Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

KÊU GỌI QUỐC HỘI HỦY BỎ ĐIỀU 88

Cập nhật: 11:49 GMT - thứ bảy, 29 tháng 12, 2012

Văn bản được đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam đề cập Điều 88 về “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.

Theo các tác giả lá thư, điều 88 “quy định một cách mù mờ về tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, thực chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị ghi nhận và bảo đảm”.

“Việc người dân phản biện, phê phán Nhà nước, kiến nghị về luật pháp về chính sách, về bộ máy nhà nước… là những việc làm cần thiết và thường xuyên trong một nhà nước dân chủ, để xã hội tiến bộ.”
“Nhưng với Điều 88 Bộ luật Hình sự, công dân có bất cứ hành vi nào như vậy cũng có thể bị trừng trị,” tuyên bố viết.

Lá thư nói tiếp: “Nhiều công dân Việt Nam đã và đang bị khởi tố, truy tố, xét xử, bị án tù về tội danh này, khiến cho lòng dân bất bình, thế giới chê trách việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam.”

Các tác giả của lời kêu gọi cũng yêu cầu hủy bỏ Nghị định 38/2005/NĐ-CP vì cho rằng đây là “nghị định cấm biểu tình được ban hành trái thẩm quyền và có nội dung vi hiến”.

Trong phần kết, văn bản “yêu cầu Chính quyền trả tự do cho tất cả những tù nhân công khai bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa mà đã bị quy vào tội danh theo Điều 88”.

Trong số những người ký tên có nhiều tên tuổi như giáo sư Nguyễn Huệ Chị, giáo sư Hoàng Tụy, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Giới văn nghệ có những người như Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân.

Không ít người từng làm trong ngành báo chí cũng ký‎ tên như Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, Nguyễn Trọng Huấn, nguyên Tổng biên tập báo Kiến trúc và Đời sống, Kha Lương Ngãi, nguyên phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng.

(Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét