Nói thật không sợ mất lòng (Kỳ 4)
Thùy Duyên
Câu chuyện thứ 4: Việt Nam và những cái “không”!Mấy hôm nay trời nắng nóng rất khó chịu, nhưng nóng hơn cả và khó chịu hơn cả lại là những chuyện xóc óc, chướng tai trong đời sống đất nước vẫn tiếp tục đổ xuống đầu người dân, mà hình như lại nhiều hơn trước và mức độ tồi tệ tăng hơn trước. Xin trích kể ra đây vài ba mẩu chuyện nóng, rất ngắn, xung quanh những cái “không” oan nghiệt, để cùng chia sẻ với bạn đọc.
Tại Đối thoại Shangri – La 2015, đại diện Trung Quốc mặc dù bị chỉ trích và chất vấn thẳng thừng về các hành động phi pháp và ngang ngược ở Biển Đông, nhưng ông ta vẫn vừa trơ tráo vừa lì lợm phớt lờ, và lên giọng thách thức lại các nước, trong đó đương nhiên là có Việt Nam. Việc làm đó chỉ có thể gọi là vô liêm và vô đạo, mà có lẽ chỉ có Tàu Cộng mới dám làm. Nhưng nghe nói là tại Hội nghị này, đại diện Việt Nam không dám đăng đàn, vì sợ mất lòng “ông anh bốn tốt”! Và việc làm “hữu nghị” này thì đáng gọi là gì nhỉ? Nếu đúng vậy thì đích thị là vô trách nhiệm, vô tích sự, vô cảm!
Trước đó mấy hôm, ở Việt Nam ta lại có chuyện “cổ tích” kể rằng: GS. Huệ Chi cùng vợ sang Mỹ thăm con gái đang định cư ở đó, nhưng đến giờ bay thì riêng ông bị giữ lại và thu mất hộ chiếu, mà không hề đưa ra lý do gì cả. Dư luận đồn đoán là do ông đã dám rút tên ra khỏi Hội Nhà văn VN. Đúng là chuyện vô lý, vô pháp luật, là thái độ trả đũa nhỏ nhen, rất vô học, và cũng là vô đạo!
Tại kỳ họp Quốc hội (thứ 9 khóa XIII), phiên họp chiều 1/6 thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương. Có rất nhiều ý kiến thẳng thắn và cụ thể, mà chủ tọa cho là xác đáng, thiết thực. Nhưng xem kỹ lại thì thấy các vị đại biểu toàn bàn về cái “ngọn” của vấn đề cả, hầu như họ không cần biết đến cái “gốc” của vấn đề là gì. Tuy họ đều nói gần giống nhau: Muốn cho hệ thống chính quyền địa phương (bao gồm các HĐND và UBND) hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, phục vụ được lợi ích của người dân, thì chính quyền ấy phải có bản chất là “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”, trong đó điểm mấu chốt là HĐND phải thực sự là cơ quan quyền lực của Dân. Mãi gần cuối buổi thảo luận, mới có một nữ đại biểu (hình như là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm của Tp HCM) đã nêu ý kiến rất trúng, rất đắt, nhưng rất tiếc là khi tổng kết chủ tọa lại cố tình quên đi! Đại biểu này nói về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND, bà lý giải ngắn thôi, với đại ý là hoạt động của HĐND hiện nay còn rất hình thức, bởi nó có được quyết cái gì đâu! Ở đấy chỉ đưa ra thông qua cho hợp thức hóa với những gì chính quyền đã bàn rồi, hoặc được đưa ra bàn để làm với những gì mà cấp ủy đã quyết xong rồi!
Gần như trùng với ý kiến trên của bà Tâm, cách đây khoảng 1 tuần trên một trang mạng lề phải (VietNamnet hoặc Dân trí) cũng đăng ý kiến của một cử tri Tp Hà Nội nói về tính hình thức trong hoạt động của HĐND Thủ đô. Ở các địa phương khác chắc cũng không thể khác được, vì cùng trong một vòm trời Việt mà! Nếu liên hệ thêm ở cấp cao hơn là Quốc hội thì tình hình càng điển hình và tiêu biểu hơn cho một thể chế đặc thù đã có từ hàng mấy thập kỷ nay rồi!
Rõ ràng là ở đây đang có một điểm nghẽn rất cơ bản chưa được tháo gỡ, mà các đại biểu của dân không dám nói ra. Đó là điều 4 của Hiến pháp 2013, và đi kèm theo đó là sự trống vắng của Luật về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội! Nói Quốc hội, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, nhưng chính quyền lực của Đảng mới là tối cao, luôn giữ vai trò quyết định. Cách nói và cách hiểu như lâu nay đều rất khiên cưỡng, là nói xạo, là lừa dối dân, vì thực tế cách làm hoàn toàn giả tạo đã phủ định tức thì vai trò là quyền lực cao nhất đó của Quốc hội và HĐND. Thế nên chúng ta không lấy làm lạ khi tại kỳ họp Quốc hội hiện nay, các đại biểu đều chỉ nói quanh các râu ria của vấn đề, mà không dám đụng đến cái “gốc”! Đó là chưa xem xét đến một số nhân tố khác nữa đã làm cho các thảo luận ở ngay cơ quan được gọi là “Quyền lực của dân” đều luôn xuôi chiều, không mang tính phản biện! Chẳng hạn, việc bầu cử đại biểu của dân luôn bị áp đặt bởi các “nguyên tắc” như “Đảng cử dân bầu”, “Đảng viên phải có tỷ lệ áp đảo”… Vậy nên trong tình hình hiện nay, khi chưa luật hóa được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, thì không được nói như vậy nữa, và càng không được bày trò bàn thảo như thế nữa! Và đúng như người dân đã nói với nhau: việc bàn về Luật như Quốc hội đang làm là vô ích, vô nghĩa, vô duyên, vô tích sự…!
Thậm chí với những người suy ngẫm sâu hơn thì chua chát phàn nàn với nhau: Sao nước Việt ta sở hữu nhiều cái “không” (Vô tức là không, không có) thế nhỉ, phải chăng đây là chỉ dấu của một quá trình đang bị Nghèo hóa đấy, mà rất nguy hiểm là lại đang bị Nghèo đi về mặt văn hóa tinh thần! Đó là Họa thật sự, và có thể nói đó là sự Vô Phúc cho Việt Nam ta, so với rất nhiều nước khác dù đó không phải là những quốc gia có Chỉ số Hạnh Phúc cao như Việt Nam!
Suy cho cùng thì chúng ta đang rơi vào tình trạng “không có” rất nhiều thứ, đặc biệt là các giá trị văn hóa tinh thần, mà cái gốc có lẽ là do “không có” Dân Chủ! Còn nếu phải xin ý kiến Tổng bí thư Trọng, thì chắc là sẽ biết thêm một nguyên nhân sâu xa và bao trùm hơn, theo lý luận của Đảng, đó là do hiện nay chúng ta đang “không có” cái được Đảng gọi là Chủ nghĩa xã hội!
Vậy nên người dân cũng luôn tự đặt ra với nhau các câu hỏi:
Bao giờ Việt Nam mới có chính quyền thực sự là “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”?
Bao giờ Việt Nam mới hết các chuyện vô lý, vô nghĩa, vô đạo, vô tích sự, vô ích, vô học, vô tâm, vô cảm, vô phúc… để Dân thực sự được làm chủ, được sống trong tự do, hạnh phúc?
…
Thế là chúng ta lại đã qua một Tháng Năm buồn nữa rồi đấy, các bạn ạ!
Tháng 6 năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét