Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Tản mạn về thơ


Thân mến gửi nhà thơ đồng hương Ứng Hòa yêu dấu quê tôi, Keng C.V. , và nhà thơ đồng khóa k13  Cương K.N. Cũng là bài viết trả lời email ngày 28/04/2012 của bác Keng C.V.

Tôi đọc thơ Keng C.V. ngay từ ngày đầu xuất hiện trên blog k13toan6872.  Phải nói  thực là một  bất ngờ lớn. Một cựu SV toán làm thơ, tuy bắt đầu khá muộn (như giới thiệu trên trang “lục bát” http://lucbat.com/index.php?tab=news&id=9922),  nhưng có những bài thơ hay,  có những câu  “tuyệt cú” xếp loại kinh điển, nghĩa là có thể lấy làm ví dụ mỗi khi nói về cái hay của thể thơ lục bát 
 
“Hoàng hôn dần lịm nắng vàng
Màn đêm buông xuống gọi làn sương rơi”

Ngay khi đọc bài thơ “Tìm em” mở đầu với hai câu này tôi đã thấy Keng C.V. xứng đáng được gọi là nhà thơ. Tôi nhớ đã lập tức nhấn chuột viết ngay một “comment” lúc đó, nhưng do trục trặc, phải đăng ký gì đó nên không thành công, thành ra lời bình để nợ lại đến bây giờ !
Ứng Hòa quê tôi và Keng C.V cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt (như ai !) ngày xưa có các cụ Dương Khuê (Vân Đình), cụ Nguyễn Thượng Hiền, cụ Bùi Bằng Đoàn, và gần đây là Bùi Tín, Nguyễn Quang Thiều, đều chính người Liên Bạt (cũng nói thêm tôi thích cái tên nôm thuần Việt “làng Bặt” hơn cái tên chữ Liên Bạt) . Tác giả “Thời của thánh thần” chắc cũng là người Ứng Hòa vì bất cứ ai khi đọc tác phẩm này cũng đều nhận ra những tên làng, tên xã quen thuộc của Ứng Hòa dù tác giả đã chủ ý “hư cấu” đi.  Keng C.V. chắc chắn được kế thừa tinh hoa đó (và tôi cũng được thơm lây !).

Trở lại với thơ, trước khi nói về thơ Keng C.V , tôi muốn tâm sự đôi điều quan niệm về thơ  nói chung. Tôi còn nhớ cách đây bốn mươi năm có lẻ, thời tiền SV, tôi rất ham đọc sách và cũng yêu thơ như bất cứ học sinh phổ thông nào. Tôi có đọc bài của Chế Lan Viên trong phần mở đầu giới thiệu tập thơ Tố Hữu. Đây là bài luận về thơ ca mà tôi rất tâm đắc, chả thế mà các ý chính còn nhớ mãi đến bây giờ.
Theo Chế, làm thơ là đi giữa hai bờ vực, đó là “ý” và “nhạc”. Xin nhấn mạnh rằng “nhạc” chứ không phải “vần”. Sa xuống vực “ý” thì bài thơ thành một cái xác khô. Sa xuống vực “nhạc” thì bài thơ thành “ma-nơ-canh” mặc áo đẹp mà vô hồn. Một bài thơ hay là vừa có ý hay vừa có nhạc đẹp. Mà cái ý ấy lại phải là “ý tại ngôn ngoại” không nói toạc ra (thế còn gì là thơ nữa), người đọc cảm nhận đâu đó giữa hai dòng chữ.

“Em bảo anh đi đi
Sao anh không ở lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay”


Nhạc của bài thơ tự nó vang lên, chả thế mà những bài thơ hay chỉ đọc một lần là thuộc.
“Chiều nay dưới bến xuôi đò
Bâng khuâng qua cửa tò vò nhìn nhau
Ai đi đó, ai về đâu
Cánh buồn nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm …”

Bài thơ hay là tạo phẩm hoàn mỹ. Có lẽ đây là điểm chung giữa Toán và Thơ chăng. Toán học theo đuổi cái đẹp lý tưởng hóa, những điều mà Toán học nghiên cứu, những thứ như “điểm”, “đường thẳng”, “mặt phẳng” hay “vô cùng lớn”, “vô cùng bé” đều không có thực trong cuộc đời. Và để nói “A đúng” đôi khi nên nói rằng “ ¬A là sai đấy”. Vậy thì thơ Keng C.V. hay cũng không có gì là lạ !
Theo cách nhìn của tôi như đã nói trên, có thể chia các tác phẩm gọi là thơ ở VN làm 3 hạng: hạng “văn vần” (khá nhiều), hạng “cũng gọi là thơ được” (chiếm phần lớn), và hạng “xứng đáng gọi là thơ” (không nhiều). Điều này tôi cho là tự nhiên thôi, vì bài thơ hay là đúc kết những thăng hoa cảm xúc, những nỗi niềm đau đáu, đến phút xuất thần thành lời thành nhạc. (Tinh hoa phát tiết liên tục thì có mà “đi mua quan tài sớm” như các tác giả bài thơ con cóc mà Keng C.V. đã bình luận !).

Phải nói rằng tôi cũng làm thơ, từ khá sớm nhưng không nhiều, và cũng có đôi bài mà tự mình cho là hay. Tôi cũng biết rằng bài thơ hay nhất là với tác giả của nó. Không phải vì nguyên nhân “con mình mang nặng đẻ đau” mà chính là do tác giả rung cảm hơn ai hết với những ý tứ sâu xa nằm sau con chữ, người ngoài làm sao mà biết đến, mà cảm được. Cứ lấy ngay bài viết của Keng C.V. về bài thơ “Tìm em” thì rõ.
Bây giờ xin “bình” thơ Keng C.V. Những bài thơ viết về quê hương (Ứng Hòa của chúng ta !) đều hay vì nó là rung cảm thực sự của người con xa quê khi nhớ về thôn xóm mình.

Làng tôi lam lũ bao đời,
không buôn không bán trọn đời lúa khoai.
Xa quê lòng dạ nguôi ngoai,
chất quê đọng mãi, mệt nhoài nắng mưa
hay

Về quê tìm lại nhọc nhằn
Ngọt ngào thì ít, gian truân thì nhiều...
Và tôi thích nhất hai câu đầy phong vị ca dao:

Trở trời gió đổi heo may
Áo em cài lại thế này... đi em...


Tuy nhiên không phải không có sạn:

Về quê tìm lại lỗi lầm
Heo may thức tỉnh…dấn thân dại đần


Nhưng yên tâm đi Keng C.V. ạ. Cái nhìn của tôi, có phần cực đoan như nói trên. Cựu SV Toán mà bình thơ, “được đấy” đã là lời khen tột đỉnh rồi. Ngay như tuyệt phẩm “Em bảo anh đi đi …” tôi vẫn ước rằng giá khổ thơ tiếp theo ngang tầm hoặc hay hơn khổ thơ đầu tiên thì mới thực là hoàn mỹ.
“Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em”



Tôi vẫn đồ rằng người dịch bài thơ này chưa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật dịch mà thôi.

Hà Nội  30/04/2012
Nguyễn Đình Hóa

P.S. Xin lỗi bác Cương K.N và hẹn sẽ “bình” thơ Cương K.N. một dịp khác.

1 nhận xét: