Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Cái chết của ông Hoàng đế Đỏ (hết)

Đầu năm nói chuyện "chết chóc"  thì  không hay. Nhưng vì câu chuyện đang dang dở; mặt khác người Việt Nam có câu "sinh dữ, tử lành" và đây lại là cái chết của "Hoàng đế đỏ" nên người sưu tầm vẫn mạnh dạn Post lên K13toan6872

Cay Rademacher
Phan Ba dịch

Thứ tư, ngày 6 tháng 10, Trung Nam Hải. Giang Thanh và ba người trung thành nhất với bà ấy trong Bộ Chính trị – Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn – được Hoa Quốc Phong triệu tập vào gian sảnh Huairen vào lúc 20 giờ. Người ta nêu lý do là sẽ có một cuộc họp của Bộ Chính trị để bàn về việc xuất bản quyển thứ năm của Mao Toàn tập.
Thực ra đấy là một cái bẫy.
Sau cái chết của Mao, phần lớn thành viên của Bộ Chính trị đã vứt bỏ sự tôn trọng Giang Thanh một cách mù quáng và ít nhiều đều thể hiện sự coi thường bà ấy. Người vợ của viên Chủ tịch cảm nhận được rằng bà ấy nhanh chóng mất đi ảnh hưởng. Lúc trước, các vụ việc tước quyền, bắt bớ và xử tử do bà ấy yêu cầu chỉ được tiến hành vì có những tổ chức do Mao ủy quyền, ví dụ như Hồng Vệ Binh của Cách mạng Văn hóa, đội thực hiện các khẩu hiệu của Giang Thanh một cách tận tâm. Thế nhưng bây giờ Hồng Vệ Binh đã bị đày về vùng nông thôn và cảnh sát thì do Hoa Quốc Phong kiểm soát.
“Quyền lực chính trị đến từ nòng súng!” Tất cả các quan chức cao cấp mà ngoài ra thì thù địch với nhau đều đồng ý với câu nói nổi tiếng đấy của Mao. Câu hỏi chỉ là: từ những nòng súng của ai?
Hay chính xác hơn: ai có thể bắt giam ai trước hết?
Giang Thanh và những người theo bà hy vọng trước hết là ở lực lượng dân quân: một tổ chức bán quân sự có tròn 100 triệu nam nữ – công nhân, nông dân, nhân viên, sinh viên –, những người mà ĐCS có thể động viên vào bất cứ lúc nào. Thế nhưng không thể tổ chức lẫn trang bị vũ khí một cách đàng hoàng cho một đạo quân 100 triệu người trong một thời gian ngắn được.
Hoa Quốc Phong và người sếp an ninh thì ngược lại dựa trên 3,5 triệu người lính của quân đội chính quy. Họ thố lộ kế hoạch của họ cho người nguyên soái già Diệp Kiếm Anh, mắc chứng bệnh Parkinson, nhưng được kính trọng cả ở trong lẫn ngoài quân đội. Người quân nhân già nua, cũng là thành viên của Bộ Chính trị, đồng ý.
Vào tối đó, Hoa Quốc Phong và người nguyên soái già chờ đợi nạn nhân của họ, trong khi Uông Đông Hưng với những người lính được lựa chọn từ quân đoàn 8341 của ông ấy ẩn nấp.
Trương Xuân Kiều vào điện Huairen đầu tiên. Cận vệ và thư ký của ông ấy bị viện cớ tách ra, rồi người ta bắt ông ấy trong gian phòng của Bộ Chính trị. Ông ấy không chống cự.
Vương Hồng Văn đến vài phút sau đó, phản đối, khi nhìn thấy những người lính, tuyệt vọng chống cự không lâu, rồi sự phản kháng của ông ấy cũng bị bẽ gãy, cả về thân thể lẫn tinh thần. Ông ấy để mặc cho dẫn đi.
Nhưng Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên không đến. Không ai trong những người âm mưu biết được họ đang làm gì trong khoảng khắc đấy. Họ đã được cảnh báo trước? Họ cũng chuẩn bị lật đổ về phía họ?
Hoa Quốc Phong căng thẳng chờ cho tới 22 giờ, rồi ông ấy gửi lính của đoàn 8341 đến nhà của hai người đó. Những người đàn ông bao quanh nhà, xông vào – và hoàn toàn không gặp sự chống cự.
“Tôi đã tiên đoán trước cái ngày này từ lâu rồi”, Giang Thanh nói, mặc dù bà ấy bị bất ngờ cho tới mức bị bắt từ trên giường.
Vào thời gian đó tại những địa điểm khác trong Bắc Kinh, các đơn vị đặc nhiệm bắt giữ 30 đến 40 cán bộ ĐCS cao cấp khác, trong đó có cháu trai của Mao. Chiến dịch trong đêm đó, mà nạn nhân là toàn bộ chóp bu phe tả cực đoan của Đảng, bí mật cho tới mức ngay đến các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng không biết gì về việc đấy.

Những người Mao–ít cực đoan đã thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực chống lại Hoa Quốc Phong trung hòa hơn, người lôi kéo được quân đội về phía mình. Tất cả họ đều lĩnh những bản án nặng, người vợ góa của Mao tự tử năm 1991. Ảnh: GEO Epoche
Những người Mao–ít cực đoan đã thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực chống lại Hoa Quốc Phong trung hòa hơn, người lôi kéo được quân đội về phía mình. Tất cả họ đều lĩnh những bản án nặng, người vợ góa của Mao tự tử năm 1991. Ảnh: GEO Epoche
Đấy không chỉ là đỉnh cao của một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng. Lần bắt bớ bí mật, tàn bạo và hiệu quả này quyết định số phận của gần một tỉ người, vâng, có thể là của cả Trái đất.
Nếu Giang Thanh và phái cánh tả cực đoan của bà ấy thắng thế, thì điều đấy có thể sẽ dẫn đến một tái bản của cuộc Cách mạng Văn hóa và qua đó là đến nội chiến – với những hậu quả không thể đoán trước được cho các nước khác, vì cuối cùng thì Trung Quốc cũng là một cường quốc nguyên tử.
Vào sáng hôm sau, các thành viên của Bộ Chính trị bất ngờ bị Hoa Quốc Phong đặt trước những sự việc đã rồi, và họ đủ khôn ngoan để đồng ý mà không chống đối. Vì ai trong số họ cũng đều biết rằng nếu không thì họ có thể sẽ bị bắt. Trong những ngày sau đó, giới công khai từng bước biết được vụ lật đổ – Hoa Quốc Phong củng cố quyền lực của mình càng tốt thì ông ấy càng để cho truyền ra ngoài nhiều hơn.
Đầu tiên, Đảng loan báo ngắn gọn vào ngày 8 tháng 10, rằng Hoa Quốc Phong đã nhận lấy trách nhiệm xuất bản bộ Mao Toàn tập. Điều đọc giống như là một ghi chú, nhiều nhất là chỉ đáng để cho các nhà ngữ văn quan tâm đến, trong thực tế có nghĩa là từ bây giờ Hoa chứ không phải Giang Thanh sẽ giảng giải các tác phẩm của Mao và qua đó có thể sử dụng những từ ngữ của người Chủ tịch được xem như thượng đế vào trong cuộc đấu tranh chính trị.
Vào ngày 9 tháng 10, một tờ báo tường ở Bắc Kinh lần đầu tiên gọi Hoa là “Chủ tịch Quân ủy” và của Trung ương Đảng – mặc dù TƯ còn chưa hề họp lại và thật ra là phải bổ nhiệm ông ấy đã.
Ngày sau đó – một ngày chủ nhật – có tin đồn về những vụ bắt bớ các quan chức cao cấp, những tờ báo lớn cảnh báo một cách mơ hồ về “Chủ nghĩa Xét lại và Ly khai.” Vào ngày 11 tháng 10, đại diện ngoại giao do an ninh Trung Quốc lựa chọn ra bắt đầu được phép đưa cho nhân viên của các đại sứ quán Phương Tây những thông tin không chính thức về vụ lật đổ đấy. Khi có những tờ báo tường ủng hộ Giang Thanh xuất hiện ở Thượng Hải, chúng bị nhanh chóng xé xuống. Cảnh sát và quân đội hiện diện nhiều hơn là bình thường.
Vào ngày 13 tháng 10, tất cả các hình ảnh của Giang Thanh đều biến mất ra khỏi các cửa hiệu của Bắc Kinh, thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã không đưa ra ảnh của bà ấy nữa. Đài phát thanh Bắc Kinh bất ngờ tường thuật về một vụ việc mờ ám từ năm 1935 mà trong đó Mao nhờ vào quân đội để chống lại những kẻ lầm đường trong Đảng.
Vào ngày 15 tháng 10, ở Bắc Kinh và Vũ Hán xuất hiện những tờ báo tường tố cáo Giang Thanh và những người theo bà ấy đã dự định ám sát Hoa Quốc Phong cũng như âm mưu đảo chính. Một chiến dịch kích động chưa từng có bắt đầu, cả trong truyền hình và trong tất cả các tờ báo lớn (khắp nơi đều có tổng biên tập mới).
Từ ngữ “Tứ Nhân Bang” [Bè lũ bốn tên] ám chỉ Giang Thanh và những người đồng minh thân cận nhất của bà ấy trong Bộ Chính trị (được Mao sử dụng lần đầu tiên năm 1975 trong một lá thư mật) xuất hiện trong giới công khai.
Bốn người bị bắt giữ này – và cả sau khi chiến dịch bắt đầu cũng không công khai biết được điều gì về số phận của họ cả – trong lúc đó đang ngồi trong phòng biệt giam ở khu “19 tháng 5″, một công sự khổng lồ dưới Thiên An Môn.
Khu bí mật khổng lồ này có nhiệm vụ tiếp nhận các quan chức chóp bu và giới quân đội cao cấp trong trường hợp xảy ra chiến tranh nguyên tử, thế nhưng bây giờ thì các tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của Trung Quốc đang bị bắt giam ở đó – điều mỉa mai là chỉ cách Mao có vài mét. Xác chết ông ấy sau tuần lễ trưng bày công khai đã được bí mật mang vào bệnh viện của công sự, nơi bây giờ nó được xử lý nhiều tháng trời.
Thứ hai, ngày 18 tháng 10, Thượng Hải. Các ngôi nhà phô trương cạnh con đường đi dạo dọc theo sông, các ngân hàng, khách sạn và câu lạc bộ xưa cũ, bây giờ đã xuống cấp. Vữa bong ra từ những mặt tiền Tân Hy Lạp, cửa sổ giả kiểu thành Tudor bị đóng kín bằng ván. Và tuy vậy, thành phố lớn mười một triệu dân này vẫn còn là trung tâm công nghiệp và thương mại của Trung Quốc –– và thành trì của Tứ Nhân Bang: nếu như những người theo họ chống cự lại ở đâu đó và có thể gây ra cuộc nội chiến mà Chu Ân Lai đã lo sợ, thì đấy là ở Thượng Hải.
Bầu không khí căng thẳng. Quân lính từ tất cả các miền của đất nước được chuyển vào trong thành phố. Theo chỉ thị của Bắc Kinh, Đảng đã tổ chức những cuộc biểu tình ủng hộ Hoa và chống lại Tứ Nhân Bang. Hai đến ba triệu người kéo xuyên qua thành phố và hô lớn theo nhịp: “Đả đảo Giang Thanh!”.
Khắp nơi ở trên tường hay trên những chiếc chiếu được dựng lên cho việc này đều treo những tờ báo chữ to mà trên đó Giang Thanh và những người theo bà bị biếm họa nhưng những con rắn bị hầm trong chảo, tên bị viết đảo ngược lại và bị gạch ngang bằng mực đỏ – giống như bằng máu.
Giang Thanh bây giờ là một con điếm và nữ hoàng, Vương Hồng Văn là một kẻ kiêu ngạo tiêu xài phung phí. Có những lời lên án tương tự như thế cho rất nhiều quan chức địa phương. Khi một người đàn ông trẻ xé những bài viết phỉ báng ấy xuống, anh ấy bị đám đông hành hung.
Mặc cho những lần cố gắng kích động và những cuộc biểu tình kéo dài, sự căng thẳng tan biến nhanh chóng. Trẻ em chạy theo sau, các cửa hàng trên đại lộ Nam Kinh bất thình lình có nhiều hàng hóa để bán, lôi kéo người đến xem và khách mua hàng. Các cuộc biểu tình chống Tứ Nhân Bang bắt đầu mang tính lễ hội nhân dân.
Các cán bộ cao cấp nhẹ nhỏm, Thanh Giang nhất định đã thua cuộc rồi.
NHƯNG MÃI BỐN NĂM SAU ĐÓ, trong mùa Đông 1980/81, Tứ Nhân Bang và sáu người theo họ nổi tiếng nhất mới bị mang ra xử. Mười bị cáo bị lên án là đã “truy nã cho tới chết” 34.800 người trong thời gian của cuộc Cách mạng Văn hóa, “phỉ báng” thêm 729.511 người nữa.
Lời buộc tội này tuy cũng hợp lý, thế nhưng nó không thể làm thay đổi gì về việc, rằng vụ xét xử này đã trở thành một màn kịch mà trong đó đặc biệt là Giang Thanh vẫn không chịu khuất phục tuy đã bị giam giữ nghiêm ngặt nhiều năm liền và chửi rủa những người lên án bà là “phát xít” và “thành viên của Quốc Dân Đảng”.
Người vợ góa của Mao bị tuyên án tử hình, cũng như Trương Xuân Kiều; hai thành viên còn lại của Tứ Nhân Bang nhận án nặng. Sau đấy, người ta chuyển giảm án tử hình thành tù chung thân. Thế nhưng cả bốn người đều được trả tự do trước khi chết. Giang Thanh, đơn độc và cay đắng, tự tử năm 1991.
Chỉ một năm sau cái chết của Mao, Đặng Tiểu Bình đã được phục hồi nhờ vào sự giúp đỡ của viên chỉ huy quân đội nhiều quyền lực của tỉnh Quảng Đông và trở về Bắc Kinh. Ngược lại, thanh thế Hoa Quốc Phong lu mờ – điều ngược đời là cũng bởi vì màn kịch xử án chống “Tứ Nhân Bang”, việc không những làm mất uy tín của Giang Thanh và những người theo bà ấy mà cả Chủ nghĩa Mao nói chung.
Cho tới 1981, Đặng có thể đẩy những người cạnh tranh của ông ấy ra khỏi tất cả các chức vụ quan trọng mà không dẫn đến bắt bớ hay đấu tranh. Hoa mất chức vụ chủ tịch đảng, thủ tướng và chủ tịch quân ủy, nhưng vẫn được phép giữ chỗ đứng của ông ấy trong Trung ương Đảng.
Đại đa số đảng viên đi theo đường lối của Đặng mà không hề càu nhàu, vì họ muốn cắt đứt với cuộc Cách mạng Văn hóa đầy bất hạnh một cách kiên quyết hơn nữa, hơn là có thể với một nhân vật tạm thời như Hoa.
Trong 15 năm sau đấy, Đặng bây giờ trở thành người thống trị Trung Quốc. Trong lúc đó, ông ấy đủ khôn ngoan để không thu tóm tất cả các chức vụ quan trọng về cho mình, mà phân bổ những người trung thành vào đó: Triệu Tử Dương trở thành thủ tướng, Hồ Diệu Bang tổng bí thư Đảng. Tuy vậy, viên quan chức nhỏ người, bị lật đổ hai lần Đặng Tiểu Bình thật ra vẫn trở thành người kế nhiệm Mao.
Và ông ấy có nhiều dự định với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét