Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Chuyện tình…tích phân

Trên đời có đủ loại, đủ kiểu tình yêu nam nữ mà từ khi có chữ viết con người đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, thời gian để viết về nó; nhưng cũng chẳng khi nào viết hết và thôi viết về đề tài Tình yêu.
Hôm nay, tôi xin “hầu” các bạn một mối tình nẩy nở từ những bài toán tích phân, vi phân.

Lớp Toán K13 có anh Bùi Năng Cận, quê Hà Tĩnh, thư sinh đẹp trai, học giỏi; tính nết hiền lành. Tên là Năng Cận có nghĩa là “hay gần gũi” nhưng cái tính hay gần gũi này hình như anh dành trọn cho Toán học thì phải. Chẳng thế mà khi bắt đầu học cấp III anh đã được vào học lớp chuyên toán đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và khi vào học Lớp toán K13 thì anh cũng là một “quái kiệt” về sức học và thành tích học tập.
Lớp Toán K13 còn có chị Trịnh Kim Thanh, quê Hà Nội, xinh gái và cũng là một học sinh giỏi của Trường phổ thông cấp III Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội). Khi học xong phổ thông, chị Thanh cũng được chọn đi học nước ngoài nhưng năm đó do có một số biến động ở Đông Âu nên chị Thanh phải ở lại và vào học Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng Lớp với anh Cận. Tên là Kim Thanh có nghĩa là “giọng vàng”. Mà đúng là chị có giọng ca thánh thót thật. Mỗi khi ở nơi sơ tán chị hát bài “Bài ca Hà Nội” thì ai trong lớp Toán K13 cũng bồi hồi, xao xuyến như mình đang đi trên đường phố Thủ đô vậy “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng xuân, nghe náo nức trong lòng…”

Năm thứ nhất, Lớp Toán K13 học tại Ba Trang, Đại Từ dù thiếu thốn, khó khăn, gian khổ nhưng kết quả học tập nhìn chung đều rất tốt. Hồi ấy việc thi cử, kiểm tra học kỳ và cuối năm học đều rất nghiêm chỉnh (không có khái niệm phao phiếc như bây giờ). Tuy nhiên các anh cán bộ, bộ đội được cử đi học đại học ở Lớp Toán K13 thì sức học hơi bị yếu. Thế là, với tinh thần giúp đỡ các anh, trong học tập đã hình thành các cặp đôi học chung Hiền - Nhụy, Hãn - Cương (Nguyễn), Bình - Hùng (trọc),….

Chị Thanh, sức học không phải là kém, đạt mức trung bình khá ở năm thứ nhất. Bắt đầu vào học kỳ II năm thứ nhất chị đã “để ý” đến anh Cận hay nói một cách văn hoa thì: anh Cận đã lọt vào “mắt xanh” của chị. Nhưng để tiếp cận với anh Cận thì khó quá vì anh Cận chỉ mải mê với “nàng toán”!!!

Năm thứ hai, Trường Tổng hợp rời về Đông Anh - Hà Nội, Lớp Toán K13 đóng tại thôn Tiên Hội, sinh viên ở trong nhà dân, phong trào giúp nhau trong học tập vẫn duy trì, phát triển. Đến lúc này, anh Cận gần như là người học giỏi vào hạng super của Lớp nhưng chưa phải “kèm cặp” ai. Chị Thanh lại cùng Tổ với anh Cận. Thế là chị Thanh nẩy ra “sáng ý”: Chị cố tình thi hỏng vài môn của học kỳ I năm thứ hai (mặc dù sức học của chị không tệ). Đương nhiên trong “tình thế” ấy, Lớp phó phụ trách học tập Nguyễn Ngọc Cương đã phân công anh Cận “kèm cặp” chị Thanh, giúp chị Thanh học ôn để thi lại. Vậy là bước đầu chị Thanh đã đạt được “kế sách” của mình.


Anh chị Thanh Cận về thăm Đông Anh ngày 3/10/1993 

Liên tục trong hai năm thứ hai và thứ ba cho đến khi phân ban, anh Cận ngoài việc gần gũi với "nàng toán" hơn trước mong có được nhiều lưng vốn hơn để được “gần gũi” chị Thanh dài dài.
Cả lớp không ai hiểu (riêng Thanh Cận thì hiểu) anh Cận đã “kèm cặp” chị Thanh như thế nào?

Riêng tôi thì tôi đồ rằng: có lẽ anh Cận “kèm cặp” chị Thanh học thì ít mà ngược lại chị Thanh “kèm cặp” anh Cận nhiều hơn về các phương pháp…iu như thế nào cho hiệu quả !
Tại sao tôi lại đồ chừng như vậy: Thứ nhất: Bằng chứng là chị Thanh từ khi học chung với anh Cận thì không phải thi lại môn nào và nhiều môn còn được điểm cao (có nghĩa là vài môn phải thi lại ở học kỳ I năm thứ hai là do chị Thanh cố tình thi hỏng để tạo tình huống được gần gũi anh Cận, chứ tuyệt nhiên không phải chị Thanh học yếu); trong khi các anh Hiền, anh Hãn, anh Bình và nhiều người khác “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” miệt mài đèn sách, sáng ra muội đèn đen kịt lỗ mũi và cũng được sự giúp đỡ của các “thần toán” mà vẫn thi lên, thi xuống. Thứ hai: có một dạo ở Tiên hội (khi ấy anh Cận đang kèm cặp chị Thanh) mấy người bạn thân với anh Cận cứ thấy anh Cận loay hoay giải toán mà không ai biết là bài toán gì. Có bạn cùng ở chung nhà với anh Cận cố tình xem trộm mấy tờ giấy nháp thì được biết nội dung của Bài toán là: “tìm tích phân của hàm CT (x) từ HT đến HN”. Anh Cận lục hết trong quyển sách Đê mi nô vich mà chẳng tìm ra bài toán nào có dạng ấy cả. Hóa ra, bài toán ấy là do chị Thanh đưa ra cho anh Cận nhờ giải. Mãi anh Cận vẫn chưa tìm ra đáp số bài toán, bấy giờ chị Thanh lại “kèm cặp” cho anh Cận để giải bài toán này. Từ khi về Thượng Đình học được mấy tháng mọi người thấy anh Cận lúc nào cũng cười tươi (chị Thanh còn tươi hơn). Sau này mọi người mới vỡ lẽ nội dung của bài toán là “tìm tích phân của hàm Cận Thanh với miền biến thiên từ Hà Tĩnh đến Hà Nội” và đáp số là TY (tình…iu).

Sau khi ra trường anh Cận và chị Thanh tiếp tục cùng nhau giải “bài toán cơ bản” còn khó hơn cả “Bổ đề cơ bản” là: “tìm Lim của hàm số TY (x) khi x tiến đến vô cùng” và đã tìm được nghiệm duy nhất là PT (phu thê) với thời gian hai người bỏ ra đâu mất khoảng 2-3 năm gì đó.
Với hai công trình “tầm cỡ” như trên, anh Cận chị Thanh được nhận giải thưởng còn hơn cả giải Fielts đó là hai cậu con trai giỏi như anh Cận và còn hơn anh Cận về khoản “iu…sớm”.

Bây giờ anh Cận chị Thanh là một cặp vợ chồng rất chi là hạnh phúc, hai cậu con trai của anh chị đã sớm có gia thất; anh chị đã thành ông nội, bà nội.  Mấy cháu nội của anh chị thông minh, lém lỉnh như thằng “cu tý” trong chuyện tiếu lâm vừa đăng trên mạng K13toan6872 ngày hôm qua.
Nhưng có lẽ chị Thanh “kèm cặp” anh Cận ghê quá nên anh Cận bây giờ vẫn gầy như xưa; được cái là vẫn đẹp trai và trẻ như xưa. Và,…và,…vì vậy chắc chắn một điều đến giờ anh Cận chưa hiểu khái niệm “nhà nghỉ” thời nay, nên đôi lần anh Nắp (trộm vía anh Nắp) nói về “nhà nghỉ” thì anh Cận cứ ngu ngơ như “bò đội nón”.

Người buôn chuyện (11/4/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét