Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Chu Văn Keng và Thơ người Việt ở CHLB Đức

BBT- Xin trích bài điểm sách "Tập Thơ Việt ở Đức" từ trang mạng trannhuong.com. Xin chúc mừng anh Chu Văn Keng với món quà văn hóa tuyệt vời đón năm mới 2014:



Đỗ Trường
Thứ sáu ngày 27 tháng 12 năm 2013 6:00 AM

Tôi viết về những suy nghĩ của mình về tập Thơ Người Việt Ở Đức, theo đề nghị của lãnh đạo nhà xuất bản Vipen-Berlin, Tiến sỹ Peter Knost và nhà thơ Thế Dũng. Tác giả tập thơ này, là những người Việt, viết không chuyên nghiệp, đang sống ở Đức. Do vậy, sự khen chê trong tập thơ này, cũng nằm trong cái không chuyên đó. Tuy còn nhiều mặt hạn chế, nhưng nó nói lên nhiều điều, trong đó có tâm tư, cuộc sống của những cảnh đời xa quê. Hơn nữa, tôi cũng muốn gửi một chút đó, đến cho những ai muốn tìm hiểu về sự hình thành, cuộc sống cũng như sinh hoạt văn hóa của đồng bào mình ở Đức, đã và đang diễn như thế nào. Bìa cuốn “Thơ Việt ở Đức”.
Tối này 4-12-2013, tôi nhận được (PDF)tập Thơ Việt Ở Đức, từ giám đốc nhà xuất bản Vipen Berlin, nhà thơ Thế Dũng. Tập thơ dày 480 trang, của trên bảy mươi tác giả, hiện đang sống và làm việc ở Đức. Có lẽ rành tánh của nhau, cứ nhận sách tặng, đọc xong, thấy sướng, ngứa mồm chịu không nổi, thế nào cũng động đậy chân tay, thế là tôi viết. Nên Thế Dũng không nhiều lời, chỉ nhắn nhủ, cố gắng đọc, nghiên cứu, tập thơ in xong trước Weihnacht(Noel) và năm mới 2014.
Vâng! Rất vui, nhà xuất bản Vipen tin tưởng ở tôi. Và cảm ơn các anh chị, các bạn tác giả, đã cho tôi, những giây phút thật nhẹ nhàng, khoái cảm, khi đọc tập thơ này. 
Thật ra, nói là thơ của người Việt sống trên toàn nước Đức, nhưng đọc qua, tôi thấy các tác giả hầu như là những công nhân thợ thuyền từ thời Đông Đức. Một số nhỏ là cựu sinh viên, học sinh du học, xuất thân từ cả hai miền Nam, Bắc. 

………………………………..
Tập thơ ra đời, trước hết là sự cố gắng các tác giả, đặc biệt là câu lạc bộ thơ Berlin, nhà xuất bản Vipen và cá nhân các anh, Sa Huỳnh, Thế Dũng, Thế Sáng… Tuy các tác giả là những cây viết không chuyên, nhưng tôi nghĩ, nó sẽ chuyển tải được nhiều điều, trong đó có cuộc sống, thân phận người Việt sống trên nước Đức, một cách chính xác nhất đến người đọc. Đó chính là cái đặc trưng riêng mà nhiều người muốn biết, muốn tìm hiểu.
 
Trình bày, cũng như bìa tập thơ phải nói rất đẹp, trang trọng, tuy nhiên không biết vì lý do gì, ban biên tập không ghi tiểu sử mỗi tác giả vào trong tập thơ? Việc này gây trở ngại, khó khăn cho những nhà nghiên cứu sau này. Tôi nghĩ, chẳng đến một, vài chục năm nữa đâu, chỉ dăm, bảy năm nữa thôi, chắc chắn có những nghiên cứu, (hoặc luận văn thạc sỹ, tiến sỹ)về sự hình thành, phát triển đời sống, văn hóa người Việt ở Đức. 
………………………………………….
Tập Thơ Việt ở Đức tuy chưa hoàn hảo về chất lượng nội dung, cũng như nghệ thuật, nhưng có thể nói, nó hơn hẳn một số tập thơ của các cây viết chuyên nghiệp, xuất bản ở trong nước trong thời gian vừa qua. Vâng! Nói có sách, mách có chứng. Chúng ta hãy đọc lại, những câu thơ tả người và tâm trạng, tính cách trong Trường Ca Chân Đất, vừa ẵm giải của Liên hiệp các hội VHNTVN và hội nhà văn Việt Nam vào tháng 1- 2013 của nhà thơ Thanh Thảo, phó chủ tịch hội đồng thơ, hội nhà văn Việt Nam:
“…bác Năm Trì tàng tàng tàng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
 đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
trăng hạ tuần…“
Và chúng ta đọc tiếp một đoạn thơ trong bài, Viết Cho Con của Bùi Nguyệt trong tập Thơ Việt Ở Đức, khi cùng tả người và tính cách, tâm trạng:
“ …Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con…“
Có lẽ, chúng ta khỏi cần phải phân tích cho mất thời gian. Người ấm ớ hội tề nhất về thi ca, cũng nhận ra, cả đời mẹ đã vắt kiệt, chỉ còn đọng lại muối sương, tết thành cánh võng, nâng bước đường cho con, trong thơ Bùi Nguyệt, so với hình ảnh hịch toẹt, bác Năm Trì ngồi gãi háng trong thơ Thanh Thảo, cái nào hay, đẹp và giầu hình tượng hơn?
………………………………….
Trong bài “Lòng Mẹ” tác giả Chu Văn Keng dùng phương pháp, hình tượng so sánh ẩn dụ, để diễn tả tâm trạng của mẹ, với người con ngoài mặt trận khá hay. Trong suốt chiều dài lịch sử thơ ca Việt Nam, chẳng có hình ảnh nào đẹp và buồn thương bằng hình ảnh mẹ chờ, tiễn con ra trận. Bài Lòng Mẹ của Chu Văn Keng cũng vậy, nó đã nối liền được mạch thơ đó. Lời thơ của Chu Văn Keng tuy mộc mạc, nhưng sáng và trau chuốt. Nó không kém phần thâm thúy. Nhưng không hiểu sao, khi đọc thơ anh, tôi cảm thấy như thiếu một chút gì đó:
“Ruột tằm đau quặn nhả tơ
Con đi chiến trận mẹ lo đêm ngày
Tơ kia dệt lụa tháng ngày
Thẫn thờ mẹ nhẩm: ngày này… xa con
Tơ vàng mẹ những hằng mong
Không làm vướng chỉ để lòng tằm đau…
……………………..
Và tôi nghĩ, một tập thơ, chắc chắn chưa thể tải hết, những nỗi lòng người Việt ở Đức. Hy vọng, sau đây còn nhiều những tập thơ văn khác tiếp theo, để đáp ứng được những nhu cầu cũng như tâm tư, tình cảm của người Việt trên nước Đức và Châu Âu. 

  Leipzig ngày 10-12- 2013
Đỗ Trường


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét