Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

HAI NHÀ THƠ CỦA LỚP TOÁN K13 ĐHTH


CHU VĂN KENG (BERLIN)  &  KIM NGỌC CƯƠNG (HÀ NỘI)

1.  Anh Kim Ngọc Cương từ khi nghỉ hưu, ý thơ tràn trề, đã viết nhiều bài thơ và gửi đăng trên mạng. Trong những lần gặp mặt, liên hoan anh thường chia sẻ các sáng tác của mình với  bạn bè.  Xin giới thiệu bài thơ của anh Cương làm nhân dịp ngày lễ 8-3 đăng trên “Trannhuong.com” mà anh đã ngâm cho Hội Xuân 2012 của Lớp K13 toán ĐHTH chúng ta ở Hồ Tây hôm 12 tháng 2:


NỬA THẾ GIỚI
Kim Ngọc Cương

Kính tặng các Mẹ, các Chị, các Em nhân ngày Phụ nữ 8/3

Tôi yêu cả thế giới này
Nhưng yêu nhất vẫn là yêu một nửa
Những người mẹ - người chị - người em
Muôn ngàn lần thương, muôn ngàn lần quý
Chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai
Nuôi tôi qua một thời gian khó
Nuôi tôi lớn khôn để trở thành Người
Muối mặn, gừng cay - Tình sâu ơn nặng
Ân nghĩa này chưa ai trả được đâu
Hôm nay vẫn còn bao người mẹ
Còng lưng, cúi mặt cấy mạ trên đồng
Bao người chị vẫn còn lam lũ
Bỏ quê nghèo đi lao động muôn nơi
Bao em gái sang xứ người xa lạ
“Làm dâu” hay làm kiếp “tôi đòi”
Tôi không nghĩ mình sẽ làm việc lớn
Có muốn làm cũng khó lắm thay!
Nên nguyện suốt đời làm viên gạch nhỏ
Lát trên đường cho Mẹ ta đi
cho Chị, cho Em - cho Nửa thế gian này
Sẽ cùng đến những ngày vui sáng lạn.
                                           (Thứ hai ngày  5/3/2012)


Anh Kim Ngọc Cương cùng đoàn lớp Toán 68-72 sau 40 năm trở lại đất xã Văn Yên - Đại Từ:


2.  Anh Chu Văn Keng ở xa đất nước, nhưng nặng tình với quê hương, anh thường làm thơ lục bát truyền thống. Xin giới thiệu  2 bài thơ của anh và 1 lời bình của Hoàng Tấn Đạt (từ TP. Vũng Tàu) trên trang Web “Lucbat.com”:



Thơ tình cuối mùa thu  
         (Lucbat.com – 04/11/2011)Ở Việt Nam, thời điểm này đang là cuối Mùa Thu. Nhiều độc giả đã nói đùa rằng mùa thu là mùa của yêu thương, nhung nhớ và... làm thơ. Gần đây, ban biên tập đón nhận nhiều thơ từ các tác giả đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài – những người mà chúng ta đoán rằng họ nhung nhớ về quê hương nhiều hơn tất cả. Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của các tác giả Bùi Nguyệt, Chu Văn Keng, Phan Hòa gửi về quê hương Việt Nam nỗi nhớ nhung da diết.
……………………
Từ Tác giả Chu Văn Keng:

THƠ VÀ ĐỜI

Đem câu thơ thả lưng trời
Làm mòn mưa nắng gạn đời đục trong
Đời thường xô lệch méo tròn
Làm thơ ta góp sức lòng chỉnh xây

NGẮM TRĂNG

Đã ai ghen với Cuội chưa?
Cùng phường tri kỷ Cây Đa với mày
Cả con Trâu nữa mỗi ngày
Được làm khoảng tối... ghen hay không nào?
Ngắm trăng lòng lại chiêm bao
Ngẩn ngơ ao ước: được sao như là...


Berlin, 26.10.2011
Tác giả Chu Văn Keng - CHLB Đức
E-Mail: cv-keng@gmx.de

LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT

Người ta ngắm trăng thường là lúc tâm hồn thư thái, thỏa mái, ung dung vút tận không trung  hòa vào vũ trụ, còn Chu Văn Keng ngắm trăng để tìm ra một triết lý nhân sinh, từ ba hình ảnh: chú Cuội, Cây đa, con trâu. Với chú Cuội, tác giả đưa ra một câu hỏi nửa phần chất vấn nửa phần mỉa mai:

Có ai ghen với Cuội chưa
Cùng phường tri kỷ cây đa với mày ?
Cả con trâu nữa mỗi ngày
Được làm khoảng tối...

Tưởng  ghen tị những cái cao sang to tát  hóa ra là trái ngược: được làm khoảng tối giữa vầng trăng!
Từ một hiện thực rất hiển nhiên trong những đêm trăng sáng, những bóng đen ngự trị trên cung trăng mà nhân dân vẫn bảo rằng đó là cây đa, con trâu và chú Cuội. Cả ba thứ ấy vấy bẩn cả mặt trăng. Tôi thật sự rùng mình khi hiểu ra điều sâu xa mà nhà thơ muốn nói:  cái xấu, cái ác vẫn cứ ngang nhiên tồn tại song song cùng cái đẹp! và chua chát thay  nó lại ở ngay trên đầu thiên hạ !
Nói đến trăng, người ta nghĩ ngay đến chị Hằng điển hình cho  phái đẹp vậy mà trớ trêu thay, một kẻ xấu xa đại bịp như chú Cuội lại ngự trị chốn cung Hằng. Chẳng khác gì một con nhặng đen xì đậu trên một bông hoa trắng nõn!
Bởi thế Chu Văn Keng mới ghen, mới ước ao, chiêm bao, mơ mộng:

Ngắm trăng lòng lại chiêm bao
Ngẩn ngơ ao uớc được sao như là...

Như là gì? Tuy tác giả chẳng nói ra nhưng chúng ta có lẽ ai cũng hiểu?
Tôi nghĩ rằng qua bài thơ "Ngắm trăng ", Chu Văn Keng đã đưa ra một tứ lạ đã gợi cho người đọc mở rộng trí liên tưởng của mình trong mọi lĩnh vực của hiện thực cuộc sống hôm nay. Bởi thế, bài thơ này có nhiều tầng ý nghĩa, cung bậc khác nhau. Lời ít ý nhiều, tính triết lý khá sâu và tầm khái quát khá rộng, nó có thể vươn ra toàn thế giới ?
Thứ hai ngày  14/11/2011  

Thơ của anh Keng trên "trannhuong.com"

Xuân Nhâm Thìn anh Chu Văn Keng có bài thơ “vịnh xuân” cùng các bạn thơ hải ngoại khác trên Tạp chí Quê Hương:
Hết rồi Dần Mão Canh Tân
Nhâm Thìn cùng với Nàng Bân đang chờ
Xuân nồng thắm đượm tình thơ
Tha hương ta vẫn thầm mơ... quê nhà
Chu Văn Keng (Berlin)

---------------------------------------------------------------
Viết thêm: Anh Đoàn Văn Bản đã trao đổi bằng vần điệu với anh Keng trên trang Web „lucbat.com“ (http://lucbat.com/?tab=news&id=8833). Chắc là 2 anh đã liên lạc được với nhau qua cầu Internet:

Đoàn Văn Bản - doanban@yahoo.com - +48 880 880 688 
- Warszawa, Cộng hòa Ba lan (Ngày 07/03/2012 5:11:50)

Thư gửi Chu Văn Keng.

Chẳng hay đồng chí Chu Văn
Keng Hà Đông ấy, nay miền Berlin
"Vê đôi" (W) còn nhớ phương trình
đạo hàm riêng ấy, có tình (tỉnh) ra không!

Lâu nay có đọc mấy bài
Nghe ra hơi hướng của ngài Văn Keng
Cất công tìm kiêm bao miền,
Nay vào chốn ấy có phiền mình không!

Tôi sẽ giới thiệu dần dần các nhà thơ của lớp ta khi có dịp. Bài tiếp sẽ bộc lộ phần nào về nhà thơ Trần Thanh Sơn, cựu giảng viên của Đại học Xây dựng HN.

(Vĩnh Thuận - 29/3/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét