Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

VỀ HIẾN PHÁP 1946


Giá trị của Hiến pháp năm 1946

so với các bản Hiến pháp tiến bộ

 



Phan Thành Đạt

Kỳ 1.  Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp của thể chế nghị viện
Ở mỗi xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, Hiến pháp được ban ra hay không, cũng chẳng có ý nghĩa gì.   «Điều 16, bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, ngày 26 tháng 8 năm 1789 ».
Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp lý có giá trị nhất trong 4 bản Hiến pháp của ViệtNam. Đã có nhiều nhà luật học và các chính khách của ViệtNammong muốn Nhà nước trở lại với bản Hiến pháp đầu tiên này. Bởi vì bản Hiến pháp ghi nhận các quyền cơ bản của con người và coi trọng nguyên tắc tam quyền phân lập. Hai yếu tố cơ bản được khẳng định trong điều thứ 16 của Bản tuyên ngôn về các quyền tự nhiên của con người, theo tinh thần của cuộc cách mạng Pháp năm 1789.
Cũng có ý kiến cho rằng Hiến pháp năm 1946 có những thiếu sót nghiêm trọng và khó có thể trở thành bản Hiến pháp lý tưởng cho một thể chế dân chủ. Người viết bày này mong muốn đóng góp thêm ý kiến về bản Hiến pháp nổi tiếng này, để góp phần làm sáng tỏ những nội dung cơ bản của bản Hiến pháp đầu tiên, cũng như hiểu rõ hơn ý nguyện của các nhà soạn thảo bản Hiến pháp này. Bài viết sẽ đề cập đến những điểm tiến bộ cũng như hạn chế của bản Hiến pháp, phân tích một số hạn chế của các bản Hiến pháp khác, đồng thời so sánh Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam với các bản Hiến pháp này để hiểu cặn kẽ hơn bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.
 I.  Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp của thể chế nghị viện
Hiến pháp năm 1946 về cơ bản, chịu ảnh hưởng của các bản Hiến pháp của Châu Âu, mà chủ yếu ở đây là các bản Hiến pháp của Pháp. Có nhiều lý do để khẳng định điều này, vì vào thời điểm năm 1946, nhiều thành viên trong nhóm soạn thảo Hiến pháp được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, nên các tư tưởng về dân chủ, tự do, về cách thức xây dựng các cơ quan hành chính, các mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và nhân dân có đặc điểm theo mô hình phương Tây. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp thiết lập Nhà nước theo cách thức của các nước tư bản, khác với Hiến pháp của Liên bang Xô Viết năm 1977 và Hiến pháp của các nước Đông Âu trước năm 1991. Hơn nữa, vào thời điểm năm 1946, Việt Nam mới giành được độc lập, đội ngũ trí thức phần lớn được đào tạo dưới thời Pháp thuộc, nên ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn đậm nét. Các nhà soạn thảo Hiến pháp ý thức được trọng trách được quốc dân đồng bào giao phó vào thời điểm lịch sử quan trọng. Nên họ cố gắng soạn ra một bản Hiến pháp tiến bộ, văn minh. Họ đi tìm các giá trị tiêu biểu về dân chủ, nhân quyền… ở các bản Hiến pháp của nước Pháp, đặc biệt là các đạo luật có tầm vóc ngang với Hiến pháp thời Đệ tam Cộng hòa.
Hiến pháp năm 1946 về cơ bản là bản Hiến pháp thuần túy của chế độ đại nghị, chế độ chính trị phổ biến tại Châu Âu, có những nét khác biệt với chế độ tổng thống của Hoa Kỳ. Bản Hiến pháp này có những điểm tiến bộ của chế độ nghị viện, nhưng cũng thể hiện những bất cập của thế chế nghị viện. Để hiểu rõ về nội dung của Hiến pháp năm 1946, điều cần thiết là nắm rõ cơ chế hoạt động của thể chế nghị viện.
A. Đặc điểm cơ bản của chế độ nghị viện
Chế độ nghị viện xuất hiện vào thế kỉ 18 tại nước Anh, sau khi Hoa kỳ giành được độc lập, các nghị sĩ Anh muốn quy trách nhiệm chính trị của Chính phủ trước thất bại quân sự của Anh tại các vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ, lúc đó người đứng đầu Chính phủ là Lords North, thủ tướng thứ 10 của nước Anh. Lords North lo sợ vì có thể bị truy cứu trách nhiệm. Ông và toàn bộ nội các quyết định từ chức để tránh sức ép từ phía Nghị viện theo thể thức impeachment. Từ sự kiện này, hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm của Nghị viện đối với Chính phủ được hình thành.
Đối lập với thể thức này là nguyên tắc giải tán Nghị viện. Hai nguyên tắc tương hỗ và đối lập nhau, đây cũng là hai đặc điểm cơ bản của thể chế nghị viện, nhằm phân biệt với các thể chế chính trị khác. Bỏ phiếu bất tín nhiệm  hay bỏ phiếu trừng phạt «la motion de censure» là vũ khí hữu hiệu của Nghị viện để gây sức lên Chính phủ, buộc cơ quan hành pháp này phải từ chức. Đối lập lại là phương thức giải tán Nghị viện (giải tán Quốc hội là phương thức phổ biến), giải tán Quốc hội (la dissolution) là vũ khí nằm trong tay cơ quan hành pháp, quyền tối cao này thuộc về Tổng thống. Trong hoàn cảnh mà Chính phủ bị Nghị viện lấn át, hay có những bất ổn về chính trị. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội để nhân dân bầu ra một cơ quan lập pháp mới.
Bỏ phiếu bất tín nhiệm và giải tán Quốc hội là hai phương thức sáng tạo tuyệt vời của của con người, thông qua hai cách này mà cơ quan lập pháp gây sức ép lên cơ quan hành pháp và ngược lại, buộc mỗi cơ quan phải hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Trong khi đó, cơ quan tư pháp giữ vai trò độc lập, không chịu sức ép của hai cơ quan kia. Cơ quan tư pháp đứng ngoài giám sát và xét xử hai cơ quan kia. Hai quyền này phải được thực hiện hài hòa và cân bằng nhau, theo cách nhận xét của Montesquieu «Les pouvoirs sont de concert». Hai thứ vũ khí lợi hại: Giải tán Quốc hội và bỏ phiếu bất tín nhiệm phải luôn luôn cùng tồn tại với nhau, nếu thiếu một trong hai, sẽ dẫn đến mất cân bằng quyền lực. Ví dụ nếu không có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, cơ quan hành pháp sẽ lấn át tư pháp và tư pháp trở thành công cụ trong tay cơ quan hành pháp, điều này rất nguy hiểm (ví dụ các thể chế chính trị ở Lybie, Syrie, Iran, Bắc Triều Tiên), còn nếu không có quyền giải tán Quốc hội, sẽ dẫn đến thể chế nghị viện có quyền lực tuyệt đối «le Régime parlementaire absolu» có thể gây bất ổn về chính trị, nhưng về cơ bản không đáng lo. Các giá trị về dân chủ, tự do vẫn được đảm bảo vì quyền lực thuộc về Nghị viện, chính là thuộc về tay nhân dân. Vì nhân dân bầu trực tiếp ra các nghị sĩ. Chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối (cách gọi của nhà luật học người Pháp Carré de Malbert) thể hiện ở chỗ cơ quan lập pháp gây sức ép mạnh đối với cơ quan hành pháp, buộc Chính phủ phải từ chức, mỗi khi Chính phủ không tôn trọng các nguyên tắc được Nghị viện vạch ra, thông qua các đạo luật. Ngược lại cơ quan hành pháp mà đại diện là Tổng thống không thể gây sức ép ngược lại đối với Nghị viện. Nghĩa là phương thức bỏ phiếu trừng phạt luôn được Nghị viện áp dụng để buộc Chính phủ từ chức, nhưng Tổng thống, người đại diện cơ quan hành pháp không thể giải tán Nghị viện (thường là Quốc hội).
Dưới thời nền cộng hòa đệ tam của Pháp (1875-1940), Nghị viện bỏ phiếu trừng phạt, khiến 24 Chính phủ khác nhau lần lượt phải giải tán, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng và các thành viên nội các luôn ở tình trạng sẵn sàng có thể bị bãi chức bất kỳ lúc nào. Mặc dù có bất ổn về chính trị, nhưng thời kỳ đệ tam cộng hòa là giai đoạn vàng son về các quyền dân sự và tập thể, tự do lập hội được thiết lập, tự do báo chí (luật về tự do báo chí năm 1883), tự do tín ngưỡng (luật tách biệt quyền lực Nhà nước không liên quan gì đến tôn giáo năm 1905), các tổ chức công đoàn được thành lập để bảo vệ người lao động… Hơn nữa, vào giai đoạn đầu của thời kỳ này, nước Pháp có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới sau Anh. Nền cộng hòa đệ tứ của Pháp (1945-1958) được thiết lập sau Đại chiến thế giới lần thứ 2, về cơ bản đây vẫn là chế độ nghị viện có quyền lực mạnh, vì 10 chính phủ khác nhau đã lần lượt phải từ chức trước sức ép của Nghị viện. Chính vì vậy, De Gaulle đã có ý tưởng thiết lập nền cộng hòa đệ ngũ, nhằm củng cố vị thế của Tổng thống và giảm bớt tầm ảnh hưởng của Nghị viện (ý tưởng được trình bày qua bài diễn văn Bayeux, nhân kỷ niệm thành phố đầu tiên của Pháp được giải phóng).
Chế độ nghị viện là thể chế chính trị đặc trưng của Châu Âu, tuy nhiên, không có một mẫu hình tiêu biểu của thế chế chính trị này, chỉ có duy nhất mẫu hình cơ bản của nước Anh trong giai đoạn đầu. Mô hình về thể chế nghị viện sơ khai của Anh vào thế kỷ 18, Montesquieu đã quan sát và tìm hiểu mẫu hình chính trị này, và ông đã phân tích khá kỹ lưỡng trong tác phẩm «Tinh thần luật».
Chế độ nghị viện của Anh, được truyền bá rộng khắp Châu Âu. Mỗi nước xây dựng thể chế nghị viện theo các riêng của mình, cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của các nước. Ví dụ chế độ nghị viện có Chính phủ chịu trách nhiệm trước Tổng thống và Quốc hội, học theo thế chế nghị viện ở Anh (trước đây Chính phủ chịu trách nhiệm trước nhà vua và Hạ viện ở Anh, hiện nay Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Hạ viện), ở Pháp, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng không chịu trách nhiệm trước Thượng viện.
Chế độ nghị viện có thể là lưỡng viện hay một viện (các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển áp dụng chế độ một viện ; các nước như Pháp, Bỉ, Anh, Đức, theo chế độ hai viện). Cơ quan hành pháp có thể giải tán một viện hay hai viện. Ở Ý, Tổng thống có thể giải tán cả hai viện. Ở Pháp, Tổng thống chỉ có thể giải tán Quốc hội. Còn ở các nước có truyền thống quyền lực lập pháp mạnh hơn hành pháp như Anh, Thụy Điển, khả năng giải tán Nghị viện là không thể thực hiện được, trừ khi Nghị viện tự giải tán. Qua những phân tích trên, có thể thấy, thể chế nghị viện ở các nước có nhiều nét khác nhau, không có một mẫu hình chung cho Châu Âu, nhưng có các nhóm thể chế nghị viện mang đặc điểm khá giống nhau vì nước này học theo nước khác. Ví dụ các nước Đông Âu đã học theo mô hình chính trị của Đức và Pháp sau năm 1991.
Cách gọi «chế độ nửa nghị viện, nửa tổng thống» (nhận xét của nhà luật học Maurice Duverger) đối với một số nước như Pháp cũng không chuẩn, vì về cơ bản thể chế của Pháp vẫn là chế độ nghị viện vì hai phương tiện của thể chế này (bỏ phiếu trừng phạt và giải tán Quốc hội) vẫn tồn tại cho dù ít được sử dụng. Chỉ có thể gọi là thể chế nghị viện, quy định tổng thống có quyền lực lớn «le régime parlementaire à correctifs présidentiels». Hiến pháp 1946 xác lập thể chế nghị viện sơ khai cho Việt Nam, vì đến thời điểm hiện tại, thế chế nghị viện đã được con người xây dựng và củng cố hoàn thiện hơn, so với thời điểm năm 1946. Hiểu rõ về thể chế nghị viện, sẽ giúp chúng ta hiểu cặn kẽ về Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam.
B. Hiến Pháp năm 1946 xây dựng thể chế nghị viện mạnh và cơ quan hành pháp yếu
Hiến pháp năm 1946 kế thừa những tinh hoa của thể chế nghị viện ở Châu Âu. Hiến pháp quy định cơ quan lập pháp có 1 viện, các đại biểu được nhân dân trực tiếp bầu ra, họ không những đại diện cho địa phương mình mà đại diện cho toàn dân (điều thứ 25). Điều quan trọng này khẳng định trước hết, nghị sĩ đại diện cho dân tộc, họ sẽ quyết định các chủ trương, chính sách mang tầm quốc gia và quốc tế. Họ không bị lệ thuộc và chịu sức ép của các cử tri tại địa phương mình khi bàn bạc đến các vấn đề vĩ mô, khi các vấn đề đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích địa phương. Họ đặt lợi ích toàn cục cao hơn. Hiến pháp 1946 cũng khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất (điều thứ 22), chỉ có Quốc hội và nhân dân mới có quyền quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Cơ quan hành pháp mà đại diện là Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước và Chính phủ chỉ thừa hành các quyết định đó.
Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thông qua hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu phương thức này được Quốc hội thông qua với đa số phiếu, Thủ tướng và các thành viên nội các buộc phải từ chức, một Chính phủ mới sẽ được thành lập. Đặc điểm cơ bản nhất của thế chế nghị viện đã được Hiến pháp năm 1946 vận dụng. Tuy nhiên đây là thể chế nghị viện mất cân bằng, như dưới thời nền cộng hòa đệ tam và đệ tứ của Pháp vì cơ quan lập pháp được phép gây sức ép lên cơ quan hành pháp, nhưng ngược lại cơ quan hành pháp mà đại diện là Chủ tịch nước không có quyền giải tán Quốc hội. Điểm yếu này của Hiến pháp năm 1946 cũng là bất cập của thể chế nghị viện có quyền lực mạnh ở Pháp trước năm 1958. Các nhà lập hiến của Việt Nam tỏ ra lúng túng, và chưa tìm ra cách thức khắc phục để tạo cân bằng quyền lực giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp. Họ bèn đưa ra phương pháp Nghị viện tự giải tán (điều thứ 33), điều này rất khó thực hiện. Vì các nghị sĩ được nhân dân bầu ra, họ ý thức được trách nhiệm của mình, họ sẽ không từ bỏ vai trò được giao phó, trừ khi  bị ép buộc từ chức bằng các biện pháp mạnh.
Chủ tịch nước được Hiến pháp ban cho nhiều quyền lực và không chịu bất cứ trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc. Có thể các đặc điểm này khiến chúng ta xếp Hiến pháp năm 1946 vào thể loại Hiến pháp xây dựng chế độ nửa nghị viện nửa tổng thống «le régime semi-présidentiel», nhưng về thực chất Hiến pháp năm 1946 vẫn là Hiến pháp của thể chế nghị viện. Bởi vì thẩm quyền của Chủ tịch nước mang tính nghi lễ nhiều hơn so với các quyền thực tế, Chủ tịch nước đại diện cho quốc gia ký các hiệp ước quốc tế, Chủ tịch nước bầu Thủ tướng chính phủ là thành viên của Nghị viện, bổ nhiệm các viên chức ngoại giao và quân sự cao cấp… Trong thể chế nghị viện quyền lực của Chủ tịch nước, hay Thủ tướng chính phủ sẽ không bao giờ ngang bằng Nghị viện khi mà các nhân vật này được Nghị viện bầu ra. Thậm chí các đại diện này của bộ máy hành pháp chỉ là những người thực hiện và tuân thủ chính sách của Nghị viện. Nếu đi lệch các quy định này, Chính phủ sẽ phải giải tán. Trừ khi Chủ tịch nước được nhân dân trực tiếp bầu ra, như việc bầu cử Quốc hội. Chỉ khi đó, cơ quan hành pháp mới có quyền lực ngang bằng với cơ quan lập pháp. Nền cộng hòa đệ ngũ của Pháp đang vận hành theo cơ chế này. Chủ tịch nước được hưởng quyền miễn tố khi vi phạm luật, trừ trường hợp phản quốc. Giải thích về quyền miễn tố của Tổng thống, luật hành chính của Pháp quy định Tổng thống là người đại diện cho quốc gia, trọng trách rất lớn, để Tổng thống yên tâm gánh vác trách nhiệm, và thực hiện tốt bổn phận của mình vì lợi ích quốc gia.Tất cả các sai phạm về dân sự, thậm chí hình sự đều được miễn tố. Quyền miễn tố sẽ không còn, sau khi Tổng thống đã miễn nhiệm được một tháng. Khi đó Tổng thống trở lại là công dân bình thường, như tất cả các công dân khác, Tổng thống mãn nhiệm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai phạm của mình trong giai đoạn giữ vai trò cao nhất nước. Như vậy miễn tố ở đây không phải là không xét xử, nhưng sẽ tiến hành sau. Quyền miễn tố của Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 dựa trên tinh thần đó. Chủ tịch nước chỉ bị xét xử khi bị phạm tội phản bội tổ quốc. Điều này học theo tinh thần của Hiến pháp Pháp. Khi Tổng thống phạm tội phản bội đất nước. Quốc hội sẽ chuyển thành Tòa án tối cao để xét xử. Hiến pháp năm 1958 hiện nay đã hạn chế quyền miễn tố của Tổng thống, và cũng không còn sử dụng từ phản quốc nữa. Điều 68 quy định Tổng thống sẽ bị Tòa án tối cao bãi chức, nếu Tổng thống thiếu trách nhiệm hoặc làm những việc không đúng với bổn phận được giao. Thống chế Pétain là trường hợp duy nhất bị kết tội phản quốc khi hợp tác với Đức quốc xã. Hiến pháp Mỹ 1787 nêu khá chi tiết về tội phản quốc, điều 2 quy định Tổng thống, Phó tổng thống và các viên chức nhà nước sẽ bị cách chức nếu bị tố cáo và bị kết tội phản bội, tham nhũng, hay các tội hình sự và dân sự. Tổng thống Mỹ khi phạm các tội trên, Hạ viện sẽ tiến hành truy tố và Thượng viện sẽ xét xử. Điều 3 giải thích thêm về tội phản bội tổ quốc, hay tội phản động: «Tội phản bội nước Mỹ thể hiện bằng hành động gây chiến với nước Mỹ, đứng về phía kẻ thù, giúp đỡ và che trở kẻ thù». So với Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp năm 1946 có thiếu sót khi không giải thích thêm tội phản bội tổ quốc của Chủ tịch nước. Đó cũng là thiếu sót của các bản Hiến pháp Pháp trước năm 1958.
Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 thực ra không có nhiều ảnh hưởng, vì Chủ tịch nước vẫn bị Quốc hội chi phối. Ví dụ để phản đối người đứng đầu cơ quan hành pháp, Quốc hội tuy không thể phế truất, nhưng vẫn có cách gây sức ép hiệu quả, bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ, buộc Chủ tịch nước phải chọn một Chính phủ được Quốc hội ưng thuận, và Chính phủ nếu muốn tồn tại, buộc phải thi hành các chính sách của Quốc hội, thay vì tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước. Trong thể chế nghị viện, Chủ tịch nước có nhiều quyền mang tính nghi lễ, còn thực quyền tập trung trong tay Nghị viện và Thủ tướng. Với chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối, Thủ tướng và toàn bộ nội các chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh của Quốc hội (hoặc Thượng viện và Hạ viện). Hiến pháp năm 1946 thiết lập thể chế nghị viện mạnh với cơ quan hành pháp yếu. Chủ tịch nước cho dù giữ vị trí độc lập, nhưng không có nhiều thực quyền.
Hiến pháp năm 1946 quy định Phó chủ tịch nước được chọn trong dân, và không giải thích gì thêm. Do đó vị trí của Phó chủ tịch nước không rõ ràng. Nếu Phó chủ tịch nước được dân bầu trực tiếp (điều thứ 46), vị trí của Phó chủ tịch còn cao hơn Chủ tịch và sẽ là đối trọng với Quốc hội. Nếu Phó chủ tịch được chỉ định trong nhân dân, nhưng không phải là thành viên của Quốc hội. Đây sẽ là sáng kiến rất hay, vì vai trò và quyền lợi của nhân dân được đề cao vì trong Hiến pháp năm 1946, nhân dân là người chủ thực sự.
C. Hiến pháp năm 1946 đề cao vai trò của nhân dân
Trong bốn bản Hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến nay, tất cả đều đánh giá cao vai trò của nhân dân. Nhà nước được xây dựng phục vụ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Nhưng Hiến pháp năm 1946 để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Bản Hiến pháp đề cao tinh thần đoàn kết của các tầng lớp trong xã hội, nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Hiến pháp đề cao tính bình đẳng nam nữ, không phân biệt tín ngưỡng, quan điểm chính trị của mỗi người. Mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm góp công, góp sức kiến thiết đất nước văn minh tiến bộ. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Những người tài giỏi và có tấm lòng với dân với nước sẽ có nhiều cơ hội phát huy và được trọng dụng. Nhờ đề cao quyền bình đẳng và tính đa dạng, cùng nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia phồn thịnh theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt, bản Hiến pháp này còn bảo vệ ngôn ngữ và các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hiến pháp bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và công dân có nhiều dịp tham ra vào các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Hiến pháp bảo đảm các quyền cơ bản của công dân
Công dân có các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền sở hữu, quyền bình đẳng trước pháp luật, công dân có quyền được mời luật sư biện hộ (điều thứ 7 đến điều thứ 12). Các công dân thuộc về các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng ngôn ngữ của mình trước tòa, được giúp đỡ về mọi mặt để tiến kịp trình độ chung. Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người, phát triển trong sự đa dạng và tôn trọng văn hóa của 54 dân tộc, để cùng nhau chung sống trong hòa bình và phát triển. Tránh tình trạng dân tộc đa số lấn át dân tộc thiểu số, hay chính quyền đại diện cho dân tộc đa số, lấn át thiểu số như ở một số quốc gia. Ví dụ ở Trung Quốc, dân tộc Hán lấn át dân tộc thiểu số ở Tây Tạng, và có thể nền văn hóa đặc sắc lâu đời của người Tây Tạng sẽ bị xóa sổ.
Hiến pháp năm 1946 còn quy định công dân có các quyền tham gia vào các sự kiện trọng đại của đất nước. Điều thứ 32 nêu rõ tất cả các sự kiện liên quan đến vận mệnh của quốc gia, được Quốc hội thông qua, sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết. Việt Nam có thể căn cứ vào điều này để khẳng định tính vi hiến của công hàm ngoại giao ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.Vì công nhận chủ quyền biển đảo, hay sang nhượng đất đai là sự kiện liên quan đến vận mệnh quốc gia, phải được nhân dân phúc quyết theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946. Công dân còn có quyền sửa đổi Hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý (điều thứ 70). Quốc hội không có quyền sửa đổi Hiến pháp, quyền này thuộc về nhân dân. Như vậy, có thể đánh giá rằng Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp khó sửa, hay còn gọi là Hiến pháp cứng, như các bản Hiến pháp khó sửa của Mỹ hay Bồ Đào Nha (Điều 5 Hiến Pháp Mỹ quy định sửa đổi Hiến pháp chỉ được thông qua khi 2/3 số nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện đồng ý sửa đổi Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của 2/3 các cơ quan lập pháp của các bang. Sửa đổi Hiến pháp chỉ được thực hiện khi được 3/4 các bang phê chuẩn. Hiến pháp Bồ Đào Nha quy định cần có sự nhất trí của 4/5 số nghị sĩ, Hiến pháp mới có thể được sửa đổi). Điều thứ 30 còn nêu rõ nhân dân có quyền vào xem các phiên thảo luận của Quốc hội. Điều này dựa theo tinh thần Cách mạng Pháp năm 1789 (Tình hình xã hội trở nên phức tạp sau cuộc Cách mạng, và cả trong những năm tiếp theo. Xã hội Pháp chỉ ổn định hơn, khi Napoléon cầm quyền). Sau cuộc Cách mạng Pháp, Quốc hội được bầu ra, các nhóm Girondin và Jacobin có khuynh hướng chính trị khác nhau, nhiều cuộc thảo luận, thậm chí tranh cãi tại Quốc hội. Quần chúng Paris đến theo dõi các cuộc thảo luận của các đại biểu và yêu cầu họ có thái độ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao. Hiến pháp năm 1946 kế thừa điều này. Các nhà lập hiến mong muốn Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp của nhân dân.
Kỳ 2.   Các khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp tiến bộ
Từ Bản thỉnh nguyện của nhân dân An Nam đến Hiến pháp năm 1946, những người Việt Nam ưu tú đã biết áp dụng những thành tựu trong lĩnh vực luật pháp do con người đúc kết từ hơn 4000 năm nay.
Đất nước đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Việt Nam đến nay vẫn là chú bé tí hon, ngơ ngác bên cạnh những người khổng lồ trong lĩnh vực luật pháp. Giấc mơ Phù Đổng sẽ khó thành hiện thực, nếu chú bé Việt Nam không biết đứng trên vai những người khổng lồ mà đi. Việt Nam chưa cần có những sáng tạo và chưa đủ khả năng sáng tạo ra những điều lớn lao về luật pháp. Việt Nam chỉ cần áp dụng những thành tựu về luật pháp mà nhân loại tiến bộ đã nghĩ ra và đã qua trải nghiệm từ mấy nghìn năm. Hiến pháp năm 1946 được coi là dân chủ và tiến bộ bởi vì hai điều kiện cơ bản của một bản Hiến pháp văn minh, theo điều 16 của Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 đã được tuân thủ: Bảo vệ quyền con người và tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập. Một bản Hiến pháp không ghi nhận, hoặc phủ định hai nguyên tắc này, mới là bản Hiến pháp có khuyết điểm lớn nhất. Chúng ta sẽ quá nghiêm khắc khi cho rằng Hiến pháp năm 1946 có những khuyết điểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bản Hiến Pháp này có những thiếu sót cần phải khắc phục. Khi xem xét các bản Hiến pháp tiến bộ nhất hiện nay, chúng ta sẽ thấy rằng bản Hiến pháp nào cũng có những khuyết điểm.
A. Những khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp năm 1946 dành nhiều quyền hạn cho ban thường vụ Quốc hội. Ban thường vụ có thể thay mặt Quốc hội, kết hợp với Chính phủ thực thi và đưa ra các quyết định quan trọng như tuyên bố chiến tranh hay đình chiến. Điều này hoàn toàn sai về nguyên tắc, vì khi Quốc hội không họp, không có bất cứ tổ chức hay cơ quan nào có quyền quyết định thay cho Quốc hội. Trừ khi nhân dân có thể quyết định thay, thông qua quyền phúc quyết được Hiến pháp công nhận. Quốc hội là cơ quan dân biểu, nên mọi quyết định lớn nhỏ thuộc thầm quyền, phải được các đại biểu thảo luận và bàn bạc. Các đại biểu phải có mặt đông đủ, nếu số lượng vắng mặt quá mức quy định, mọi dự thảo luật được thông qua đều không có giá trị. Trong những trường hợp khẩn cấp, như nguy cơ chiến tranh, thiên tai định họa, hoặc cần phải đưa ra những quyết định quan trọng thông qua các đạo luật. Quốc hội cần được triệu tập khẩn cấp nếu không phải giai đoạn họp theo định kỳ.
Vấn đề kiêm nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng không được nêu cụ thể, Hiến pháp chỉ quy định các đại biểu là thành viên Chính phủ, sẽ không giữ vai trò nghị sĩ trong Quốc hội. Còn các đại biểu đồng thời là các cán bộ viên chức ở các cơ quan hành chính khác vẫn được phép kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Do đó tính chuyên nghiệp của Quốc hội và hiệu quả công việc của các đại biểu sẽ không cao.
Vai trò của Phó chủ tịch nước được Hiến pháp quy định không rõ ràng. Mối liên hệ giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ không được quy định cụ thể. Nhiệm kì của các đại biểu Quốc hội chỉ có 3 năm, trong khi nhiệm kì của Chủ tịch nước là 5 năm, như vậy nhiệm kì của Quốc hội và Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định hoàn toàn không hợp lý. Cách sắp xếp tốt nhất là nên thống nhất nhiệm kì 5 năm của Quốc hội và Chủ tịch nước. Như vậy mỗi khóa mới, các nghị sĩ sẽ bầu ra Chủ tịch nước thay vì phải hợp tác với người đứng đầu cơ quan hành pháp được bầu ra từ khóa trước. Nhờ đó hợp tác giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ tốt hơn để hoàn thành những kế hoạch được đề ra. Chủ tịch nước và Chính phủ sẽ phải chịu sức ép nhiều hơn từ phía Quốc hội, điều này buộc cơ quan hành pháp không sao nhãng công việc của mình.
Hiến pháp năm 1946 không bàn đến việc thành lập Tòa bảo hiến, vai trò và cách thức hoạt động của Tòa án đặc biệt này, cũng không hề nêu ra cơ chế kiểm soát các đạo luật vi hiến. Vì vậy, các đạo luật sai trái do Quốc hội thông qua (điều này hoàn toàn có thể diễn ra thường xuyên trong thực tế), được Chính phủ thi hành, thông qua các nghị định áp dụng luật. Nếu luật đã sai vì vi hiến, nghị định áp dụng cho dù đúng luật đó, cũng sai theo. Cả luật và nghị định đều sai cùng tồn tại, mà không có một cơ chế nào để hạn chế những vi phạm này. Đây là thiếu sót lớn nhất của Hiến pháp năm 1946 và cũng là thiếu sót của các bản Hiến pháp của nước Pháp trước năm 1958. Cơ chế bảo hiến hoàn toàn không được coi trọng trong vòng nhiều thập kỳ ở Pháp và khuyết điểm này lại được lặp lại trong Hiến pháp 1946. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì tính thượng tôn của luật pháp (la nomophonie) được các nhà tư tưởng như  Sieyès, RobesPierre, Saint Jus khai thác triệt để. Luật pháp là cách biểu đạt chung, thể hiện tinh thần và nguyện vọng của nhân dân (la loi est l’expression de la volonté générale). Do đó các đạo luật được ban ra không thể sai được, thiết lập một cơ chế bảo hiến để xem xét và kiểm soát các đạo luật là không cần thiết. Vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và nguyện vọng chung. Cái nhìn chủ quan và duy ý chí đã tạo ra lỗ hổng luật pháp trong nhiều năm liền. Hiến pháp năm 1958 của Pháp đã khắc phục được điểm yếu này, khi vai trò của Hội đồng bảo hiến được quy định cụ thể. Việt Nam cũng không có cơ hội để sửa đổi và bổ sung khuyết điểm này của Hiến pháp năm 1946 do chiến tranh liên miên và bối cảnh lịch sử có nhiều biến động. Vì vậy Hiến pháp 1946 được ban ra, nhưng không được sửa đổi và bổ sung cho hoàn thiện như các bản Hiến pháp tiến bộ khác của Mỹ, Đức, Tây Ban Nha… Các bản Hiến pháp tiếp theo của Việt Nam, gồm cả Hiến pháp năm 1992 đều mắc khuyết điểm này. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo vệ các giá trị đích thực được Hiến pháp ghi nhận.
Nước Mỹ đã có cơ chế bảo hiến từ rất sớm. Tòa án tối cao Mỹ, trong một phán quyết mang tính lịch sử Marbury v. Madison năm 1803, đã khẳng định và đề cao vai trò bảo hiến, nhiệm vụ này được Tòa án tối cao Mỹ và tòa án các bang thực hiện nghiêm chỉnh từ hơn hai thế kỷ nay. Ở Châu Âu, Tòa bảo hiến xuất hiện lần đầu tiên năm 1920 tại Áo, do nhà luật học Hans Kelsen sáng lập, sau đó nhiều nước đã áp dụng theo mô hình này. Không phải riêng gì các bản Hiến pháp của chú bé tí hon Việt Nam mới có khuyết điểm, các bản Hiến pháp của những người khổng lồ về luật pháp cũng có sai sót.
B. Những khuyết điểm của các bản Hiến pháp tiến bộ
1. Hiến pháp Mỹ và quyền được mang vũ khí
Hiến pháp Mỹ là văn bản luật có sức sống lâu bền và là một trong những bản Hiến pháp nổi tiếng và có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Đây là một văn bản ngắn gọn và có sức khái quát cao. Một câu hay một ý có thể diễn đạt được nhiều điều. Tòa án tối cao Mỹ là cơ quan quan trọng nhất để biểu đạt các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận và có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị của Hiến pháp Mỹ.  Bằng nhiều quyết định quan trọng của mình, Tòa án tối cao Mỹ đã góp phần đưa Hiến pháp vào đời sống hàng ngày nhằm bảo vệ các quyền công dân được Hiến pháp công nhận, nhằm loại bỏ các đạo luật vi hiến, và điều ý nghĩa hơn cả là giúp công dân hiểu Hiến pháp và pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân (Abraham Lincoln). Một bản Hiến pháp tiến bộ mà không có cơ chế bảo hiến thì bản Hiến pháp đó sẽ không phát huy tác dụng, nói theo cách của các nhà luật học Pháp, đó là bản Hiến pháp chết yểu (une Constitution morte-née). Tòa án tối cao Mỹ trong một phán quyết mang tên Texas v. Johnson năm 1989 nhằm bảo vệ tự do ngôn luận, quyền này được lần sửa đổi thứ nhất Hiến pháp Mỹ công nhận. Tòa án tối cao đã tuyên bố: «Đốt cờ Mỹ khi tham gia biểu tình là một cách biểu đạt tự do ngôn luận, được điều sửa đổi thứ nhất bảo vệ». Bang Texas không có quyền trừng phạt người biểu tình, quyền tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp có giá trị cao hơn luật lệ của các bang. Năm 1990, Tòa án tối cao Mỹ đã loại bỏ một đạo luật hạn chế biểu tình, vì vi phạm Hiến pháp. Tòa án tối cao Mỹ luôn nỗ lực bảo vệ Hiến pháp, tuy nhiên phải chăng mọi điều ghi trong đó luôn đúng. Ở đây, chúng ta sẽ bàn đến quyền được sử dụng vũ khí của công dân Mỹ.
Điều sửa đổi thứ 2 là 1 trong số 12 điều được Đại hội (gồm Thượng viện và Hạ viện nhóm họp) đề nghị bổ sung vào Hiến pháp Mỹ, ngày 25 tháng 9 năm 1789. 10 điều sửa đổi đã được Đại hội phê chuẩn, 10 điều này ghi nhận các quyền cơ bản của công dân. Điều sửa đổi thứ 2 bảo vệ quyền sử dụng vũ khí của người Mỹ: «Lực lượng cảnh sát được tổ chức chặt chẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh trong một đất nước tự do, nhân dân có quyền sử dụng vũ khí, và mang theo vũ khí. Quyền này được Hiến pháp bảo vệ», (điều sửa đổi thứ 2, Hiến pháp Mỹ, ngày 17 tháng 9 năm 1787).
Quyền được trang bị và sử dụng vũ khí gây nhiều tranh cãi, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Khi mà trong vòng chưa đầy một tháng, đã có 3 vụ xả súng bắn vào đồng loại, tình trạng mất an toàn và tâm lý lo sợ của người dân Mỹ, khiến nhiều người Mỹ trang bị vũ khí để phòng thân, vì thế các cửa hàng bán vũ khí đang làm ăn phát tài. Thực tế là nước Mỹ cho dù đã có những cơ chế quy định việc mua bán vũ khí của công dân, vẫn không kiểm soát nổi việc sử dụng vũ khí và thị trường buôn bán mặt hàng này. Những vụ xả súng vào đồng loại vì thế chưa thể chấm dứt và có chiều hướng ngày càng phức tạp, điều nguy hại là, hiện tượng này đã lan sang Châu Âu, qua các vụ xả súng bắn vào đồng loại ở Na Uy và Pháp. Đạo diễn Machael Moore đã chua chát nhận xét: «Những người Mỹ là những kẻ giết người có năng khiếu». Quyền sử dụng vũ khí được Hiến pháp Mỹ thừa nhận là con dao hai lưỡi. Quyền này cho phép công dân Mỹ sử dụng súng khi cần thiết nhất là trong tình huống phòng vệ hợp pháp khi bị tấn công, khi mạng sống bị đe dọa. Cũng cần hiểu rõ thêm về điều sửa đổi thứ 2 trong Hiến pháp. Điều này được thông qua năm 1789, vào thời điểm mà xã hội Mỹ đang được tổ chức, tình trạng thiếu an toàn diễn ra phổ biến ở các thành phố mới do những nhóm người di cư đến. Nhiều nơi họ tự bầu ra các nhóm tự quản trang bị vũ khí để bảo vệ người và tài sản. Hơn nữa, dùng súng phục vụ cho các hoạt động săn bắn đã trở thành truyền thống của nhiều thế hệ người Mỹ. Quyền sử dụng súng được Hiến pháp thừa nhận dựa trên các điều kiện đó. Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, xã hội Mỹ đã được tổ chức chặt chẽ. Hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi, các tác động tiêu cực của các bộ phim hành động và các trò chơi game bạo lực khiến xã hội Mỹ thêm phức tạp. Nếu vẫn giữ nguyên điều này trong Hiến pháp, sẽ gây thêm nhiều bất ổn. Các đạo luật ngăn cấm và hạn chế tối đa việc sử dụng súng có thể bị coi là vi hiến, và không áp dụng được. Quyền sử dụng súng để bảo vệ mạng sống của mình và gia đình, chống lại cái ác là hợp pháp, nhưng quyền này cũng tạo ra các tiêu cực, và quyền được sống của nhiều người vô tội đã bị tước đoạt.
Tất cả các bản Hiến pháp tiến bộ của các nước Châu Âu đều không đả động gì về quyền được sử dụng vũ khí của công dân, duy nhất Hiến pháp Mỹ ghi nhận công khai quyền này. Cả nước Mỹ đang đau đầu về tình trạng sử dụng vũ khí tràn lan, có lẽ liều thuốc hữu hiệu là loại bỏ hoàn toàn điều này khỏi Hiến pháp Mỹ, để tạo điều kiện cho các đạo luật siết chặt việc sử dụng vũ khí và tiến tới cấm hẳn các hoạt động buôn bán vũ khí và sử dụng vũ khí, và Nhà nước nên thu mua các loại vũ khí của dân, có lẽ như vậy lợi sẽ nhiều hơn hại.
Để loại bỏ điều sửa đổi thứ 2 khỏi Hiến pháp Mỹ, điều cơ bản là cần có tiếng nói ủng hộ của các nghệ sỹ, các chính khách và các tổ chức xã hội, cuộc vận động bãi bỏ điều sửa đổi thứ hai có thể kéo dài nhiều năm. Vì điều này đã tồn tại được 223 năm và  ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Có nhiều người Mỹ muốn Nghị viện loại bỏ điều này khỏi Hiến pháp, nhưng cũng có không ít người muốn quyền được sử dụng vũ khí tiếp tục hiện diện trong Hiến pháp Mỹ (chính Tổng thống Obama cũng không bàn gì về điều này trong trương trình tranh cử nhiệm kỳ 2 của mình). Nhưng điều cơ bản nhất là an ninh phải được đảm bảo bằng các biện pháp hữu hiệu khác, chứ không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vì đây là nguồn gốc của các vụ bắn giết tràn lan, khiến người Mỹ luôn sống trong trạng thái căng thẳng và lo sợ. Loại bỏ điều này ra khỏi Hiến pháp cũng không kém phần khó khăn, giống như sự nghiệp đấu tranh đòi các quyền bình đẳng của người da den và da màu trên đất Mỹ của mục sư Martin Luther King. Nhưng khi xã hội Mỹ bị đánh động và thuyết phục thì điều này sẽ sớm được bãi bỏ.
Nếu chúng ta phân tích kỹ hơn bản Hiến pháp già cỗi này (cách gọi của giáo sư Mélin-Soucramanien), chúng ta sẽ nhận thấy Hiến pháp Mỹ có một số chi tiết mang tính tôn giáo như việc Tổng thống Mỹ, trong lễ nhận chức, chạm tay vào kinh thánh và tuyên thệ trung thành với các giá trị của Hiến pháp quy định, đồng thời luôn luôn bảo vệ các giá trị đó. Chi tiết này dập khuôn theo lễ phong danh hiệu hiệp sĩ thời Trung cổ ở Châu Âu. Một nghi lễ tôn giáo được chuyển thành nghi lễ mang tính chính trị sẽ không phù hợp trong một số hoàn cảnh cụ thể. Nghi lễ này sẽ mang tính giáo điều, không hợp với quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng được chính Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Chúng ta hãy lấy ví dụ, Tổng thống Mỹ trong tương lai có thể không phải là người theo công giáo mà là tín đồ nhiệt thành của một tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Bà la môn, hay đạo Hồi, hoặc theo một giáo phái nào đó. Nghi lễ này sẽ trở thành giáo điều, khiến ta liên tưởng đến các vị vua của Pháp thời Trung cổ, vua phải là tín đồ công giáo, được giáo hội thừa nhận bằng nghi lễ phong vương (vua Henry IV là người theo đạo Tin lành, ông buộc phải thay đổi tôn giáo để trở thành vua hợp pháp).
Quyền sử dụng súng, có thể là ý tưởng từ những quy định trong bộ luật hiệp sĩ (le code chevaleresque). Theo đó, hiệp sĩ là người được mang vũ khí, để bảo vệ niềm tin tôn giáo, và che chở những người yếu đuối. Người có vũ khí không được tấn công phụ nữ, người già và trẻ em, không được phá hủy mùa màng của nông dân… Nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu hiệp sĩ và bị rút phép thông công. Hai hình thức trừng phạt nặng nề. Quyền được mang vũ khí của người hiệp sĩ để bảo vệ người yếu đuối và chiến đấu vì công bằng xã hội được các nhà lập hiến Mỹ học theo và ghi nhận là quyền tự do được Hiến pháp công nhận, điều này rất không ổn.
Các giá trị tự do của Mỹ ở một số khía cạnh đã đi quá xa, nhưng ở một số khía cạnh khác lại siết chặt. Ví dụ tự do đi lại đã bị siết chặt bằng các hình thức kiểm tra khắt khe kể từ vụ khủng bố ngày 11tháng 9 năm 2001.
Người Pháp tỏ ra thận trọng hơn khi công bố các quyền tự do. Điều 4, Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 ghi rõ: «Tự do là làm tất cả những gì không hại đến người khác, đó là các quyền tự nhiên của con người,  thực hiện các quyền tự do ở mỗi người cũng cần có giới hạn, giới hạn ấy nhằm đảo bảo cho các thành viên khác trong xã hội cũng được hưởng các quyền tự do tương tự. Các giới hạn của tự do cần được quy định bằng các đạo luật». Cho dù các nhà soạn thảo Bản tuyên ngôn của Pháp rất tài năng và các nhà lập hiến pháp sau này có kế thừa các giá trị vĩnh cửu của Bản tuyên ngôn năm 1789, nhưng các bản Hiến pháp được họ viết ra, vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót.
2. Hiến pháp Pháp năm 1958, tấm áo vá víu các quyền tự do dân chủ
Hiến pháp Pháp ngày 04 tháng 10 năm 1958 được các nhà lập hiến biên soạn trong một khoảng thời gian ngắn (3 tháng). Hiến pháp được 86 % dân số Pháp tán thành thông qua hình thức trưng cầu dân ý. Bản Hiến pháp được biên soạn theo sáng kiến của tướng De Gaulle với mục đích ban nhiều quyền cho cơ quan hành pháp, để cơ quan này giải quyết tốt hơn cuộc khủng hoảng chính trị tại thuộc địa Algérie. Hiến pháp năm 1958 thiết lập nền cộng hòa đệ ngũ. Hiến pháp cũng chú trọng đến sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhằm tạo sự ổn định về chính trị. Tuy nhiên bản Hiến pháp này bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Hiến pháp năm 1958 không nêu rõ các quyền cơ bản của công dân, Đây là thiếu sót rất lớn của bản Hiến pháp này, so với 14 bản Hiến pháp trước đó. Ngoại trừ điều 66 quy định thẩm quyền của cơ quan tư pháp phụ trách về luật tư: «Không ai có thể bị giam giữ theo kiểu không minh bạch mà không biết rõ tội trạng, quan tòa phụ trách về luật tư là người bảo vệ duy nhất các quyền tự do cơ bản của công dân. Các đạo luật phải luôn tuân thủ nguyên tắc này». Điều này nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của công dân chống lại sự lạm quyền của Nhà nước. Vì ở Pháp, luật công và luật tư là hai nhánh tách biệt, quan tòa phụ trách về luật công có vai trò và nhiệm vụ khác với các quan tòa luật tư. Nếu giao việc bảo vệ các quyền cơ bản nhất của công dân cho các quan tòa luật công, khi mà họ ðều là công chức nhà nýớc, mỗi khi Nhà nýớc vi phạm các quyền công dân, các nhà lập hiến sợ rằng các quan tòa luật công sẽ phán xét theo hướng bất lợi cho công dân và có lợi cho Nhà nước. Điều 66 thể hiện tinh thần dân chủ của Hiến pháp năm 1958, tuy vậy điều này lại trừu tượng và không nêu các quyền cơ bản của công dân là những quyền nào. Toàn bộ nội dung của Hiến pháp năm 1958 cũng ít đề cập về các quyền công dân, mà thiên về cách thức tổ chức của các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và quy định các thẩm quyền riêng biệt của 3 nhánh quyền lực này. Một bản Hiến pháp ít chú ý đến quyền con người là bản Hiến pháp lạc hậu, và bản Hiến pháp biên soạn theo ý tưởng của De Gaulle đã bộc lộ yếu kém đó. Hội đồng bảo hiến bằng một quyết định lịch sử năm 1971 đã khắc phục thiếu sót này. Quyết định có tên tự do lập hội (la liberté d’association). Quyết định này ghi nhận Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 và lời tựa của Hiến pháp năm 1946 là hai văn bản bổ sung cho Hiến pháp năm 1958 và có giá trị như Hiến pháp. Nhà luật học Louis Favoreu, trưởng khoa luật Aix en Provence gọi hai văn bản thêm vào này là  những nguyên tắc mang giá trị hiến pháp (le bloc de constitutionnalité). Nhờ quyết định này, Hiến pháp năm 1958 trở nên đầy đủ hơn, các quyền cơ bản của con người được thừa nhận và bảo vệ từ năm 1789 và ghi nhận thêm năm 1946, tiếp tục được Hiến pháp kế thừa. Quyết định này cũng nâng cao vai trò của Hội đồng bảo hiến, đó là bảo vệ quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. So với Hiến pháp Đức, Tây Ban Nha, Ý. Hiến pháp Pháp năm 1958 sơ sài và có nhiều thiếu sót, nhưng nhờ những cố gắng không mệt mỏi của Hội đồng bảo hiến, bản Hiến pháp này được bổ sung và trở nên tiến bộ hơn, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền (3) Tuy vậy Hiến pháp năm 1958 và các văn bản bổ sung vẫn không nêu rõ một số quyền cụ thể, như quyền được sống. Các quyết định của Hội đồng hiến pháp thừa nhận quyền này, nhưng các lập luận và phân tích của các quan tòa hiến pháp không có sức thuyết phục. Một ủy ban do cựu Thủ tướng Lionnel Jospin đứng đầu đang nhóm họp và có thể sẽ đưa ra các sáng kiến quan trọng nhằm cải cách hành chính và sửa đổi Hiến pháp để ghi nhận rõ ràng hơn các quyền cơ bản của công dân.
Ngoài ra, điều 16 Hiến pháp năm 1958 cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa đến các giá trị tự do dân chủ của nước Pháp. Nội dung điều này quy định, một khi đất nước lâm vào tình thế hiểm nguy như chiến tranh, đe dọa khủng bố, thiên tai… Tổng thống có toàn quyền lập pháp và hành pháp để đề nghị và thực thi các quyết định quan trọng nhằm bảo vệ đất nước. Trước khi ra quyết định, Tổng thống cần hỏi ý kiến chủ tịch hai viện và các quan tòa của Hội đồng hiến pháp. Quốc hội sẽ họp thường trực và không thể bị giải tán trong hoàn cảnh này. Điều 16 được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt này đã vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập. Bản Hiến pháp dân chủ nhưng lại ghi nhận một nguyên tắc của Nhà nước độc tài, các nhà lập hiến ban ra điều này, giúp Tổng thống có toàn quyền đưa ra các quyết định nhanh chóng để bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh khó khăn, nhằm tránh những thất bại trước đây, như khi Pháp thua Phổ năm 1870, Tổng thống Napoléon III, cháu của Napoléon I, phải chạy sang Anh. Hay cuộc tháo chạy của quân đội Pháp năm 1940, sau khi phòng tuyến Maginot bị quân của Hitler phá vỡ. Tổng thống François Mitterrand muốn xóa bỏ điều này khỏi Hiến pháp, nhưng sau nhiều cuộc thảo luận, điều này vẫn được giữ lại. Cho dù điều này đã được sửa đổi, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của Tổng thống bị giám sát kĩ hơn, nguy cơ thiết lập một chế độ độc tài ít có khả năng diễn ra tại Pháp, tuy nhiên, giao cho Tổng thống quá nhiều quyền hành trong hoàn cảnh đặc biệt, luôn khiến các nhà luật học lo ngại, vì các quyền con người sẽ bị xem nhẹ khi áp dụng điều 16, hơn nữa, cách hành xử độc đoán khi áp dụng điều này hoàn toàn có khả năng diễn ra.
Các bản Hiến pháp tiến bộ khác của các nước phương Tây, ít nhiều đều có thiếu sót. Tuy nhiên, những khuyết điểm đều có thể khắc phục được bằng cách sửa chữa và bổ sung thêm các giá trị nhằm bảo vệ quyền con người, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền tiến bộ. Hiến pháp Bỉ có thiếu sót khi muốn thiết lập Nhà nước liên bang, tuy nhiên các điều kiện để xây dựng mô hình liên bang chưa được chuẩn bị kĩ, cách thức phân bố quyền lực giữa hội đồng vùng và cộng đồng không hợp lí, những lợi ích của hai cộng đồng Flandre và Wallonnie không được giải quyết khéo léo… Tất cả những thiếu sót này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ trong nhiều tháng. Các bản Hiến pháp Đức, Ý, Tây Ban Nha tương đối hoàn chỉnh, tất cả những giá trị cơ bản nhất như bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân, các nguyên tắc đảm bảo và duy trì nền dân chủ như tôn trọng tam quyền phân lập, đề cao vai trò của tòa bảo hiến… đều được Hiến pháp công nhận và được Nhà nước nghiêm túc thực hiện. Trong tất cả các bản Hiến pháp phương Tây, Hiến pháp Đức tiêu biểu hơn cả và là văn bản xứng đáng để Việt Nam tham khảo và học tập.
Hiến pháp năm 1946 là văn bản được ban ra cho quốc dân đồng bào trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là thời kỳ mới giành độc lập, ảnh hưởng của các cường quốc Liên Xô và Trung Quốc chưa sâu đậm trong đời sống văn hóa, chính trị của Việt Nam. Điều đáng quý nhất ở bản Hiến pháp này là tiếp thu được những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ phương Tây, đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, và phát huy tiềm lực của người Việt Nam nhằm kiến thiết đất nước văn minh, giàu mạnh. Chính vì vậy mà bản Hiến pháp này có sức sống lâu bền với thời gian vì những khát vọng của các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1946 cũng chính là ước mơ của mỗi người Việt Nam từ bao đời nay.
Trở lại với Hiến pháp năm 1946, không phải là người Việt Nam hôm nay chép lại toàn bộ từng câu từng chữ của bản Hiến pháp, mà là trở lại với tinh thần dân chủ, nhân bản và tiến bộ đó. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1946 cũng có một số khuyết điểm cần phải chỉnh sửa và cần bổ sung thêm một số nguyên tắc, bởi vì từ khi văn bản quan trọng này được ban hành, Việt Nam không có cơ hội để sửa đổi và bổ sung thêm các giá trị được các nước phương Tây sáng tạo nhằm xây dựng chế độ nghị viện tiên tiến. Hơn nữa tinh thần của Hiến pháp năm 1946 chưa được tiếp thu và phát huy một cách sáng tạo, bài bản ở các bản Hiến pháp sau này. Hiến pháp năm 1946 là văn bản luật tiến bộ song chưa hoàn chỉnh. Để bổ sung thêm các nguyên tắc mà các nước phương tây đã sáng tạo và hoàn thiện thêm cho thể chế nghị viện, người viết bài này xin đưa ra một số gợi ý nhằm lấp những khoảng trống mà Hiến pháp chưa đề cập đến.
Kỳ 3.  Những gợi ý nhằm bổ sung cho Hiến pháp năm 1946 để xây dựng Nhà nước pháp quyền
Nhà nước dân chủ và tiến bộ chỉ tồn tại lâu bền khi bản Hiến pháp mới được ban ra, ghi nhận các nguyên tắc cơ bản nhất, đó là bảo vệ các quyền công dân, tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập, thiết lập Tòa bảo hiến, các nhánh quyền lực luôn ở trạng thái cân bằng… Nghĩa là Hiến pháp phải ghi nhận được những nguyên tắc chuẩn do con người đúc kết, sáng tạo ra. Hiến pháp năm 1946 ghi nhận nguyên tắc tam quyền phân lập, và bảo vệ quyền con người nhưng thiếu cơ chế bảo hiến. Ngoài ra cân bằng quyền lực giữa cơ quan hành pháp và lập pháp cũng không được quy định cụ thể, vì vậy các nguyên tắc này cần được bổ sung.
A. Thiết lập cơ quan lập pháp thành lưỡng viện
Hiến pháp năm 1946 ghi nhận Quốc hội là cơ quan lập pháp duy nhất. Trong hoàn cảnh mới giành được độc lập, và nguy cơ chiến tranh có thể diễn ra, việc thiết lập một viện là điều dễ hiểu, vì khi đó cơ quan lập pháp cần có sự thống nhất và đưa ra các quyết định nhanh chóng. Nhưng khi đất nước hòa bình, việc duy trì một viện duy nhất bộc lộ nhiều yếu điểm so với hai viện.
Nếu chúng ta quan sát tất cả các nước có nền dân chủ tiêu biểu trên thế giới, nhất là ở các nước lớn, họ đều thiết lập hai viện là Thượng viện và Hạ viện, ví dụ Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Việt Nam là một nước có dân số đông, cả nước có 63 tỉnh thành, chúng ta rất cần có hai cơ quan giữ vai trò lập pháp là Thượng viện và Hạ viện (hay cách gọi khác là Quốc hội và Thượng viện).
Có rất nhiều điểm tích cực khi cơ quan lập pháp ở Việt Nam bao gồm hai viện. Trước hết hai viện sẽ đảm bảo tốt hơn nguyên tắc cân bằng và chia sẻ quyền lực. Nếu một viện duy nhất là cơ quan lập pháp, viện này có thể thông qua tất cả các đạo luật theo ý mình, và những đạo luật vô lý và vi hiến luôn có thể được thông qua và được áp dụng trong xã hội mà không có bất kỳ cơ quan nào đóng góp ý kiến và yêu cầu thảo luận lại những đạo luật đó, kể cả khi Hiến pháp 1946 quy định Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại dự luật, nhưng nếu Quốc hội sau khi thảo luận lại vẫn giữ nguyên ý kiến, Chủ tịch vẫn phải ký và ban hành đạo luật đó (điều thứ 31), để tránh xung đột với Quốc hội.  Điều này đã xảy ra ở các chế độ nghị viện có quyền lực tuyệt đối. Cơ chế lưỡng viện sẽ tạo ra các đạo luật chuẩn xác, tuân theo Hiến pháp, hơn nữa đó sẽ là các đạo luật thông minh và sáng tạo, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, dân chủ và tiến bộ. Bởi vì nhờ có hai viện, các đạo luật sẽ được xem xét và thảo luận nhiều lần trước khi được áp dụng, các đạo luật mơ hồ, khó hiểu, không mang lại lợi ích cho đất nước chắc chắn sẽ bị loại bỏ, hoặc sửa đổi theo chiều hướng tích cực vì phải có sự đồng thuận của cả hai viện mới được ban bố, nhờ đó các đạo luật một khi được ban hành sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước. Nếu đó là các đạo luật tiến bộ và không có khuyết điểm chắc chắn sẽ được cả hai viện thông qua nhanh chóng. Như vậy các đạo luật được ban hành ở các nước có hai viện thường là các đạo luật thận trọng, đầy đủ hơn ở các nước có một viện. Thiết lập hai viện là điều kiện cần thiết để xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Hai viện sẽ hạn chế được các đạo luật vi hiến, nhưng không có nghĩa là các đạo luật được ban ra luôn tuân theo Hiến pháp và các nguyên tắc của luật quốc tế. Thực tế chứng minh rằng một số đạo luật vô lý vẫn tồn tại. Vì trong nhiều hoàn cảnh, đường lối chính trị sẽ ảnh hưởng đến nội dung của nhiều đạo luật, khiến các đạo luật này trở nên vô lý. Xin nêu ra một số ví dụ:
- Mỹ ban hành một đạo luật năm 1919 cho phép Nhà nước có quyền không cần minh bạch về các khoản chi phí cho quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 1.
- Đạo luật McCarran, năm 1950 cấm tất cả các đảng viên cộng sản hoặc những người có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản vào nước Mỹ. Đồng thời tiến hành kế hoạch «xua đuổi phù thủy» nhằm  truy bắt, giám sát hoặc đuổi ra khỏi nước Mỹ các viên chức cao cấp, các nhà trí thức, nghệ sĩ và các nhà bác học ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Hai người Mỹ Julius và Ethel Rosenberg bị cáo buộc là gián điệp cho Liên bang Xô viết bị kết án tử hình. Vụ án này gây hoang mang dư luận Mỹ và ảnh hưởng uy tín của Mỹ trên thế giới. Nghệ sĩ hài nổi tiếng Charlie Chaplin cũng bị liên lụy, khi ông tuyên bố là: «công dân của thế giới». Ông bị cấm không được trở lại Mỹ, và chỉ được nhận visa ngắn ngày khi có thư mời đến nhận giải Oscar danh dự năm 1972. Đạo luật McCarran về cơ bản là đạo luật vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của công dân như tự do ngôn luận và tự do đi lại. Bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết, cùng với khuynh hướng chính trị của Mỹ giải thích cho sự ra đời đạo luật vô lý này.
- Hai đạo luật Helms-Burton và Amato-Kennedy được Thượng viện và Hạ viện thông qua năm 1996. Luật Helms-Burton cấm các nước không được phép mua lại các tài sản của Mỹ bị Fidel Castro quốc hữu hóa, còn luật Amato-Kennedy cấm các nước không được đầu tư hơn 40 triệu dollars vào lĩnh vực khai thác dầu và khí đốt tại Iran và Libye. Về cơ bản hai đạo luật này vi phạm luật quốc tế. Vì chúng vi phạm quyền tự quyết và quyền tự do buôn bán của các nước.
Qua các ví dụ trên, có thể nhận thấy các đạo luật vi hiến và vi phạm các nguyên tắc quốc tế vẫn luôn tồn tại ở các nước có hai viện cho dù cơ chế bảo hiến hoàn chỉnh. Tuy nhiên cơ chế hai viện sẽ hạn chế tốt hơn việc ban hành các đạo luật vi hiến so với một viện.
Quốc hội được nhân dân bầu trực tiếp và Thượng viện được các cơ quan hành chính địa phương bầu chọn gián tiếp. Mô hình lưỡng viện ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ… là nguồn cảm hứng cho Việt Nam học tập. Đây cũng là yếu tố cần thiết để xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh.
Bầu chọn các nghị sĩ ở hai viện luôn là nhân tố quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nền lập pháp hiệu quả, chất lượng của nghị sĩ và trách nhiệm của họ đối với vận mệnh đất nước thể hiện qua các đạo luật. Số lượng nghị sĩ đại diện cho các tầng lớp xã hội và số lượng các đạo luật ban hành chưa phải là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá tính hiệu quả của Nghị viện, điều quan trọng hơn cả là giá trị của các đạo luật được ban hành, đã đóng góp gì vào sự nghiệp phát triển đất nước, để đáp ứng sự trông đợi của nhân dân.
Sáng kiến lập ra hai viện hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 1946, nó khẳng định bản chất của chế độ nghị viện đồng thời bổ sung những khiếm khuyết của bản Hiến pháp mà Việt Nam chưa có cơ hội hoàn thiện do bối cảnh lịch sử tác động. Ý tưởng của một cựu đại biểu Quốc hội mong muốn Ban chấp hành Trung ương chuyển thành Thượng viện là sáng kiến thông minh, hơn nữa, các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nếu là những người có uy tín, được nhân dân quý mến, sau khi nghỉ hưu sẽ thành các thượng nghị sĩ thay vì giữ vai trò cố vấn như hiện nay. Đây cũng là chính sách mà Pháp đang muốn thực hiện (các Tổng thống mãn nhiệm sẽ trở thành thượng nghị sĩ suốt đời thay vì giữ vai trò quan tòa trong Hội đồng Hiến pháp như hiện nay).
B. Thành lập Tòa bảo hiến
Hiến pháp năm 1946 không đề ra cơ chế bảo hiến, đây là khuyết điểm cần khắc phục để bản Hiến pháp này hoàn thiện và có thể sánh ngang các bản Hiến pháp tiến bộ của Mỹ và Châu Âu.
Có thể khẳng định rằng, ở nhiều nước, một khi cơ chế bảo hiến không được tôn trọng, sẽ không tồn tại Nhà nước pháp quyền. Hệ thống luật pháp ở các nước đó sẽ lộn xộn và chồng chéo, luật vi phạm Hiến pháp, thông tư, nghị định, chỉ thị, vi phạm luật. Đạo luật mới mâu thuẫn với các đạo luật cũ. Và với thời gian mọi thứ sẽ trở thành hỗn độn, công dân không biết phải tôn trọng luật hay Hiến pháp, tuân theo nghị định hay thông báo. Đây là yếu tố khiến xã hội rối ren, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân một khi họ vi phạm mà không biết là mình vi phạm, họ làm đúng mà cứ lo rằng mình vi phạm pháp luật! Xin lấy ví dụ về thông báo cấm biểu tình của UBND thành phố Hà Nội. Bản thông báo này sai vì hai lý do. Bản thông báo sai về thủ tục hành chính vì thiếu con dấu chứng thực đây là quyết định của một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bản thông báo sai vì vi hiến. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận các quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình. Vì Hiến pháp có giá trị cao nhất, trong trường hợp này, công dân chỉ tuân theo Hiến pháp, nếu chưa có luật biểu tình thì đó là thiếu sót của Quốc hội.
Cũng cùng một quyết định cấm biểu tình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Nhà nước pháp quyền sẽ có phán quyết hợp lý. Xin nêu 2 ví dụ:
- Hội đồng Nhà nước (Tòa án tối cao về luật hành chính của Pháp) công nhận quyền biểu tình và quyền hội họp của công dân phải được tôn trọng. Nhà nước phải đảm bảo cả hai quyền này cùng song song tồn tại nếu cùng diễn ra, không loại bỏ quyền này để đảm bảo tốt hơn quyền khác. Nhà nước cũng không nên viện lý do bảo đảm trật tự trị an để ngăn cấm hai quyền này, mà phải vừa đảm bảo an toàn trật tự đồng thời tạo điều kiện cho biểu tình và hội họp được diễn ra tốt đẹp (quyết định có tên Benjamin của Hội đồng Nhà nước năm 1933).
- Quyết định có tên Texas v. Johnson của Tòa Án tối cao Mỹ năm 1989, theo đó, các bang phải tôn trọng quyền biểu tình, đốt cờ Mỹ là thể hiện quyền tự do ngôn luận. Bang Texas không thể dựa vào việc gây rối trật tự để ngăn cấm quyền này được điều sửa đổi thứ 1, Hiến pháp Mỹ năm 1787 bảo vệ.
Theo luật hành chính Pháp, khi một quyết định của cấp trên sai luật, cấp dưới có quyền không thực hiện, và quan tòa hành chính sẽ hủy bỏ quyết định này đồng thời đề nghị cấp trên đưa ra quyết định khác đúng luật. Hơn nữa nếu quyết định nhằm bảo vệ trật tự xã hội của cơ quan hành chính cấp trên đúng luật và cấp dưới không thực hiện. Cơ quan cấp trên vì lợi ích chung, có quyền thực thi quyết định thay cho cơ quan cấp dưới tại địa phương do cấp dưới phụ trách, ví dụ tỉnh thực thi quyết định ở cấp xã, điều 2212, luật tổ chức các cơ quan cấp địa phương (l’article 2212 du Code des collectivités territoriales). Hiến pháp Tây Ban Nha công nhận công dân có quyền khiếu kiện Nhà nước mỗi khi các quyết định hành chính vi phạm Hiến pháp (le recours d’amparo).
Các ví dụ trên đây khẳng định việc cần thiết phải thiết lập Tòa bảo hiến ở Việt Nam để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên so sánh pháp luật giữa Việt Nam và các nước phương Tây sẽ là khập khiễng vì các nước này có nền tảng luật học từ mấy nghìn năm, Mỹ cũng dựa theo nền tảng luật pháp của Châu Âu. Còn Việt Nam chịu ảnh hưởng một phần các phong tục tập quán từ phương Bắc, cùng với các lễ giáo và cách thức hành xử đôi khi «hoang dại» (nhận xét của Montesquieu về Trung Quốc trong tác phẩm Tinh thần luật, xuất bản năm 1748). Nên chúng ta chưa xây dựng được nền luật pháp tiến bộ mang tính chuẩn mực là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thiết lập Tòa bảo hiến sẽ là nền móng được thế hệ hôm nay gia cố, tạo điều kiện cho thế hệ tương lai xây nên tòa lâu đài luật pháp nguy nga.
Tòa án Hiến pháp giám sát luật bằng hai phương pháp. Giám sát luật sau khi ban hành – phương pháp được áp dụng tại Mỹ và giám sát luật trước khi ban hành – phương pháp được áp dụng tại Châu Âu.
Giám sát luật tại Mỹ là phương pháp thực hiện phổ quát, tất cả các cấp tòa án đều có nhiệm vụ loại bỏ các đạo luật vi hiến trong một hoàn cảnh cụ thể. Còn tại các nước Châu Âu, nhiệm vụ giám sát được giao cho một Tòa án Hiến pháp duy nhất, hình thức giám sát tập trung được các quan tòa hiến pháp thực hiện, khi đạo luật còn chưa được ban hành và cả sau khi đã được ban hành. Nghĩa là các đạo luật vi hiến sẽ bị loại bỏ hoặc buộc phải sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp ngay từ lúc chưa có hiệu lực. Hiện nay, các nước phương tây kết hợp cả hai hình thức giám sát của Mỹ và Châu Âu để loại bỏ kỹ hơn các đạo luật vi hiến. Nhưng về cơ bản phương pháp giám sát tập trung vẫn được giao cho Tòa án Hiến pháp duy nhất, đây là nét khác biệt giữa Mỹ và Châu Âu.
Đối với hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta nên áp dụng mô hình giám sát tập trung, các đạo luật sẽ được xem xét cả trước và sau khi ban hành. Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, hoặc 1/5 số nghị sĩ có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp giám sát các đạo luật đã được thông qua nhưng chưa ban hành (phương pháp giám sát trước). Công dân trong một hoàn cảnh cụ thể, nhận thấy luật áp dụng trong vụ việc liên quan trực tiếp đến mình có dấu hiệu vi hiến, có quyền đề xuất với Tòa bảo hiến xem xét lại đạo luật, đồng thời công dân cũng có quyền đề nghị các cấp tòa án dân sự bắt Nhà nước bồi thường thiệt hại do đạo luật vi hiến gây ra, sau khi đã nhận được phán quyết chính thức của quan tòa hiến pháp về tính vi hiến của đạo luật đó (phương pháp giám sát sau khi ban hành luật).
Hiến pháp năm 1946 xác lập thể chế nghị viện (từ điều thứ 22 đến điều thứ 42 quy định về vai trò của Nghị viện). Mô hình giám sát luật tập trung phù hợp với thể chế nghị viện, trong khi mô hình giám sát phổ quát lại phù hợp với chế độ tổng thống. Phương pháp tiến hành cần được quy định cụ thể bằng các đạo luật để nhiệm vụ giám sát trở nên hiệu quả, và điều quan trọng hơn cả là công dân có quyền đóng góp vào nhiệm vụ giám sát bằng cách đề nghị các quan tòa hiến pháp xóa bỏ đạo luật vi hiến, hoặc loại bỏ một số điều khoản vi hiến của đạo luật, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho họ.
Một đạo luật vi hiến được hiểu là tất cả các điều khoản, hoặc một điều khoản duy nhất trái với Hiến pháp, đạo luật đó sẽ không có giá trị và không được áp dụng nếu hoàn toàn bị coi là vi hiến, hoặc đạo luật sẽ tiếp tục được áp dụng nhưng điều khoản vi hiến sẽ bị loại bỏ. Quyền sửa đổi hay giữ nguyên đạo luật đó thuộc về thẩm quyền của Nghị viện, quan tòa hiến pháp chỉ có nhiệm vụ xem xét và công bố luật có vi hiến hay không, chứ không có quyền sửa luật.
Các bản Hiến pháp phương Tây đều ghi nhận vai trò quan trọng của Tòa bảo hiến. Xây dựng Nhà nước pháp quyền không thể thiếu nhiệm vụ gìn giữ các giá trị của Hiến pháp, nếu Hiến pháp là văn bản đảm bảo các quyền công dân, quan tòa hiến pháp buộc Nhà nước phải tôn trọng các quyền đó bằng cách loại bỏ các đạo luật vi hiến. Tuy nhiên ở một số nước như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, tuy Tòa bảo hiến không tồn tại, nhưng các nước này vẫn là những nền dân chủ tiêu biểu, nơi có chỉ số IDH (Chỉ số phát triển dựa trên tỉ lệ xóa đói giảm nghèo, số lượng người biết đọc biết viết, tuổi thọ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe) vào loại cao nhất thế giới. Điều này có thể giải thích như sau: Các nước này áp dụng thể chế nghị viện có quyền lực mạnh và cơ quan hành pháp yếu, các đạo luật một khi được ban hành không cần có cơ chế bảo hiến, vì quyền lực của Nghị viện lấn át quyền giám sát. Hơn nữa đây là các thể chế dân chủ lâu đời, các quyền tự do luôn được đảm bảo. Các nước này là thành viên của Hội đồng Châu Âu, vì vậy họ phải tuân theo các phán quyết của Tòa án về quyền con người của Châu Âu. Ba nguyên tắc cơ bản mà 47 nước thành viên phải tuân theo là bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng các giá trị dân chủ. Vì vậy các đạo luật vi hiến nếu không bị loại bỏ tại các nước đó, chắc chắn sẽ bị Tòa án về quyền con người của Châu Âu loại bỏ, một khi các đạo luật này vi phạm ba nguyên tắc trên. Do đó cơ chế bảo hiến tuy vắng mặt hoặc tồn tại theo kiểu hình thức, nhưng Anh và các nước Bắc Âu vẫn là những nền dân chủ tiêu biểu.
Thiết lập Tòa bảo hiến ở Việt Nam là sự kế thừa và tiếp nối các giá trị tiến bộ của Hiến pháp năm 1946, do hoàn cảnh lịch sử và xã hội, Việt Nam chưa có cơ hội hoàn thiện và áp dụng thành công các nguyên tắc của Hiến pháp năm 1946.
C. Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước
Để giữ cân bằng quyền lực giữa 2 cơ quan hành pháp và lập pháp, khắc phục khuyết điểm của thể chế nghị viện mạnh có cơ quan hành pháp yếu, theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước cần được cử tri bầu trực tiếp (chứ không phải Phó chủ tịch nước như theo điều thứ 46). Điều này sẽ tạo cân bằng quyền lực giữa Chủ tịch và Nghị viện. Vai trò của Chủ tịch nước sẽ được củng cố bởi vì vị thế của Chủ tịch sẽ ngang bằng với Nghị viện vì đều xuất phát từ nhân dân. Chủ tịch nước sẽ có nhiều quyền hơn, để lãnh đạo tốt hơn cơ quan hành pháp. Ngay cả khi Chủ tịch được nhân dân bầu, thể chế nghị viện vẫn được giữ nguyên nhưng quyền lực của Chủ tịch sẽ được tăng cường. Pháp và Ba Lan hiện nay đang áp dụng thể chế nghị viện đề cao vai trò của Tổng thống như thế.
Phó chủ tịch nước sẽ không được bầu trực tiếp mà sẽ được Nghị viện cử ra. Hoặc có thể loại bỏ chức năng Phó chủ tịch nước và các Phó thủ tướng để cơ quan hành pháp trở nên gọn nhẹ, tránh tình trạng chồng chéo quyền lực. Nếu cần, Chính phủ có thể chọn ra các bộ trưởng thường trực theo chương trình hành động của mình. Bộ trưởng thường trực giữ vai trò quan trọng chỉ sau Thủ tướng. Ví dụ năm 2012, sẽ là năm Nhà nước quyết tâm đẩy lùi lạm phát, Chính phủ sẽ chọn bộ trưởng tài chính là bộ trưởng thường trực, năm 2013 sẽ là năm tăng cường năng lực quốc phòng, bộ trưởng quốc phòng sẽ là bộ trưởng thường trực… Tuy tất cả các nhiệm vụ đều quan trọng, nhưng do hoàn cảnh, có một số nhiệm vụ quan trọng hơn, nên cần được ưu tiên.
Kết luận
Hiến pháp năm 1946 là «bản Hiến pháp không hề thua kém bất kỳ bản Hiến pháp nào trên thế giới» (trang thông tin của Quốc hội), đây là bản Hiến pháp tiêu biểu và được nhắc đến nhiều nhất trong 4 bản Hiến pháp của Việt Nam. Tuy Hiến pháp 1992 đang được áp dụng, nhưng cũng ít được bàn đến. Hiến pháp năm 1946 là «chuỗi ngọc trai lấp lánh» (Luật sư Lê Quốc Quân). Tinh thần Hiến pháp năm 1946 kết hợp với chủ nghĩa dân tộc hài hòa sẽ là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho định hướng chính trị, con đường đi đúng đắn của Việt Nam trong thế kỉ 21.
Con đường dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc thật gần nhưng con người luôn tìm nó ở rất xa. Con đường ấy đã được xác định ngay trong lời giới thiệu của Hiến pháp năm 1946: «Với tinh thần đoàn kết sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại». Thật khó có tư tưởng và khát vọng nào tuyệt vời hơn thế.
Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, nền giáo dục của chúng ta tụt hậu và thua xa các nước phương Tây cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chủ quyền biển đảo và đất liền đang bị nước láng giềng phương Bắc nhăm nhe thôn tính, quyền tự quyết dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam chúng ta đang bị thử thách trong giai đoạn khó khăn này. Để giải quyết được những thách thức ấy, người Việt Nam cần thay đổi cách suy nghĩ và sẵn sàng đón nhận những tư tưởng tiến bộ phương Tây trong lĩnh vực luật học, hành chính… đã được đúc kết và hoàn thiện từ lâu. Chúng ta chỉ cần học theo và vận dụng linh hoạt những tư tưởng đó cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam giải quyết được các khó khăn hiện nay, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên cách suy nghĩ trước đây, tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng và sẽ không thể giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế, xã hội ngày càng phức tạp, đòi hỏi tư duy và nhận thức của chúng ta cũng phải chuyển biến theo cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Người La Mã xưa kia, mỗi lần chinh phục các quốc gia khác, họ gửi đến trước tiên các nhà luật học và các viên chức hành chính để ổn định xã hội, bằng cách tiến hành các cuộc cải cách chính trị, xã hội cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Họ quản lý xã hội bằng các đạo luật khôn ngoan để vừa lấy lòng kẻ bị chinh phục, vừa đảm bảo ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Napoléon cũng áp dụng theo nguyên tắc đó. Tiến hành cải cách sâu sắc về chính trị, xây dựng ngành tư pháp độc lập, thu hút và sử dụng người hiền tài đúng cách, sẽ là những giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam bắt kịp với các nước văn minh.
Tục ngữ la tinh có câu: «Những lời nói xuất phát từ trái tim sẽ sưởi ấm tâm hồn suốt ba tháng mùa đông lạnh giá». Rất nhiều bản kiến nghị của các trí thức yêu nước đã được gửi đến các cơ quan thẩm quyền của Đảng và Nhà nước, với mong muốn đóng góp ý kiến, xây dựng đất nước trong tình hình mới. Tiếp bước những người yêu nước, người viết bài này rất mong muốn Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được ủy quyền của nhân dân và Nhà nước, sáng suốt ghi lại trong Hiến pháp những nguyên tắc phổ quát nhất đã được con người văn minh tổng kết, đồng thời lấy Hiến pháp năm 1946 là nội dung chính cho bản Hiến pháp mới, sau khi đã sửa đổi. Đây sẽ là tiền đề để đất nước Việt Nam của chúng ta tiến bước cùng nhân loại tiến bộ.
Ghi chú
1. Tội phản quốc được ghi lại trong nhiều bản Hiến pháp Pháp, Thống chế Pétain, Tổng thống duy nhất bị kết tội phản quốc khi ông cộng tác với Đức quốc xã trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, sau giải phóng ông bị kết án tử hình, sau giảm xuống tù trung thân. Việc kết tội ông vẫn gây tranh cãi. Đối với nhiều người ông là kẻ phản bội, nhưng đối với một số người, ông là vị anh hùng. Philippe Pétain đã có một sự nghiệp vinh quang trước năm 1940: Ông là vị tướng tài, giúp nước Pháp chiến thắng Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông là vị anh hùng trong trận chiến Verdun, được bầu vào Viện hàn lâm Pháp, là đại sứ tại Tây Ban Nha… Ông là một trong những gương mặt được kính trọng và có ảnh hưởng nhất tại Pháp trước năm 1940. Sau khi phòng tuyến Maginot bị vô hiệu hóa, quân Pháp tháo chạy, không ai dám đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo nước Pháp trong giai đoạn khó khăn và nhạy cảm này. Ông được mời lãnh đạo đất nước khi đã 84 tuổi. Cuộc hẹn gặp với Hitler tại nhà ga Montoire và cái bắt tay lịch sử, khiến chính phủ do ông lãnh đạo đã chính thức hợp tác với Đức. Giải thích về cuộc gặp này ông đã phát biểu trên đài: «Lịch sử sẽ phán xét về chính sách của tôi, chỉ mình tôi sẽ chịu trách nhiệm về chính sách hợp tác này, đây là quyết định của riêng tôi». Khi bị Tòa án đặc biệt luận tội, ông đã biện hộ: «Trong suốt giai đoạn khó khăn, tôi đã đảm bảo bánh mì và cái ăn cho người dân Pháp, tôi luôn cố gắng tránh mọi thiệt hại về của cải và sinh mạng, tôi đã duy trì được nước Pháp khổ đau nhưng sống sót. Giải phóng có ý nghĩa gì khi đất nước chỉ còn là một đống đổ nát và toàn nghĩa trang». Ông bị biệt giam tại đảo Yeu và mất tại đó. Thời kỳ từ 1940 đến 1944, là giai đoạn đen tối trong lịch sử nước Pháp, nỗi thất vọng vì đình chiến và hợp tác với Đức quốc xã, hiện rõ trên từng khuôn mặt của mỗi người Pháp (Simone de Beauvoir). Thống chế Pétain là người lãnh đạo cao nhất và chịu trách nhiệm về giai đoạn này.
2. Công hàm ngoại giao ngày 14 tháng 9 năm 1958 vi phạm điều thứ 32 và điều thứ 53 Hiến pháp năm 1946. Điều thứ 32 quy định mọi sắc lệnh của Chính phủ phải được Chủ tịch nước hay bộ trưởng tiếp ký. Điều thứ 53 nêu rõ mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước phải được Quốc hội thông qua và được nhân dân phúc quyết. Biển đảo đất đai, khai thác hầm mỏ, tài nguyên rừng là những vấn đề hệ trọng, phải được Quốc hội bàn bạc, và được nhân dân quyết định theo tin thần của Hiến pháp năm 1946.
3. Nhà nước pháp quyền: Khái niệm được dịch từ tiếng đức Rechtsstaat, để chỉ Nhà nước mà ở đó toàn bộ các cơ quan chính trị, hành chính, hoạt động, tuân theo các quy định luật pháp đang hiện hành. Trong Nhà nước pháp quyền, công dân được hưởng các quyền tự do cơ bản, thủ tục tố tục của công dân được Nhà nước đảm bảo. Nhà nước pháp quyền trong tiếng pháp (Etat de droit) gắn với nguyên tắc bình đẳng. Tương ứng với khái niệm anglo-saxon (rule of law) (Dịch từ Từ điển luật học, nhà xuất bản Dalloz, 2012).
4. Hội đồng Nhà nước (Le Conseil d’Etat), Tòa án hành chính tối cao, đồng thời là cố vấn pháp luật cho Chính phủ Pháp. Khi chưa có cơ chế bảo hiến, Hội đồng Nhà nước bảo đảm quyền công dân được Hiến pháp công nhận bằng cách xây dựng các nguyên tắc cơ bản được nền cộng hòa thừa nhận (les PFRLR), những nguyên tắc này được phân tích theo Hiến pháp.
5. Hội đồng Châu Âu gồm có 47 nước, tổ chức quốc tế này thông qua Bản hiến chương về quyền con người của Châu Âu năm 1950, các nước thành viên phải đảm bảo các quyền con người được văn bản này bảo vệ. Công dân có quyền gửi đơn đến Tòa án về quyền con người tại Strasbourg, Pháp, để kiện nước mình, khi mà tất cả các tòa án các cấp trong nước đã bác đơn kiện. Hội đồng Châu Âu khác với Liên minh Châu Âu. EU là tổ chức quốc tế gồm 27 thành viên, hầu hết các nước thuộc Liên minh Châu Âu đều là thành viên của Hội đồng Châu Âu.
(Nguồn: BVN)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét