »không nói không rằng«. Bà Hentschel nhận xét theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Vì nhiều trẻ em Việt Nam đi nhà trẻ từ lúc còn rất nhỏ, nên sau đó chúng nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, trong khi vốn tiếng Việt của chúng lại chỉ đủ cho giao tiếp hàng ngày. Khi đề cập đến những vấn đề tế nhị hay phức tạp – như bị điểm xấu, bắt đầu có bạn trai – thì câu chuyện giữa cha mẹ và con cái trở nên ngắc ngứ hoặc ầm ĩ. Thế là đôi bên cùng to tiếng bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Nếu tình hình trở nên quá tồi tệ, các em sẽ quay lưng lại với nền văn hóa của cha ông và từ chối không ăn các món ăn Việt Nam, hay thậm chí bỏ nhà ra đi.

Tuy nhiên đấy (mới) chỉ là những trường hợp riêng lẻ. Phần lớn các gia đình Việt Nam gắn bó mật thiết với nhau. Và lòng kính trọng cha mẹ nơi bọn trẻ cũng lớn ngang chí tiến thủ của chúng. „Chúng tôi muốn học hành và vươn lên“, ngay Long – vốn có cái nhìn phê phán - cũng nói như vậy. „Như thế biết đâu sẽ có lúc chúng tôi thuộc vào tầng lớp ưu tú của đất nước này“.


(Bài viết này được ĐSQ Đức ở Hà Nôi đăng tải trên trang mạng TT của họ)
Chu Văn Keng gửi lên Blog K13toan6872 ngày 11-4-2012


2 nhận xét:

  1. Nhờ BBT sửa lại giúp tôi:
    1.Lời chú thích dưới ảnh con gái tôi:
    (15.03.2012 Bürgerdialog in Heidelberg)
    2.Câu cuối dưới bài:ĐIỀU KÌ LẠ VIỆT NAM:
    Chu Văn Keng gửi lên Blog k13toan6872 ngày 11-4-2012 (vì ở trên cùng có ghi đăng ngày 11.4.2012,mà ngày 12.4.2012 mới gửi...)

    Xin cám ơn BBT

    Chu Văn Keng

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Keng.
    BBT đã sửa.

    Chúc Bác vui khỏe.

    BBT Blog Toan 68-72 ĐHTH

    Trả lờiXóa