Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Bài thơ một chữ (LTT giới thiệu)


Bài thơ ngắn nhất Việt Nam và cũng là của cả thế giới, với tựa là “Vợ chồng”, chỉ có một chữ xong. Bài thơ này nhiều người lúc đầu cho là của Trần Dần vì Bài thơ có phong cách rất Trần Dần, nhưng thực ra là của ông Đoàn Văn Chúc.
Gần hai chục năm trước, nhà thơ Phùng Quán có kể về ông Chúc bờ sông, tức Đoàn Văn Chúc một trong những người làm thơ độc đáo nhất Hà Nội, người mà Phùng Quán ví von “so với thơ ông Chúc, thơ tôi chỉ là miếng pic-kê đầu gối”.
Gọi là Thơ nhưng nội dung chỉ có một từ và nếu như không có cái tựa đề là “Vợ Chồng” thì từ “xong” cũng chẳng có nghĩa gì. Mà nếu cứ chiểu theo các thể thơ thì Bài “thơ ấy” chẳng theo một thể nào cả ngay cả thể thơ tự do. Thế nhưng rất nhiều nhà thơ phải khen đấy không những chỉ là một Bài thơ mà còn là một Bài thơ hay nữa.
Bài thơ chỉ có một chữ nhưng Lời bình thì ngắn nhất như Lời bình của Trần Dần cũng rất dài so với Bài thơ: “Vợ chồng - mớ bòng bong ấy gọi là xong”
Tuy chỉ có một chữ và không theo một thể thơ nào cả nhưng Bài thơ lại đa tầng, đa nghĩa mà một trong những tiêu chí của một Bài thơ hay là: “kiệm lời”, “ý tại ngôn ngoại”.
Lời bình của Nhà thơ Trần Dần xúc tích, cực ngắn mà lại bao hàm nhiều nghĩa; mỗi người tùy thuộc hoàn cảnh mà có thể hiểu cái chữ “xong” ấy nó là thế nào. Có thể đấy là sự kết thúc của một đôi trai gái yêu nhau nay làm đám cưới để thành vợ chồng và như vậy cũng là "xong". Đời người có ba việc lớn: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà thì đã xong một việc. Từ nay yên tâm bắt đầu cho cuộc sống mới, không còn hẹn hò, đưa đón và cũng là bắt đầu của một “mớ bòng bong”. Hiểu theo một hoàn cảnh khác, ta hình dung chữ “xong” là lời thốt ra của mọi người sau khi Chánh án tuyên bố cho một cặp vợ chồng được ly hôn, để thoát ra khỏi “mớ bòng bong”.
Thế mới biết là, ở lĩnh vực nào cũng vậy: Sự sáng tạo không bao giờ có khuôn mẫu.


VỢ  CHỒNG

Xong.


                                                                                      Đoàn văn Chúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét