Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Em đi mang cả trùng dương
Lời bình của Trần Vân Hạc



 

 

     “Em đi mang cả trùng dương. Chiêm bao khóa lại, lời thương bỗng thừa”. Cái cách nói quá lên ở đây lại đắc dụng. Sự trống vắng đến rợn người, biển cả mênh mông cũng theo em với bao kỷ niệm vui, buồn và hy vọng. Thậm chí đến giấc “chiêm bao” vô thức kia cũng bị tác giả kìm lòng “khóa lại” sợ gợi lại những kỷ niệm xưa ùa về.


EM ĐI

Em đi mang cả trùng dương
Chiêm bao khóa lại, lời thương bỗng thừa
Còn đâu ngày nắng đêm mưa
Cơn đau xót… ngỡ người xưa trở về

Bóng chiều thổn thức bờ đê
Dây diều ai bứt mà quê tím lòng
Trời xanh mây trắng mây hồng…
Có nghe heo hắt, bòng bong rối bời

Mái chèo tắt nhịp à ơi
Bỏ thuyền ai lặng giữa đời… ! Em đi!

Chu Văn Keng, CHLB Đức



ĐÔI LỜI CỦA VÂN HẠC:

Xuyên suốt bài thơ là những cung bậc đau khổ, thất vọng, xót xa, tiếc nuối khi: “Em đi”. Đây là motip muôn thuở nhưng với: “Em đi” của tác giả Chu Văn Keng đã mang một diện mạo mới. Tác giả không nói rõ nguyên nhân tại sao: “Em đi” bởi có thể có rất nhiều lý do mà chỉ tập trung vào miêu tả những cung bậc của cảm xúc và “em” có thể là một con người cụ thể nhưng cũng có thể là một hình tượng nghệ thuật chuyên chở bao nỗi niềm sâu lắng.
Hai câu đầu đưa người đọc đến với sự đổ vỡ trong tâm tưởng:

Em đi mang cả trùng dương
Chiêm bao khóa lại, lời thương bỗng thừa.

Cái cách nói quá lên ở đây lại đắc dụng. Sự trống vắng đến rợn người, biển cả mênh mông cũng theo em với bao kỷ niệm vui, buồn và hy vọng. Thậm chí đến giấc “chiêm bao” vô thức kia cũng bị tác giả kìm lòng “khóa lại” sợ gợi lại những kỷ niệm xưa ùa về. Mạch thơ đẩy lên một cung bậc cao hơn khi tác giả miêu tả tâm trạng, thời gian, không gian như đồng cảm cùng người:

Còn đâu ngày nắng đêm mưa
Cơn đau xót... ngỡ người xưa trở về

Em đi” làm đổ vỡ bao hy vọng nhưng xót xa hơn khi: “ngỡ người xưa trở về”, bởi phải chăng sự trở về ấy không chỉ đem lại những niềm vui, hạnh phúc mà còn nhân thêm nỗi đau của một thời hy vọng.
Đến câu tiếp theo đã hé mở phần nào nguyên nhân sự ra đi của “Em”. Có thể đây là sự ra đi của một người cụ thể sau một mối tình không thành nhưng cũng có thể là sự ra đi của những người phải dứt áo xa quê, mà lòng luôn đau đáu thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn:

Bóng chiều thổn thức bờ đê
Dây diều ai bứt mà quê tím lòng

Đại từ phiếm chỉ “ai” sao mà đa nghĩa và day dứt đến thế. Hình ảnh “quê tím lòng” khá đắc địa, “em đi” có thể do ngoài ý muốn: “Dây diều ai bứt” nhưng quê hương bao đời vẫn bao dung như lòng mẹ, đồng cảm và chia sẻ, dẫu đớn đau khi một người con phải ra đi. “Em đi” trở thành một hình tượng nghệ thuật diễn tả những cung bậc của tâm trạng, cảm xúc khi mất đi những gì thân yêu nhất! Cuộc sống vạn biến vẫn tồn tại quanh ta:

Trời xanh mây trắng mây hồng…
Có nghe heo hắt bòng bong rối bời

Chỉ có lòng người khi “em đi…heo hắt, rối bời”. Con thuyền tình, con thuyền đời lênh đênh “tắt nhịp à ơi” gợi sự hẫng hụt, mất mát và trống vắng đến lạnh lòng.

Bài thơ viết theo phong cách cổ điển:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”(ND)

Nhưng để lại trong lòng người đọc bao suy tư trăn trở, gợi những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, về tình người, tình cảm với quê hương yêu dấu!

Hà Nội 2.10.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét