Nguyễn Trọng Vĩnh
Có những phần tử chống cộng cực đoan phủ định toàn bộ Đảng CSVN, họ nhắm mắt trước thời kỳ huy hoàng của Đảng CS Đông Dương, Đảng Lao động VN (cũng là Đảng cộng sản). Họ không thấy được sự hy sinh dũng cảm và công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc. ĐCS sinh ra vì nước vì dân, không phải vì lợi ích riêng tư nào của Đảng. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp hàng nghìn, hàng nghìn đảng viên bất chấp tra tấn, tù đày, hàng chục đồng chí lãnh đạo của Đảng bị lên máy chém, bị bắt, nếu không có Đảng CS lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cách mạng Tháng 8 thì sao có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bản đồ Việt Nam lại xuất hiện trên quả địa cầu. Uy tín của Đảng rất lớn, Đảng không có quyền gì và cũng không cần quyền (chưa có điều 4) vẫn lãnh đạo được nhân dân, nhân dân hết lòng tin yêu Đảng, bảo vệ Đảng.Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lão thành cách mạng 96 tuổi đời, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, nguyên ủy viên Trung ương đảng vừa gửi đến BVN một bài viết trình bày các nhận định cá nhân về sự thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ. Chúng tôi xin trân trọng đăng nguyên bài viết của ông, để bạn đọc xa gần tham khảo.Bauxite Việt Nam
Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng tin của nhân dân thì làm gì có trận thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” giải phóng nửa nước? Tuy có sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng bí thư Trường Chinh từ chức, Bác Hồ xin lỗi dân, và sửa sai, dân lại tín nhiệm Đảng và theo Đảng.
Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Lao động ViệtNam và Bác Hồ được dân tin thì sao có thể đánh thắng đế quốc Mỹ hiện đại, giàu mạnh hơn ta gấp nhiều lần, thực hiện được hoàn toàn độc lập thống nhất. Uy tín của ViệtNam rất cao, được thế giới khâm phục.
Thực tế trên đây là giai đoạn hào hùng của dân tộc Việt Nam cũng là giai đoạn quang vinh của Đảng cộng sản ViệtNam (Đảng Lao động Việt Nam).
Tuy nhiên cũng không thể đồng nhất Đảng Cộng sản từ giai đoạn này trở về trước với Đảng CS từ đấy cho đến hiện nay. Mọi vật không ngừng vận động. Tùy theo bối cảnh, môi trường và vai trò của người lãnh đạo từng thời gian mà Đảng cũng biến thiên, chuyển hóa. Nhận xét Đảng phải căn cứ vào thực tiễn, vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.
Từ sau thắng lợi năm 1975, trong lãnh đạo xuất hiện tư tưởng chủ quan duy ý chí, cho rằng từ nay trở đi “không có kẻ địch nào dám xâm phạm nước ta”, rồi chủ trương nhập tỉnh, nhập huyện đi lên “sản xuất lớn XHCN”, tuyên bố qua vài năm, nhà nhà sẽ có tivi, tủ lạnh… Kết quả không như ý muốn. Thêm vào đó lại chậm xóa bỏ bao cấp khiến sản xuất trì trệ, rồi cải tạo công thương nghiệp miền Nam, khiến kinh tế càng khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, nhân dân thiếu tin tưởng, nội bộ lãnh đạo cũng có vấn đề, lại bị Trung Quốc tấn công bất ngờ tháng 2/1979, uy tín của Đảng bắt đầu giảm.
Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng 5 sang nhiệm kỳ Đại hội 6, lãnh đạo đổi mới tư duy, xóa bỏ bao cấp, thực hiện “Khoán 10”, cởi trói cho nông dân. Kinh tế có chiều khá lên, nhân dân có hy vọng, uy tín của Đảng phần nào được phục hồi. Nhưng sau đó không lâu, Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, nước ta lại gặp không ít khó khăn. Điều bất hạnh là cuối nhiệm kỳ Đại hội 6, trong cuộc hội đàm với Trung Quốc ở Thành Đô nhằm lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước, phái đoàn ta đã chấp nhận sự áp đặt của Trung Quốc không được nhắc cuộc xâm lăng của họ tháng 2/1979 và phải gạt bỏ Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đã sớm nhận ra những mưu đồ xấu xa của giới cầm quyền bá quyền bành trướng đối với nước ta, luôn cảnh giác đối với họ. Từ đó họ tiếp tục lấn lướt ta. Trong hiệp định biên giới đất liền họ ăn của ta mất nửa thác Bản Giốc, và nhiều đất đai trong đàm phán về vịnh Bắc Bộ, họ không chịu chấp nhận hiệp ước Pháp – Thanh do lịch sử để lại, đòi chia lại, lại ăn hơn của ta nhiều km2 trên vịnh.
Nhiệm kỳ của Tổng bí thư Đỗ Mười cũng không có gì khởi sắc, đồng thời tham nhũng phát triển kể cả ở cấp cao đến nỗi phát biểu trong một hội nghị, nguyên TBT Nguyễn Văn Linh đã nói: “dột từ nóc dột xuống”. Thêm vào đó, có vụ TBT Đỗ Mười nhận 1 triệu đô la do chính phủ Hàn Quốc tặng trong dịp ông sang thăm nước này, không nộp ngân sách, dư luận xầm xì, ảnh hưởng đến tín nhiệm với Đảng.
Được Trung ương giao trọng trách, TBT Lê Khả Phiêu chủ trương kiên quyết chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng, nhân dân trông chờ, nhưng chạm đến những quan chức “có vấn đề”, lại chủ trương bỏ chức cố vấn, nên bị những người mất quyền lợi phản ứng, chỉ mới nửa nhiệm kỳ đã bị nhóm cố vấn do Lê Đức Anh chủ trì lật đổ. Ông còn bị dư luận xì xèo vì cho là đã bán đất của Tổ Quốc trong đàm phán biên giới.
Từ đại hội Đảng IX, TBT Nông Đức Mạnh nắm quyền lãnh đạo đến nay, Trung Quốc càng lấn át, chi phối mạnh hơn, can thiệp vào nhân sự nội bộ ta, mua rừng, mua đất, vào khai thác bauxite Tây Nguyên, làm nhiều việc phá hoại kinh tế ta, liên tiếp hành động ngang ngược ở biển Đông, đưa hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nước ta, cố tình ép ta đi vào quỹ đạo của họ.
Thêm nữa, qua hoạt động của TBT Nông Đức Mạnh bộc lộ trình độ yếu kém, nhân dân chế giễu gọi là ông “cây gì, con gì”, đã thế ông lại có thái độ áp đặt. Nhiều khiếu nại, tố cáo không đưa ra Trung ương thảo luận, hoặc thảo luận nửa vời rồi “khoanh lại”, nhiều kiến nghị tâm huyết của cán bộ lão thành cách mạng, trí thức và tướng lĩnh yêu nước bị xếp xó. Uy tín của Đảng bị giảm sút.
Đến nhiệm kỳ thứ 2 của TBT Nông Đức Mạnh đồng thời với ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng, đất nước còn xấu đi thậm tệ.
Tham nhũng tràn lan, kinh tế sa sút, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, đạo đức, văn hoá xuống thấp, tệ nạn xã hội phát triển, lệ thuộc chưa thoát.
Về Đảng, một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả một số đảng viên cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có nghĩa là Đảng cũng suy thoái, không còn như giai đoạn trước kia.
Chưa bao giờ thấy nhiều cấm, nhiều tăng như hiện nay.
Cấm công nhân đình công tự phát, cấm biểu tình, cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, cấm phản biện, cấm tụ tập đông người, cấm khiếu kiện tập thể, cấm đảng viên cùng ký khiếu kiện với dân dù quyền lợi cũng bị xâm phạm như dân, cấm đảng viên ứng cử tự do đại biểu quốc hội, không cho người quá 60 tuổi được ứng cử đại biểu Quốc hội (vi phạm hiến pháp), hạn chế công dân ngoài Đảng chỉ được 15% trong Quốc hội, hóa ra là Đảng hội, không còn đúng nghĩa là cơ quan đại diện của toàn dân nữa.
Tăng viện phí, tăng học phí, tăng giá điện, tăng giá nước, tăng giá xăng dầu, tăng đóng góp, tăng lấy đất của nông dân đưa cho nhà đầu tư địa ốc xây chung cư cao tầng quá nhiều, thừa ế, tăng thất nghiệp do xí nghiệp phá sản và dân cày mất đất, tăng thất thoát tiền của nhà nước, tăng nợ xấu ngân hàng, tăng nợ nước ngoài, tăng lạm phát, tiền mất giá thảm hại, mớ rau, con cá đắt đỏ, đời sống đa số dân chật vật.
Sau hội nghị Trung ương 6, mọi người thất vọng, mất hết lòng tin, uy tín của Đảng xuống thấp hơn bao giờ hết.
Nếu tình hình chính trị xã hội như trên cứ kéo dài, tham nhũng, chuyên quyền, độc đoán cứ tiếp diễn thì đến một lúc nào đó dân bức xúc đến cực độ, tức nước vỡ bờ, khắp nơi bùng nổ thì bộ máy đàn áp hung ác rất to cũng không ngăn nổi.
Chỉ có một con đường sáng là lãnh đạo quay lại với dân, dựa vào, kiên quyết thật sự loại trừ tham nhũng, thực hiện dân chủ, tin tưởng trí thức yêu nước, trọng dụng nhân tài, phát huy tinh thần tự lực tự cường, thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, không chỉ hữu hảo với Trung Quốc mà quan hệ mật thiết với các nước lớn như Ấn, Nga, Nhật, Mỹ vì lợi ích chung, tăng cường quốc phòng, vũ trang, giáo dục phát huy truyền thống dũng cảm kiên cường của lực lượng vũ trang. Có như thế mới giữ được độc lập chủ quyền để đưa đất nước tiến lên, tránh được nguy cơ trở thành thuộc địa kiểu mới của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
N.T.V
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét