YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU - KỲ 138
(tiếp
theo)
Ông ấp úng :
" Không không...tôi tưởng...tôi tưởng có chuyện gì nghiêm
trọng lắm trên mới rút ngắn chuyến đi thăm Cuba..."
Bà vợ bĩu môi :
" Ông tưởng chuyến đi cuả ông quan trọng lắm hả ? "
Ông Sáu Thượng kêu lên :
" Sao không quan trọng. Tôi đi trình bầy đường lối kiên
trì theo chủ nghĩa Mác Lênin của Đảng ta sau khi Liên xô và các nước xã hội chủ
nghĩa Đông Âu sụp đổ..."
Bà vợ bật cười :
" Ông mà còn ngây thơ chính trị vậy hả. Người ta cử ông đi
thuyết trình vậy chẳng qua làm động tác giả đó thôi. "
Ông Sáu Thượng trố mắt :
" Bà nói làm động tác giả là làm sao ?"
" Tức ngoài miệng thì hô kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin
nhưng trong ruột đổi mầu rồi. Sửa soạn rước tư bản vào làm ăn nên phải gào to
ta vẫn là cộng sản đây để yên lòng cán bộ, đảng viên đó thôi..."
Ông Sáu Thượng kêu lên kinh ngạc :
" Chuyện tầy đình vậy sao bà biết được ? Ngay đến chính tôi cũng có biết gì đâu
?"
Bà Sáu Thượng cười hềnh hệch :
" Ông là là cái thớ . Mang tiếng là Trưởng ban mà khác gì
bù nhìn giữ dưa. "
Ông Sáu Thượng thở dài :
" Nếu đúng vậy thì đây là một thay đổi có tính chiến lược
chứ chẳng phải chuyện nhỏ. Phải là những đầu óc lớn mới dám quyết định
vậy..."
Bà vợ ông Sáu Thượng bĩu môi :
" Thằng tàu nó làm từ tám đời. Chẳng qua mình học theo nó
nhưng chậm mất cả hai chục năm. Nào chiến tranh nhân dân, lấy nông thôn bao vây
thành thị, nào giảm tô, tổ đổi công, cải cách ruộng đất ... nhất nhất nó làm gì
mình làm nấy có thông minh sáng tạo con mẹ gì. Giờ lại học theo nó xây dựng
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rồi đấy ông coi, cứ tàu sao ta
vậy thôi, chẳng có trệch đi đằng nào..."
Ông Sáu Thượng toát mồ hôi nghe bà vợ giảng giải chính trị theo
cái cách nôm na , giản dị của bà. Hoá ra bà gần gũi mấy "ông lớn' hóng
chuyện nên mới đúc rút ra bài học kinh nghiệm "tàu sao ta vậy" trần
trụi và trắng trợn đến thế. Ông thật không ngờ trong khi ông cao giọng giảng
giải những tín điều bất di bất dịch, bách chiến bách thắng của chủ nghĩa cộng
sản ở bên đất nước Cuba anh em thì ở nhà người ta âm thầm chôn nó bằng những
quyết sách kinh tế ngược hẳn với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin. Thấy
ông cứ tần ngần chẳng nói năng gì, bà toét miệng cười :
" Ông ngạc nhiên lắm hả ? Tại ông cứ làm công tác lý luận
chay nên lơ tơ mơ đấy thôi, mấy cha làm bên kinh tế nó nhanh nhậy lắm, nó biết
được "tổ con chuồn chuồn" từ tám đời nào rồi..."
Ông lắc đầu bán tín bán nghi :
"Bà nói vậy thì tôi cũng biết vậy . Để mai tôi sang Ban bí
thư coi tình hình sao chứ nói như bà thì chẳng hoá ra chúng ta đang phản bội
lại lý tưởng của bác Hồ mà toàn Đảng
toàn dân đang theo đuổi à ?"
Bà vợ ông lại bật cười :
" Thế ông bảo lý tưởng của bác Hồ là cái gì nào ? Các ông
bảo là A thì nó là A, bảo B thì lại là
B. Cứ mang bác Hồ ra mà doạ thiên hạ thì tha hồ trải chiếu mời tư bản vào làm
ăn. Bố thằng nào dám cãi ?"
Nhìn vẻ mặt vô cùng hoang mang của ông, bà lại bật cười :
" Nhưng mà thôi, dẹp ba cái chuyện chính trị đó lại, nhức
đầu, tôi gọi ông về có chuyện quan trọng hơn nhiều ..."
Ông giật mình :
" Chuyện gì vậy ? Không phải chuyện thằng thành uỷ viên
chớ ?"
Bà đi ra khép cửa phòng, quay lại thì thào vào tai ông :
" Thằng Hàm nó mới từ Sàigòn ra ..."
Ông nghe như tiếng sét bên tai, hỏi lại :
" Bà nói gì ? Thằng Hàm nó về ấy à ?"
" Phải rồi, nó từ Sàigòn bay ra được hai ngày nay rồi..."
Ông hiểu khác đi:
" Thế nó định ra đầu thú à ?"
Bà bĩu môi :
" Đầu thú ? Bộ ông muốn nó đi tù hả ? Nó đi tù thì cái ghế
của ông cũng chẳng yên, ông chẳng tiếp tay cho nó xoá sạch dấu vết vụ án là gì
?"
Ông Sáu Thượng xanh mặt :
" Vậy thì nó về làm gì ? Trước sau người ta cũng bắt nó,
giữa cái đất Hà Nội này , giấu làm sao được ?"
Bà nổi cáu :
" Ông nói gì kỳ vậy ? Sao không giấu được. Bộ ông muốn đi
tố cáo nó hả ?"
Ông Sáu Thượng thở dài, hạ giọng :
" Sao bà lại nói thế ? Bữa trước nó gọi điện ra đòi gửi
tiền tôi đã bảo bà gửi ngay cho nó. Nó cần bao nhiêu cũng gửi để nó khỏi quay
ra. Cứ tưởng nó doạ vậy thôi. Ai ngờ thằng này táo tợn thật, không biết sợ là gì ?"
Bà vợ ông nói bướng:
" Việc gì phải sợ. Tôi cứ để nó ở trong phòng tôi, bố
thằng nào dám vào khám xét, bắt bớ . Tôi cứ tưởng ông cũng cứng lắm ai ngờ,
miệng hùm gan sứa ?"
Ông Sáu Thượng đấu dịu :
" Vậy bà định sao ? Chẳng lẽ suốt ngày nhốt nó trong buồng
?"
" Bởi vậy tôi mới phải nhờ anh Năm gọi ông về gấp. Một
mình tôi chẳng có ai mà bàn bạc..."
Bà có vẻ nịnh khéo cho ông hết bất mãn vì đã phá ngang, thọc
gậy bánh xe chuyến đi thuyết trình về "tính kiên định Mác Lênin" của
Đảng ta trên đất nước Cuba anh em . Tuy nhiên, ông Sáu Thượng chẳng thấy
thích thú gì với lời khen hiếm hoi ấy của bà. Ông coi như là một cách bà buộc
ông vào chuyện thằng con bà giết người mà ông cứ muốn tránh cho xa. Lẽ ra nó cứ
trốn biệt trong nhà bà cô nó trong Sàigòn thì cũng chẳng sao, để lâu cứt trâu
hoá bùn, cứ vài năm nữa vụ sát nhân này chìm xuồng, chẳng ai còn nhớ tới, lúc
đó ông thành uỷ đã mục xương, còn bà vợ ông ta thì chắc cũng thành người mất
trí, chẳng ai còn muốn bới ra nữa , lúc đó thằng Hàm tha hồ đi lại, muốn ở đâu
mặc xác nó. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đang còn mới quá, chỉ một lá đơn gửi
thẳng lên ban Bí thư tố cáo là nó rũ tù ngay và đương nhiên là cả ông lẫn bà
không tránh khỏi đòn trừng phạt của luật pháp.
Cả hai ông bà còn đang phân vân chưa biết tống khứ thằng
"con trời" vào đâu, bất chợt cửa phòng bật mở , thằng Hàm cằm bạnh lù
lù xông vào. Nó chẳng thèm ngó ngàng gì tới ông Sáu Thượng, người bố trên danh
nghĩa mà quay sang mẹ đẻ mè nheo :
" Mẹ...đưa tiền cho con đi
nhảy...nằm mãi ở nhà buồn đến chết..."
Ông Sáu Thượng trợn mắt :
" Mày có biết mày đang là tội phạm giết người trốn tránh
pháp luật , chỉ cần thò mặt ra là cảnh
sát còng tay mày liền ?"
Thằng "con trời" vênh mặt :
" Giết người hồi nào ? Chứng cớ đâu ? Biên bản đâu ? Bố
chỉ được cái lo hão..."
Ông Sáu Thượng nổi cáu :
" Mày bảo tao lo hão hả ? Vậy mày có biết cái xác con bé
ấy vẫn còn chôn trong trong nhà này không ? Mày không sợ sẽ có ngày người ta
khai quật xác nó lên và lôi mày ra bắt đền tội hả ?"
Thằng cằm bạnh vênh mặt :
" Làm gì có chuyện đó. Làm gì có đứa nào vào được nhà này và sao biết được xác con bé chôn ở
trong nhà . Trừ ra..."
Nó nói lấp lửng rồi im bặt. Ông Sáu Thượng nóng mắt :
" Mày nói trừ ra cái gì kia..."
Thằng Hàm cằm bạnh cười khẩy :
" Trừ ra chính ông đi tố cáo..."
" Bốp", ông Sáu không kìm được , tát lên má thằng con
riêng mất dậy của bà vợ.
Thằng cằm bạnh lăn ngay ra la hét ầm ĩ . Dường như nó cố tình
làm ầm lên để chứng tỏ sự có mặt của nó trong ngôi nhà này vậy. Bà vợ ông Sáu
Thượng vội vã đóng kín các cửa dỗ dành nó không khác gì một đứa con nít.
“ Con cần tiền đi nhảy phải không ? Thôi được rồi, mẹ sẽ đưa
ngay tiền cho con, nhưng con phải hiểu là hiện nay con đang phải đi trốn. Sự
việc con gây ra vẫn đang được giấu kỹ, tuy thế nếu con lộ mặt ra rất có thể mọi
chuyện sẽ vỡ lở . Lúc đó bố mẹ cũng đành bó tay không cứu nổi đâu…”
Thằng con trai quí tử dường như vẫn còn biết sợ, nghe mẹ nói
vậy, nó thôi la hét, chẳng nói chẳng rằng nằm ngửa ra giường, quay mặt vào
trong tường. Bà nhẹ nhàng kéo tay ông ra khỏi phòng, khép cửa lại, nói khẽ :
“ Ong đánh nó làm gì. Ong còn lạ gì cái tính cục cằn từ nhỏ của
nó. Đến ngay cả tôi cũng không dám chọc giận nó. Cái thằng này một khi đã nổi
sùng lên thì đến ông trời nó cũng chẳng ngán…”
Ong Sáu Thượng chán ngán :
“ Bà cứ chiều thế , nó được
đằng chân nó lân đằng đầu , mai mốt rồi nó đốt cả nhà cho coi…”
Ong bỏ về phòng riêng mặc bà trở lại với thằng con trai mất nết
của bà. Nhớ lại đồng chí cán bộ cao cấp trong Ban tổ chức ngày xưa ông càng
thấy sao thằng cằm bạnh giống bố nó đến thế
? Thật cứ y như tuy ông đã chết từ hơn
hai mươi năm nay nhưng dòng máu hung hãn
của ông đã truyền sang chảy trong quyết quản của nó. Ngày xưa thời tiền cách
mạng đồng chí cán bộ cao cấp thực ra là con hoang của một con mẹ nặc nô, chuyên
sống bằng nghề đi đòi nợ thuê, sắn sàng lăn ra nằm vạ ngay giữa đường giữa chợ,
chửi bới, doạ nạt , thề thốt cốt sao con nợ phải suỳ tiền ra . Bà con buôn bán
trong cái chợ huyện nửa tỉnh nửa quê ấy chẳng ai dám rây với mụ ta và tránh mặt
như tránh quan ôn. Chẳng hiểu sao mụ đi
đâu biệt tích, hơn hai năm sau mới thấy
mụ xuất hiện trở lại, trên tay có bế một
thằng con trai – nó chính là đồng chí cán bộ cao cấp, bố thằng Hàm bây giờ. Hai
bố con giống nhau như hai giọt nước, chỉ khác một điều là thằng Hàm thì biết ai
là bố, còn đồng chí cán bộ cao cấp thì không ? Không nhớ nổi bao nhiêu người
đàn ông đã đi qua đời mụ nặc nô đòi nợ đó, và ai là bố đứa con chui ra từ trong
bụng của mụ. Năm nó lên mười thì mẹ nó
chết trong một trận ẩu đả. “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” – cái nghề rạch mặt kêu
làng đã đưa mụ tới chỗ chết. Một con nợ không chịu nổi những lời chửi bới độc
địa của mụ đã xỉa vào ngực mụ một nhát dao khiến mụ lìa đời không kịp trăng
trối. Thằng con mụ lớn lên lại kế nghiệp
mụ, sống la liếm ngoài chợ và lại “rạch mặt kêu làng” đi đòi nợ thuê cho thiên
hạ.
(còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét