Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU (KỲ 103)


                     (tiếp theo)
 



Ong Bí thư nghĩ nát óc không đoán ra chuyện gì,  đành tạm ngưng hội ý cán bộ  sang phòng riêng tiếp Giám đốc Đài. Cha này hồi trên rừng chỉ là thằng thợ máy, phụ trách máy nổ cho cơ quan R, sau kiếm được cái máy chụp hình trở thành phóng viên ảnh chuyên chụp Hội nghị,  đại hội liên hoan đánh Mỹ diệt nguỵ … ở trên cứ. Vài năm sau, nhờ giỏi chạy chọt gã được rút ra Bắc học chuyên tu, trở về Nam làm tuyên huấn , rồi chẳng hiểu sao tót lên ghế Giám đốc đài truyền hình chỗ “ấm” nhất thành phố.  Nào tiền sản xuất phim, tiền thu quảng cáo, tiền bán chức bán ghế , nào tiền “ăn chia” các loại dự án dính dáng đến xây dựng và mua sắm trang thiết bị, ngoài ra cơ man nào là rượu nồng, dê béo, gái đẹp sẵn sàng dâng tận miệng .

 Chỉ sau vài năm  ngất ngưởng trên ghế Giám đốc, gã đã phát tướng giống y chang phần lớn các VIP lãnh đạo thành phố, nhìn mặt đồng chí nào người ta cũng phải liên tưởng ngay tới cái…đầu heo. Tai hại thay, nhận xét này chẳng phải của ba thằng “phản động” trong nhóm đòi đa nguyên dân chủ mà lại của một lão thành cách mạng mới chết . Hôm đó vào ngày giáp tết, Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức phái đoàn đi chúc tết các cụ 70 tuổi đảng, trong đó có cụ ngày xưa  làm tới xứ uỷ Nam kỳ. Cụ đã ngoài 90 , tai nghễnh ngãng và có vẻ lẫn cẫn . Quả nhiên sau khi ông Chủ tịch thành phố thay mặt đảng bộ và chính quyền phát biểu chúc tết , chẳng hiểu cụ có nghe thấy gì không mà cứ “hả ? hả?” liên hồi rồi cụ kéo ông Chủ tịch tới gần như muốn  thì thào điều gì đó, chắc định cảm ơn sự quan tâm của thành uỷ và Uỷ ban và dặn dò giữ vững truyền thống cách mạng. Nào ngờ, cụ cất tiếng sang sảng :

Sao tao thấy cán bộ bọn bây thằng nào thằng nấy giống cái đầu heo quá dzâỵ…:”

Ối trời ôi, con cháu trong nhà cụ, người nào người nấy sợ điếng hồn. Cũng may, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban coi như “ không nghe, không thấy” cứ tươi cười như không, ôm ngang lưng cụ, đỡ vào buồng trong. Nhận xét của cụ lão thành cách mạng chẳng hiểu sao lọt tai cánh nhà báo được một mẻ cười vỡ bụng, tất nhiên, bố bảo chẳng anh nào dám đưa lên báo, có mà vỡ nồi cơm.

Ong Bí thư nhìn mặt Giám đốc Đài và nhớ ngay tới câu chuyện “ đầu heo”  cấp dưới đã báo cáo ông. Quả thật sao mặt cha này tròn quay, múp míp , bóng loáng lên thế ? Ong Giám đốc Đài thấy ông Bí thư cứ nhìn chằm chằm vào mặt mình , hoảng quá vội vã :

Báo cáo anh…em chỉ xin anh vài phút thôi ạ…chắc anh đang mắc hội ý cán bộ ?”

Ong Bí thư cau mày :

Thôi được …cứ nói cho ra đầu đuôi …”

Ong Giám đốc đài mừng rỡ rút ngày tờ báo đảng mới in ra làm ông Bí thư xua xua tay :

Biết rồi…biết rồi…tưởng chuyện gì , có thằng nhà báo nào nó mới khui vụ nhập máy quay phim hàng bãi rác  lỗi thời phải bỏ xó chứ gì ?”

Ong Giám đốc Đài lắc quày quạy ::

Báo cáo anh không phải chuyện đó…chuyện đó từ thời Giám đốc trước,  chẳng dính dáng gì tới em, nó khui vậy chứ khui nữa cũng chẳng nhằm nhò gì. Em xin báo cáo với thủ trưởng chuyện khác kìa…”

Ong Bí thư tròn mắt, giật thót người. Chuyện gì vậy ? Không khéo có đơn kiện thành uỷ của các cụ cựu chiến binh gửi Đài truyền hình cũng nên. Chuyện này đã xảy ra nhiều rồi, cứ mỗi kỳ giáp đại hội là đơn thưa như bươm bướm. Giám đốc Đài  đích thân gom hết những thứ đó giao cho Ban nội chính, riêng đơn thư nào chỉ đích danh  Bí thư thành uỷ thì mang tới giao tận tay đồng chí.

Ông Bí thư sốt ruột :

Chuyện gì vậy ? Phải chuyện năm ngoái tụi nó mời tao đi Thuỵ Điển chữa bệnh không ? Chuyện này tao đã báo cáo Bộ chính trị rồi, cho nó thưa thoải mái …”

Ong Giám đốc Đài vội vàng :

Dạ không, báo cáo anh không phải…tuyệt đối là không có chuyện đó…em tới xin ý kiến anh về bài thơ của anh mới in trên báo đảng bộ thành phố kìa…”

Ong Bí thư giật mình :

Bài thơ làm sao ?”

Báo cáo anh tụi em tính tổ chức một đêm vầng trăng cổ nhạc ngâm toàn thơ  anh thôi ạ…”

Ong Bí thư thở hắt ra, vậy mà nó làm ông thót cả tim cứ tưởng bài thơ có vấn đề gì. Ong tươi cười gật đầu :

Tưởng chuyện gì, chuyện đó thì được nhưng nhớ phối hợp với bên Sở văn hoá và Ban tuyên huấn cho chặt chẽ nghe chưa ? Mà tuyệt đối không được  bán vé …”

Ong Giám đốc Đài tươi tỉnh :

Không bán vé nhưng xin phép anh cho tổ chức quyên góp gây quỹ xoá đói giảm nghèo ạ…”

Ông Bí thư vui vẻ :

Chuyện đó thì được nhưng phải mời Sở tài chánh tổ chức thâu tiền cho đàng hoàng nghen…”

Ong Giám đốc Đài truyền hình hoan hỉ ra về. Ngay hôm sau, ông Bí thư đang đọc báo cáo của các Quận uỷ gửi lên lại có ông Chủ tịch Hội âm nhạc thành phố xin yết kiến. Ong mang theo một danh sách dài các …bài thơ của ông Bí thư đã đăng báo để xin phép cho các nhạc sĩ của thành phố phổ nhạc. Ong nói :

Báo cáo đồng chí Bí thư , anh em nhạc sĩ hội viên rất xúc động với các bài thơ của đồng chí lâu nay vẫn in trên báo Đảng. Nghe tin Đài truyền hình sắp tổ chức đêm “vầng trăng cổ nhạc” giới thiệu thơ của đồng chí nên anh em xin phép đồng chí cho phổ nhạc những bài thơ đó ạ …”

Ong Bí thư tròn mắt :

Phổ nhạc thơ tôi ? Nhưng mà nhạc gì mới được chứ ba cái nhạc cứ gào rít như điên là không có hợp …”

Ong Chủ tịch Hội nhạc sĩ  vội vàng :

Dạ không không…nhất định là phải đậm đà bản sắc dân tộc rồi ạ…”

Để ông Bí thư yên tâm về mặt nhân thân các nhạc sĩ, ông Chủ tịch Hội trình ra một bản danh sách :

Báo cáo anh, toàn các đồng chí xuất thân trong phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên từ hồi trước giải phóng đó ạ…Nhất định là  đảm bảo tính chiến đấu và tinh thần lạc quan cách mạng rất cao rồi ạ…”

Ong Bí thư liếc qua danh sách, gật đầu :

 “ Thôi được , đồng chí cứ về triển khai và phải nhớ tổ chức tổng duyệt mời Ban tư tưởng văn hoá hoá tới dự…”

Phải thừa nhận tính kịp thời, “tuần chay nào cũng có nước mắt”  đã ăn sâu vào máu các nhạc sĩ qua nhiều cuộc vận động sáng tác chào mừng các ngày lễ lớn, bởi vậy 10 ngày sau,  tức vài ngày trước buổi vầng trăng cổ nhạc, Hội nhạc sĩ  đã cấp tốc mở trại cho các hội viên nòng cốt   phổ nhạc , mời dàn nhạc, ca sĩ và cả nhóm múa minh hoạ tập dượt và tổ chức hẳn một buổi tổng duyệt tại Hội trường Ban tư tưởng văn hoá thành uỷ rất long trọng. Hôm đó ông Bí thư  cũng hạ cố xuống dự và gặp đủ mặt thủ trưởng của các Sở, Ban, Ngành và đoàn thể không một ai dám vắng mặt . Quả thực tài tổ chức của ông Chủ tịch Hội nhạc sĩ  xem ra còn lớn hơn tài sáng tác . Chỉ sau một thời gian ngắn không hiểu sao ông đã tập hợp được các ngôi sao đang vào mùa chạy show, các ca sĩ triển vọng qua các cuộc thi Tiếng hát truyền hình, ai nấy tranh nhau xin được hát . Buổi tổng duyệt thành công rực rỡ, ông Bí thư thành uỷ lên tận sân khấu tặng hoa cho từng nghệ sĩ . Đến buổi “vầng trăng cổ nhạc” thì số khách tới dự đông không kém gì live show của nữ ca sĩ Mỹ Tâm trên sân vận động Quân khu năm nào. Ngoài những bài hát phổ thơ ông Bí thư, Ban tổ chức còn chọn những nghệ sĩ ngâm thơ tên tuổi nhất cùng dàn nhạc dân tộc của thành phố diễn tấu thơ ông. Cuộc quyên góp trong đêm ca nhạc thu được kết quả không ngờ, vượt xa cả các buổi bán đấu giá số điện thoại di động đẹp do Đài truyền hình phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc tổ chức. Ong Bí thư  thấy thơ mình có giá như vậy lại càng hăng say sáng tác. Chỉ không đầy một năm  kể cả thơ ngắn  lẫn dài ông đã làm được  tới ngót trăm bài.

Một hôm  có khách khá lạ mặt tìm tới văn phòng thành uỷ. Ong  này đi xe rất sang trọng và đắt tiền khiến từ trên lầu nhìn xuống, cô thư ký của ông Bí thư lại tưởng ông là doanh nhân Việt kiều mới về nước xin yết kiến Bí thư thành uỷ. Cô mở sổ tiếp khách ra ghi chép :

Chú là Việt kiều Mỹ hay Pháp ?”

Ay chết…tôi là doanh nghiệp trong nước, Mỹ Mẽo gì đâu ?”

Hoá ra ông là Giám đốc Nhà xuất bản Văn Hoá tổng hợp thành phố muốn xin làm việc với đồng chí Bí thư . Cô thư ký mách nước :

Chú xin đăng ký in văn kiện của thành uỷ phải không ? Vậy chú phải sang gặp Ban tư tưởng văn hoá, đồng chí Bí thư không giải quyết các công việc cụ thể đâu…chỉ lãnh đạo chủ trương thôi …”

Ong Giám đốc xuất bản cười nịnh :

Dạ không, xin cô cứ báo cáo đồng chí Bí thư cho tôi gặp, không phải chuyện in văn kiện đâu, chuyện này quan trọng hơn nhiều…”

Cái việc quan trọng ông Giám đốc xuất bản sang xin ý kiến  Bí thư chính là đề nghị cho Nhà xuất bản in toàn bộ tác phẩm  của ông thành tập thơ. Nghe ông Giám đốc xuất bản trình bầy xong, ông Bí thư kêu lên :

In thành tập thơ ? Nhà xuất bản lấy  đâu kinh phí ?”

Ong Giám đốc xuất bản giơ cả hai tay lên trời :

Í trời ơi, in thơ cho đồng chí Bí thư  thì lo gì kinh phí ?”

Oong Bí thư lắc đầu :

Tôi biết, Nhà xuất bản các anh chỉ được tài trợ kinh phí in  sách kinh điển của các lãnh tụ Mác, Lênin với Hồ Chí Minh thôi. Lấy đâu ra tiền in thơ ?”

Ong Giám đốc xuất bản lắc quày quạy :

In sách kinh điển là để phát không cho các thư viện với học sinh trường Đảng, còn thơ của đồng chí Bí thư in xong vẫn bán được chứ ?”

Ong Bí thư cười cười :

Ông không giỡn tôi đấy chớ ? Tôi nghe bên Hội nhà văn báo cáo thơ tình của các nhà thơ trẻ còn ế kìa. Bởi vậy hàng năm phải xin kinh phí  tài trợ các mầm non văn nghệ …”

Ong Giám đốc xuất bản quả quyết :

Cuối năm nay có Hội chợ sách, em xin cam đoan sách của thủ trưởng không những  bán hết veo mà còn bán…giá cao nữa kìa…”

Ong Bí thư  nghe bùi tai cho phép ông Giám đốc xuất bản in thơ ông. Không đầy tháng sau, ông Giám đốc đã đích thân mang tới  tập thơ vừa in xong còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ in bằng giấy dày sang trọng, mỗi bài thơ lại có một phụ bản minh hoạ, in kèm bài nhạc phổ thơ và nhất là có hẳn một bài giới thiệu của một Giáo sư Tiến sĩ kiêm phê bình văn học  rất nổi tiếng . Cuối năm đó, sau Hội chợ sách, ông Giám đốc xuất bản mang tới nhà ông Bí thư một cặp  tiền dày cộp . Ong Bí thư giật mình :

Sao nhiều thế ? Sao bảo nhuận bút thơ không mua nổi chai rượu tây ?”

Ong Giám đốc xuất bản cười hể hả :

“  Báo cáo anh đây không phải nhuận bút mà là tiền bán sách sau khi đã trừ hết chi phí giấy má và công in…”

Bán sách mà được nhiều thế ?”

Báo cáo anh các doanh nghiệp họ mua ủng hộ đấy ạ. Có anh mua một triệu một tập, có anh trả tới cả chục triệu…”

Rồi ông Giám đốc xuất bản cười nịnh :

“  Được  mua thơ của đồng chí Bí thư thành uỷ là vinh dự lớn, trả tiền vậy đâu có gì cao …”

Ong Bí thư thành uỷ bật cười, cầm tiền đưa vợ cất vào tủ.



                                       (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét