Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

SỐNG NHƯ LÀ CHẾT - Tiểu thuyết NHẬT TUẤN - KỲ 6

            
      Chương 6



Tiếng gà gáy làm gã thức giấc. Ô hô…sáng bạch ra rồi. Giờ giấc chẳng còn ý nghĩa gì. Đồng hồ sinh học của gã chẳng theo ấn định nào. Bất kỳ lúc nào cũng có thể ăn. ngủ,đọc sách, nghe nhạc, xem phim, hoặc lướt web. Thời gian liền mạch chứ chẳng cắt vụn như người đời. Gã chẳng cần biết đang mấy giờ, ngày bao nhiêu, thứ mấy.Chằng có gì thúc ép, cũng chẳng có gì chờ đợi.Gã sống như trong không gian phi trọng lượng, đẳng hướng. Chẳng lúc nào rưng rưng quá khứ,mừng rỡ hiện tại, cũng không náo nức tương lai. Như lúc này dậy cũng được, ngủ nữa cũng chẳng sao . Gã sẽ buông trôi vào giấc ngủ, thả mình theo mộng mị cho tới khi chán cả ngủ, gã thức giấc nhảy khỏi giường.
Lẽ ra gã còn ngủ nữa. Nhưng tiếng gà mái cục te cục tác làm gã nhổm dậy. Gã bổ ra sân và thấy chú gà trống đang cà cà quanh người một em  gà mái. Ghê chưa, anh chàng đã "nhặt" đâu được cô vợ, dẫn về ra mắt đấy. Nom cô nàng không còn non tơ nữa, dáng vè một mụ gà mái ghẹ. Cũng tốt, có đôi có cặp thế nào cũng đẻ sòn sòn. Vừa nghĩ tới đó, chú gà trống đã nhảy ngay lên lưng chị gà mái, mỏ quắp chặt lấy đầu dằn xuống, làm động tác cấp tập như máy khâu.
Gã bật cười, rốt cuộc rồi ai cũng đi đến đó, tình yêu cao đẹp đến mấy cũng phải vội vã đưa nhau lên giường. Suy cho cùng cả gà lẫn người cũng đều phải thực hiện cái sứ mệnh cao cả là duy trì giống nòi. Chính Sigmund Freud đã chẳng từng nói " mật ngữ lớn nhất ở người đàn bà là sự hoài thai". Cái "động cơ đốt trong " của người phụ  nữ  chính là sinh con. Cái thiên chức thiêng liêng ấy được thúc đẩy bằng cái mà người đời vẫn gọi là…tình yêu.Vậy thì bẩt cứ loại nào : platonic thánh thiện, nhục dục nhơ bẩn, tiền bạc thực dụng…bất cứ loại tình yêu nào cũng là sự thôi thúc của sứ mệnh duy trì chủng loại con người : đẻ con .
Gã vào bếp lấy  nắm gạo quăng cho đôi uyên ương. Họ đã rời nhau ra chẳng nhìn gì tới nhau để chăm chăm vào cái việc riêng rẽ là mổ gạo. Vậy là dân số trong sổ gia đình gã từ nay có thêm một…chị gà mái. Tất nhiên con Mực không hài lòng, nó cứ nhằm lúc đôi tình nhân dạo trong sân đớp một phát rụng cả lông đuôi và quang quác bay lên cây cao.
Gã chợt nhớ hôm nay đã hẹn lão hàng xóm đưa cần cẩu đến cứu cây hoàng lan. Cứ mỗi ngày qua nó lại thêm vàng úa, khô héo làm gã sốt cả ruột.Chiều qua gã sang nhà tìm lão. Người đàn bà nhỏ thó, nhăn nheo chắc vợ lão ra mở cổng.
«  Ông nhà tôi vừa chạy ra chợ, về liền, mời ông vào. Ông là nhà báo ? »
«  Tôi là hàng xóm thôi ạ… »
Căn phòng vừa đủ kê cái bàn nước với 4 cái ghế gỗ. Trang thờ có hình anh bộ đội còn rất trẻ  và bát nhang, lọ hoa giấy. Trên tường treo la liệt bàng chứng nhận gia đình liệt sĩ, huy chương, huy hiệu. Bà hàng xóm rót nước mời :
«  Nghe ông nhà tôi nói chuyện …thế vợ con đâu mà lại sống một mình vậy ? »
«  Dạ…ở xa… »
«  Xa là ở đâu ? Ở nước ngoài hả ? »
Gã lảng chuyện :
«  Anh con trai bác hy sinh năm nào ? »
«  Đó…ghi rõ trong bằng liệt sĩ rồi đó…năm 1979 ở Samát đánh nhau với Khơ me đỏ đó… »
«  Ra hai bố con đều là bộ đội ? »
«  Hồi bố nó phục viên tôi làm lễ tạ ơn trời phật chồng đi trận 10 phần chết 1 phần sống lại vẫn được trở về với vợ con. Ai ngờ chỉ 4 năm sau đến lượt con ra đi thì lại không trở về… »
Không khí trầm hẳn xuống. Gã không ưa những chuyện bi thảm nặng nề. Nhất là loại dẫn dắt về chuyện thời thế. Gã cũng chẳng biết buông lời an ủi, gã cố gắng đẩy bật ra khỏi đầu những suy nghĩ về cuộc chiến chống Mỹ, chống Khme đỏ, nó làm cho gã dễ điên cái đầu.…Gã đành cứ ngồi ngây tượng gỗ , tay xoay xoay chén nước không buồn uống.
« Ông nhà tôi thương binh loại 1, kỳ này liệu được tăng phụ cấp  không ? Ông là nhà báo chắc biết ?»
Quả thực gã mù tịt chuyện này, đành ấp  úng :
«  Dạ…Nhà nước đang nghiên cứu  ạ… »
Người đàn bà sa sầm mặt :
«  Nghiên cứu gì bao năm nay vẫn nghiên cứu ? Đó ông coi…nhà tôi ông chồng thì đi đánh Mỹ cứu nước, con tôi cũng đi đánh Khome đỏ cứu nước, chồng thì bị thương, con thì chết…Hy sinh vậy được cái gì ? Ông coi nhà tôi có được bằng cái chuồng trâu nhà nhà mấy thằng cán bộ không ? Trong khi đó những thằng lúc chiến tranh còn nhãi ranh, hỉ mũi chưa sạch, cả đời chẳng biết viên đạn nó vuông tròn ra sao. Vậy mà bây giờ tụi nó nhà lầu, xe hơi, ngồi lên đầu lên cổ tụi tôi đó. Ông bảo có uất ức, bất công không ? »
Í trời ơi, đã trốn về cái nơi khỉ ho cò gáy này rồi mà cũng chưa thoát được những nỗi niềm oán thán thế này.
«  Nói của đáng tội..tết nhất ông thương binh xã hội cũng đến thăm nhà cho gói mứt tết với chai rượu Đồng Tháp, mỗi năm nhân ngày thương binh liệt sĩ cũng cho ông nhà tôi tham quan nơi này nơi nọ…gọi là lấy tiếng vậy thôi, ăn thua gì với xương máu gia đình tôi bỏ ra… »
" Vậy mỗi tháng ông nhà được trợ cấp bao nhiêu ?"
" Có hai triệu thôi, nhiều nhặn gì, vừa đủ gạo mắm cho hai vợ chòng già…Còn bao nhiêu thứ tiền : ma chay, cưới hỏi, ốm đau , điện, xăng…"
" Vậy rồi lấy tiền đâu bù vào chỗ thiếu đó ?"
" Đi cạo mủ thuê cho người ta. Mọi năm còn được ngày trăm rưởi, giờ mủ rớt giá chủ vườn sợ  lỗ không thuê cạo nữa…Hai vợ chồng nằm nhà cả tháng nay rồi…"
Gã buột miệng :
" Cũng còn may …nhiều nới không có gạo mà ăn nữa kìa…Nhà nước phải cứu đói cả ngàn tấn gạo kìa…"
Bà chủ nhà rền rĩ :
" Trời ơi…lại còn không có gạo mà ăn nữa kìa…nếu thế tôi mang cái bằng gia đình liệt sĩ với thương binh lên tận trước cửa huyện ủy đốt cha nó đi cho rồi…"
Vừa lúc đó lão hàng xóm về tới, nạt vợ :
" Bà lại ăn nói ba láp ba sàm gì đấy ? Ông này là nhà báo ông ấy đưa lên tivi thì bỏ mẹ…"
Bà vợ tru tréo :
" Đưa thì cứ đưa…đã chết đói thì còn sợ gì con nào thằng nào nữa…"
Ông chồng phải quát lên, đuổi vợ vào buống trong mới yên.
" Ấy con vợ tôi tính nết cứ như bà la sát vậy. Mỗi lần ra lộ nhìn thấy xe hơi bóng lộn của mấy ông quan xã chạy lui chạy tới là về nhà bà lại chửi toáng lên…"
Gã đã mệt với ba cái chuyện "thời thế" này lắm rồi, vội gạt ngang :
" Ong đã thuê được xe cẩu chưa ?"
" Rồi…rồi…đã lót tay cho thằng đội trưởng, thằng giám sát rồi cả thằng công an xã nữa rồi. Tiếng là nhận của ông 20 triệu, rải khắp chẳng còn bao nhiêu…"
Gã bực mình :
" Chuyện đó ông phải lo…tôi đã cưa đứt đục suốt một cục vậy rồi, thôi không kêu ca gì nữa…"
Lão hàng xóm cười cười :
" Chuyện đó dứt điểm vậy rồi…chỉ còn…chỉ còn…xong việc ông cho tụi nó bữa nhậu cho…khí thế …"
Gã cau mày :
" Nhậu sao ? Mấy người ? Ra nhà hàng hay  ở nhà ?"
Lão hàng xóm rối rít :
" Có 4 người thôi, nhiều nhặn gì đâu, ra nhà hàng tốn lắm, cứ đưa tiền cho bà nhà tôi lo là xong hết nọi chuyện…"
Gã bằng lòng đưa thêm 2 triệu nữa hẹn chậm nhất 10 giờ sáng mai xe cẩu phải tới, giờ đã quá trưa rồi chẳng thấy cần cẩu với mặt mũi lão đâu ? Làm việc với dân cao su này giờ giấc  cũng cao su.
                               ( còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét