Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

KỶ NIỆM VỚI DUY NÁO (Cương KN)




Kỷ niệm với anh Nguyễn Duy Náo hay một thời để nhớ

Trong lần gặp mặt kỷ niệm 40 năm ra trường vừa qua tại Huế, tôi được gặp lại một số anh chị xa cách đúng 40 năm như chị Thanh Nhàn, các anh Phí Quang Trung, Trần Văn Bốn, Hoàng Thiên Hiển, Nguyễn Duy Náo. Với các anh chị này (trừ anh Phí Quang Trung thì hơi bị “lão”), khi gặp lại tôi cảm giác các anh chị vẫn như xưa, chẳng có gì khác lạ, vẫn nhiệt thành cởi mở. Có chăng chỉ là sự từng trải thay cho nét vô tư của 40 năm về trước.
Trong số các anh chị trên tôi có kỷ niệm sâu sắc với anh Nguyễn Duy Náo vào năm thứ nhất, khi K13 Toán ở Ba Trang (Đại Từ - Thái Nguyên).

Năm ấy, chiến tranh đã lan rộng ra cả miền Bắc. Khó khăn, thiếu thốn, gian khổ giai đoạn này có lẽ lên đến đỉnh đối với cả nước. Được vào học Đại học là một vinh dự và cũng là một ân huệ lớn mà nhân dân dành cho lứa sinh viên thời kỳ này. Năm này, lần đầu tiên Nhà nước cấp học bổng toàn phần cho mọi sinh viên học Đại học (18 đồng - tiền lúc đó, nộp 15 đồng tiền ăn, vẫn còn 3 đồng để tiêu vặt). Nếu như không có sự ưu ái này của Nhân dân, của Nhà nước chắc có lẽ không ít người đủ điều kiện kinh tế để theo học vì hầu như mọi sinh viên đều từ những gia đình nghèo nhập học (đặc biệt khó khăn là các anh chị từ trong khu 4 cũ ra). Hành trang khi lên trường chỉ là chiếc ba lô gọn nhẹ với vài bộ quần áo cũ, cái màn, chiếc chăn mỏng, một cái bát sắt dùng để ăn cơm giống như của bộ đội (mọi người quen gọi là bát B52 - tôi không rõ tại sao lại có cái tên này).

Anh Náo và tôi khác Tổ học tập nhưng lại ở cùng lán. Lán có 4 gian ngăn cách nhau bằng phên nứa trát bùn trộn rơm. Tôi ở gian đầu hồi phải, còn anh náo ở gian đầu hồi trái. Khi mới lên trường, mọi sinh viên đều lao động hai tháng, đi rừng lấy gỗ nứa, dựng lán, làm giường để có chỗ sinh hoạt.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi phía Bắc, cái giá lạnh đã đi vào thơ ca của Tố Hữu: “rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”. Mùa đông năm ấy lại càng lạnh, có lẽ do đã quen sống ở đồng bằng nay mới được hưởng “đặc sản” của miền núi chăng?
Tôi lên trường mang theo áo ấm chỉ là chiếc áo sợi đã cũ, chiếc chăn chiên Nam Định đã sờn. Đêm mùa đông đi nằm mặc cả áo sợi, đắp chăn mà vẫn lạnh buốt, suốt đêm không thể nào ngủ được vì không đủ ấm. Anh Náo còn khổ hơn, anh chỉ có manh áo sợi và mảnh vải dù để đắp.





Sau mấy ngày thử thách thấy không chịu đựng được giá rét, anh Náo và tôi đã “kết hôn”, quyết định ngủ chung. Quả thật là những ngày “trăng mật” rất dễ chịu vì hai cơ thể sưởi ấm cho nhau, giá buốt phải quy hàng nên tôi ngủ ngon từ khi đặt mình cho đến sáng mới tỉnh giấc (còn anh Náo những ngày này có ngủ ngon không thì tôi không biết?).
Nhưng được khoảng nửa tháng, trên cơ thể tôi bắt đầu xuất hiện những chấm đỏ thành hình đồng xu, ngứa ngáy khó chịu, càng gãi càng ngứa, gãi cho đến khi tứa máu ra mới hả cơn ngứa. Thấy tôi cứ luôn tay “gẩy đàn”, các anh cùng nhà phát hiện ra tôi bị hắc lào. Hóa ra tôi bị lây hắc lào từ anh Náo. Từ đấy, giấc ngủ của tôi không còn ngon lành như “tuần trăng mật” được nữa. Lục sục, suốt đêm, hết tôi lại đến anh Náo thay nhau gãi hắc lào. Mà báo hại, cái giống hắc lào cứ khi nào nằm trong chăn càng ấm thì cơn ngứa càng tăng. Bấy giờ tôi cũng không thể “ly thân” với anh Náo được nữa, bởi ly thân thì cả hai cùng có hai nỗi khổ: vừa bị “ngứa” vừa bị “lạnh lùng”. Thôi thì đành chấp nhận “sống chung với lũ” để được ấm lòng nhau.

Sau đấy, tôi đã có một cuộc “điều tra mẫu”, thì được biết tỷ lệ các anh trong lớp bị hắc lào không phải là nhỏ. Kết quả cuộc điều tra càng được khẳng định khi tôi lên Trạm Y tế của Khoa xin thuốc. Cô Y sĩ của Khoa (bây giờ phải gọi là Cụ) có nói: cứ thấy sinh viên lên Trạm Y tế là y như rằng chỉ có “ghẻ lở, hắc lào!”.
Tôi không biết các chị em trong lớp có nhiều người bị hắc lào không? Nhưng đoan chắc rằng: ít nhất cũng có vài chị, bởi tôi có để ý khi đứng nói chuyện với các anh, có những chị nét mặt bồn chồn, khó chịu, hai tay cử động đưa ra thụt vào như định làm một cái gì đó và nhanh chóng kết thúc câu chuyện mà lẽ ra còn có thể kéo dài cho thêm phần mặn mà.
Có thể các chị ít bị hắc lào hành hạ nhưng các chị lại bị “khổ nạn” khác. Ấy là bệnh chấy. Tôi đã từng thấy các chị ngồi bắt chấy cho nhau. Mỗi lần bắt được một chú chấy lại đưa lên miệng cắn đến “bẹp” một tiếng, hả hê như vừa triệt hạ được một kẻ thù không đội trời chung.

Đúng là mọi cái khổ dồn về một lúc. Đói ăn, thiếu mặc, bệnh ngoài da và côn trùng hành hạ là “đặc trưng” của lứa sinh viên ngày đó. Nhưng thực sự đó lại là một thời hạnh phúc trong hoàn cảnh chiến tranh, khi bao nhiêu người phải đổ ra chiến trận.
Gặp lại anh Náo, anh có hỏi tôi về anh Bảo (cùng Tổ với anh Náo). Tôi sực nhớ: năm thứ nhất, anh Bảo rất hay kể chuyện về cô em gái của mình tên là Diễm. Mỗi lần anh Bảo nói về Diễm thì mắt anh Náo sáng rực, đam mê câu chuyện như nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Thế rồi, khi về Hà Nội học, anh Náo thường xuyên đến nhà anh Bảo (ở phố Hòa Mã) chơi. Mỗi lần đến nhà anh Bảo về anh Náo lại rẽ vào nhà tôi chơi vì nhà tôi nằm trên đường đi từ Thượng Đình về Hòa Mã. Những lần như thế, anh Náo say sưa kể chuyện về Diễm, có lẽ cũng ngang ngửa như Trịnh Công Sơn nói về “Diễm của Trịnh” vậy. Tiếc rằng, tình cảm của anh Náo với Diễm, em gái anh Bảo chưa đến hồi “đi nhà nghỉ” ( theo ngôn ngữ thời @ ) thì anh Bảo đi bộ đội và anh Náo thì vào Thông tấn xã Giải phóng (đi B).

Nhân câu chuyện về anh Bảo, anh Náo có nói với tôi anh đang có ý định viết một Truyện dài với nhân vật trung tâm là Diễm. Chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta sẽ được đọc cuốn truyện ấy với bút danh Thành Vinh.
Khi chia tay để về Hà Nội, anh Náo tha thiết nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi của anh đến anh Bảo và em gái Diễm. Tôi nhiệt tình nhận lời. Nhưng “khốn khổ” cho tôi: từ khi anh Bảo đi bộ đội rồi quay về học tiếp, sau đó đi dạy Đại học Thủy lợi cho đến nay tôi chưa một lần gặp lại. Không biết anh Bảo bây giờ nhà ở đâu mà đến chơi và chuyển lời thăm hỏi nặng tình ấy.
Nếu Bài viết này đến tai anh Bảo thì xin anh Bảo có mặt trong lần gặp mặt đầu năm tới của Lớp để giúp tôi hoàn thành “nhiệm vụ” anh Náo giao. Không thì anh đáng trách lắm, anh Bảo ạ.

Kim Ngọc Cương


(BBT- 15/5/2012 - Chú thích: Các ảnh minh họa là do BBT đưa vào)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét