Việt Hoàng
“…Tiếc thay, do nền giáo dục xuống cấp vì nhồi sọ và thiếu định hướng nên học sinh, sinh viên ra trường ‘dở ông dở thằng”, thầy không ra thầy thợ không ra thợ. Bao nhiêu năm ăn học, thành cử nhân rồi mà vẫn phải đi bán cà phê dạo, hay hát rong…”
Khủng hoảng kinh tế đã đến với Việt Nam hơn một
năm nay, nó đang còn ở lại và khi ra đi, sẽ mang theo nhiều mất mát, đỗ vỡ và
đau đớn. Năm 2012 sắp kết thúc. Bức tranh dự đoán cho năm 2013 toàn là một màu
xám xịt: kinh tế sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và
nhỏ tiếp tục phá sản, bất động sản vẫn tiếp tục bất động, bấp chấp mọi nỗ lực “giải
cứu” của chính phủ. Kinh tế thị trường có sức mạnh ghê gớm của nó khiến mọi
biện pháp hành chính đều bó tay. Hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi quan
trọng, những ngân hàng yếu kém bắt buộc phải dừng cuộc chơi, nhiều “ngôi sao”
phải đổi ngôi.
Hết tiền, đương nhiên chính phủ phải tăng cường
và dùng mọi biện pháp móc túi người dân để duy trì ngân sách nuôi một (chính
xác là hai) bộ máy đảng và chính quyền thuộc loại cồng kềnh và tham nhũng nhất
thế giới. Các loại phí vô lý như phí “bảo trì đường bộ” mà xe máy, ô-tô phải đóng
từ ngày 1/1/2013 hay phạt xe không chính chủ… sẽ được tạm hoãn trong một thời
gian ngắn rồi tiếp tục phải thực hiện, không những chỉ có thế mà sắp tới sẽ còn
nhiều loại phí (vô lý) tương tự như vậy được ban hành. Điện cũng vừa bị tăng
giá thêm 5%.
Tin buồn với người dân là lạm phát và giá cả sẽ
tiếp tục tăng, tuy nhiên đảng và chính phủ thì cứ việc yên tâm vì người dân
Việt Nam thuộc loại chịu đựng giỏi nhất thế giới, khổ thế chứ khổ nữa vẫn chịu
được. Duy chỉ có một bộ phận rất nhỏ là thanh niên (hoặc là tàn dư của chế độ cũ
để lại? Hoặc do thế lực thù địch xúi giục? Hoặc nằm trong số gần một triệu
người thất nghiệp trong năm 2012 theo thông báo của Tổng cục thống kê) là dám
tụ tập và rủ nhau đi cướp, mà đúng là cướp thời khủng hoảng nên cũng có khác:
“chém trước cướp sau” chứ không thèm “dọa trước cướp sau”. Năm mới sắp đến, dù
chiến tranh đã lùi xa và dù chúng ta đang sống ở thành phố thì mọi người cũng
nên tham gia một khóa học ngắn về “nghệ thuật cải trang khi ra phố” cho nó an
toàn. Nói gì thì nói, dù giàu hay nghèo, lơ mơ là mất mạng như chơi.
Thất nghiệp sẽ là nỗi lo lớn nhất đối với người
dân, nhất là người dân đô thị. Tuy nhiên theo báo chí của đảng thì tỉ lệ thất
nghiệp của Việt Nam chỉ trên dưới 3%, trong khi đó ở các nước tư bản giãy chết,
tỉ lệ này mới đáng nói như Tây Ban Nha và Hy Lạp là 25%, ngay cả ở Hoa Kỳ tỉ lệ
này cũng gần 9%. Không biết ở các nước đó người thất nghiệp được hưởng bao
nhiêu tiền một tháng? Còn ở Việt Nam nếu thất nghiệp có nghĩa là đói, nếu không
thì “cử nhân đi hát rong” hoặc “bán cà phê dạo”.
Trên tất cả, bản thân người viết thấy đáng nói và
đáng chia sẻ nhất là sự phá sản của tầng lớp trung lưu Việt Nam (cả đáng thương
nữa vì bản thân người viết có đứa em cũng nằm trong số đấy). Đây là tầng lớp trụ
cột, chỗ dựa cho xã hội và người dân trong mọi hoàn cảnh. Sau hơn 20 năm trời
lăn lộn, bươn chải, lên bờ xuống ruộng thì rốt cuộc đến hôm nay, tài sản và cơ
đồ mà họ đã gầy dựng bấy lâu, gần như mất hết. Giấc mơ “quay trở về cái máng
lợn sứt ngày xưa” của doanh nhân, từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt
Nam đồng thời là nghị sĩ quốc hội Đặng Thành Tâm, tuy nửa đùa nửa thật nhưng
cũng đủ phản ánh được nỗi niềm chua xót và cay đắng của tầng lớp trung lưu Việt
Nam trước con tạo xoay vần của thời thế.
Họ đã chấp nhận im lặng, ngậm miệng ăn tiền, chỉ
lo làm giàu cho mình và cho các quan chức chính phủ mà không hề lên tiếng trước
những ngang trái của cuộc đời đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ bên cạnh họ. Họ
tưởng mình nằm ngoài tầm ảnh hưởng của thời cuộc và họ sẽ an toàn. Họ không quan
tâm hoặc không có chính kiến về các vấn đề chính trị, họ cũng muốn “ổn định”
như đảng và nhà nước mong muốn. Họ sợ mất đi những gì họ đang có. Họ quay lưng
lại với dân chủ. Họ tin vào sức mạnh của đồng tiền. Họ hy vọng rằng của cải sẽ
bảo vệ được họ. Họ nghĩ rằng họ là những kẻ khôn ngoan. Họ cho rằng họ quá lớn
và quá quan trọng cho đất nước nên không thể “chết” được. Họ chỉ biết tìm niềm
vui qua chén rượi và thành tích gái gú…
Họ… đã tính sai tất cả. Khủng hoảng kinh tế có
sức tàn phá khủng khiếp mà đời người ai cũng chỉ có thể chứng kiến và trải
nghiệm qua… một hai lần. Sau cuộc khủng hoảng, nhiều doanh nhân lớn cũng đành
ngậm ngùi chia tay với thương trường để về vườn “vui thú điền viên”, nhất là những
doanh nhân đã có tuổi tác. Họ không còn đủ thời gian, sức khỏe và cả nghị lực
để làm lại từ đầu. Một chu kỳ kinh tế mới, với những khuôn mặt mới, sẽ thay
thế. Sự thích nghi với hoàn cảnh từ nghèo trở thành giàu, tuy khó nhưng dù sao
vẫn dễ chịu và mất ít thời gian hơn so với sự thích nghi ngược lại, tức
là đang từ giàu có mà trở thành nghèo khó. Thậm chí có người không thể chịu
được, nhất là những người bị bệnh sĩ diện.
Khủng hoảng kinh tế Việt Nam đã đến và vẫn đang
tiếp diễn. Dù muốn hay không thì nó vẫn cứ xảy ra, vì đây là qui luật của cuộc
sống. Mà đã là qui luật thì không thể nào cưỡng lại được. Những cái mất mát mà
khủng hoảng đem đến cho mọi người mọi nhà là rất kinh khủng, dù trước đó đã được
cảnh báo nhiều lần nhưng không ai tin và không ai có thể hình dung ra được nó
khủng khiếp như thế nào. Nhất là với tầng lớp nghèo khổ, họ sẽ bị tổn thương
rất lớn trong cuộc khủng hoảng này. Thiếu hiểu biết sẽ làm cho niềm tin con
người đặt sai chổ và trở nên lầm lẫn. Người viết có đứa em, cũng là một doanh
nhân, sau khi Châu Âu bị khủng hoảng, đã cảnh báo nó rất nhiều lần nhưng hầu
như nó bỏ ngoài tai. Nó cho rằng Việt Nam khác Châu Âu và thế giới, giá đất đai
và bất động sản ở Việt Nam chỉ có lên chứ không có xuống vì nó lý luận rất đơn
giản và rất lô-gic là “người đẻ chứ đất không đẻ”! Nó có một xưởng may hàng
xuất khẩu và một công ty môi giới bất động sản nhưng sự quan tâm của nó dành
hết cho bất động sản chứ không dành cho may mặc. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến.
Xưởng may của nó đóng cửa vì thiếu vốn và thiếu sự đầu tư cần thiết. Bất động
sản đóng băng nên công ty môi giới cũng tự giải tán. Không hiểu nó có rút ra
được bài học gì hay không? May là nó còn trẻ và không nợ nần gì ai.
Một qui luật quan trọng của cuộc sống: Những điều
vô lý thì không thể kéo dài mãi, trước sau gì nó cũng phải kết thúc. Việt Nam
là nước nghèo nhưng bất động sản lại cao nhất thế giới. Ai cũng thấy sự vô lý
đó nhưng ai cũng lao đầu vào kinh doanh bất động sản. Không chết mới là chuyện
lạ. Trước năm 2012, một số bạn bè của người viết là những người kinh doanh
tương đối thành công ở Đông Âu, ai cũng có khoảng nửa triệu đô la tiền mặt,
nhưng khi về Việt Nam đều choáng váng với giá cả nhà đất. Với giá đó chỉ mua
nổi căn nhà 4 tầng, diện tích 40-60 mét vuông ở trong ngõ của Hà Nội. Về sau
mọi người đành chọn Sài Gòn làm “chốn đi về” vì dù sao nó vẫn rẻ hơn nhiều so
với Hà Nội.
Năm 2012 sắp đi qua, năm 2013 sắp đến. Trong
những ngày đầu Xuân mà nói toàn chuyện buồn e rằng độc giả Thông Luận mất vui.
Vậy thì người viết sẽ nói về những điều tốt đẹp xung quanh chủ đề khủng hoảng
kinh tế.
Sau cơn mưa trời sẽ sáng, sau hủy diệt sẽ là sự
hồi sinh, sau khi lũ lụt rút đi sẽ để lại một lớp phù sa màu mỡ. Đó cũng là một
qui luật của cuộc sống. Trước khủng hoảng người Việt sống và làm việc với một
tư duy ảo. Người người, nhà nhà lao vào kinh doanh bất động sản, số tiền dành cho
bất động sản lên tới hơn 30% GDP. Ai cũng nhìn cuộc đời với màu hồng, ai cũng
thấy lãi xuất khổng lồ từ buôn bán bất động sản, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà
nước. Trong khi đó sự thịnh vượng và phát triển bền vững chỉ có được khi hàng
hóa sản xuất ra dồi dào, chất lượng tốt, xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu do nhiều
nhà máy, xí nghiệp, nhiều công ty ăn nên làm ra. Thịnh vượng không thể đến từ
việc “buôn nước bọt”.
Sau cơn khủng hoảng này, tư duy về kinh tế của
người Việt chắc chắn sẽ phải thay đổi. Chính quyền có thay đổi không thì không
biết, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt buộc phải chuyên tâm vào sản xuất,
vào những ngành nghề chủ đạo chính của mình. Họ sẽ phải vĩnh viễn quên đi các
phi vụ đầu tư vào bất động sản. Họ phải thay đổi và cải tiến phương thức quản
lý cũng như cải thiện năng suất lao động của chính doanh nghiệp mình. Ai cũng
biết một điều là năng suất lao động của người Việt và các doanh nghiệp tư nhân
Việt Nam là rất thấp vì thiếu sự đầu tư cho máy móc, cho cơ sở hạ tầng cũng như
cho người lao động. Trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới như
ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ ngày càng chuyên nghiệp hóa cao và đang vươn
lên mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn bị lép vế hoặc tụt hậu trong hiện tại lẫn cả
tương lai.
Người Việt sẽ phải đoạn tuyệt với lối tiêu tiền,
ăn nhậu quá trớn như trước đây, theo kiểu vứt tiền qua cửa sổ. Việt kiều (trừ
Việt kiều trồng cần sa) về nước, thấy cảnh tiêu tiền của người Việt thành phố
đều ngạc nhiên và thán phục? Quan chức thì không nói đến làm gì, mà ngay cả những
người kinh doanh bình thường hay công chức làng nhàng cũng đủ tuần 7 buổi ăn
nhậu và thậm chí có người, có ngày, ăn nhậu đến hai ba lần. Nhớ năm nào trước
khủng hoảng, ghé thăm đứa bạn ở Hà Nội, ở lại ăn cơm tối với vợ chồng nó, vợ nó
than thở rằng “một tháng rưỡi nay chồng em không ăn cơm nhà”. Bạn bè về phép
Việt Nam sang đều bảo nhau rằng, riêng khoản ăn chơi và sành điệu thì Việt kiều
về nước mà gặp Việt cộng đều chạy mất dép.
Muốn đất nước phát triển bền vững và lành mạnh
thì mỗi người, mỗi nghề bắt buộc phải làm việc theo lối chuyên nghiệp cao.
Không cần thiết là một người phải biết làm nhiều việc khác nhau, tốt hơn là nên
làm một công việc duy nhất, nhưng phải thật giỏi. Ông bà ta cũng từng khuyên “nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tiếc thay, do nền giáo dục xuống cấp vì nhồi sọ và
thiếu định hướng nên học sinh, sinh viên ra trường ‘dở ông dở thằng”, thầy
không ra thầy thợ không ra thợ. Bao nhiêu năm ăn học, thành cử nhân rồi mà vẫn phải
đi bán cà phê dạo, hay hát rong. Thật là bi kịch cho bản thân người đó cũng như
gia đình và cả xã hội.
Tất cả những vô lý đó sẽ phải thay đổi sau khủng
hoảng. Ai sẽ làm việc của người ấy. Người nông dân phải gắn bó máu thịt với
ruồng đồng của mình (trừ khi đất bị nhà nước “thu hồi”). Người công nhân phải
tăng hiệu suất làm việc để nhận được đồng lương xứng đáng. Người kinh doanh phải
đặt quyền lợi và nhu cầu của khách hàng lên trên hết…
Tóm lại, khi mọi người làm đúng khả năng và có
trách nhiệm với việc làm của mình thì xã hội sẽ tốt đẹp. Cho thế nào thì sẽ
nhận được như vậy. Và nếu có một lời muốn tâm tình trong những ngày đầu năm mới
này với độc giả là giới đàn ông Việt Nam thì đó là: hãy uống ít bia rượi! Bởi
vì rượi, bia, sự ham muốn… bản thân nó không xấu nhưng dùng quá nhiều là sẽ có
hại. Hại cho sức khỏe, làm vơi đi túi tiền và ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi.
Hãy dành thời gian và tiền bạc cho gia đình, thể thao và làm từ thiện.
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét