Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

MIẾN ĐIỆN VÀ VIỆT NAM

BÁO CHÍ TƯ NHÂN MIẾN ĐIỆN ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG


Sau gần nửa thế kỷ bị cấm, báo chí tư nhân Miến Điện sẽ được hoạt động trở lại. Bộ Thông tin Miến Điện thông báo kể từ ngày 01/04/2013 Naypyidaw sẽ cấp giấy phép hoạt động cho các tờ báo tư nhân. Sau hai năm lên cầm quyền chính quyền Miến Điện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải tổ. 

Thông cáo trên mạng của Bộ Thông tin Miến Điện đề ngày 28/12/2012 quy định kể từ ngày 01/02/2013 được quyền đăng ký xin giấy phép hoạt động các tờ báo phát hành trên toàn quốc hoặc chỉ thu gọn ở cấp vùng và bất luận đó là những tờ báo bằng ngôn ngữ Miến Điện hay bằng tiếng của các dân tộc thiểu số, hoặc tiếng nước ngoài. Tuy nhiên người đứng tên xin đăng ký phải mang quốc tịch Miến Điện.

AFP nhắc lại, cách nay nửa thế kỷ và cho đến tận ngày hôm nay, chính quyền quân sự Miến Điện đã quốc hữu hóa các nhật báo. Hiện mới chỉ có một số các tuần báo tư nhân được phép hoạt động. Theo lời Tổng biên tập tạp chí hàng tuần The Voice Weekly hiện có 5 tuần báo Miến Điện đang rất muốn được phát hành hàng ngày. Chủ nhân tạp chí 7Days News nhấn mạnh thông báo nói trên của chính quyền được coi là một «cột mốc quan trọng đối với ngành báo chí, đối với Miến Điện và người dân xứ này».

Một số nhà phân tích cho rằng các phương tiện truyền thông Miến Điện đã được cởi trói đáng kể từ khi tập đoàn quân sự tự giải tán vào tháng 3/2011. Kể từ tháng 8/2013 Naypyidaw đã chấm dứt chính sách kiểm duyệt báo chí. Nhiều nhà báo đã được trả tự do. Lãnh đạo đối lập, Aung San Suu Kyi thường xuyên chiếm trang nhất các tạp chí và nhiều phóng viên đã bắt đầu mạnh dạn đề cập tới những chủ đề nhạy cảm như tham nhũng. Vào tháng 10/2012 chính quyền thông báo cải tổ hệ thống điều hành của ba tờ báo nhà nước là New Light of Myanmar ấn bản bằng tiếng Anh, tờ Myanma Alin và Kyemon.

Tuy nhiên theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Miến Điện vẫn là một trong những quốc gia vi phạm quyền tự do báo chí nghiêm trọng nhất trên thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này xếp hạng thứ 169 trên tổng cộng179 nước.

T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét