Cay Rademacher
Phan Ba dịch
THỨ BA, NGÀY 11 THÁNG 5, Trung Nam Hải. Một nữ y tá chạy đến
chỗ bác sĩ Lý Chí Thỏa, vì viên Chủ tịch lại lên cơn tim. Người bác sĩ
riêng của Mao, một vài đồng nghiệp và nữ y tá cố ổn định tình trạng của
bệnh nhân và trong lúc hấp tấp đã làm một việc mà họ đã không dám làm
trong vòng hai năm vừa qua: họ đẩy Trương Ngọc Phượng, người đứng cản
đường họ, sang một bên.
Con người 32 tuổi này, người mà Mao đã biết đến cách đây 14 năm như
là nhân viên phục vụ trên chiếc tàu hỏa đặc biệt của ông ấy, là cơn ác
mộng của các bác sĩ. Từ năm 1974, trên thực tế là bà ấy nắm độc quyền
tiếp xúc với ông Chủ tịch, điều không những khiến cho Hoa Quốc Phong và
Giang Thanh hết sức bực tức, mà cả bác sĩ Lý chịu trách nhiệm về sức
khỏe của Mao nữa.
Ông hầu như không còn có thể chẩn đoán cho bệnh nhân nổi tiếng của
ông ấy được nữa, vì người này từ chối những cuộc điều trị kéo dài.
Thường thì sau nhiều ngày thúc dục, người bác sĩ chỉ có thể thuyết phục
được Mao và người vợ bé của ông ấy ít nhất là để cho lấy vài mẫu máu.
Y tá bí mật mang nước tiểu của Mao ra, để các bác sĩ có thể cho người
phân tích được. Nhưng Trương Ngọc Phượng cứ đơn giản là từ chối nhiều
đề nghị chữa bệnh và cưỡng lại các bác sĩ bằng cách chỉ cho truyền dịch
glucose.
Vào ngày 11 tháng 5 đó, Mao ốm yếu. Ông ấy bồn chồn cho tới mức những
người phục vụ của ông ấy đặt thêm một cái giường to thứ nhì vào trong
ngôi nhà tắm và thường xuyên kéo ông ấy đi từ giường này sang giường
kia, để làm giảm bớt sự bức rứt của ông ấy. Ông ấy chỉ còn có thể ăn xúp
gà hay xúp bò mà một người nữ y tá nhỏ từng giọt vào cho ông. Với thực
phẩm qua tĩnh mạch, bác sĩ Lý có thể cải thiện tình trạng đôi chút – sau
khi ông ấy phải thuyết phục Trương Ngọc Phượng về tính không nguy hiểm
của dịch truyền, bằng cách tự thử cho mình trước mắt của bà ấy.
Cơn đau tim tuy qua được, thế nhưng nó là lần khởi đầu của sự chấm
dứt. Quyền lực kỳ lạ của Trương Ngọc Phượng ở xung quanh Mao bây giờ bị
giới hạn, vì sự sa sút về thân thể của viên Chủ tịch đã khiến cho sự
tiếp cận trực tiếp của các bác sĩ trở nên cần thiết.
Bộ Chính trị, cho tới nay đều trình ra tất cả các nghị quyết để được
ông cho phép, quyết định dưỡng sức cho Mao và chỉ còn quấy rầy ông ấy
trong những trường hợp đặc biệt. Qua đó, viên Đại Chủ tịch dần mất đi
sự kiểm soát Đảng của ông ấy.
Ông ấy đánh mất sự kiểm soát cơ thể mình vào ngày 26 tháng 6,
khi lại một cơn đau tim hạ gục ông ấy. Trung ương Đảng loan báo, rằng từ
bây giờ Mao không tiếp khách nước ngoài nữa. Người ta không đưa ra lý
do, nhưng nhiều người hiểu việc đấy như là lần loan báo cái chết sắp đến
của ông ấy.
Cứ tám tiếng một, một đội năm bác sĩ và tám nữ y tá bây giờ lo cho
sức khỏe của người bạo chúa. Bác sĩ Lý dọn vào một gian phòng cạnh những
phòng của Mao và túc trực sẵn sàng. Từ quan điểm y học, ít bác sĩ hơn
cũng đã đủ, nhưng từ quan điểm chính trị thì không: ngay khi tình trạng
của Mao xấu đi thấy rõ trong năm 1972, Giang Thanh đã gọi bác sĩ Lý là
thành viên của một “nhóm điệp viên” muốn tiêu diệt Mao.
Càng có nhiều chuyên gia thì mối nguy hiểm bị hy sinh như là người phải chịu tội sau khi Mao chết lại càng ít đi.
Cộng thêm vào số bác sĩ và y tá là bốn chính khách, những người thay
nhau trong ca mười hai tiếng để canh chừng: Hoa Quốc Phong và người phe
cánh tả Trương Xuân Kiều cũng như người ủng hộ Hoa là Uông Đông Hưng và
ứng cử viên cánh tả Vương Hồng Văn.
Cạnh bên giường người chết của Mao, cuộc tranh giành quyền lực đã bắt đầu.
Khi bác sĩ Lý báo cáo về tình trạng của người Chủ tịch trước Bộ Chính
trị, ông ấy chỉ có thể trình bày những dự đoán đen tối: Mao bị nhiễm
trùng đường hô hấp, có một trái tim yếu và chức năng thận bị giới hạn.
Vì thế mà Giang Thanh đã quở trách ông ấy: “Rõ ràng là anh không được
cải tạo tốt. Trong xã hội tư bản, bác sĩ là chủ và y tá là những người
phục vụ. Vì thế mà Chủ tịch luôn khuyên rằng chúng tôi chỉ nên tin một
phần ba những gì các bác sĩ nói.”
THỨ TƯ, NGÀY 28 THÁNG 6, tỉnh Hà Bắc. Mặt đất rung chuyển vào
ngày đầu tiên của tháng 7 theo lịch Trung Quốc, tháng mà các hồn ma xấu
xa hoạt động. Cơn động đất mạnh 8,2 độ trên thang Richter – đó là một
trong những trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Vào
ban đêm của ngày hôm đó có thêm một trận nữa, chỉ nhẹ hơn không đáng kể.
Nhà cửa và cầu của thành phố công nghiệp Đường Sơn sụp đổ, hỏa hoạn
lớn hoành hành. Đại diện chính quyền sau này nói là có 242.000 người
chết và 164.000 người bị thương nặng, các nhà quan sát người nước ngoài
còn cho rằng có hơn 600.000 người chết.
Cả ở Bắc Kinh mặt đất cũng rung động, tuy vậy, với những hậu quả ít
tàn khốc hơn rất nhiều. Cư dân của Trung Nam Hải bị lay dậy từ trong
giấc ngủ và một vài ngôi nhà bị hư hại nhẹ, trong đó có ngôi nhà tắm của
Mao.
Bác sĩ, y tá và cận vệ chuyển chiếc giường với viên Chủ tịch – người
vẫn rất tỉnh táo và ghi nhận rõ rệt những gì đang xảy ra – qua một lối
đi sang căn nhà số 202 nằm ở bên cạnh, mới xây xong năm 1974 và được cho
là có thể chịu đựng được động đất.
Hoa Quốc Phong cố lợi dụng trận động đất cho các mục đích chính trị.
Vào ngày 1 tháng 9, ông ấy – “nhân danh Mao” – công khai khen ngợi các
biện pháp cứu trợ, cho là những biện pháp đó có tác động nhiều hơn là
các biện pháp sau thảm họa đầu những năm 60 rất nhiều.
Thế nhưng muốn trục lợi về mặt chính trị qua một trận động đất là một
việc làm hết sức không khéo léo. Vì ở Trung Quốc, thiên tai được xem
như là điềm báo trước cho lần thay đổi người cai trị sắp sửa đến, và lần
nhắc đến Mao đã bệnh không cứu chữa được nữa hẳn phải khiến cho người
Trung Quốc nào cũng phải khiếp sợ.
THỨ TƯ, 8 THÁNG 9, Trung Nam Hải, ngay trước nửa đêm. Mặc dù
đã muộn, nhưng phía sau tấm bình phong che giường của Mao lại trước phần
còn lại của căn phòng vẫn đầy người, vì 24 giờ là lúc đổi ca. Mười bác
sĩ và sáu y tá thì thầm trao đổi những báo cáo thường nhật, thêm vào đó
là bác sĩ Lý, Hoa Quốc Phong, thêm các thành viên Bộ Chính trị khác, cận
vệ và Trương Ngọc Phượng.
Người vợ bé lắng nghe những âm thanh từ miệng của Mao, rồi bà ấy gọi
viên bác sĩ riêng đến giường: “Chủ tịch muốn nói chuyện với anh!”
Bác sĩ Lý cầm tay Mao, nhưng mặc dù cố gắng ông ấy vẫn không thể hiểu
được viên Chủ tịch đang muốn nói gì với mình, và vì thế nên lầm bầm một
vài điều không quan trọng để trấn an – Mao vẫn còn chưa biết ông ấy bị
bệnh gì và tình trạng của mình ra sao.
Có lộn xộn ngắn khi Giang Thanh chạy vào. Cho tới lúc đó, tất cả
những người có mặt đều nói thì thầm, thế nhưng bây giờ bà ấy với giọng
nói bồn chồn đã át cả tiếng rì rì của cái máy hô hấp. “Ai đó có thể nói
cho tôi biết có việc gì không?” Hoa Quốc Phong, người đã cho gọi bà ấy
vì phỏng đoán rằng Mao sẽ chết, trấn an bà ấy mà không giải thích lý do
cho lời yêu cầu của mình hay còn nói cả cái từ “chết” gây kinh sợ đấy ra
nữa.
Gương mặt vào lúc trước đã từng tròn trĩnh của Mao bây giờ chảy xệ
xuống và xám xịt, mắt của ông ấy không còn tinh anh nữa. Thế nhưng trong
một khoảng khắc, viên Chủ tịch dường như hài lòng, đôi má hồng lên.
Nhưng rồi thân thể của ông ấy nhũn xuống: mười phút sau nửa đêm, Mao Trạch Đông chết. Đó là ngày thứ năm, 9 tháng 9 năm 1976.
Trong số người đang hiện diện, hầu như không có ai xúc động thật sự.
Giang Thanh la mắng các bác sĩ, nhưng bất thình lình trấn tỉnh lại. Các
bác sĩ lo sợ sẽ bị bắt giữ như những “kẻ có tội”, đồng thời phải lo sao
cho xác chết còn hơi ấm này được bảo tồn. Các nhà giải phẫu và mô học
của Viện Y Khoa Bắc Kinh bị gọi dậy vào lúc nửa đêm và bị triệu đến
Trung Nam Hải. Đồng thời, Bộ Chính trị họp hội nghị.
Vào khoảng bốn giờ sáng, bác sĩ Lý nhẹ nhỏm vì biết tin, rằng Bộ
Chính trị sẽ không lên án các bác sĩ – và kinh hoàng vì biết tin, rằng
Bộ Chính trị đã quyết định bảo tồn xác chết không chỉ một tuần mà là mãi
mãi. Ý muốn được thiêu của Mao bị phớt lờ đi.
Các bác sĩ đều bất lực. Không một ai trong số họ có kinh nghiệm trong
việc bảo tồn lâu dài một xác chết. Một nữ chuyên gia được gửi đến thư
viện chuyên môn gần nhất để tìm kiếm các tài liệu thích hợp, những người
khác thương lượng với các quan chức cao cấp đang tụ tập trong nhà 202,
cho tới khi những người này cuối cùng rồi cũng cho phép hạ máy điều hòa
từ 25 xuống 10 độ Celsius.
Điều duy nhất mà bác sĩ Lý biết, là ba người thánh cộng sản được ướp
xác “vĩnh cửu” khác đã có nhiều vấn đề: ở Lênin và Stalin – cho tới khi
ông ta biết mất dưới thời Khrushchev – trong Liên Bang Xô viết cũng như ở
Hồ Chí Minh tại Bắc Việt Nam, tai và mũi ngay sau một thời gian ngắn đã
thối rữa và phải được thay thế bằng những mô hình bằng sáp.
Các bác sĩ đọc trong một tờ báo Phương Tây, rằng phải xử lý xác chết
với 12 đến 16 lít formaldehyde, tiêm vào một vài giờ sau khi chết. Nhưng
bác sĩ Lý muốn cho chắc ăn và cho bơm 22 lít vào trong xác của Mao.
Vào khoảng mười giờ sáng, công việc đấy chấm dứt – với kết quả đáng
sợ: mặt, cổ và thân thể của Mao sưng phồng lên một cách kỳ quái, chất
formaldehyde trào từng giọt một ra từ lỗ chân lông như mồ hôi.
Thế là các bác sĩ phải cực nhọc dùng khăn và bông để chậm hết chất
lỏng ấy trên gương mặt và nhét thân xác đấy vào trong một bộ quần áo của
Mao, cái được xẻ ra ở lưng để nó vừa với thân hình đã phồng lên.
Trong lúc đấy, da ở má phải của Mao vỡ ra; nơi hư hỏng đấy được che
lại bằng Vaseline và phấn. Vào khoảng 15 giờ, người chết trông có vẻ
chấp nhận được, vài giờ sau đấy, ông ấy được đặt vào trong một cái quan
tài bằng kính, kín khí và được chở vào trong Đại hội đường Nhân dân.
Từ năm 1930, Mao đã bị giới báo chí quốc tế tuyên bố chết tám lần,
thế nhưng tin lần thứ chín, được chính thức tuyên bố vào cái ngày đấy
lúc 16 giờ, là đúng.
Người ta tuyên bố quốc tang một tuần. Trong tuần đó, 300.000 người
dân được lựa chọn ra để đi ngang qua chiếc quan tài bằng kính với xác
chết được xử lý một cách cực nhọc ở trong đó – thế nhưng thiếu sự xúc
động như sau cái chết của Chu Ân Lai.
Liên bang Xô viết thù địch với Bắc Kinh loan tin Mao chết trong một
bài báo ở trang ba của tờ Izvestia và không gửi lời chia buồn từ chính
phủ đến chính phủ, mà chỉ từ ĐCS đến ĐCS – việc bị người Trung Quốc từ
chối một các thô lỗ vào ngày 14 tháng 9.
Đỉnh cao của các nghi thức diễn ra vào ngày 18 tháng 9 trên Thiên An
Môn. Đài phát thanh và truyền hình truyền trực tiếp, khoảng 500.000
người đã tụ họp lại trên quảng trường. Trời nóng bức. Vào lúc 15 giờ,
còi nhà máy và còi tàu thủy kêu vang ba phút, rồi sự yên lặng thống trị
ba phút liền.
Sau đó, Hoa Quốc Phong đọc một bài diễn văn dài ca ngợi người chết,
trong đó có một vài mũi nhọn gần như không che đậy hướng đến Đặng Tiểu
Bình và Giang Thanh.
Thế nhưng người vợ góa của Mao – người gửi chồng mình vòng hoa chia
buồn với dòng chữ “Người học trò và bạn chiến đấu của anh” – được chiếu
thật lâu trong truyền hình cùng với những người nổi tiếng theo bà ấy.
Cuộc tranh giành quyền lực quanh người kế nghiệp Mao đang tiến đến gần đỉnh cao của nó.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét